Tuyên bố của Bộ trưởng Thăng “chào thua” lợi ích nhóm?

Các xe quá tải bị bắt giữ tại Hà Tĩnh
Các xe quá tải bị bắt giữ tại Hà Tĩnh
(PLO) - Có 2 câu chuyện liên quan đến kiểm soát tải trọng diễn ra khá trùng hợp trong ngày 7/9. Đó là tuyên bố “kiểm soát tải trọng xe đến khi nào hết vượt tải mới thôi” của “Tư lệnh” ngành Giao thông trên sóng truyền hình quốc gia. Đáng nói, trước khi thông điệp này phát đi, cũng ngày 7/9, một đoàn xe “khủng” vượt tải cả trăm phần trăm vẫn ngang nhiên “lọt” qua 6 tỉnh miền Trung như qua chốn không người. Với thực tế này, dư luận nghi ngờ liệu tuyên bố của Bộ trưởng Thăng có “chào thua” lợi ích nhóm?
“Bộ không chỉ đạo được tỉnh”
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nói “Bộ không chỉ đạo được tỉnh” trong việc xử lý xe quá tải. Ý ông Huyện là nêu các địa phương không chung tay thì Bộ sẽ gặp khó khăn trong cuộc chiến đầy cam go này.
Vụ một đoàn xe chở quá tải từ 70-100% sau khi ngang nhiên vượt qua một loạt trạm cân từ Quảng Ngãi đến Hà Tĩnh mới bị ách lại hôm 7/9 cho thấy sự lơi lỏng quá mức trong hoạt động kiểm soát tải trọng ở các tỉnh miền Trung. 
Tài xế của những chiếc xe “khủng” này sau đó trình báo với lực lượng chức năng Hà Tĩnh rằng đã lợi dụng “giờ cao điểm, đêm khuya…” để vượt qua các trạm cân thuộc 6 tỉnh phía trong Hà Tĩnh. Thế nhưng, dư luận vẫn nghi ngờ xe qua trạm liệu có dễ dàng như vậy? Chủ hàng, chủ xe có phải mất tiền “luật” trên  suốt chặng đường dài hơn nửa ngàn cây số trước khi lăn bánh vào địa phận Hà Tĩnh?
Nhân chuyện này, nhiều ý kiến cho rằng việc kiểm soát tải trọng xe hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào sự nghiêm minh của lực lượng thực thi công vụ. Bởi nói như Bộ trưởng Đinh La Thăng thì đây “là một cuộc chiến đấu hết sức cam go giữa các nhóm lợi ích”, và nếu ở địa phương, các tỉnh không quyết liệt, lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông… vẫn làm ngơ cho xe quá tải lưu thông trên quốc lộ thì lợi ích nhóm sẽ thắng quyết tâm chính trị của ngành Giao thông.
“Dừng xe là trách nhiệm của Công an”
 Liên quan vấn đề này, ngày 7/9, trên sóng truyền hình quốc gia, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã khẳng định: “Sắp tới, việc kiểm soát tải trọng sẽ được thực hiện quyết liệt hơn, đồng bộ hơn và thực hiện đến khi nào hết vượt tải trọng mới thôi. Chúng tôi cũng sẽ tập trung chống tiêu cực trong công tác này. Bộ sẽ sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tăng mức xử phạt tối đa, lũy tiến với chủ phương tiện khi cố tình chở quá tải trọng, với chủ hàng, chủ cảng, nhà ga tiếp tay cho quá tải. Phương tiện quá tải sẽ buộc phải quay về nơi gần nhất để hạ tải và phải chịu chi phí hạ tải...”. 
Quyết tâm của người đứng đầu ngành Giao thông rõ ràng là rất lớn,  nhưng câu chuyện của đoàn xe “siêu” quá tải ngang nhiên “lọt lưới” 6 tỉnh đã cho thấy một điều rằng, một mình Bộ GTVT ra tay thì chẳng biết bao giờ mới hết chuyện xe quá tải phá nát cầu, đường. “Chỉ đạo việc này phải là Chính phủ. Bộ có quyết tâm mà các địa phương không chung sức thì cũng khó. Trong khi Bộ GTVT đâu thể chỉ đạo được các tỉnh việc này” - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện nói.
Được biết, trước đó tại cuộc họp xử lý tình trạng tiêu cực tại các trạm cân và hiện tượng “xã hội đen” thao túng, bảo kê hoạt động xe quá tải, quá khổ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã yêu cầu UBND các tỉnh phải phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Công an trong công tác chỉ đạo hoạt động kiểm soát, quản lý vi phạm chở hàng quá trọng tải; đặc biệt các lực lượng chức năng của địa phương tiếp tục duy trì hoạt động của các trạm kiểm tra tải trọng xe 24/24h và 7 ngày trong tuần.
Trong trường hợp cụ thể này, chưa thể khẳng định lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông có tiêu cực hay không, nhưng rõ ràng nếu căn cứ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Quảng Bình chưa tuân thủ yêu cầu của Chính phủ về việc kiểm tra tải trọng liên tục 24/24h để đoàn xe quá tải nói trên lợi dụng lúc “giờ cao điểm,  đêm khuya” để vượt trạm?
Hôm qua, trao đổi thêm với phóng viên về trách nhiệm của các địa phương để “lọt” đoàn xe quá tải hôm 7/9, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: “Muốn kiểm soát tải trọng thì đầu tiên phải dừng xe, mà trách nhiệm và thẩm quyền đó thuộc về Cảnh sát giao thông. Thanh tra giao thông chỉ làm hai việc tiếp theo là cân xe và lập biên bản vi phạm”.
“Hiện tượng tiêu cực, bảo kê tại các trạm kiểm tra tải trọng xe vẫn còn tồn tại do một bộ phận cán bộ, chiến sĩ (CSGT, TTGT…) có hành vi tiêu cực, tham nhũng, móc nối trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Nhiều Trung tâm đăng kiểm xe ô tô ở các địa phương chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ, tiêu cực, móc ngoặc với các chủ phương tiện…” – Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp xử lý tình trạng tiêu cực tại các trạm cân và hiện tượng “xã hội đen” thao túng, bảo kê hoạt động xe quá tải ngày 30/7.

Đọc thêm

Cảnh sát giao thông Hà Nội: Triển khai mô hình 'Ngã tư an toàn giao thông'

CSGT sẽ đẩy mạnh xử lý các lỗi không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. (Ảnh: Trường Thắng)
(PLVN) - Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - CSGT (Công an TP Hà Nội), hiện nay tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào TP, tình trạng lộn xộn, thiếu an toàn vẫn diễn ra. Mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" được triển khai để góp phần giải quyết tình trạng này.

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.