Năm nay, dường như Trung thu đến sớm và sôi động hơn. Từ cách đây vài tuần, bánh Trung thu, đồ chơi Trung thu, kế hoạch chuẩn bị các lễ hội Trung thu từ thành phố đến các tổ dân phố trở thành câu chuyện thời sự đối với cả người lớn lẫn trẻ em.…
Mừng đón Trung thu
Khu vực dải vườn hoa trung tâm, quảng trường Nhà hát thành phố là điểm đến của hàng vạn người dân. Mừng vui, hân hoan nhất vẫn là các bé được bố mẹ diện quần áo mới, cho đi chơi Tết Trung thu, ngắm phố phường đông vui, xem múa lân và mua sắm đồ chơi. Trên tay bé nào cũng có đèn ông sao, đèn lồng, bóng bay đủ màu sắc….Các cửa hàng đồ chơi dọc những tuyến phố chính như Nguyễn Đức Cảnh, Lạch Tray, Trần Phú, Quang Trung, Trần Hưng Đạo và trong các siêu thị người bán, người mua tấp nập, chật như nêm, vui như trảy hội.
Tối 21-9, Nhà hát thành phố chào đón hàng nghìn gia đình đến vui Tết Trung thu do Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, Đoàn Thanh niên thành phố phối hợp tổ chức. Không chỉ có các lễ hội chính do thành phố và một số ngành liên quan tổ chức, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, khu dân cư cũng tổ chức đêm hội Trăng rằm thu hút hàng vạn người tham dự khiến không khí Trung thu thực sự trở nên náo nức, sôi động và phấn khởi. Không khí Trung thu, sắc màu Trung thu tô điểm cho thành phố lung linh, rực rỡ hơn với cờ hoa, đèn lồng, đèn ông sao, đèn cá chép và náo nức hơn trong tiếng trống hội tùng dinh trên khắp mọi nẻo đường, ngõ xóm.
Trung thu còn mang niềm vui đến cho nhiều trẻ em nghèo bởi năm nay, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố, các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, hàng nghìn suất học bổng và nhiều phần quà có ý nghĩa được trao tận tay trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nạn nhân chất độc da cam, trẻ em khuyết tật…Hội Từ thiện thành phố tổ chức đêm hội “Chúng em vui đón chị Hằng Nga”, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, quận Ngô Quyền phối hợp tổ chức “Đêm hội trăng rằm” dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt. Em Đinh Thị Thu, phường Đông Khê (quận Ngô Quyền) xúc động: “Đêm hội mang đến cho em cùng nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn nhiều niềm vui, hạnh phúc. Chúng em cảm nhận rất rõ hơi ấm và tình yêu thương mà gia đình, cộng đồng, xã hội dành cho chúng em”.
Ở các huyện ngoại thành như Thủy Nguyên, An Lão, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Cát Hải, Tết Trung thu cũng không kém phần sôi động. Hầu như xã nào cũng tổ chức thi đầu lân đẹp, đốt đuốc, rước đèn ông sao, đèn lồng trên đường làng. Sân đình, sân chùa, nhà văn hóa thôn, xã tưng bừng lễ hội đón trăng, phá cỗ…
Hoạt động múa lân đi vào quy củ
Một điều đáng ghi nhận nữa ở Trung thu năm nay là sự hoạt động quy củ của nhiều đội múa lân. Với sự vào cuộc của ngành công an và các tổ dân phố, các đội múa lân được sắp xếp lại, hoạt động dưới hình thức phục vụ người xem. Do đó kiểu “mạnh đội nào đội nấy múa”, quấy nhiễu, xin tiền được hạn chế. Các đội múa lân được bố trí địa điểm thuận lợi để trình diễn những màn múa lân ngoạn mục, góp thêm không khí sôi động, đậm màu sắc Trung thu truyền thống.
Năm nay, nhờ sự tài trợ của doanh nghiệp, đóng góp của tổ dân phố và thành viên trong đội, nhiều đội lân khá hoành tráng và chuyên nghiệp với đầy đủ quần áo truyền thống, đầu lân, sư tử, trống, thanh la. Tiêu biểu như đội lân khu dân cư Tôn Thất Thuyết, phường Phan Bội Châu (quận Hồng Bàng); đội lân X8, phường Đồng Quốc Bình (quận Ngô Quyền), đội lân Phú Xá (quận Hải An), đội lân Lam Sơn No1 (quận Lê Chân)...
Những điều chưa vui
Trước đêm rằm, được tổ trưởng giao nhiệm vụ “hậu cần” chuẩn bị quà tặng, bánh kẹo trong đêm hội đón Trung thu cho các cháu trong xóm, chị Nguyễn Tú Anh, ngõ 9, phố Bùi Thị Từ Nhiên, phường Đông Hải 1 (quận Hải An) tìm mỏi mắt mà không mua được cho các cháu chiếc đèn kéo quân. Dạo qua các tuyến phố trung tâm như Quang Trung, Cầu Đất, Lạch Tray, Trần Phú, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Nguyên Hãn, Tô Hiệu, qua hàng trăm cửa hàng bán đồ chơi Trung thu nhưng chị đều nhận được cái lắc đầu của chủ quán. Chị Tú Anh tâm tư: “Năm nay, mặc dù đồ chơi truyền thống như đầu lân, đầu sư tử, trống xuất hiện nhiều, chất lượng tốt, kiểu dáng đẹp nhưng vẫn thiếu vắng đèn kéo quân, một loại đồ chơi truyền thống của tết Trung thu”.
Một điều chưa vui nữa là người dân còn gặp phải phiền phức bởi cảnh tắc đường xảy ra ở nhiều điểm nút giao thông như ngã tư Mê Linh-Nguyễn Đức Cảnh, Cầu Đất-Lạch Tray, Nguyễn Văn Linh-Lạch Tray và một số tuyến phố chính như Quang Trung, Đà Nẵng, Lê Hồng Phong...Nguyên nhân của cảnh ách tắc giao thông là do lưu lượng người, xe tăng đột biến trong dịp Tết Trung thu, thêm nữa là có một số đội lân thuê xe tải chạy rồng rắn trên đường khiến cảnh tắc đường càng thêm nghiêm trọng. Chú trọng giữ gìn bản sắc Trung thu trước hết ở khôi phục thị trường đồ chơi truyền thống; tăng cường lực lượng giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông; tổ chức hoạt động các đội múa lân đi vào nền nếp, dưới sự quản lý của tổ dân phố, địa phương vẫn là những việc cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa trong mùa Trung thu năm sau, để Tết Trung thu thực sự vui tươi, an toàn, lành mạnh đối với tất cả mọi người./.
Thanh Thủy