Vào một chiều chủ nhật mùa thu năm 1996, lái xe đi lòng vòng mấy khu phố phía Bắc gần Metro Medvedkovo, tôi tình cờ thấy một bảo tàng mang tên OTTRIZNA, theo tiếng Nga cổ nghĩa là Tổ Quốc, nằm ở nhà số 10 trên phố Konhenkov.
Tôi dừng xe và ghé vào thăm bảo tàng với một một tâm trạng đầy cảm kích bởi cái tên rất ấn tượng. Ngay ở cửa ra vào, bốn câu thơ của A. Puskin được chép bằng chữ nhũ vàng trang trọng:
Khi trong ta lửa tự do rực cháy
Khi tim ta còn sống cho thanh danh
Thì bạn hỡi hiến dâng cho Tổ quốc
Những ngọn triều kỳ diệu của lòng anh.
Chiều muộn, bảo tàng vắng khách thăm. Có lẽ tôi là người châu Á đầu tiên bước vào bảo tàng này, nên bà thường trực hôm đó dành thời gian đưa tôi giới thiệu khắp tất cả các gian trưng bày.
Bảo tàng chủ yếu dành cho học sinh phổ thông của Quận XVAO ( Quận Bắc thành phố). Hàng tuần, học sinh phổ thông trong các Trường thuộc Quận XVAO đều có hai tiết đến thăm bảo tàng để giới thiệu hiện vật và chiến tích bổ trợ cho môn lịch sử. Bảo tàng là một quyển sử biên niên tóm lược lịch sử nước Nga nói chung và quận XVAO nói riêng trải dài suốt quảng thời gian lập quốc, kiến quốc và vệ quốc.
Đặc biệt trong bảo tàng có tới 5 góc: Bungari, Hungari, Balan, Tiệp khắc và Nam tư, những nước tham gia cuộc kháng chiến chống phát xít bên cạnh Liên Xô. Mỗi góc rộng chừng 18m2 trưng bày các hình ảnh và một số hiện vật về cuộc chiến tranh của họ.
Những hiện vật trưng bầy trong Góc bảo tàng Việt Nam tại bảo tàng "Tổ Quốc" |
Tôi mạnh dạn xin gặp bà Giám đốc bảo tàng và nẩy ra ý định xin một góc của Việt nam. Thoạt đầu bà Giám đốc Anna Vaxilievna nghĩ tôi là người Trung Quốc. Về sau tôi biết lý do đó là vì sau khi kết thúc chiến tranh, bà được cử sang Trung Quốc với tư cách là phóng viên làm việc ba năm ở Bắc Kinh, thấy tôi là người Châu Á liền nghĩ ngay tôi là người Trung Quốc.
Sau khi tôi tự giới thiệu là người Việt Nam và thể hiện lòng trân trọng bảo tàng Tổ Quốc, bà mời tôi ngồi và tự pha chè, đưa kẹo ra đãi khách. Cũng phải nói rằng, những năm 95, 96, 97, nước Nga đang vô cùng lộn xộn và khó khăn. Hầu như trên Truyền hình Nga hường xuyên chiếu những hình ảnh tiêu cực về người Việt, nên được bà Giám đốc tiếp một cách trọng thị, tôi rất xúc động.
Ảnh Bác Hồ trong Góc bảo tàng |
Tôi ngỏ ý với Bà, muốn xin một góc Việt Nam trong bảo tàng để trưng bày một số hiện vật về đất nước, con người Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, một dân tộc đã từ lâu gắn bó với Liên bang Xô viết và nước Nga. Bà nói rằng, bà sẵn sàng giúp tôi có một góc Việt Nam trong bảo tàng Tổ quốc, bởi vì bà đã xem phim về Việt Nam, từng đọc về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã từng xuống đường ủng hộ Việt Nam chống Mỹ. Nhưng vì đây là bảo tàng Nhà nước, vì vậy, bà không thể tự ý cho tôi, mà có những nguyên tắc không thể bỏ qua được.
Theo hướng dẫn của Bà, tôi lên Đại Sứ quán, gặp ông Bùi Khắc Bút là Công sứ , Trưởng Ban công tác cộng đồng lúc bấy giờ. Ông Bùi Khắc Bút nghe tôi trình bày, hoan nghênh, nhưng vẫn nghi ngờ về khả năng thực hiện.
