Tự tử đã trở thành vấn đề nóng của nhiều quốc gia

Không phải ai tìm đến cái chết cũng có nguyên nhân từ căn bệnh tâm thần
Không phải ai tìm đến cái chết cũng có nguyên nhân từ căn bệnh tâm thần
(PLVN) - Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có hơn 800.000 người tử vong do tự tử. Tự tử không phải là vấn đề riêng tư của mỗi cá nhân, mỗi gia đình nữa mà đã trở thành vấn đề toàn cầu cùng với sự chung tay của nhiều chính phủ. Thậm chí ở Anh, Bộ Phòng chống tự tử đã ra đời với vị trí Bộ trưởng đóng vai trò quan trọng trong Chính phủ Anh.

Sự bi thảm ẩn sau những con số

Tuần lễ “Sức khỏe và Tâm thần trẻ em” đã diễn ra ở trung tâm Liverpool (Anh) từ ngày 4-10/2/2019. Sự kiện do một tổ chức từ thiện hợp tác với đài phát thanh địa phương tiến hành nhằm loại bỏ nỗi sợ hãi và sự kỳ thị về bệnh tâm thần, nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về nạn trẻ em tự tử.

Trong tuần lễ này có 226 đôi giày được trưng bày trên các bậc thang ở trung tâm Liverpool. Mỗi đôi giày biểu trưng cho một đứa trẻ đã chết do tự tử năm 2017. "Đằng sau mỗi con số thống kê là một cuộc sống bi thảm nhưng thực tế." - Jake Mills, người sáng lập tổ chức từ thiện nói.

Theo thống kê của Chính phủ Anh, mỗi năm ở Anh có khoảng 4.500 vụ tự tử. Tự tử hiện là nguyên nhân dẫn tới tử vong nhiều nhất trong nhóm đàn ông tuổi dưới 45.

Năm 2018, theo một báo cáo mới từ Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ dựa trên dữ liệu sức khỏe người dân từ năm 1999 đến năm 2016, tỉ lệ tự sát ở Mỹ đã tăng mạnh, tăng hơn 30% tại hàng chục bang của Mỹ. Tự tử là một trong ba nguyên nhân tử vong hàng đầu đang tăng ở đất nước này và đã góp phần làm giảm tuổi thọ của người Mỹ.

Đáng lo ngại là trong số các nạn nhân tự sát năm 2015 ở 27 bang, 54% số người không có tình trạng bệnh lý tâm thần. Với những người này, tình huống tự sát của họ bao gồm vấn đề về mối quan hệ hoặc công việc, mất nhà, rắc rối về pháp luật và vấn đề về sức khỏe thể chất.

Năm 2016, có gần 45.000 người Mỹ chết vì tự tử. Tính theo bang, tỉ lệ tự sát ở thời điểm gần nhất được nghiên cứu (2014-2016) rơi vào mức từ 6,9/100.000 người ở quận Columbia và lên tới 29,2/100.000 người ở Montana.

Ngày 27/5/2017, chính quyền Tokyo (Nhật Bản) đã công bố kế hoạch có tên “Các giải pháp tổng thể chống tự tử” với mục tiêu giảm 30% số vụ tự tử trong 10 năm tới trong bối cảnh số người tự tử ở nước này đang ở mức cao đáng lo ngại.

Theo hãng tin AFP, Nhật có tỉ lệ tự tử cao nhất trong nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) với hơn 20.000 người tự kết liễu cuộc đời mỗi năm. Một cuộc khảo sát năm 2016 của Bộ Y tế Nhật Bản cho thấy có tới 23,6% người trưởng thành được hỏi nghiêm túc cân nhắc đến việc tự tử. Năm 2016, quốc gia 127 triệu dân này đứng thứ 6 về tỉ lệ người tự tử, xếp sau Litva (30,8), Hàn Quốc (28,5) và Surinam (24,2).

Mục tiêu của chính quyền Tokyo trong kế hoạch có tên “Các giải pháp tổng thể chống tự tử” là giảm tỉ lệ tự tử ở mức 18,5 /100.000 người vào năm 2015 xuống còn 13 người vào năm 2025, tương đương với tỉ lệ tại Mỹ (13,4%).

Tự tử đã trở thành vấn đề nóng trên bàn nghị sự

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có hơn 800.000 người tử vong do tự tử và cứ mỗi người chết vì tự tử thì có khoảng 25 người tự tử thất bại. Có rất nhiều bi kịch xảy ra và rất nhiều người đã chọn tự tử là cách giải thoát cho chính họ.

Tự tử đã trở thành vấn nạn toàn cầu, chính về thế ngày 10/9 hàng năm được Hiệp hội Phòng chống tự tử toàn cầu và Tổ chức Y tế thế giới chọn là “Ngày Thế giới phòng chống tự tử” với quan điểm: Ở cấp độ toàn cầu, cần phải nâng cao nhận thức  rằng tự tử là một nguyên nhân chủ yếu có thể phòng ngừa được của tử vong sớm.

