Vừa qua, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Phan Thúy Mai (SN 1961, trú ở phường Đa Kao, quận 1, TP HCM) ra xử tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Mai là cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Đầu tư và du lịch An Phát (Công ty An Phát). Bị hại trong vụ án là các cổ công góp vốn vào doanh nghiệp do Mai làm người đại diện.
Nữ giám đốc “hô biến” đất chung thành tài sản cá nhân
Theo cáo trạng, ngày 31/3/2003, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định chấp thuận Dự án đầu tư xây dựng khu du lịch 79 Mùa Xuân (Dự án đồi 79 Mùa Xuân), địa điểm tại xã Đại Thịnh và Thanh Lâm huyện Mê Linh. Thời điểm ấy, với tư cách là người đứng đầu Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Toàn Thắng (trụ sở ở TP HCM, gọi tắt là Công ty Toàn Thắng), Mai đã xúc tiến việc xin phê duyệt dự án với tổng diện tích gần 93ha, trong đó có cả khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhưng rồi tỉnh Vĩnh Phúc nhận thấy việc cấp phép đầu tư cho một doanh nghiệp ở TP HCM sẽ gây ra những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước sau này nên đề nghị Mai thành lập một pháp nhân khác đặt tại địa phương để triển khai dự án. Vì lý do trên, tháng 4/2004, Công ty An Phát được ra đời với 4 cổ đông sáng lập. Trong đó, Phan Thúy Mai đăng ký sẽ góp 60% vốn điều lệ (tương đương 30 tỷ đồng) đồng thời nắm giữ vai trò người đứng đầu. Thế nhưng khi CQĐT vào cuộc làm rõ hàng loạt khuất tất của bà ta mới phát hiện toàn bộ vốn góp của Mai chỉ là “vốn ảo”. Thậm chí, tính đến thời điểm vụ án xảy ra, vốn góp của bị cáo vào doanh nghiệp âm gần 3 tỷ đồng.
Tháng 4/2004, Công ty An Phát được tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép cho làm chủ đầu tư dự án trên. Quá trình thực hiện dự án, doanh nghiệp này được tỉnh Vĩnh Phúc giao cho gần 983.000m2 đất, trong đó có 162.897m2 dùng để xây biệt thự, nhà vườn. Một năm sau, tỉnh Vĩnh Phúc cấp cho Công ty An Phát 194 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”), tương ứng diện tích đất được giao.
Trong số hàng trăm “sổ đỏ” nêu trên, Công ty An Phát có 2 nền đất biệt thự BT10-08 (hơn 5.000m2) và BT10-10 (hơn 1.500m2), đều thuộc xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh. Tuy nhiên ngay khi vừa nhận “sổ đỏ” trong tay, Mai lập tức lập khống biên bản họp HĐQT cùng giấy tờ liên quan để bán 2 nền đất biệt thự BT10-08 và BT10-10 cho chính mình với giá hơn 9,8 tỷ đồng. Hành vi nêu trên của cựu Giám đốc Công ty An Phát được xác định là trái với Điều lệ công ty cũng như Luật Doanh nghiệp.
Không chỉ tự ý áp giá chuyển nhượng đất rất “bèo”, Mai còn không trả tiền cho doanh nghiệp. Mãi đến năm 2010, khi bị các cổ đông tố cáo, bà ta mới chịu nộp tiền vào doanh nghiệp. Quá trình điều tra, giải quyết vụ án, cơ quan chức năng còn phát hiện ra một tình tiết hết sức “bi hài” là các nền đất BT10-08 và BT10-10 đều thuộc địa bàn xã Thanh Lâm nhưng Mai lại mang hồ sơ mua bán đến UBND xã Đại Thịnh để ký chứng thực và được chính quyền xã này ký chứng thực. Với hành vi này, hàng loạt cán bộ liên quan đã bị kỷ luật. Theo cơ quan định giá tài sản, 2 nền đất biệt thự Mai chiếm đoạt của công ty trị giá hơn 30,5 tỷ đồng.
Sau khi chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp xong, cựu Giám đốc Công ty An Phát liên tục mang đi thế chấp để vay chục tỷ đồng phục vụ mục đích cá nhân của mình. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích của các cổ đông đồng sáng lập Công ty An Phát.
Nữ Giám đốc bất ngờ nhận tội
Bị truy tố, đưa ra xét xử, cựu Giám đốc Công ty An Phát cho rằng bản thân không phạm tội như cáo trạng truy tố. Bà ta bao biện, cho rằng việc tự ý dùng tư cách người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký hợp đồng bán 2 nền đất biệt thự cho chính mình là không trái pháp luật. Bởi trước đó, Công ty Toàn Thắng và Công ty An phát đã có sự thỏa thuận với nhau.
Tuy nhiên, tại phiên tòa lần này, Phan Thúy Mai bất ngờ thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình. Trong khi trước đó, cứ mỗi lần bị đưa ra xét xử, bà Mai lại than ốm khiến HĐXX buộc phải hoãn tòa.
Trước vành móng ngựa, Phan Thúy Mai thừa nhận hành vi tự ý ký hợp đồng chuyển nhượng 2 nền đất biệt thự từ Công ty An Phát sang cho cá nhân bị cáo mà không thông qua Hội đồng quản trị là trái với quy định của Luật Doanh nghiệp, trái với điều lệ công ty. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng hành vi đó không gây thiệt hại gì cho các cổ đông góp vốn. Bị truy vấn về việc bị cáo có dùng tiền “bôi trơn” để được hợp pháp hóa 2 nền đất từ cấp xã đến cấp sở hay không, cựu nữ Giám đốc Công ty An Phát quả quyết không hề hối lộ bất kỳ ai.
Theo trình bày của Mai, sau khi “biến” 2 nền đất trên thành tài sản cá nhân mình, bà ta đã sử dụng một nền đất hơn 5000m2 cầm cố cho Ngân hàng Đông Á để vay 28 tỷ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân. Sau đó, do không trả được nợ nên Ngân hàng Đông Á đã bán cho Công ty Thu mua nợ VAMC, thuộc Ngân hàng Nhà nước. Nền đất biệt thự còn lại 1.500m2, Mai khai cũng từng mang đi thế chấp ngân hàng để vay tiền chi tiêu cá nhân nhưng về sau đã tất toán với ngân hàng, lấy sổ đỏ về. Hiện thửa đất này không cầm cố hoặc thế chấp cho tổ chức, cá nhân nào, nhưng sổ đỏ thửa đất này đã bị thất lạc đâu đó.
Trước lời trình bày của bị cáo, HĐXX hỏi đại diện Ngân hàng Đông Á. Người đại diện của ngân hàng cho biết mới đây, Công ty Thu mua nợ VAMC đã đơn phương chấp dứt hợp đồng, hoàn trả ngân hàng giấy về thửa đất này. Do đó, nếu tòa tuyên Ngân hàng Đông Á phải trả lại Công ty An Phát sổ đỏ và nền đất biệt thự nêu trên vì lý do là tài sản bất hợp pháp thì họ chấp thuận. Sau đó, họ sẽ khởi kiện Phan Thúy Mai ra tòa để buộc bà này phải trả nợ 28 tỷ đồng cùng tiền lãi phát sinh.
Sau một ngày xét xử và nghị án, HĐXX TAND TP Hà Nội đã tuyên Mai 16 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.