Liên quan đến vụ việc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn Luật sư TP Hà Nội để hiểu rõ hơn về các tình tiết liên quan.
Đã có quy định cả về xử lý hành chính, xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng súng săn
* Được biết, cán bộ công an này (đã bị tước quân tịch) có sở thích sưu tầm súng. Vậy là cán bộ công an, việc Tính tàng trữ, sử dụng súng hơi, súng săn có bị xử lý theo quy định của pháp luật không (chưa tính đến trách nhiệm hình sự mà trong vụ án này, Tính đã vô ý gây ra cái chết cho em A)? Nếu không, thì mức phạt như thế nào, thưa Luật sư?
- Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Tại khoản 3, 5 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định rõ khái niệm súng săn, vũ khí thể thao như sau: “3. Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này.”
“Vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao, bao gồm:
a) Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay và đạn sử dụng cho các loại súng này;”
Việc tàng trữ, sử dụng vũ khí ở Việt Nam được quản lý rất nghiêm ngặt. Chúng ta cần phải xác định rõ việc Nguyễn Xuân Tính tàng trữ súng săn, súng hơi có được Nhà nước cho phép không. Cụ thể là Tính có các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí hay không.
Trường hợp việc sử dụng, tàng trữ súng của Tính không có sự cho phép của cơ quan Nhà nước, có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Tùy theo loại vũ khí mà anh Tính sử dụng thì mức xử phạt hành chính cao nhất trong trường hợp này là 20.000.000 đồng. Đồng thời, anh Tính còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
* Người dân bình thường nếu sử dụng súng hơi, súng bắn chim (súng săn) có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Vì sao?
- Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Hiện nay, tình trạng người dân dùng súng hơi, súng bắn chim tràn lan ở khắp các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, họ lại không biết rằng việc sử dụng súng hơi đó là vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định hành vi cá nhân sở hữu vũ khí; hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí là các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí theo quy định của pháp luật. Theo đó, khi người dân sử dụng súng hơi, súng bắn chim là trái với quy định của pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tài Điều 10, Nghị định 167/2013 nêu trên hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh như sau:
Người nào sử dụng súng săn, súng hơi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 306 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ”:
“1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Theo đó, nếu người nào đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích, nay tiếp tục sử dụng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 306 BLHS và phải chịu hình phạt từ 03 tháng đến 02 năm tù. Nếu hành vi sử dụng súng hơi đó của người dân gây ra hậu quả nghiêm trọng như làm chết người, gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác từ 61% trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3 và với mức hình phạt cao nhất là 05 năm tù. Và trong trường hợp của Tính, đã bị truy tố, điều tra về tội “Vô ý làm chết người” theo khoản 1 Điều 128 BLHS với mức hình phạt từ 01 năm đến 05 năm tù.
Cần sớm ngăn chặn tình trạng công khai mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng |
* Được biết, Tính mua súng trên mạng. Như vậy, rõ ràng việc mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ diễn ra công khai. Vậy theo Luật sư, nguyên nhân nằm ở đâu? Trách nhiệm quản lý thuộc về ai?
- Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Hiện nay việc trao đổi, mua bán các dụng cụ hỗ trợ, vũ khí nguy hiểm lại đang diễn ra hết sức rầm rộ, dễ dàng và công khai trên các trang mạng xã hội. Vậy nguyên nhân của tình trạng trên là do đâu?
Hiện nay, thời đại công nghệ 4.0 phát triển trên toàn thế giới, việc mua bán, trao đổi qua internet, mạng xã hội ngày càng phổ biến. Trên trang mạng xã hội Facebook có những hội nhóm hiện diện một cách công khai hoặc riêng tư, với những tên gọi khiến ai nhìn thấy cũng không khỏi giật mình: Nơi trao đổi buôn bán mã tấu, đao, kiếm, công cụ hỗ trợ; Mua bán công cụ hỗ trợ; Chuyên bán súng K54, K59, hoa cải và công cụ hỗ trợ… Các nhóm này không chịu sự kiểm duyệt nội dung của nhà cung cấp mạng hoặc các cơ quan chức năng dẫn đến việc lợi dụng môi trường này để trao đổi hàng hóa trong danh mục cấm.
Bên cạnh đó, chế tài xử phạt theo quy định của pháp luật đối với các hành vi liên quan đến mua bán vũ khí có vẻ không đủ sức răn đe nên loại tội phạm mua bán “hàng nóng” trên mạng ngày càng lộng hành, biến tướng phức tạp.
Về trách nhiệm quản lý, theo quy định của pháp luật hiện hành, vũ khí, các loại công cụ hỗ trợ chỉ được trang bị cho những lực lượng có chức năng và do hai cơ quan quản lý chính là Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, các bộ, ngành khác và UBND các cấp sẽ cùng nhau phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong việc quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ.
Theo Điều 23 Nghị định số 79/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì trách nhiệm kiểm tra công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ thuộc về cơ quan Công an có thẩm quyền và cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng. Các lực lượng này sẽ có trách nhiệm tiến hành rà soát, kiểm tra trên thị trường để phát hiện kịp thời những trường hợp vi phạm để có thể ngăn chặn được những hậu quả khó lường. Đồng thời, lực lượng Bộ đội Biên phòng và các cơ quan Hải quan cũng có trách nhiệm kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển trái phép qua biên giới các công cụ hỗ trợ và vũ khí từ Trung Quốc về Việt Nam.
Việc để tình trạng buôn bán, trao đổi, chế tạo vũ khí như hiện nay, lỗi cũng không hoàn toàn thuộc về các cơ quan quản lý nói trên. Tuy nhiên, các cơ quan này cũng cần phải có sự đổi mới và tăng cường các biện pháp phát hiện xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
* Chúng ta cần có biện pháp hay đề xuất các quy định thế nào để có thể hạn chế tình trạng này, thưa Luật sư ?
- Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Tình trạng mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ diễn ra công khai là một vấn đề rất đáng lo ngại bởi hành vi này có thể xâm phạm tới sức khỏe, tính mạng của con người. Chính vì vậy, chúng ta cần có những biện pháp triệt để để hạn chế trình trạng trên.
Trước hết, có thể thấy BLHS và các văn bản pháp luật có liên quan, nhất là Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 và Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự đã có các quy định cụ thể, chặt chẽ với những chế tài nghiêm khắc về vấn đề này.
Hiện nay, các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Do đó, cơ quan Công an và các cơ quan có chức năng liên quan cần chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác đấu tranh, điều tra xử lý các hành vi vi phạm; phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan có biện pháp ngăn chặn các loại vũ khí có nguồn gốc từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam; vận động nhân dân vùng biên tham gia đấu tranh với các hành vi buôn lậu các loại vũ khí từ Trung Quốc. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện theo đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước, không nghe theo lời xúi giục của các đối tượng bên ngoài.
Hơn nữa, đối với những trường hợp vi phạm cần xử lý thật nghiêm để mang tính răn đe và cảnh cáo cho những đối tượng khác.
* Xin cảm ơn Luật sư!