Ông Giang hỏi, ông có được phép đi học lên thạc sĩ không, có phải xin ý kiến xác nhận đồng ý cho phép đi học thạc sĩ của thủ trưởng đơn vị hoặc của lãnh đạo UBND huyện không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Phan Văn Giang như sau:
Quyền và nghĩa vụ học tập là một trong các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều 39 Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập.
Mọi công dân đều có quyền học tập từ bậc giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề, giáo dục đại học và sau đại học. Có quyền lựa chọn học tập bất kỳ ngành, nghề khoa học nào theo nguyện vọng.
Công dân có quyền học tập nâng cao trình độ bằng nhiều hình thức khác nhau: Tập trung, không tập trung, chính quy, không chính quy, đào tạo liên tục, vừa học vừa làm và có quyền học tập suốt đời, không hạn chế độ tuổi. Có thể lựa chọn việc tham gia học tập vào ban ngày hoặc buổi tối; thường xuyên vào các ngày làm việc trong tuần hoặc tập trung theo đợt, hay vào các ngày nghỉ hàng tuần (thứ bảy, chủ nhật).
Đối với viên chức, Khoản 2 Điều 11 Luật Viên chức quy định, một trong các quyền của viên chức về hoạt động nghề nghiệp là được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.
Ngày 1/9/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Mục tiêu của đào tạo, bồi dưỡng nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức và hoạt động nghề nghiệp của viên chức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước, phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng quy hoạch nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị.
Điều kiện viên chức được cơ quan quản lý cử đi đào tạo sau đại học: Đã kết thúc thời gian tập sự (nếu có); có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo; chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.
Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước được cơ quan quản lý, sử dụng bố trí thời gian và kinh phí theo quy định; được tính thời gian đào tạo, bồi dưỡng vào thời gian công tác liên tục; được hưởng các chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật; được biểu dương, khen thưởng về kết quả xuất sắc trong đào tạo, bồi dưỡng.
Đối với ông Phan Văn Giang, nếu ông không thuộc trường hợp được cơ quan quản lý, đơn vị sử dụng viên chức cử đi đào tạo sau đại học để đáp ứng quy hoạch nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị, thì theo quy định tại Điều 39 Hiến pháp năm 2013, ông có quyền tự học tập nâng cao trình độ của mình. Ông có quyền tự đăng ký thi tuyển vào cơ sở đào tạo sau đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, tự bố trí thời gian, tự trả toàn bộ kinh phí học tập. Việc lựa chọn hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, thời gian học tập phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến thời giờ làm việc và nhiệm vụ được giao tại đơn vị nơi công tác.
Theo luật sư, việc ông Giang tự nguyện đi học nâng cao trình độ, tự bố trí thời gian học tập phù hợp, tự trả toàn bộ kinh phí học tập, không thuộc trường hợp cơ quan, đơn vị cử đi học, thì không cần thiết phải có ý kiến xác nhận đồng ý của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.