Tích cực tham mưu xử lý các vấn đề pháp lý
Về công tác xây dựng văn bản, trong năm 2021, Sở đã tham gia ý kiến, thẩm định 372 lượt dự thảo văn bản của tỉnh. tăng 30% so với cùng kỳ; quý I/2022, đã tham gia ý kiến, thẩm định 40 lượt dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của tỉnh; bên cạnh đó, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 83-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Công tác kiểm tra văn bản QPPL tiếp tục được triển khai kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm; hàng năm, kịp thời tham mưu UBND cùng cấp ban hành kế hoạch về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản. Tự kiểm tra 31 Quyết định QPPL do UBND tỉnh ban hành; phối hợp với Ban Pháp chế HĐND tỉnh tự kiểm tra 26 Nghị quyết của HĐND tỉnh (đạt tỷ lệ 100%). Tiến hành rà soát văn bản QPPL liên quan đến 11 lĩnh vực.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kịp thời, đầy đủ các các chương trình, kế hoạch thực hiện các Đề án tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2020 và năm 2022. Bên cạnh các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật truyền thống, Sở, ngành Tư pháp đã tăng cường, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền pháp luật, như: Hưởng ứng, phát động các cuộc thi trực tuyến do Bộ, ngành phát động, thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật trên các nền tảng mạng xã hội thông dụng như Facebook, Zalo… Sở lựa chọn 328 cuốn sách pháp luật để cấp phát, trang bị cho 41 tủ sách pháp luật của xã đặc biệt khó; 2.400 cuốn tài liệu tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.
Năm 2021, toàn tỉnh thực hiện 11.369 cuộc phổ biến giáo dục trực tiếp cho hơn 1,4 triệu lượt người dự, giảm 35,1% so với cùng kỳ; 158 cuộc thi tìm hiểu pháp luật; phát hành 1.057.620 bản tài liệu về phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có 18.280 số lượng tài liệu đăng tải trên Internet.
Về công tác tham mưu xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh ở địa phương, năm 2021, Sở Tư pháp đã thực hiện tư vấn 148 lượt vụ việc, tăng 46,7% so với cùng kỳ; quý I/2022 thực hiện, tham gia ý kiến tư vấn 30 lượt vụ việc, trong đó nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài, liên quan đến lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng... trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, Sở đã xây dựng, hoàn thành Trang thông tin điện tử Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trang thông tin điện tử được xây dựng nhằm cung cấp cho người dân, doanh nghiệp quy trình thực hiện dự án đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh; những chủ trương chính sách của Trung ương, của tỉnh đối với doanh nghiệp; thông tin về hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý, mục tư vấn, hỏi đáp pháp luật...
Nâng cao chất lượng công tác xây dựng gắn với tổ chức thi hành pháp luật
Để nâng cao hơn nữa những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Chương trình trọng tâm công tác tư pháp năm 2022 của Bộ Tư pháp để xây dựng Chương trình trọng tâm công tác tư pháp của tỉnh, của ngành hướng mạnh vào việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng hoàn thiện hệ thống thể chế phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống.
Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành trên cơ sở lựa chọn các việc trọng tâm, tạo nên tảng cho các nhiệm vụ khác, có tính khả thi cao, mang tính đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các kế hoạch công tác ngay từ đầu năm. Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Đồng thời, tham mưu ban hành kịp thời danh mục văn bản quy định chi tiết Luật. Phối hợp với các sở, ban, ngành hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các văn bản quy định chi tiết theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Tăng cường nghiên cứu nâng cao chất lượng công tác góp ý, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và công tác tư vấn pháp luật; tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho Chủ tịch UBND tỉnh trong việc chỉ đạo triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh. Tham mưu thực hiện tốt các giải pháp cải thiện Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật.
Thực hiện tự kiểm tra, kiểm tra theo thẩm quyền 100% văn bản QPPL do UBND cấp tỉnh và HĐND, UBND cấp huyện ban hành. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra văn bản QPPL; kịp thời phát hiện và tham mưu xử lý văn bản có sai sót. Phối hợp với các ngành rà soát các quy định của pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo hoặc chưa cụ thể, rõ ràng, gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội; rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL của tỉnh theo định kỳ hoặc theo yêu cầu của các Bộ, ngành…