Đổi mới mạnh mẽ các lĩnh vực hoạt động của công tác Tư pháp
Với Vĩnh Phúc, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang nhấn mạnh phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của ngành Tư pháp địa phương là đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong công tác Tư pháp, đặc biệt là các thủ tục hành chính (TTHC) công liên quan đến lĩnh vực tư pháp. Lãnh đạo tỉnh đã giao Sở Tư pháp nghiên cứu, rà soát các khâu trong TTHC, khắc phục tình trạng “cò” thực hiện thủ tục; tham gia nhiều hơn nội dung xây dựng chính sách, giải quyết vụ việc, rà soát tính pháp lý của dự án triển khai ở tỉnh; chú ý hoạt động đấu giá tài sản, công chứng;….
Ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc trao Cờ thi đua UBND tỉnh cho Tập thể Văn phòng Sở Tư pháp. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị trong năm 2022, Sở Tư pháp cần nghiên cứu, rà soát những việc, những khâu, những điểm còn tồn tại, hạn chế trong quy trình TTHC để đề xuất các giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao vai trò, vị thế và chất lượng phục vụ nhân dân của ngành. Ngành Tư pháp địa phương cần tham gia nhiều hơn vào xây dựng chính sách, các quyết định của UBND tỉnh cũng như những giải pháp vận dụng đối với từng vụ, việc cụ thể. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá và hành nghề công chứng; nâng cao an toàn pháp lý trong vận hành bộ máy hành chính, góp phần thiết thực xây dựng xã hội tôn trọng pháp luật.
Tại Hà Nội, bám sát kế hoạch công tác Tư pháp của UBND thành phố, năm nay Sở Tư pháp Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm 2022 của thành phố: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Trong đó Hà Nội xác định sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả nhiệm vụ công tác Tư pháp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác Tư pháp từ thành phố đến cơ sở; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng bộ máy liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp; góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, đảm bảo trật tự an toàn, an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
Tiếp tục thực hiện Hiến pháp năm 2013, Luật Thủ đô, các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các văn bản của Trung ương, của Thành phố để triển khai công tác Tư pháp Thủ đô với chất lượng, hiệu quả cao.
Ngay từ ngày đầu đi làm năm mới, mọi việc đã triển khai tích cực, bộ phận một cửa đã mở cửa để phục vụ người dân. Năm nay bên cạnh các lĩnh vực truyền thống của công tác Tư pháp như xây dựng, thẩm định, rà soát văn bản, công tác phổ biến giáo dục pháp luật, bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, công tác xây dựng ngành, thì Hà Nội xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các văn bản: Công bố quy trình giải quyết TTHC lĩnh vực Tư pháp; Quy chế thực hiện liên thông các TTHC về Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí. Tiếp tục triển khai thí điểm việc ủy quyền cho công chứng Tư pháp - hộ tịch phường ký chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký. Cùng đó, tiếp tục xây dựng và triển khai Đề án thực hiện thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Giám đốc Sở Tư pháp Long An Phan Thị Mỹ Dung, Đại biểu Quốc hội khóa XV thì chia sẻ, ngành Tư pháp tỉnh đã bắt tay ngay vào công việc, quán triệt các nhiệm vụ cần triển khai ngay ngày đầu tiên đi làm sau khi đón một mùa Tết an toàn, vui tươi, đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Sở Tư pháp Long An nhận Cờ thi đua năm 2021. |
Theo Giám đốc Sở Tư pháp Long An, trọng tâm nổi bật năm 2022 của Tư pháp Long An là tăng cường đổi mới, nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực bổ trợ tư pháp như công chứng, luật sư, đấu giá tài sản, đặc biệt là bắt đầu triển khai thừa phát lại theo Nghị định 08. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong lĩnh vực hành chính tư pháp, nhất là hộ tịch, chứng thực, trong đó Long An xung phong làm phần mềm quản lý hồ sơ chứng thực, kết nối với phần mềm quản lý hồ sơ công chứng. Bên cạnh đó, ngành Tư pháp Long An sẽ tập trung triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính với nhiều văn bản liên quan mới đây được sửa đổi, bổ sung với việc đẩy mạnh tập huấn chuyên sâu để đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính sử dụng hiệu quả công cụ xử phạt vi phạm hành chính.
Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình Bùi Thị Thúy Bình cho hay, trong ngày đầu tiên đi làm (7/2/2022), Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình đã tổ chức gặp mặt đầu xuân cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị. Tại đây, Giám đốc Sở yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động trong Sở khẩn trương bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của công tác Tư pháp năm 2022 đã được đề ra.
Giám đốc Sở Tư pháp Hòa Bình Bùi Thị Thúy Bình giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong buổi gặp mặt đầu xuân ngày 7.2. |
Cụ thể, tổ chức thi hành hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật nhất là những vấn đề liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Chú trọng thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác này, đặc biệt là công tác theo dõi, đôn đốc việc xử lý văn bản trái pháp luật, xử lý rà soát văn bản.
Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật theo định hướng chuyển đổi số trong công tác này. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, chủ động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nhất là trong hoạt động luật sư, công chứng, đấu giá tài sản; quan tâm phát triển hiệu quả, chất lượng hoạt động trọng tài, hòa giải thương mại; nâng cao trách nhiệm, vai trò tự quản của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong lĩnh vực luật sư, công chứng. Tập trung giải quyết các vấn đề quốc tịch cụ thể phát sinh trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý, nhất là công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.
Đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành của Sở và trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở Tư pháp.
Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trên, Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường công tác cải cách hành chính; thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra trong Nghị Quyết của Chính phủ gắn với Nghị Quyết của Tỉnh ủy, Quyết định của Bộ Tư pháp, Chỉ thị của UBND tỉnh và Bộ Tư pháp giao cho, xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác để cụ thể hóa nhiệm vụ, bảo đảm tính khả thi, tránh chồng chéo, ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 vừa thích ứng linh hoạt với điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình còn đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, các vi phạm trong khi giải quyết yêu cầu của người dân; chú trọng công tác phối hợp với các Sở, Ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện công tác tư pháp; chủ động, kịp thời phát hiện, xử lý hoặc báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong công tác Tư pháp, pháp chế…
Thi hành án dân sự tập trung thi hành dứt điểm các vụ có điều kiện
Tại Khánh Hòa, trong không khí khẩn trương những ngày đầu năm mới, Thi hành án dân sự (THADS) đã bước vào quý II năm 2022, Cục trưởng Đặng Đình Quyền thông tin: Quý I các cơ quan THADS đã thi hành xong hơn 1 ngàn việc, thu số tiền trên 300 tỷ đồng, tăng 213 tỷ so với cùng kỳ. Công tác chỉ đạo điều hành tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt là trong chỉ đạo các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; tăng cường tháo gỡ khó khăn phát sinh từ các Chi cục trực thuộc; Các lĩnh vực công tác như tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được quan tâm chỉ đạo quyết liệt và ngày càng đi vào nề nếp. công tác tổ chức bộ máy tiếp tục được củng cố kiện toàn, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai áp dụng hiệu quả.
Cục trưởng Cục THADS Khánh Hoà Đặng Đình Quyền chủ trì Hội nghị triển khai công tác năm 2022. |
Với tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt ở Khánh Hòa, Cục THADS xác định vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, trong đó tập trung triển khai kế hoạch thích ứng an toàn trong phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Ngoài ra, các cơ quan THADS sẽ tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ thi hành án đối với những việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, án thu cho ngân sách nhà nước và đặc biệt chú trọng thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt trong vụ án tham nhũng, kinh tế, án kinh doanh thương mại. Trước đó được biết trong quý I/2022 Cục THADS đã chỉ đạo các đơn vị tích cực thu hồi tài sản bị chiếm đoạt thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, các việc về thi hành án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Hiện Cục đang thi hành 18 vụ việc hình sự về kinh tế tham nhũng tương ứng số tiền gần 190 tỷ đồng, trong đó vụ Giang Kim Đạt đã xử lý xong, thu được số tiền gần 100 tỷ.
Ông Nguyễn Minh Đức, Cục trưởng THADS tỉnh Nam Định cho biết, trong năm vừa qua, các cơ quan THADS tỉnh Nam Định đạt kết quả thi hành về việc đạt tỷ lệ 86,09%, về tiền đạt tỷ lệ 54,59%. Do đó, năm 2022, để thực hiện được “mục tiêu kép” đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kết hợp phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19, ông Nguyễn Minh Đức cho biết Cục THADS Nam Định đặt quyết tâm và đưa ra các giải pháp hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Trong đó, Cục THADS tỉnh Nam Định tiếp tục tập trung thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành; phấn đấu nâng cao chất lượng, tỉ lệ THADS xong về việc và về tiền; tiếp tục thi hành có hiệu quả các khoản thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo. Nâng cao hiệu quả công tác THADS trong các vụ việc liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng và các khoản thu cho ngân sách Nhà nước.
Tiếp tục thi hành có hiệu quả các khoản thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo. Nâng cao hiệu quả công tác THADS trong các vụ việc liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng và các khoản thu cho ngân sách Nhà nước…
Ngoài ra, ông Đức cũng cho biết Cục sẽ tiếp tục chú trọng, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ. Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, tự kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại-tố cáo trong THADS, THAHC. Kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa vi phạm đối với tất cả các khâu của quá trình THADS; tổ chức thực hiện hiệu quả “Chương trình hành động đẩy mạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong THADS giai đoạn 2021-2025”…
Bà Đoàn Thị Hạ, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Cao Bằng cho biết, năm 2021 vừa qua, các cơ quan THADS trong toàn tỉnh đã thi hành xong gần 3.000 việc (đạt tỉ lệ 96.64%, vượt 13.14% chỉ tiêu được Bộ Tư pháp giao) tương ứng với trên 55 tỷ đồng (đạt tỉ lệ 73.1%, vượt 31.5% chỉ tiêu được Bộ Tư pháp giao). So với mặt bằng chung của cả nước và các tỉnh thuộc khu vực Miền núi phía Bắc, Cục THADS tỉnh Cao Bằng về cơ bản vẫn giữ vững kết quả ổn định so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ thi hành xong về việc xếp thứ nhất, về tiền xếp thứ ba trong tổng số 63 cơ quan THADS trên toàn quốc, được Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS xếp loại xuất sắc.
Trong năm tới, các đơn vị trong Cục THADS tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, giữ nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, tính thứ bậc trong hoạt động công tác; Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; Tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác THADS, chủ động tham mưu theo hướng sáng tạo, đổi mới. Tiếp tục phát huy kết quả, thành tích đã đạt được, khắc phục những khó khăn, thách thức, tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả, đặc biệt là những giải pháp mang tính đột phá, góp phần vào việc hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ chung của Ngành và đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh…