Ngày 16/7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến (3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM) giao ban công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2010, rút kinh nghiệm để triển khai tốt các nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm.
Từ các điểm cầu, các Giám đốc Sở Tư pháp đã tập trung thảo luận về báo cáo kết quả công tác và các báo cáo chuyên đề về sơ kết việc triển khai thực hiện TTLT 01/2009 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các STP, Phòng Tư pháp, tình hình thi hành Luật Trách nhiệm Bồi thường Nhà nước và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành tư pháp thời gian qua.
Có chuyển biến tích cực
Báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm do Thứ trưởng thường trực Hoàng Thế Liên trình bày cho thấy, công tác tư pháp 6 tháng đầu năm được triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, một số mặt có chuyển biến tích cực, kết quả cao hơn so với năm 2009: khẳng định được vị thế của cơ quan quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật; cơ bản kiện toàn xong tổ chức cơ quan THADS 3 cấp, bước đầu triển khai thí điểm chế định thừa phát lại tại TP.HCM, xã hội hóa hoạt động công chứng tiếp tục đạt kết quả đáng ghi nhận, công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp có tiến bộ đáng kể; bắt đầu triển khai đào tạo cán bộ cơ sở có trình độ Trung cấp Luật,...
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Cần tiếp tục kiện toàn công tác tổ chức cán bộ và đổi mới phương pháp lãnh đạo |
Hầu hết các ý kiến đều thể hiện sự nhất trí cao với báo cáo, khẳng định công việc đã được triển khai bài bản nên có hiệu quả dù khối lượng công việc ngày càng nhiều.
Thông qua đó, xây dựng cơ sơ pháp lý cho hoạt động của ngành, QH, CP thừa nhận hoạt động của ngành tư pháp và tạo sự thống nhất cao trong ngành. Đại diện các STP cũng đều cho rằng với sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Bộ, kết quả 6 tháng đầu năm các địa phương đều khả quan hơn so với năm 2009, nhiều thiếu sót, yếu kém đã được khắc phục.
Bên cạnh đó, công tác tư pháp vẫn còn những yếu kém, cần khắc phục như: công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL còn chưa đáp ứng được yêu cầu; quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, THADS còn bất cập, vị trí, tiếng nói của ngành tư pháp ở một số địa phương chưa được coi trọng, tạo được sự tin tửơng cao của các cấp lãnh đạo chính quyền và nhận thức của người dân...
Những hạn chế đó cần nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá đúng nguyên nhân, rút kinh nghiệm và chấn chỉnh kịp thời, khắc phục để công tác tư pháp 6 tháng cuối năm có chuyển biến mạnh mẽ hơn.
Vẫn “ngậm ngùi” thiếu nhân lực
Khó khăn lớn nhất mà nhiều STP vẫn gặp, chưa được khắc phục là việc “thêm nhiệm vụ, thiếu biên chế”. Trong khi cán bộ tư pháp cơ sở phải đảm nhiệm 12 đầu việc nhưng vẫn có những địa phương (cấp xã) chưa có cán bộ tư pháp hộ tịch, có nơi chỉ có 1 hoặc 2 những lại kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác của chính quyền địa phương.
Vì thế, các Giám đốc STP liên tục đề nghị Bộ làm việc với Bộ Nội vụ để giải quyết vấn đề cơ chế cho các cơ quan tư pháp. Thậm chí Giám đốc Sở Tư pháp Sơn La, dù mới được bổ nhiệm, đã phải nói “cứng” với Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh “nếu không tăng biên chế cho tư pháp là không coi trọng tư pháp” nhằm khắc phục cái khó của tình trạng “thiếu người”.
Giám đốc Sở Tư pháp TP.Hải Phòng Hoàng Văn Thái đề nghị Bộ Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền “cần nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức, hoạt động để STP tham mưu cho UBND cấp tỉnh giải quyết, bố trí biên chế. Bộ cũng cần làm việc với UBND cấp tỉnh về vấn đề này”. Biết rằng “xin thêm biên chế rất khó khăn” nên STP TP.Đà Nẵng đã giải quyết bằng nhiều cách rất sáng tạo như: rút CB Phòng Công chứng về làm công tác bồi thường Nhà nước, hay điều động CB do TP trả lương về làm việc ở STP... Đây được đánh giá là sáng kiến hay trong việc sử dụng cán bộ khi biên chế cho ngành tư pháp đang rất hạn chế.
Đồng tình với các ý kiến của điểm cầu Hà Nội, Giám đốc STP Quảng Ngãi trình bày khó khăn của cán bộ tư pháp vùng miền Trung Tây Nguyên khi “có 1 số xã không thể tìm được cán bộ tư pháp hộ tịch, hoặc có cũng không làm được hết việc”. Do đó, bà “tha thiết” đề nghị Bộ và Bộ Nội vụ có giải pháp để đảm bảo sự tương đồng giữa lượng việc và biên chế của ngành Tư pháp, chứ không phải là ngành Tư pháp “không đòi hỏi thêm”.
Cần cơ sở dữ liệu chung
Trong điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin đã trở thành yêu cầu bắt buộc trong quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp đã “bắt tay” vào chuẩn bị cơ sở vật chất với sự hỗ trợ của địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Q.Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng hồ hởi cho biết: “Thực hiện chỉ thị 01 về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tư pháp, đến nay tất cả cán bộ tư pháp của Sở Tư pháp Sóc Trăng đều có máy vi tính.
Trên cơ sở, Sở Tư pháp đã chủ động làm việc với chủ tịch UBND các huyện trong tỉnh về việc trang bị máy vi tính cho tư pháp các xã, phường, thị trấn. Đối với một tỉnh còn quá nhiều khó khăn như Sóc Trăng, nỗ lực trên của địa phương là rất đáng quý”.
Tuy nhiên, các STP đều nhận thấy, với việc ứng dụng CNTT, Bộ cần xây dựng các cơ sở dữ liệu chung đối với những hoạt động công chứng, lý lịch tư pháp, quản lý luật sư, quốc tịch, hộ tịch... Một số địa phương đã chủ động xây dựng, thí điểm những phần mềm quản lý trong các lĩnh vực tư pháp như STP TP.Đà Nẵng (về công chứng), hay lập các trang web của Sở để các hoạt động của Sở công khai, minh bạch và gần dân hơn như STP Hải Phòng...
Ngoài ra, các ĐB đã có nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề biểu mẫu hộ tịch, tổ chức bộ máy, bán đấu giá tài sản, giám định tư pháp... Thứ trưởng Liên đánh giá rằng, các ý kiến của các Sở Tư pháp đã thể hiện được những trăn trở, bổ sung cho báo cáo của ngành, thể hiện rõ nét hơn về công tác tư pháp 6 tháng đầu năm. Đó là những kinh nghiệm quí báu để các cơ quan tư pháp tiếp tục có đà hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao trong năm 2010. /.
H.Giang – N.Mai
*. Giám đốc Sở Tư pháp TP.Hải Phòng Hoàng Văn Thái: Dù địa phương chịu trách nhiệm đầu tư trang thiết bị cho các STP nhưng Bộ cũng nên quan tâm để đầu tư nhất là trong những lĩnh vực chuyên biệt của ngành, hỗ trợ các địa phương triển khai những phần mềm chung của ngành. Bộ xây dựng phần mềm, địa phương cập nhật dữ liệu để tạo sức mạnh thống nhất, công khai *. Ông Hoàng Ngọc Thỉnh – Hiệu trưởng trường TC Luật Buôn Ma Thuột: GĐ STP và SNV cần “ngồi” với nhau để chấm dứt 3 không trong công tác sử dụng cán bộ tư pháp là: không để kiêm nhiệm, không để người không được đào tạo đảm đương nhiệm vụ, không đủ chuẩn đảm đương nhiệm vụ. “Nơi nào khó có trường trung cấp Luật “chia lửa” để đào tạo CB trung cấp luật, nhất là ở khu vực Tây Nguyên, miền Nam Trung Bộ” |
*. Ông Nguyễn Hòa Bình, Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Long: “Chuyển giao công chứng: Nhân dân và chính quyền không đồng ý nên đã tổc hức lấy ý kiến địa phương và tạm dừng lại. Khả năng trong tháng 8 sẽ chuyển giao một địa bàn. Chính quyền chưa hiểu lắm, thấy lạ nên lo lắng, tinh thần hiện tại sẽ ổn, chuyển giao được” |
*. Ông Mai Linh Khôi, Phó Giám đốc sở Tư Pháp TPHCM hồ hởi “khoe”: “Về thí điểm thừa phát lại, sau một tháng thành lập và hoàn thiện, TPHCM đã có 5 phòng thừa phát lại, với kết quả công việc hết sức khả quan: nhận 9 yêu cầu với mức phí thu là 200 triệu đồng. Ở hoạt động công chứng, công tác chuyển giao hoạt động chứng thực từ các đơn vị tư pháp nhà nước sang các tổ chức hành nghề công chứng đang được triển khai rất nhanh chóng, các văn phòng công chứng tại ngoại thành đang được triển khai thành lập”. |