Tôn vinh nghệ nhân, quảng bá làng nghề
Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức các hoạt động văn hóa hướng tới tôn vinh các nghệ nhân, quảng bá các làng nghề có những hoạt động gắn bó với những phố nghề truyền thống của Hà Nội.
Nổi bật nhất trong các hoạt động là giới thiệu nghề truyền thống với chủ đề “Dó Việt xưa - nay” tại đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm). Ban tổ chức sẽ giới thiệu lịch sử nghề sản xuất giấy dó, các công đoạn làm giấy dó, các dụng cụ chế tác giấy, tọa đàm, trao đổi với nghệ nhân đến từ các làng giấy truyền thống như: giấy dó Dương Ổ (Bắc Ninh), giấy sắc Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy)…
Theo họa sĩ Đỗ Ngọc Hân, giấy dó là phương tiện truyền tải thông tin, lưu giữ tri thức trên nhiều lĩnh vực, y học, các môn khoa học, là nguyên liệu để người xưa làm tranh, các tác phẩm văn học xưa đều được chép trên giấy dó... Bởi vậy, giấy dó gắn liền với những thành tựu văn hóa, văn minh Đại Việt. Việc giới thiệu nghề giấy dó là dịp để công chúng hiểu thêm, qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng về loại giấy truyền thống này.
Tại không gian bích họa phố Phùng Hưng, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức chương trình văn hóa với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” từ ngày 27/4 đến 1/5 nhằm tôn vinh các nghệ nhân, thợ thủ công trong công tác bảo tồn giá trị di sản.
Hoạt động này sẽ giới thiệu một số sản phẩm làng nghề tiêu biểu của Hà Nội như: Lụa Vạn Phúc (Hà Đông), gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), sơn mài Hạ Thái (Thường Tín), nón Chuông (Thanh Oai), sừng Thụy Ứng (Thường Tín), quạt Chàng Sơn, chuồn chuồn tre (Thạch Thất), mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ)…
Trong không gian phố bích họa Phùng Hưng, Ban tổ chức cũng giới thiệu bộ sưu tập “Xuân hè 2019” của các nhà thiết kế Hà Nội; chương trình biểu diễn âm nhạc truyền thống vào các tối từ 27/4 đến 1/5.
Sự kiện cuối cùng trong chuỗi hoạt động văn hóa là triển lãm tranh với chủ đề “Chiến tranh và hòa bình” của tác giả Nguyễn Thái Bảo, tổ chức từ ngày 28/4 đến 9/5, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ). Triển lãm bao gồm các tác phẩm tranh vẽ, tranh cổ động về các sự kiện lịch sử của dân tộc, chân dung các chiến sĩ bộ đội giải phóng quân và phong cảnh, con người Việt Nam trong thời bình.
Cũng tưng bừng kỷ niệm nghỉ lễ 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5, Khu vườn hồng lớn nhất Việt Nam - Khu du lịch sinh thái Hanoi Paragon Resort (Muồng Cháu, Văn Hòa, Ba Vì, Hà Nội) tổ chức các chương trình đặc sắc từ ngày 27- 2/5. Tại đây, sẽ có 200 lá cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm tung bay trên khắp con đường vào Hanoi Paragon Resort.
Theo ông Nguyễn Tiến Sơn - Tổng Giám đốc Hanoi Paragon Resort, hàng trăm lá cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm tung bay tôn vinh nhiệt huyết cách mạng, biểu tượng cho sự chiến đấu và chiến thắng của toàn dân tộc, các tầng lớp nhân dân cùng đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam và cổ vũ tinh thần lao động bất diệt.
Hàng ngàn du khách sẽ cùng tham gia các hoạt động vui chơi của người Mường, Dao, Thái như: Ném còn, kéo co, nhún đu, đánh mảng, đánh cù, đẩy gậy, bắn nỏ, đi cà kheo, đi cầu thăng bằng, đè khà, trò tập lên đồng, tập bói, nhảy múa, đi cầu khỉ, bịt mắt đánh trống, chọi gụ… Ngoài ra, các du khách được thưởng thức những ẩm thực đặc sắc của những người vùng cao, giao lưu văn hóa các dân tộc.
Đặc biệt, đêm 29/4, các chàng trai, cô gái Mường, Dao, Kinh, Thái thể hiện các bài hát của dân tộc mình với chủ đề ngợi ca đất nước, con người, sự hăng say lao động sản xuất. Một màn pháo bông điện tử sẽ thắp sáng Hanoi Paragon Resort mãn nhãn hàng ngàn du khách.
Với mong muốn tạo nên sân chơi thú vị, bổ ích cho công chúng nhân dịp nghỉ lễ, Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội) tổ chức một số trò chơi dân gian. Khác những năm trước đây, năm nay Bảo tàng chuẩn bị những dụng cụ chơi và tạo không gian để công chúng tự chơi.
