Mười năm dang dở
Từ TP Đà Nẵng, vượt hơn trăm cây số, ngay cửa ngõ thị trấn Khâm Đức, công trình đồ sộ dở dang đập vào mắt người đi đường. Công trình vẫn đang trong quá trình thi công, các bức phù điêu làm từ vật liệu xây dựng ngổn ngang giữa các rừng keo.
Công trình Tượng đài chiến thắng Khâm Đức, do UBND huyện Phước Sơn làm chủ đầu tư, kinh phí 14 tỷ đồng, lấy từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Để xây dựng tượng đài, chính quyền phải cho san lấp một quả đồi tạo mặt bằng.
Dự án triển khai từ năm 2010 nhưng sau đó kéo dài, dang dở. Đến năm 2017, dự án tái khởi động, dự kiến tháng 8/2020 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên đến nay, nhiều hạng mục dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”; máy móc, vật liệu xây dựng vì thế vẫn tập kết ngổn ngang.
Theo giới thiệu, tượng đài khi được nâng cấp phần mỹ thuật với khối tượng chính, phù điêu cánh cung và các hạng mục khác được ốp đá tự nhiên để đảm bảo tính lâu dài. Một số điểm sẽ hạ độ cao để dễ dàng quan sát tượng đài từ xa, đồng thời bố trí cây xanh, thảm cỏ tạo cảnh quan khi người dân và du khách dừng chân tham quan.
Ngoài ra, nhà bảo vệ, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống chiếu sáng, bia tưởng niệm, bãi đỗ xe… cũng được đầu tư xây mới. Tổng thể công trình rộng 10ha, là một quần thể cùng với làng văn hóa Bhnong, hồ Mùa Thu. Chính quyền sở tại muốn nơi đây trở thành điểm tham quan du lịch, khám phá về nguồn cội văn hóa, lịch sử... cho người dân và du khách.
Có điều, Phước Sơn là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, nơi có 75% người đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với các huyện: Tây Giang, Đông Giang, Nam Trà My, Nam Giang của tỉnh Quảng Nam, Phước Sơn nằm trong danh sách các huyện nghèo và thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó Phước Sơn nằm trong nhóm 1 gồm 56 huyện nghèo thuộc 19 tỉnh đang được hỗ trợ áp dụng các cơ chế, chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30a ngày 27/12/2008 của Chính phủ.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn thông tin, vốn dĩ địa phương đã có Tượng đài Khâm Đức từ trước. Năm 2010, công trình hư hỏng, xuống cấp nên mới xây dựng tượng đài mới. “Thứ nhất, vốn thực hiện dự án lấy từ ngân sách huyện chứ không lấy từ nguồn ngân sách hỗ trợ từ Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. Thứ hai, huyện đã trình UBND tỉnh Quảng Nam thông qua cũng như có thành lập hội đồng chuyên môn lấy ý kiến dự án”, ông Hà trần tình.
Cũng theo lời ông Hà, do tượng đài được xây dựng từ nguồn ngân sách tiết kiệm của huyện nên đã xảy ra hiện tượng thiếu vốn khiến công trình đến nay chưa hoàn thành. “Mỗi năm, huyện phân bổ vài tỷ đồng để xây dựng từng hạng mục của công trình. Năm 2020 này, huyện phân bổ khoảng 2 tỷ đồng để xây dựng phần tượng đài chính. Tượng đài xây dựng kiểu cầm chừng, trải qua nhiều năm chưa xong cũng vì vậy”, ông Hà nói.
Vì sao không lượng sức mình?
Từ khi dự án “mọc” lên, dư luận cũng bắt đầu râm ran phản đối, thậm chí có ý kiến cho rằng địa phương này “đã nghèo còn chơi ngông”. Một người dân địa phương đánh giá: “Công trình đã xây dựng nhiều năm nhưng vẫn chưa xong còn gây nhếch nhác hơn. Huyện Phước Sơn vẫn còn nghèo nhưng việc lấy 14 tỷ đồng để đầu tư tượng đài rất lãng phí. Nếu nguồn vốn đó hỗ trợ người dân an sinh lập nghiệp, mở công ty để người dân có việc làm sẽ tốt hơn nhiều”.
Phản biện ý kiến này, ông Hà nói, tượng đài để tưởng niệm quân và dân huyện Phước Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và tạo điều kiện cho những gia đình có chiến sĩ hy sinh đến thắp nén nhang. Ngoài ra, tượng đài như là điểm nhấn, nằm trong cụm du lịch mà huyện đang hướng đến nhằm phát triển kinh tế cho địa phương.
Huyện đã và đang cân đối ngân sách để phát triển một cách hài hòa, từ y tế, giáo dục, kinh tế cho đến văn hóa du lịch. “Chúng tôi vẫn đặc biệt chú trọng đến việc phát triển kinh tế, ổn định kinh tế của người dân. Còn tượng đài, sẽ cố gắng được hoàn thành theo từng chỉ tiêu cụ thể”, ông Hà nói.
Người đứng đầu chính quyền huyện Phước Sơn cũng cho rằng huyện không “chơi ngông” khi làm tượng đài 14 tỷ.
Khi được hỏi tại sao huyện không lượng sức mình, xây dựng công trình với nguồn vốn vừa phải hơn, ông Hà nêu, ngoài các lý do như ông đã nói ở trên, Phước Sơn chưa có công trình nào lớn phục vụ nhu cầu văn hóa cho người dân. Vì nhiều lẽ, UBND huyện Phước Sơn đã quyết định xây dựng tượng đài. Chính quyền luôn kiểm tra, giám sát để đảm bảo chất lượng công trình, đặc biệt, không để phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thi công.
Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cũng dẫn chứng rằng, mỗi năm, địa phương có 5-7% số hộ thoát nghèo. Các nguồn lực luôn được tập trung để lo cho người dân địa phương.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam khẳng định, Tượng đài Khâm Đức không phải di tích lịch sử cấp tỉnh hay Quốc gia. Việc tu bổ, xây dựng tượng đài 14 tỷ đồng Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam không quản lý. Việc xây dựng tượng đài 14 tỷ đồng ở Phước Sơn có hợp lý hay không, cần phối hợp với các cơ quan có chuyên môn khác tìm hiểu.