Cây phượng vĩ bật gốc được trồng từ năm 1996
Trước đó, như PLVN đã phản ánh, lúc 6h22 sáng 26/5, tại sân trường THCS Bạch Đằng (quận 3) xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng, một cây phượng vĩ bật gốc, đổ đè vào nhóm học sinh. Hậu quả khiến nam sinh 12 tuổi tử vong, 16 học sinh khác bị chấn thương.
Tại buổi họp báo, thông tin về tình hình sức khỏe của nhóm học sinh trên, BS Nguyễn Duy Long, GĐ Trung tâm Cấp cứu 115 TP cho biết, ngay khi xuống hiện trường, ekip cấp cứu sàng lọc nhanh, phát hiện một bé (bé trai 12 tuổi) có dấu hiệu ngưng tim, ngưng thở, được đưa qua BV gần nhất là BV An Sinh. Tại BV bé được xác nhận đa chấn thương, có vết thương ở đầu, chân, xương sườn và bé không qua khỏi, tử vong tại BV lúc 8h sáng cùng ngày.
BV quốc tế Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn tiếp nhận 3 ca, đến 14h chiều cùng ngày 2 bé được phẫu thuật, sức khỏe ổn định. Có 1 bé theo dõi ngoại trú.
BV Nhi đồng 2 tiếp nhận 8 ca, có 2 ca được chỉ định phẫu thuật, những ca còn lại sức khỏe ổn định và được cho về. 5 trường hợp khác trầy xước nhẹ, có hoảng loạn, được chuyển về theo dõi tại BV quận 3.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng cho biết rất tiếc về tai nạn thương tâm xảy ra với học trò. “Khi xảy ra vụ việc, thầy cô tiếp cận thì em vẫn tỉnh táo. Em trả lời con không mệt lắm, nhưng khi xe cấp cứu đến thì em trong tình trạng mê man”, ông Phúc cho hay.
Theo ông Phúc, buổi tối trước khi xảy ra vụ việc có mưa lớn, sáng đó các em đang ngồi tập trung ăn sáng và chuẩn lên lớp thì bất ngờ cây đổ ngả về phía các em. Trường bất ngờ vì nhìn cây phượng vĩ vẫn xanh tốt.
Cây phượng vĩ bật gốc được trồng từ năm 1996. Hàng năm trường đều nhờ công ty công viên cây xanh vào chăm sóc cây. Trong đợt nghỉ dịch Covid-19, trường cũng tiến hành chăm sóc cây, thay bón đất, cắt nhánh. Việc cắt tỉa được thực hiện thường xuyên trong dịp hè.
Sở Giáo dục và Sở Xây dựng “vênh” quan điểm
Nói về vụ tai nạn thương tâm trên, ông Lê Hoài Nam, PGĐ Sở GD&ĐT TP cho biết, đây là vụ đổ gãy cây xanh gây thương tích đầu tiên xảy ra trong trường học trên địa bàn TP.
Theo ông Nam, cây xanh là một trong những vấn đề an toàn trong trường học. Đầu năm học và trước mùa mưa Sở có văn bản nhắc nhở ban giám hiệu các trường về công tác an toàn trường học. Về quy định quản lý cây xanh, ông Nam cho hay, có quy định quản lý chuyên môn. Ông Nam khẳng định, hiệu trưởng các trường không có quyền chặt bỏ cây xanh trong khuôn viên, mà do cơ quan chuyên môn thẩm định chặt bỏ hay không.
Tuy nhiên, ông Lê Quang Đào, Phó phòng Quản lý hạ tầng Sở Xây dựng lại cho rằng, phượng vĩ là cây hạn chế trồng. Theo quy định quản lý cây xanh thì cây xanh trong các công sở do các công sở quản lý. Đối với vụ tai nạn tại Trường THCS Bạch Đằng, Sở Xây dựng xuống hiện trường và xác định còn một cây phượng vĩ khác được trồng trước năm 1996 trong sân trường THCS Bạch Đằng cần phải đốn bỏ.
Như vậy, qua vụ việc này cho thấy vấn đề quản lý cây xanh trong trường học còn khá lúng túng. Sở GD&ĐT cho rằng trách nhiệm quản lý chuyên môn, thẩm định đánh giá chất lượng cây xanh thuộc về Công ty Công viên cây xanh (Sở Xây dựng). Trong khi Sở Xây dựng lại khẳng định cây trồng trong các công sở, trong đó có trường học thì do các công sở quản lý. Thế nhưng trên thực tế, hiệu trưởng các trường không dễ đánh giá vấn đề an toàn của cây xanh, nhất là cây xanh lâu năm và cũng không có thẩm quyền chặt bỏ cây trong khuôn viên.
Nhiều ý kiến đánh giá mùa mưa cũng là thời điểm thường xảy ra các vụ cây xanh bật gốc, gãy đổ. Hơn lúc nào hết, các Sở GD&ĐT, Xây dựng, Công ty Công viên cây xanh cần phối hợp rà soát, đánh giá tình trạng cây xanh ở tất cả các trường học, công sở, không để xảy ra những vụ tai nạn thương tâm như tại Trường THCS Bạch Đằng.
Một ngày sau khi tai nạn xảy ra, ngày 27/5, Sở GD&ĐT TP HCM đã có văn bản khẩn gửi các Phòng GD&ĐT quận, huyện và cơ sở giáo dục trực thuộc trên địa bàn TP, yêu cầu tiếp tục tăng cường đảm bảo an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích.
Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện chỉ đạo của ngành trong các văn bản đã ban hành về đảm bảo an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích, đồng thời rà soát công tác ký kết liên tịch với địa phương nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tại đơn vị.
Trong đó, trường học cần chủ động, kịp thời có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai bão, lũ lụt... nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục.
Đặc biệt, các cơ sở trường học phải quan tâm kiểm tra, cắt tỉa cành, chăm sóc cây xanh, xử lý thông thoáng hệ thống thoát nước, chống dột trong khuôn viên nhà trường, kiểm tra đảm bảo an toàn hệ thống điện tại các phòng học, phòng chức năng, phòng thí nghiệm, thực hành...
Ngay trong sáng 26/5, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức đã dẫn đầu đoàn cán bộ TP đến các BV thăm các em học sinh.
Đối với trường hợp tử vong là nam sinh 12 tuổi, gia đình đã đưa em về gia đình mai táng. Ngay trong chiều 26/5, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã đến viếng, động viên gia đình nạn nhân.
Được biết, mẹ của em vừa sinh bé thứ hai được 3 ngày, gia đình em là hộ cận nghèo. TP, UBND quận 3, Sở GD&ĐT cũng như Trường THCS Bạch Đằng đã có sự hỗ trợ ban đầu cho gia đình nạn nhân cũng như các em học sinh bị thương trong vụ việc.