Bị "vạch mặt" nhiều lần, DHTI phải gửi công văn xin lỗi
Được biết, tại điều luật số 11/2008/QH12 của Luật hoạt động Chữ thập đỏ, tại điều 15 về việc sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ quy định: “1. Biểu tượng chữ thập đỏ được sử dụng khi tiến hành hoạt động chữ thập đỏ và tại cơ sở trên phương tiện, hiện vật của Hội Chữ thập đỏ. 2. Khi xung đột vũ trang, biểu tượng chữ thập đỏ được sử dụng theo quy định của các công ước Giơ-ne-vơ có liên quan, các nghị định thư bổ sung mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. Như vậy chúng ta đã có thể thấy rằng tại khoản 1 của điều 15 đã quy định rất rõ những trường hợp như thế nào thì được sử dụng biểu tượng của Hội Chữ thập đỏ.
Trước những thông tin về việc Công ty TNHH Thương Mại & Đầu Tư Đông Hiệp đã sử dụng sai biểu tượng chữ thập đỏ (CTĐ). Ngày 15/9, phóng viên PLVN đã có buổi trao đổi với Bà Đặng Minh Nguyệt - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Xây dựng quỹ nhân đạo - TW Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Bà Đặng Minh Nguyệt cho biết: Năm 2014 TW Hội Chữ thập đỏ đã có một cuộc tuyên truyền về việc sử dụng sai biểu tượng của Hội Chữ thập đỏ trong đó có Công ty TNHH Thương Mại & Đầu Tư Đông Hiệp (DHTI). TW Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam đã liên lạc với công ty này và đã không nhận được sự hợp tác. Trong một buổi họp báo, Hội CTĐ đã đưa ra lỗi của Cty DHTI là vi phạm sử dụng sai biểu tượng của Hội nhưng vẫn không nhận được sự hợp tác và phản hồi từ phía CTy này.
Cho đến thời điểm hiện tại, khi TW Hội Chữ thập đỏ tiếp tục tuyên truyền về việc sử dụng biểu tượng của Hội thì phía CTy DHTI đã có công văn số 1507/2015/CV – DHTI do Giám đốc điều hành Bùi Minh Tuấn ký gửi cho Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam, xin lỗi về việc sử dụng sai biểu tượng CTĐ trên sản phẩm và cam kết từ ngày 1/9 sẽ không sử dụng biểu tượng này trên sản phẩm nữa.
|
Bị vạch mặt, Cty Đông Hiệp phải xin lỗi TW Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam |
Cần có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp cố ý sử dụng sai biểu tượng của Hội CTĐ
Bà Nguyệt cũng cho biết thêm: Hiện tại, các cơ quan quản lý nhà nước đã vào cuộc và đối với những sản phẩm sử dụng sai biểu tượng của Hội CTĐ thì đều bị “ách” lại. Trong luật đã quy định rõ các Bộ, Ngành quản lý Nhà nước phải hướng dẫn để có một chế tài phù hợp. Hiện nay, được biết hiện nay cũng chưa có hướng dẫn hoặc chế tài nào xử phạt, dẫn đến rất nhiều đơn vị làm dụng sử dụng sai biểu tượng. Hy vọng trong thời gian tới, Bộ Tư Pháp sẽ có những hướng dẫn và có những chế tài cụ thể để các cơ quan chức năng xử lý đối với những sai phạm như trên". Bà Đặng Minh Nguyệt chia sẻ.
Được biết, không chỉ riêng khăn giấy ướt Mamamy sử dụng sai biểu tượng của Hội Chữ thập đỏ mà còn rất nhiều đơn vị khác đang sử dụng sai biểu tượng này, có thể kể đến như: CTy Cổ phần Bột giặt LIX, CTy Cổ phần Bột giặt NET,…
Trước đó, như Báo Pháp luật Việt Nam đã đưa tin về việc nhập nhèm trên bao bì của sản phẩm khăn giấy ướt Mamamy đã sử dụng biểu tượng của Hội Chữ thập đỏ một cách trái phép, lại còn kèm theo bên cạnh là dòng chữ diệt khuẩn của Bộ Y tế, sản phẩm khăn giấy ướt Mamamy của công ty TNHH Thương mại và đầu tư Đông Hiệp - DHTI đang "lập lờ đánh lận con đen", có dấu hiệu nhập nhèm với người tiêu dùng.
Vấn đề sử dụng biểu tượng CTĐ cũng được các cơ quan hết sức quan tâm từ trước đến nay. Tháng 11/2013, tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế tổ chức gặp mặt báo chí giới thiệu nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa biểu tượng CTĐ.
Tại hội thảo, các chuyên gia có ghi nhận, vấn đề về tình trạng vi phạm bản quyền, sử dụng sai mục đích và tùy tiện biểu tượng Chữ thập đỏ tại Việt Nam một cách phổ biến. Điển hình là trong ngành y tế; trên các phương tiện thông tin đại chúng (chuyên mục quảng cáo, các chương trình chăm sóc sức khỏe); trên các sản phẩm vệ sinh, môi trường, hóa mỹ phẩm; các dịch vụ bảo trì máy tính…
Thế nhưng, không rõ vô tình hay cố ý, Mamamy vẫn ngang nhiên sử dụng biểu tượng này nhằm mục đích trục lợi và việc làm này là trái phép. Chưa hết, sản phẩm khăn giấy Mamamy thể hiện chức năng “diệt khuẩn” ngay trên bao bì trong khi đây là sản phẩm dành cho trẻ em. Theo quy định Bộ Y Tế, sản phẩm có chữ “diệt khuẩn” phải đảm bảo tuân thủ theo quy định Bộ Y Tế, và nhất là đối với sản phẩm dành cho bé thì phải có giấy chứng nhận lưu hành hóa chất của Cục Môi Trường Bộ Y Tế. Không nên lạm dụng sản phẩm tẩy rửa nói chung và diệt khuẩn nói riêng. Chỉ những nơi như nhà vệ sinh, bồn cầu,… thì mới cần thiết phải sử dụng sản phẩm diệt khuẩn. Các sản phẩm sử dụng trực tiếp cho da và nhất là dành riêng cho da bé có diệt khuẩn cần cẩn thận hơn nữa. Xà phòng rửa tay, giặt đồ, nước rửa chén hay lau sàn cũng chỉ nên dùng loại thông thường.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này...
Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số:
0986 321 888 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com