Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa tổ chức Hội nghị tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (ĐH, CĐ, TCCN) năm 2011. Theo đó, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN năm nay về cơ bản giữ ổn định, không có thay đổi lớn so với những năm trước. Nét mới đáng chú ý nhất là điều chỉnh thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi và bỏ quy định nộp hồ sơ trúng tuyển khi thí sinh nhập học.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Hàng hải trong giờ học chuẩn bị cho mùa thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học sắp tới Ảnh: Minh Hải |
Tiếp tục thi 3 chung, 3 đợt, 4 môn trắc nghiệm
Năm 2011, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN vẫn duy trì phương thức 3 chung với 3 đợt thi. Đợt 1: thi khối A, V (ngày 4 và 5-7); đợt 2: thi khối B, C, D (ngày 9 và 10-7) và đợt thi cho các trường CĐ (15 và 16-7). Các môn toán, văn, lịch sử, địa lý thi theo hình thức tự luận; các môn vật lý, hóa học, sinh học, ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm. Đề thi do Bộ GD-ĐT ra theo hướng bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đối với các trường tuyển sinh ngành năng khiếu, các môn văn hóa thi theo đề chung của Bộ GD-ĐT, các môn năng khiếu thi theo đề riêng của trường.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, Bộ GD-ĐT vẫn duy trì các cụm thi quốc gia như những năm trước: Cụm thi Vinh gồm các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại 4 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Cụm thi Bình Định tổ chức thi cho các thí sinh có hộ khẩu thường trú ở 7 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Cụm thi ở Cần Thơ tổ chức thi cho các thí sinh có hộ khẩu tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Riêng đối với tuyển sinh TCCN, năm 2011 tiếp tục phương thức xét tuyển trên cơ sở căn cứ kết quả học tập phổ thông hoặc kết quả thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ của thí sinh. Các trường có thể tổ chức nhiều đợt xét tuyển, tuyển sinh nhiều loại đối tượng theo chỉ tiêu đào tạo đã được phê duyệt.
Những điểm mới
* Tăng cường chế tài xử lý các vi phạm trong tuyển sinh: bổ sung hình thức phạt cảnh cáo đối với cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm một trong các lỗi: Gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường; thông báo nhận và kết thúc việc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh không đúng thời hạn quy định; hạ điểm trúng tuyển các nguyện vọng trái quy định; tính điểm sàn với điểm môn thi đã nhân hệ số.
* Nhận hồ sơ đăng ký dự thi muộn hơn 4 ngày so với năm 2010: Để hai ngày cuối của đợt nộp hồ sơ đăng ký dự thi theo tuyến của Sở GD-ĐT và theo tuyến của các trường ĐH, CĐ không trùng vào ngày thứ 7 và chủ nhật, dự kiến, hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi bắt đầu từ ngày 14-3 đến hết ngày 14-4 (theo tuyến của Sở GD-ĐT) và từ ngày 15-4 đến hết ngày 21-4-2011 (theo tuyến của các trường ĐH, CĐ). Cùng với hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh nộp luôn lệ phí tuyển sinh (80.000 đồng/hồ sơ). Với những trường có sơ tuyển, có môn thi năng khiếu sẽ nộp mức lệ phí sơ tuyển đối với các ngành năng khiếu: 100.000 đồng/hồ sơ (với tất cả các môn), sơ tuyển đối với các ngành khác: 40.000 đồng/hồ sơ (với tất cả các môn). Lệ phí dự thi năng khiếu: 200.000 đồng/hồ sơ (với tất cả các môn).
* Bỏ thủ tục nộp hồ sơ trúng tuyển: Để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy định nộp hồ sơ trúng tuyển khi thí sinh nhập học sẽ được bãi bỏ.
* Thí sinh nước ngoài không phải dự kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng: những thí sinh mang quốc tịch nước ngoài có nguyện vọng học tại các trường ĐH, CĐ Việt
Sớm công bố quy chế tuyển sinh năm 2011
Tại hội nghị, đại diện nhiều trường ĐH, CĐ kiến nghị việc quy định cứng về thời gian công bố điểm chuẩn và xét tuyển nguyện vọng (NV) 2, NV3 sẽ gây khó khăn cho các trường trong công tác tuyển sinh. Các trường đề nghị Bộ GD-ĐT không nên quy định phải giữ bí mật thông tin về hồ sơ xét tuyển NV2 đến thời hạn kết thúc nhận hồ sơ mà cần công khai thông tin đó để thí sinh có thông tin chọn lựa, tránh tiêu cực.
Vấn đề gửi kết quả cho các thí sinh đăng ký dự tuyển vào các trường không tổ chức thi, nhiều đại biểu đề nghị nên gửi kết quả thi của thí sinh trực tiếp về Sở GD-ĐT thay cho gửi về trường thí sinh đăng ký dự tuyển như trước. Nhiều đại biểu đề cập đến vấn đề được ưu tiên trong tuyển sinh đối với những ngành khó tuyển, đề nghị được nhận đề thi một lần, đề nghị chỉ đạo việc nhập dữ liệu tuyển sinh chính xác, sắp xếp hồ sơ theo đúng thứ tự danh sách tại các Sở… Ngoài ra, các đại biểu cũng kiến nghị cần có quy chế cho các môn thi trắc nghiệm tạo căn cứ, cơ sở rõ ràng để việc triển khai dễ dàng hơn. Để giải quyết những kiến nghị này, quy chế về tuyển sinh năm 2011 sẽ sớm được Bộ GD-ĐT ban hành. Riêng quy chế dành cho các môn thi trắc nghiệm sẽ được ban hành nhưng trên nguyên tắc khái quát, không đi vào cầm tay chỉ việc.
Thành Lê tổng hợp