Các hộ dân ở nhiều thôn tại xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại chuyện từng thấy những tảng đá to rơi thẳng vào vườn, thậm chí đè vào nhà, ảnh hưởng nhiều đến tài sản, hoa màu... Tuy chưa ảnh hưởng về người nhưng ai cũng sống trong lo sợ.
Tai ương ngay trên đầu
Thống kê từ UBND xã Thượng Hóa, hiện có 43 hộ dân sinh sống dưới các chân núi đá vôi tại các thôn Quyền, Phú Nhiêu, Khai Hóa và Tiến Hóa (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa).
Trước những năm 2000 đã có nhiều hộ dân bắt đầu định cư, sau đó, nhiều hộ dân khác cũng tới làm nhà ở, chăn nuôi, trồng trọt tại khu vực này. Trước thắc mắc về nhiều tảng đá to ngổn ngang sau vườn nhà, một người dân chỉ lên phía núi đá cao nói, những tảng đá đó rơi từ trên núi xuống sau nhiều lần sạt lở.
Vụ sạt lở gần đây nhất là vào tháng 3/2011. Hàng chục tảng đá to từ trên núi cao đã rơi xuống nhà anh Đinh Tiến Dũng, một người dân ở thôn Khai Hóa. “Khoảng 7 giờ, cả nhà tôi đang ăn sáng thì nghe thấy tiếng ầm ầm lớn từ núi phía sau nhà. Không biết chuyện gì, mọi người hoảng loạn chạy nhanh ra đường, quay lại thấy hàng chục tảng đá to nhỏ nằm ngổn ngang ở vườn. Nhiều cây cối bị gãy đổ, chuồng lợn bị một tảng đá đè bẹp, may mà nhà cửa không bị gì, người nhà cũng thoát nạn”, anh Dũng kể lại.
Hiện, những tảng đá có đường kính 2 - 3m kia vẫn nằm ngổn ngang vườn nhà anh, nhiều diện tích đất hoa màu bị che lấp làm ảnh hưởng đến việc trồng trọt.
Trước đó, vào năm 2009, đá to từ trên núi cao cũng lăn trúng nhà ông Đinh Minh Khâm (tại thôn Khai Hóa, xã Thượng Hóa) làm gãy một cột nhà, hư hỏng nhiều tài sản cùng hoa màu trong vườn. Rất may không có thiệt hại nghiêm trọng về người.
Anh Đinh Xuân Hiểu, trưởng thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa cho hay: “Kể từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn xã Thượng Hóa có hàng chục vụ sạt lở đá xảy ra. Nhưng rất may là không có người chết hay bị thương mà chỉ hư hỏng tài sản và hoa màu”.
Sống trong lo sợ
Ở địa bàn này, các ngọn núi đá vôi đều dốc đứng, cao trên trăm mét, kết cấu nhiều chỗ lơi lỏng, nhiều mỏm đá nhô ra có khả năng rơi xuống bất cứ lúc nào. Có nhà dân chỉ nằm cách chân núi 20 - 30m, hoa màu, chuồng trại chăn nuôi đều nằm sát chân núi.
Mấy năm gần đây tuy chưa có vụ sạt lở đá nghiêm trọng, nhưng người dân ở đây luôn bất an, nhất là khi trời mưa gió, sấm sét.
Nguy hiểm rình rập, nhưng hàng chục hộ dân vẫn không thể chuyển đi nơi khác. Anh Đinh Xuân Minh, nhà cũng ngay chân núi đá, bộc bạch: “Thực sự gia đình tôi rất lo lắng vì tai ương rình rập trên đầu. Nhưng tôi không muốn chuyển đi nơi khác, vì nhà cửa đã được làm kiên cố. Cây cối trong vườn trồng lâu năm lớn cả rồi, khai khẩn chục năm nay, đi thì tiếc!”.
Thực trạng tử thần rình rập hàng chục hộ dân khiến chính quyền địa phương không khỏi lo lắng. Ông Đinh Thanh Văn, Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa cho biết: “Xã đã tuyên truyền, vận động 43 hộ dân các thôn Quyền, Khai Hóa, Phú Nhiêu, Tiến Hóa cần sớm di dời khỏi chân núi đá vôi. Xã cũng trích quỹ đất dự phòng để cấp cho dân đến ở nhưng bà con vẫn không chịu. Xã sẽ không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những hộ ở dưới chân núi đá”.