Các chính phủ cần phát triển khung chính sách cho những chiến lược phòng chống tự tử quốc gia. Ở địa phương, các chính sách và kết quả nghiên cứu cần phải được chuyển thành hành động cụ thể trong chương trình phòng chống và các hoạt động tại cộng đồng.

Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới lập ra Bộ Phòng chống tự tử và Thủ tướng Anh Theresa May đã bổ nhiệm bà Jackie Doyle-Price đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng. Truyền thông Anh quốc đánh giá, Bộ trưởng Bộ Phòng chống tự tử là một vị trí rất quan trọng trong Chính phủ Anh.

Bà Jackie Doyle-Price đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Bộ Phòng chống tự tử của Anh
Bà Jackie Doyle-Price đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Bộ Phòng chống tự tử của Anh

Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Phòng chống tự tử Anh, bà Doyle-Price có trách nhiệm tìm ra giải pháp nhằm làm giảm số lượng các vụ tự tử tại xứ sở sương mù, giúp những người có vấn đề về tâm lý được tiếp cận với dịch vụ tư vấn. Chính phủ Anh cho biết, 1,4 tỷ bảng ngân sách sẽ sớm được bổ sung để phục vụ cho việc cải thiện ngành Y tế nói chung cũng như phòng chống tình trạng tự sát nói riêng.

Tuy chưa có tên trên “bản đồ các quốc gia có nạn tử tự cao” vì chưa có thống kê chính thức, nhưng ở Việt Nam, con số những người “có hành vi cố ý giết chết bản thân mình” (theo định nghĩa về tử tự của Tổ chức 

Y tế thế giới) ngày một tăng cao. Đáng báo động ở chỗ rất nhiều người tìm đến cái chết vì những nguyên nhân rất lãng xẹt và cái chết của họ đã để lại những đau đớn khôn lường cho người thân. Bà Nguyễn Vân Anh - người sáng lập Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý (PCP) một tổ chức phi chính phủ Việt Nam với mục tiêu phòng chống khủng hoảng tâm lý và phòng chống tự tử kể lại, trong một lần đi điều tra về con số trẻ vị thành niên tự tử, bà gặp ở Khoa Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai một nữ bệnh nhân tự tử vì đi học về thấy cả nhà ăn cơm trước nên buồn, nghĩ mọi người ghét bỏ, không quan tâm...

Năm 2011, chùm 5 nghiên cứu về vấn đề tự tử tại Việt Nam đã được Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý thực hiện trên 2.280 người dân thuộc quận Đống Đa (Hà Nội); huyện Sóc Sơn (Hà Nội); Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và Bệnh viện huyện Sóc Sơn (Hà Nội).

Kết quả cho thấy, tỷ lệ người dân có ý nghĩ tự tử là 2,6-25,4%; có kế hoạch tự tử là 1,1 -15,6%; thực hiện hành vi tự tử là 0,4% - 4,2%. Chỉ có số ít những người tự tử được chẩn đoán là mắc bệnh tâm thần. Ở nông thôn thường sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc chuột để tự tử.

Từ nghiên cứu này, Trung tâm phòng chống khủng hoảng tâm lý đưa ra khuyến nghị: Quản lý chặt các phương tiện tự tử (thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột...); tăng cường khả năng đương đầu với khó khăn; xây dựng các mối quan hệ gia đình, thầy trò, bè bạn dựa trên tinh thần cởi mở, giao tiếp tốt và bình đẳng…

Những khuyến nghị này rất cần thiết bởi một cuộc khảo sát năm 2016 của Bộ Y tế Nhật Bản cho thấy, chỉ có 6,9% số người được hỏi biết về dịch vụ tư vấn sức khỏe tâm thần, 5% biết về tuần lễ ngăn nạn tự tử do Chính phủ khởi xướng vào tháng 9.  

Bà Anne Schuchat - Phó Giám đốc của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ nhấn mạnh: “Tự sát là một vấn đề sức khỏe cộng đồng có thể ngăn chặn. Thế nên việc hiểu được phạm vi yếu tố và tình huống góp phần vào nguy cơ tự sát là rất quan trọng”. Còn theo nhà tâm lý học lâm sàng Jill Harkavy-Friedman  làm việc tại Tổ chức Phòng chống Tự sát Hoa Kỳ thì tự sát không có nguyên nhân duy nhất.

Đó là sự giao nhau của các yếu tố tại một thời điểm căng thẳng cụ thể, không chỉ là căn bệnh tâm thần rất đáng quan tâm mà còn gồm rất nhiều yếu tố. Theo Harkavy-Friedman, mấu chốt là bắt đầu ngăn chặn sớm bằng cách dạy từ lứa tuổi trẻ con kĩ năng giải quyết vấn đề và đối mặt vấn đề và cách chăm sóc hợp lý sức khỏe vật chất và tinh thần của mình. 

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.