Du khách, đặc biệt là ông bà, cha mẹ có cơ hội trở về với tuổi thơ thông qua việc tự hướng dẫn cho con em mình chơi một số trò chơi dân gian: Nối thúng, nhảy bao bố, ô ăn quan, kéo co, nhảy dây, nhảy bao bố, đẩy gậy...
Qua đây, tạo mối liên hệ gắn bó giữa các thành viên trong gia đình. Đồng thời góp phần giáo dục thế hệ trẻ trong việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa truyền thống. Nhân Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, để tri ân những người có công với cách mạng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam miễn vé vào cửa và thuyết minh miễn phí cho cựu chiến binh và thanh niên xung phong.
TP HCM trình diễn pháo hoa nghệ thuật
Hướng đến kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2019); 133 năm Ngày Quốc tế lao động (1/5/1886-1/5/2019), UBND TP HCM đã có kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm, vui chơi phong phú.
Lãnh đạo TP HCM dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Cụ thể, từ 21h đến 21h15 ngày 30/4, thành phố tổ chức chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật tại ba điểm, trong đó có hai điểm tầm cao tại khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn (quận 2), tòa nhà Landmark và khu vực Công viên Vinhomes thuộc Khu đô thị Vinhomes Center Park (quận Bình Thạnh); một điểm tầm thấp tại Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 6).
Dịp này, TP HCM tổ chức lễ viếng tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố (Đồi không tên), Nghĩa trang thành phố (Lạc Cảnh), Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược - Củ Chi, Nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi), Nghĩa trang chính sách thành phố (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi), Nhà tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Rành (ấp Trại Đèn, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi).
Thành phố cũng sẽ tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP HCM, Bảo tàng Tôn Đức Thắng và Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, còn có các triển lãm ảnh tại các tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và Cung Văn hóa lao động (quận 1) vào ngày 26/4; Giải việt dã truyền thống 30/4 lần thứ 43 vô địch TP HCM mở rộng năm 2019; Giải Đua thuyền truyền thống tại tuyến kênh Rạch Đĩa, Công viên Panorama, quận 7. Còn tại Công viên Tao Đàn sẽ diễn ra “Festival hoa lan TP HCM năm 2019” từ ngày 27/4 đến 1/5…
UBND thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể thành phố và quận, huyện chủ động tổ chức các hoạt động họp mặt, ôn lại truyền thống, chỉ đạo các khu vui chơi, giải trí tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phù hợp, ý nghĩa, thiết thực, tiết kiệm, góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi, phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố.
Ngoài hai trung tâm lớn của cả nước là Hà Nội, TP HCM, tại các tỉnh, thành trên cả nước cũng diễn ra nhiều hoạt động tri ân người có công, các chương trình nghệ thuật, hoạt động vui chơi giải trí. Các TP du lịch như Vũng Tàu, Phan Thiết và Phú Quốc cũng là điểm đến của nhiều người trong dịp 30/4, 1/5 này. Theo ghi nhận, khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại những TP này lượng phòng trống càng khan hiếm. Đại diện Allezboo, một resort ở Phan Thiết cho biết, công suất phòng đạt 100% vào ngày 28/4. Mức thấp nhất là 70%, rơi vào ngày cuối cùng của kỳ nghỉ.
Quảng Trị - mảnh đất khói lửa trong chiến tranh, nơi có vĩ tuyến 17 lịch sử, Thành cổ oanh liệt 81 ngày đêm, nơi rất nhiều người con khắp mọi miền Tổ quốc nằm lại vì độc lập dân tộc luôn là địa điểm cả nước hướng về trong dịp 30/4 hàng năm.
Lễ hội “Thống nhất non sông năm 2019” được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Trị, nhằm tôn vinh giá trị lịch sử và cách mạng dân tộc.
Một trong số những hoạt động chính của Lễ hội là Chương trình nghệ thuật “Khát vọng hòa bình” diễn ra vào tối 29/4, tại bờ Nam Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải. Chương trình nghệ thuật “Khát vọng hòa bình” có sự tham gia của những nghệ sỹ đến từ Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam phối hợp với Đoàn Nghệ thuật Quảng Trị biểu diễn.
Thông qua các tiết mục, chương trình muốn chuyển tải giá trị lịch sử, ý nghĩa, khát vọng thống nhất của nhân dân hai miền Nam-Bắc. Trong khuôn khổ chương trình còn có hoạt động trao quà tặng gia đình chính sách. Chương trình được tường thuật trực tiếp trên kênh Truyền hình Nhân dân và các Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương.