13km trong 30 phút
Sáng sớm hôm qua (20/9), toàn bộ 13 đoàn tàu thuộc Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã chạy thử; xuất phát từ điểm đầu là ga Hà Đông đến điểm cuối ga Cát Linh. Theo ghi nhận, tàu chạy với vận tốc trung bình khoảng 35km/h và mất gần 30 phút để đi hết hành trình hơn 13km, tính cả mỗi ga đoàn tàu dừng 1 phút (tổng 12 ga). Mỗi đoàn tàu có 4 toa, dài 80m, sức chứa khoảng 1.000 khách. Mỗi toa dài khoảng 19m, rộng 2,8m, cao 3,8m.
Có khá đông người đi trên chuyến tàu chạy thử, đa số đến từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đơn vị vận hành và một số đơn vị liên quan. Người dân không được đi trên các chuyến chạy thử. Đa số những người tham gia đều cảm thấy an toàn, tàu chạy êm, ít rung lắc. Bên trong tàu, ngoài dãy hàng ghế ngồi ở hai bên còn có các thanh trụ và thanh treo để khách đứng có thể trụ vững. Hệ thống nhà ga được thiết kế nhiều tiện ích, gồm thanh cuốn, thang máy, bảng thông tin, hệ thống thông gió, hệ thống phòng cháy chữa cháy, camera giám sát an ninh...
Ông Vũ Hồng Phương - Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, sau khi chạy thử trong vòng 3 - 6 tháng, tùy vào kết quả chạy thử, Bộ GTVT sẽ quyết định thời điểm đưa tàu vào khai thác thương mại.
Hanoi Metro sẽ tiếp nhận, vận hành
Theo tìm hiểu của PLVN, đơn vị quản lý vận hành thương mại tới đây sẽ là Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), đơn vị trực thuộc UBND TP Hà Nội, có trụ sở tại đường Hồ Xuân Hương, quận Hai Bà Trưng. Trao đổi với PLVN, đại diện đơn vị này cho biết, việc vận hành chạy thử toàn tuyến đường sắt này hiện do tổng thầu Trung Quốc chịu trách nhiệm thực hiện. Thời điểm này, Hanoi Metro đã cử người đi đào tạo, tới đây khi học xong sẽ tiếp nhận và từng bước vận hành thay thế người Trung Quốc.
Như PLVN đã thông tin, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông từ khi khởi công xây dựng đến nay đã trải qua 3 đời Bộ trưởng Bộ GTVT, và từng được dư luận cả nước biết đến là một dự án đầy tai tiếng do chậm tiến độ, vi phạm an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng… dẫn tới phải thay “tướng” ở Ban quản lý dự án đường sắt - đơn vị làm đại diện chủ đầu tư.
Mới đây, sau khi nhậm chức Bộ trưởng GTVT, ông Nguyễn Văn Thể đã chủ trì một số cuộc họp để tháo gỡ khó khăn cho dự án. Cụ thể, trong cuộc họp với các bên liên quan diễn ra hồi cuối năm 2017, ông Thể đã chốt tiến độ: “Dự án này phải hoàn thành trong năm 2018, không thể lùi hơn nữa”.
Theo Bộ này, để đẩy nhanh tiến độ theo đúng yêu cầu của Bộ trưởng, có thời điểm tổng thầu đã huy động tới 700 công nhân có mặt thi công trên công trường.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được khởi công xây dựng vào năm 2011và dự kiến hoàn thành công tác xây dựng vào cuối năm 2017, đưa vào vận hành thương mại trong Quý I/2018.
Cát Linh - Hà Đông là tuyến số 3 trong hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội, và là tuyến thứ hai của dự án được đề xuất, sau tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi, trong số 8 tuyến được quy hoạch. Tuyến này được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc và phần đối ứng của Việt Nam.
Còn bao nhiêu “nấc” nữa mới có thể chạy tàu thương mại?
Trao đổi với PLVN, ông Phan Quang Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng& Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho hay, để đoàn tàu đô thị Cát Linh - Hà Đông có thể vận hành thương mại, các cơ quan liên quan phải tiếp tục thực hiện nhiều khâu với sự giám sát của nhiều cơ quan như Tư vấn độc lập của Pháp, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Hội đồng Nghiệm thu cấp nhà nước… sau khi theo dõi, đánh giá các chỉ số về an toàn hệ thống và thiết bị…
“Công trình này liên quan đến an toàn tính mạng con người khi vào vận hành chính thức nên quy trình phải rất chặt. Việc tàu chạy thử ngày 20/9 mới chỉ là bước đầu thôi. Chúng tôi sẽ còn theo dõi đánh giá trong 3 - 6 tháng. Tuy nhiên, cảm nhận đầu tiên khi ngồi trên tàu đi thử là êm hơn nhiều so với đường sắt truyền thống, vì đường là hệ thống ray liền nên ít tiếng ồn; ngoài ra tàu được cấp điện qua hệ thống ray nên việc tăng tốc, giảm tốc có sự khác biệt so với động cơ diesel”, Phó Cục trưởng Hiển nói.