4.500 chiếc thuyền sẵn sàng đón du khách trẩy hội
Ngày 21/2/2018, tức mùng 6 tháng Giêng, năm Mậu Tuất, tại sân chùa Thiên Trù thuộc khu di tích danh thắng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ khai hội chùa Hương. Lễ hội thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch. Vào dịp lễ hàng triệu phật tử cùng du khách thập phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương. Hành trình về một miền đất Phật để dâng lên một lời nguyện cầu, một nén tâm hương, hoặc thả hồn hòa quyện với thiên nhiên ở một vùng rừng núi còn in dấu Phật. Năm 2018, chùa Hương ước tính sẽ đón khoảng gần 2 triệu lượt du khách, phật tử, tăng ni đến chiêm bái lễ Phật, trảy hội, du xuân.
Mùa lễ hội Mậu Tuất, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) dành nhiều tâm sức chuẩn bị tổ chức Lễ hội chùa Hương với lễ hội an toàn, văn minh nhất là năm 2018, Mỹ Đức đón nhận hai sự kiện đặc biệt là kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm và đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ dành cho Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn (chùa Hương).
Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2018 cho biết, cơ quan chức năng kiên quyết xử lý các trường hợp chèo kéo, ép giá, nhũng nhiễu, đòi tiền bồi dưỡng của khách thập phương và các hành vi gian lận vé tham quan thắng cảnh, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, không tuân thủ quy định về phòng cháy, chữa cháy…
Theo ông Hậu, cơ quan chức năng cũng quy định các nhà hàng không quảng cáo, tổ chức dịch vụ ăn uống với thực phẩm được chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực lễ hội, các hộ kinh doanh chèo đò không để xuồng máy, đò gắn động cơ vận chuyển khách trên suối Yến. Các chủ phương tiện phải có giỏ đựng rác và hướng dẫn khách thập phương tham gia giữ vệ sinh môi trường, không bỏ rác xuống suối. Nếu cơ quan chức năng phát hiện vi phạm sẽ… “treo xuồng”, “treo niêu”, phạt thật nặng các cơ sở, hộ dân kinh doanh.
"Chỉ có lực lượng làm nhiệm vụ như công an, an ninh, kiểm lâm, y tế, nhà chùa… mới được phép sử dụng xuồng máy và khi sử dụng phương tiện này thì những người làm nhiệm vụ phải mặc trang phục của ngành. Hiện nay chùa Hương có 4.500 thuyền. Năm nay, Ban tổ chức cho sơn lại các thuyền đồng bộ màu xanh và trang bị các phao trên thuyền. " - ông Hậu cho biết thêm.
Hào hứng hòa mình vào đoàn rước
Cứ mùng sáu tháng Giêng âm lịch người dân Cổ Loa lại tổ chức lễ hội để ghi nhớ công ơn Vua An Dương Vương vị anh hùng dân tộc, người có công xác nhập Âu Việt, Lạc Việt thành lập quốc gia Âu Lạc mở mang bờ cõi. Ngay từ sáng sớm, khắp đường làng ngõ xóm Cổ Loa đã rực rỡ cờ quạt, người dân trong làng, từ các cụ già đến em nhỏ đều nô nức trẩy hội. Lịch sử đã chứng minh di tích Cổ Loa từng là kinh đô của nhà nước Âu Lạc dưới thời An Dương Vương thế kỉ III trước công nguyên và dưới thời Ngô Vương Quyền thế kỉ X sau công nguyên. Cổ Loa là tòa thành cổ nhất để lại dấu tích và trở thành di sản văn hóa, bằng chứng về sự sáng tạo về trình độ kĩ thuật văn hóa của người Việt cổ.
Từ 8 giờ sáng, các đoàn tế và rước kiệu đã bắt đầu vào đền thờ trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân và du khách. Các làng lần lượt vào làm lễ tế theo hiệu lệnh của Ban tổ chức. Không khí nghiêm trang trong khuôn viên điện. Sau màn tế lễ, các đoàn kiệu từng làng lại được rước ra bên ngoài. Rất đông nhân dân và du khách tham dự theo dõi đoàn rước của các làng. Bên cạnh phần lễ thì phần hội còn nhiều hoạt động khác phục vụ nhân dân vui chơi như biểu diễn như hội thi bắn nỏ, rối nước, hát chèo, quan họ, đánh cờ người...
Năm nay, Ban tổ chức Lễ hội Cổ Loa được thành lập từ sớm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tiểu ban, nên công tác quản lý lễ hội, sắp xếp hàng quán cũng như công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng. Công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại lễ hội cũng được coi trọng. Để tránh ùn tắc giao thông, Ban tổ chức đã cho lập 51 chốt từ cổng thành trung vào đến khu vực diễn ra lễ hội. Huy động hàng trăm chiến sỹ quân đội, công an và dân phòng tại địa phương làm công tác bảo vệ trật tự an ninh. Ban tổ chức lễ hội kiểm soát chặt chẽ tổ chức phần lễ và phần hội, sắp xếp, bố trí các địa điểm đón tiếp, khu vực vệ sinh; xử lý nghiêm tình trạng tăng giá, ép giá, đeo bám khách du lịch, ăn xin, trộm cắp; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn, phòng chống cháy, nổ; giữ gìn và bảo vệ các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và khu vực tổ chức lễ hội; chấm dứt dịch vụ đổi tiền lẻ, nạn bói toán, mê tín dị đoan, cờ bạc dưới mọi hình thức. Đảm bảo vệ sinh môi trường tăng cường bố trí các thùng thu gom rác, có chế tài để xử phạt các hành vi xả rác thải tại các lễ hội.
Tăng cường phần hội đền Sóc
Cũng khai hội ngày mùng 6 tháng 1 âm lịch là Lễ hội Đền Sóc. Hội Gióng- đền Sóc được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 21 đến 23/2/2018 (tức ngày 6 đến 8 tháng Giêng năm Mậu Tuất). “Không còn đoàn rước giò hoa tre, giò trầu cau từ đền thượng xuống đền mẫu và đền hạ” tại Hội đền Sóc 2018- đó là cam kết của Ban tổ chức và UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) để ngăn chặn hiện tượng bạo lực, cướp giò hoa tre, giò trầu cau. Khách thập phương sẽ được hướng dẫn dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định, tránh tình trạng đặt tiền lễ, tiền công đức lên bàn thờ hoặc gài tiền vào tượng cũng như các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích.
Ban tổ chức Hội Gióng cho biết, lễ hội năm nay tăng cường công tác an ninh, bố trí các khu vực để xe hợp lý, trong 3 ngày hội tuyệt đối không trông giữ phương tiện tại khuôn viên di tích, tất cả xe khách từ 24 giờ chỗ không được vào tượng đài, kiên quyết không cho lấn chiếm lòng đường, không để bán hàng rong. Về việc bố trí dịch vụ, huyện sẽ đưa một số hoạt động vào nền nếp, không có hàng ăn uống chỉ có đồ lưu niệm, không có lều mái mà chỉ có ô che… Công an huyện Sóc Sơn cũng lên các phương án đảm bảo an ninh trật tự diễn ra tại lễ hội, đặc biệt là quá trình diễn ra lễ rước, tế lễ của các thôn làng tại sân đền Thượng. Các trò chơi mang tính bạo lực và trò chơi mang tính hình thức cờ bạc, ăn tiền, sách mê tín dị đoan sẽ bị nghiêm cấm trong mùa lễ hội này.
Lễ khai hội Đền Sóc có màn lễ rước hoa tre, lễ rước voi chiến của nhân dân xã Dược Thượng, lễ rước ngựa chiến của nhân dân thôn Phù Mã, lễ rước trầu cau của thôn Đan Tảo, lễ rước Tướng của thôn Yên Tàng, lễ rước cầu Húc… rất trang trọng, tôn nghiêm. Năm nay, Ban tổ chức Hội Gióng cho biết, phần “hội” sẽ được mở rộng thêm nhiều nội dung hấp dẫn như: tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian biểu diễn nghệ thuật, thi đấu vật, bóng chuyền, cây đu, kéo mỏ, cờ tướng, nấu cơm thi, vật cổ truyền, lễ kéo mỏ… Các hoạt động này được kỳ vọng có thể góp phần giãn lượng du khách tập trung ở khu vực làm lễ để du khách trải nghiệm nhiều hơn tại không gian lễ hội.