Năm 2006, ông Sự được bổ nhiệm quyền phụ trách chức vụ Trưởng Công an xã, ông Định cũng được bổ nhiệm quyền phụ trách Chỉ huy trưởng quân sự xã.
Ba năm sau, năm 2009, dù chưa có quy trình tuyển dụng cũng như chưa có quyết định là công chức cấp xã nhưng cả hai vị này vẫn được xét tăng lương lên ngạch công chức. Và từ đó đến nay đã hơn 10 năm, cả 2 trường hợp này vẫn được “ăn” lương công chức dù chưa hề có quyết định tuyển dụng công chức nào. Đến hiện tại, 2 người này đang hưởng lương bậc 2,86 mức lương cơ bản, chưa tính phụ cấp thêm 25% chế độ tiền công vụ cũng như các khoản khác.
Mãi đến năm 2018, khi Sở Nội vụ tỉnh tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã tại huyện Tuyên Hóa, sự việc trên mới được phát hiện.
Ông Cao Xuân Bình, Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa xác nhận sự việc trên là có thật; và ông Định, ông Sự vẫn được nhận lương công chức, xét tăng lương 2 năm/ lần liên tục từ năm 2009 cho đến nay: “Năm 2006 - 2007, vì xã có vụ việc liên quan đến gỗ nên những vị trưởng của cả công an, quân sự xã đều nghỉ việc và phó lên thay. Thời điểm đó, chỉ có quyết định quyền trưởng 2 vị trí trên và có quyết định chức danh đối với 12 công chức chung, còn quyết định định công chức riêng thì không hề có”.
Cũng theo ông Bình, ông Định có bằng Trung cấp quân sự, ông Sự có bằng Trung cấp công an. Sở Nội vụ đã kiểm tra và phát hiện nên đề nghị làm thủ tục để bổ nhiệm chính thức. “Thời trước chỉ có quyết định quyền thôi, sau 6 tháng lẽ ra phải có quyết định chính thức”, Chủ tịch xã cho biết thêm.
Lý giải về sự việc kéo dài suốt hơn 10 năm này, ông Bình nói: “Cái này sai do bộ phận tham mưu sót quyết định bổ nhiệm. Phòng Nội vụ huyện tham mưu, vẫn có quyết định nâng lương theo quy định. Hồ sơ cá nhân hàng năm rà soát thì quyết định quyền cũng không bị thay thế. Lẽ ra Phòng Nội vụ phải tham mưu cho UBND huyện…”.
Về phía ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Nội vụ huyện Tuyên Hóa thừa nhận tuyển dụng sai quy trình dẫn đến việc trên. Ông Trung cho rằng sai sót là do Trưởng phòng Nội vụ nhiệm kỳ trước không tham mưu, còn công tác thanh - kiểm tra thì chỉ có Sở Nội vụ mới có chức năng chứ Phòng Nội vụ huyện không làm được.
“Năm 2006, xã Thạch Hóa được UBND huyện cho hợp đồng quyền Trưởng Công an và quyền Chỉ huy trưởng quân sự xã, cả 2 trường hợp này đều ăn lương hợp đồng nên chưa có chế độ gì. Đến năm 2009, ông Lương Thái Bình - Trưởng phòng Nội vụ (hiện đã nghỉ hưu) có quyết định xếp lương từ quyền phụ trách lên Trưởng dù chưa thành lập hội đồng, chưa có quy trình tuyển dụng”, ông Trung nói.
Một điều khiến dư luận khó hiểu là sau khi kiểm tra phát hiện sai sót; thay vì kiểm điểm trách nhiệm, xử lý; thì không rõ vì sao Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình cũng như UBND huyện Tuyên Hóa đã có ý kiến xem xét, yêu cầu bổ sung các thủ tục “muộn” theo quy trình tuyển dụng để “hợp thức” cho cả hai?