Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, vào sáng 22/03, tuyến Co Xáng - Cơi Năm (thuộc xã Trần Hợi, Trần Văn Thời, Cà Mau), gây sụt hoàn toàn mặt đường ô tô với chiều dài khoảng 50 mét, sụt sâu gần 2 mét và dịch chuyển ra mép kinh ven đường.
Sụt lún với chiều dài khoảng 50 mét tại tuyến đường ô tô Co Xáng - Cơi Năm (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). |
Anh Khởi, người dân tại đây chứng kiến cho biết, sụt lún diễn ra khá nhanh và đang có dấu hiệu tiếp tục sụt lún lớn thêm. Cũng may là tại thời điểm ra sự cố không có phương tiện giao thông trên đường, nên không có hư hại gì về người.
Do vậy, UBND huyện Trần Văn Thời đã chỉ đạo rào chắn, cấm tất cả phương tiện giao thông di chuyển qua vị trí này nhằm đảm bảo an toàn; đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại và lập kế hoạch thực hiện khắc phục sụt lún theo quy định.
Chính quyền địa phương đã tiến hành rào chắn, cấm tất cả phương tiên giao thông di chuyển qua vị trí này nhằm đảm bảo an toàn.
Theo lãnh đạo UBND huyện Trần Văn Thời, nguyên nhân xảy ra sự cố được cho là tuyến kinh ven đường đã khô cạn hoàn toàn do hạn hán kéo dài, làm mất phản áp nên gây nên sụt lún đất.
Trước đây, trên đoạn đường này đã xuất hiện nhiều vị trí sụt lún ven chân lộ, nhiều điểm rạn nức khắp mặt đường. Hiện nhiều vị trí trên đoạn đường này xuất hiện khá nhiều điểm có nguy cơ tiếp tục sụt lún tiếp theo.
Ngay cạnh vị trí xảy ra sự cố vào sáng nay, tại chợ Cơi Năm (thuộc xã Trần Hợi, Trần Văn Thời, Cà Mau), cũng đã xảy ra một vị trí sụt lún đất do hạn hán cách nay khoảng 2 tháng trên tuyến đường ô tô Cơi Nam - Rạch Ráng (Thị trấn Trần Văn Thời).
Cũng cách đây đúng 1 tuần, trên tuyến Cơi Năm - Đá Bạc đã xảy ra sụt lún, chia cắt hoàn toàn tuyến đường ô tô về xã Khánh Bình Tây, Khu dụ lịch Hòn Đá Bạc, người dân chỉ có thể tham gia giao thông bằng xe máy trên đường giao thông nông thôn.
Sụt lún sâu gần 2 mét tại tuyến đường ô tô Co Xáng - Cơi Năm (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). |
Do đó, hạn hán đang vào thời kỳ khốc liệt, gây hại nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh, làm nhiều vị trí sụp lún đất, phá hủy rất nhiều tuyến đường giao thông, trong đó có những tuyến đường ô tô huyết mạch, kể cả tuyến đê biển Tây.
Tuy nhiên, hiện nay Cà Mau cũng chỉ mới thực hiện đưa một lượng nước mặn nhất định vào tuyến kinh ven chân đê biển Tây (đoạn Đá Bạc - Kinh Mới) nhằm tạo phản áp chống sụt lún, còn các vị trí sụp lún khác cũng chỉ chờ đến khi mùa mưa xuống mới có thể vận chuyển vật liệu, phương tiện đến điểm xảy ra sự cố để xử lý khắc phục vì hầu hết các tuyến giao thông (thủy, bộ) đã bị chia cắt./.