Tôi mang thư của ông Bùi Khắc Bút lên cho bà Giám đốc, bà hẹn sau một tuần sẽ trả lời. Nhưng chỉ sau hai ngày, bà đã gọi điện cho tôi báo tin là Lãnh đạo Bảo tàng đồng ý cho một góc trưng bày hiện vật Việt Nam. Tôi phấn khởi báo cho Ông Bùi Khắc Bút. Ông Bút chỉ đạo về số hiện vật phải tập trung về Bác và dân tộc. Ông còn cho tôi chọn một số sách vở, tranh ảnh, tượng đang có ở Sứ Quán để mang tới bảo tàng.
Chị Ngọc, phu nhân Đại sứ (giữa) và chị Văn, phu nhân Công sứ cùng anh Long tham dự khai trương Góc bảo tàng Việt Nam tại Bảo tàng "Tổ Quốc" |
Tôi gặp anh Nguyễn Văn Niên, chủ tịch TTTM Sông Hồng thuộc địa phận của XVAO. Anh Niên tặng các nhân viên bảo tàng một kiện quần áo, rổ mây tre Việt Nam. Vào thời điểm "thóc cao, gạo kém" này, những thứ đó quả là rất quý.
Anh Nguyễn Văn Niên còn cử anh Nguyễn Văn Long là cán bộ của TTTM Sông Hồng giúp tôi chở hiện vật, thu dọn, trưng bày góc Việt Nam. Chúng tôi nhất trí đề ở lối vào là VIỆT NAM - ĐẤT NƯỚC, CON NGƯỜI. Chính giữa treo ảnh Bác, cờ Việt Nam. Phía bức tường là bản đồ Việt Nam.
Những hiện vật tôi nhờ mang từ trong nước sang như mũ sao vàng, quân phục, các bức tranh về phong cảnh đất nước, những bức ảnh về cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ được bố trí gọn gàng trong khuôn khổ diện tích chừng 14m, nằm cạnh góc Bungari.
Ngày cắt băng khánh thành, những người được mời không đến được. Đại sứ Ngô Tất Tố và Ông Bùi Khắc Bút bận tiếp khách trong nước sang. Anh Nguyễn Văn Niên Chủ tịch TTTM Sông Hồng, anh Nguyễn Đình Lâm TGĐ có việc đột xuất. Tôi và anh Long rất hoang mang và chưa biết xử trí cách nào, nếu thưa vắng quá, Lãnh đạo Bảo tàng họ sẽ nghĩ ra sao?
Phải nói là cho đến bây giờ, tôi vô cùng cảm kích trước sự quan tâm của ông Bùi Khắc Bút. Ông kịp thời đề nghị chị Ngọc, phu nhân Đại sứ và chị Văn, phu nhân Công sứ đi xe của Sứ quán đến kèm theo một lẵng hoa và một lá thư chúc mừng.
Tôi và anh Long đã chuẩn bị một số món ăn Việt Nam, hoa quả và chè Việt Nam giao cho bộ phận thường trực bảo tàng để họ lo một bữa tiệc giản dị.
Chị Ngọc trao thư cho tôi đọc, chị tặng hoa và bày tỏ lòng cảm ơn đối với bà Anna Vaxilievna về sự quan tâm, giúp đỡ và tình cảm quý mến Việt Nam. Rất bình dị và thân mật, chị Ngọc và chị Văn đã lấy tiền riêng của mình đóng góp vào quỹ xây dựng bảo tàng.
Bà Giám đốc bảo tàng đã dành những lời đẹp nhất, hay nhất nói về Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tác giả và bà Anna Vaxilievna |
Rất tiếc hồi đó do không quan tâm lắm tới việc chụp ảnh lưu giữ, nên không còn lại được những bức ảnh về giây phút đáng nhớ này.
Sau đó, trong khoảng chừng hai tháng, mỗi khi có giờ thăm bảo tàng của học sinh, bà Anna Vaxilievna lại gọi điện yêu cầu tôi đến để thuyết minh cho các cháu về Việt Nam, về Bác Hồ vĩ đại.
Năm 1999, bà Anna Vaxilievna mất. Đến năm 2000, các góc trưng bày của các nước không còn nữa do tính chất chuyên ngành và chủ đề của bảo tàng thay đổi.
Thỉnh thoảng đi qua phố Konhenkov, tôi lại khôn nguôi nhớ đến bà Anna Vaxilievna, người phụ nữ Nga yêu mến Việt Nam; nhớ đến những khuôn mặt các em học sinh chăm chú nghe nói về một đất nước tươi đẹp ở phía đông xa xôi, về chủ tịch Hồ Chí Minh, người bạn lớn của Liên Xô, của nước Nga. Tôi tin rằng những hình ảnh đó vẫn sẽ đọng lại mãi trong tâm trí của các em.