Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một chuyến thăm Pháp (Ảnh: Báo tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một chuyến thăm Pháp (Ảnh: Báo tư liệu)
(PLVN) - Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh có bài viết "Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta". PLVN trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết.

Vào những ngày này, với lòng biết ơn sâu sắc, cả nước ta kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Ngành Ngoại giao Việt Nam rất vinh dự và tự hào được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên. 

Là lãnh tụ thiên tài, là nhà ngoại giao kiệt xuất đã sáng lập ra nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, Bác đã chỉ đạo công tác ngoại giao nước nhà vượt qua muôn vàn khó khăn, góp phần giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước. 

Từ chủ nghĩa yêu nước và truyền thống văn hóa Việt Nam, bằng kho tàng tri thức đồ sộ Đông - Tây, với bản lĩnh dạn dày và kinh nghiệm vô cùng phong phú qua hàng chục năm bôn ba hoạt động cách mạng, Bác đã để lại cho nền ngoại giao Việt Nam hiện đại một tư tưởng ngoại giao đặc sắc - Tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh. 

Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh bao hàm những nguyên lý, nội dung, phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao. Người đề cao các quyền dân tộc cơ bản, bao gồm độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, hòa bình và chống chiến tranh xâm lược. 

Người nhấn mạnh ngoại giao “phải luôn luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ” [1]; độc lập tự chủ, tự lực tự cường phải gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế, theo đó Việt Nam sẵn sàng “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”[2]. Người hết sức coi trọng tình hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng có chung biên giới; mở rộng bang giao với các nước trong khu vực và trên thế giới; xử lý tốt quan hệ với các nước lớn để phục vụ lợi ích cách mạng. 

Trong phương pháp, Người xác định ngoại giao phải là một mặt trận, một binh chủng hợp thành của cách mạng Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn “vừa đánh vừa đàm”, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn. Người luôn đặt Việt Nam trong dòng chảy của thế giới, coi trọng các trung tâm quyền lực, các trào lưu lớn. 

Người đặc biệt đề cao “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, lấy cái không thể thay đổi để ứng phó với muôn sự thay đổi, giữ vững tính nguyên tắc, kiên định, vững chắc của mục tiêu chiến lược với tính linh hoạt, uyển chuyển của sách lược cách mạng. Phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh còn thể hiện truyền thống yêu hòa bình của dân tộc ta, nỗ lực giải quyết bất đồng bằng các phương cách hoà bình.

Trên nền tảng văn hóa dân tộc, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh thấm đẫm giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại, kết hợp nhuần nhuyễn văn hoá Đông - Tây. 

Về tư duy, Người căn dặn phải có quan điểm toàn diện, “nhìn cho rộng suy cho kỹ” để thấy rõ được xu thế chung và chiều hướng của tiến bộ xã hội. Trong ứng xử, Người kết hợp hài hòa giữa các giá trị dân tộc và quốc tế, làm cho mọi người cảm thấy gần gũi, thân tình. Trong giao tiếp, Người dùng cách thể hiện bình dị để gửi gắm hiệu quả những thông điệp ngoại giao.

Nét nổi bật trong nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh là sự vận dụng nhuần nhuyễn “năm cái biết” (biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến), là khả năng tạo dựng thời cơ và chớp thời cơ, là ngoại giao tâm công giúp thu phục lòng người bằng chính nghĩa, tình người, lẽ phải và đạo lý. 

Những thành tựu của đối ngoại Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc ta đã thể hiện rõ nét sự tài tình của Hồ Chí Minh trong việc vận dụng các nghệ thuật ngoại giao để đưa cách mạng đến thành công.

*

*   *

Thực tiễn đã chứng minh Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là di sản vô giá, là nền tảng sức mạnh và là chìa khóa để triển khai thắng lợi, hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng qua các giai đoạn cách mạng. Chính nhờ sự vận dụng sáng tạo Tư tưởng ngoại giao của Người trong tình hình mới, đối ngoại Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần duy trì môi trường hoà bình, thu hút các nguồn lực cho phát triển, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và nâng cao vị thế quốc tế của nước ta. 

Đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện với 30 nước. Chúng ta hết sức coi trọng quan hệ với các nước láng giềng chung biên giới, các đối tác chiến lược, toàn diện; đã đưa quan hệ với các đối tác ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, từng bước xử lý ổn thoả các vấn đề phát sinh, tồn tại. Đồng thời, chúng ta đã nỗ lực phát triển quan hệ ngày càng thiết thực với các nước láng giềng khu vực và bạn bè truyền thống. 

Tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Về kinh tế, Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế thông qua ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, qua đó tạo ra những động lực to lớn cho phát triển. IMF đánh giá Việt Nam nằm trong số 20 nền kinh tế có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019. Dù dịch Covid-19 đang gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng dương vào loại cao trong khu vực. Hội nhập quốc tế về chính trị - an ninh - quốc phòng, xã hội - văn hoá và các lĩnh vực khác ngày càng sâu sắc. 

Với thế và lực mới, Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách, đang phát huy hiệu quả vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực trong giải quyết nhiều vấn đề quốc tế quan trọng như: góp phần bảo đảm an ninh lương thực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế phòng chống dịch Covid-19, thúc đẩy hoà bình và hoà giải trên bán đảo Triều Tiên...

Trong môi trường quốc tế ngày càng phức tạp, đối ngoại đã góp phần hiệu quả vào bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chúng ta đã nỗ lực xây dựng đường biên giới trên bộ hoà bình, hữu nghị và phát triển với Lào, Campuchia và Trung Quốc. Trước những phức tạp ở Biển Đông, chúng ta đã đánh giá đúng tình hình, đấu tranh, xử lý kịp thời, tỉnh táo, sáng suốt, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển. 

Bên cạnh những kết quả trên, các trụ cột và lĩnh vực quan trọng khác của công tác đối ngoại đều đạt nhiều thành tựu. Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại quốc phòng - an ninh được triển khai hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng; ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, bảo hộ công dân, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, thông tin đối ngoại cũng được triển khai chủ động, tích cực, góp phần quan trọng vào thành tựu đối ngoại chung của đất nước.

*

*   *

Bên thềm thập niên thứ ba của thế kỷ 21, thế giới đang chứng kiến những biến động to lớn, sâu sắc và khó lường. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đại dịch Covid-19 đã góp phần đẩy nhanh hơn những chuyển biến sâu sắc trong cục diện quốc tế, tác động trực tiếp tới môi trường an ninh và phát triển của nước ta. Chúng ta cần tiếp tục vận dụng sáng tạo Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh để đặt Việt Nam vào đúng “dòng chảy của thời đại”, tạo sức mạnh to lớn đưa cách mạng Việt Nam tới những thắng lợi mới.

Theo đó, ngoại giao Việt Nam cần phát huy tốt vai trò là “một mặt trận” tiên phong nhằm củng cố vững chắc môi trường quốc tế thuận lợi và thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển và nâng cao vị thế đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ lúc nước chưa nguy. Các “binh chủng” của đối ngoại Việt Nam, gồm ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân cần đồng tâm hiệp lực để tận dụng được những cơ hội mới và xử lý hiệu quả những thách thức phức tạp đang đặt ra. 

Chúng ta cần vận dụng tốt nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cần kiên định mục tiêu bất biến là lợi ích tối thượng của quốc gia - dân tộc với nội hàm là hoà bình, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao sức mạnh và vị thế của quốc gia; đồng thời, linh hoạt, khéo léo trong sách lược, hành động để xử lý cái "vạn biến" của tình hình. 

Trước những phức tạp ở Biển Đông, chúng ta kiên trì sử dụng các biện pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp, đồng thời "kiên quyết bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: Toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước” [3] như lời Bác căn dặn. 

Chúng ta cũng cần tiếp tục thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế sâu rộng để đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Thực hiện tư tưởng của Bác về đoàn kết và hợp tác quốc tế, chúng ta tiếp tục coi trọng quan hệ với các nước láng giềng có chung biên giới; đưa vào chiều sâu quan hệ với các nước trong khu vực và trên thế giới; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.

Trong tình hình mới, cán bộ đối ngoại cần thường xuyên phấn đấu, tu dưỡng như lời Bác dặn: "chỉ có qua học tập, qua sự cố gắng của từng cá nhân và cả ngành thì công tác ngoại giao mới đáp ứng nhu cầu của đất nước" . Cán bộ đối ngoại cần vừa "hồng", vừa "chuyên" để xây dựng nền ngoại giao Việt Nam hiện đại trong thời kỳ mới. Đặc biệt, cần thực hiện lời căn dặn của Bác: “phải luôn luôn vì lợi ích dân tộc mà phục vụ và nhà ngoại giao phải khôn khéo để lợi ích đó được đảm bảo" .

Dưới ánh sáng của Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục viết lên những thành công mới, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác hằng mong ước./.

Phạm Bình Minh 

Uỷ viên Bộ Chính trị, 

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao 

  [1] Bác Hồ nói chuyện tại Hội nghị ngoại giao 1964. Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Việt Nam.

  [2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tr. 153.

  [3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.522, tr.3.

Đọc thêm

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ báo công và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đọc Lời báo công dâng Bác. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, sáng 14/12, tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ báo công dâng Bác. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó  Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi lễ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích cá nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.