Hội chứng bác học - Savant Syndrome
Savant Syndrome là tên bệnh hiếm gặp trên thế giới, những ai mắc hội chứng này đều có những khả năng vượt trội hơn người bình thường ở một số lĩnh vực riêng biệt. Tuy nhiên, họ lại bị những vấn đề tâm lý, rối loạn phát triển thần kinh như: Ít nói, lầm lì, chậm nói, có những hành động khác thường…
Hơn 50% người mắc hội chứng Savant bị tự kỷ, một số khác nghiêm trọng hơn là bị tổn thương não. Song bù lại, những người mắc savant lại có những thiên bẩm về một số lĩnh vực như âm nhạc, tính toán, hội họa, sáng chế… Savant Syndrome cũng được nhiều người coi là hội chứng thiên tài ở người tự kỷ khi họ có khả năng đột biến hơn bình thường.
Những năm gần đây, càng có nhiều người quan tâm tới mối liên hệ giữa bệnh tự kỷ và tố chất thiên tài. Thậm chí, việc ấy còn khiến một số người tin rằng, những đứa trẻ nếu mắc tự kỷ thì có nhiều cơ hội đó là thiên tài. Tuy nhiên, sự thật hoàn toàn khác.
Theo nghiên cứu của Giáo sư tâm thần Michael Fitzgeral (Đại học Trinity, Ireland), các đặc điểm liên quan tới hội chứng tự kỷ có nhiều nét tương đồng với các đặc điểm thường thấy ở những thiên tài. Nghiên cứu này được đúc kết từ quá trình xem xét khoảng 1.600 người tự kỷ và nhiều người nổi tiếng trong lịch sử để khẳng định mối liên hệ giữa tự kỷ, khả năng sáng tạo và thiên tài đều có nguồn gốc từ gene.
Hội chứng Savant mang đến những khả năng đặc biệt như âm nhạc, tính toán siêu tốc, trí nhớ siêu phàm... |
Nghiên cứu cho thấy, các “thần đồng” thường không mắc chứng tự kỷ nhưng một số đặc tính liên quan đến tự kỷ lại giúp họ vươn lên tốp đầu trong các lĩnh vực chuyên môn. Ví dụ như niềm đam mê dành cho một lĩnh vực đặc biệt nào đó, có trí nhớ phi thường, có con mắt quan sát chi tiết kỳ lạ...
Thiên tài truyền cảm hứng
Trên thế giới có rất nhiều thiên tài có dấu hiệu của tự kỷ, ở họ có những khả năng hiếm có với một tâm lý không bình thường. Jacob Barnet được công nhận là thần đồng vật lý hiếm có. Thiên tài sinh năm 1998 tại bang Indiana, Mỹ.
Khi mới 2 tuổi, cậu đã bị chẩn đoán mắc hội chứng tự kỷ nặng. Nhiều bác sĩ đã cho rằng, Jascob không thể hòa nhập bình thường được với xã hội và phát triển như những cậu bé khác. Nhiều phương pháp chữa trị được áp dụng, hàng loạt chương trình giáo dục đặc biệt giúp Jacob phục hồi đều vô hiệu. Cậu bé tự kỷ ngày càng nặng và sống khép kín hơn.
Mẹ của cậu, cô Kristine kể lại: “Suốt thời gian đó, thằng bé không nói được bất kỳ từ nào, không giao tiếp ánh mắt với bất kỳ ai, không phản ứng lại khi được gọi tên. Nếu được ai đó ôm, thằng bé sẽ đẩy người đó ra”.
Mẹ của Jacob là một giáo viên mẫu giáo, sau nhiều lần tìm kiếm phương pháp, cô và chồng quyết định không đưa con đến trường mà sẽ để Jacob tự học ở nhà. Cô Kristine áp dụng song song một số phương pháp vật lý trị liệu, tâm lý, khuyến khích cậu bé tự rèn luyện khả năng hoạt động như vẽ, toán, thể thao, giải mật mã..
Chính những nỗ lực này của người mẹ đã dần dần biến Jacob từ một đứa trẻ tự kỷ nặng thành một thiên tài vật lý nhờ chính sự khơi gợi khả năng đặc biệt của con phát huy tối đa. Chỉ trong vòng 2 tuần, Jacob đã học xong toàn bộ chương trình toán học của bậc trung học phổ thông. Cậu được nhận vào Đại học Purdue ở bang Indiana (Mỹ) khi mới 10 tuổi.
Trong quá trình học tập đại Đại học Purdue, Jacob đã bắt đầu nghiên cứu toán học và vật lý thiên văn, làm gia sư, trợ lý nghiên cứu khoa học. Ít ai ngờ rằng, cậu bé từng mắc tự kỷ nặng, thậm chí khó khăn giao tiếp lại có thể phi thường đến vậy. Jascob giống như ngôi sao vụt sáng sau một thời gian nằm ẩn nơi vũ trụ. 9 tuổi cậu bé đã nghiên cứu thuyết tương đối, 10 tuổi vào đại học và giờ đang học tiến sĩ.
Theo nhận xét của Giáo sư Scott Tremaine ở Đại học Princeton (Mỹ), những gì Jacob nghiên cứu trong thuyết tương đối được xem là một trong những vấn đề khó nhất trong lĩnh vực vật lý thiên văn và vật lý lý thuyết.
Jacob từ cậu bé tự kỷ đến thiên tài vật lý với IQ 170 |
Khi Jacob 15 tuổi, cậu đã nộp hồ sơ vào Viện Vật lý lý thuyết Perimeter ở Ontairo (Canada) để học trình độ tiến sĩ. Khi kiểm tra về IQ cho thấy chỉ số của Jacob là 170, cao hơn cả chỉ số của nhà khoa học Albert Einstein nổi tiếng.
“Em hy vọng có thể truyền cảm hứng cho các bạn nhỏ tuổi, từ đó khuyến khích họ làm những gì mình yêu thích. Đó có thể là nghiên cứu khoa học, vật lý hay là những thứ khác không thuộc khoa học”, Jacob chia sẻ.
Một thế giới khác
Ở Việt Nam, không ít tài năng nổi bật, những thần đồng ở rất nhiều lĩnh vực mắc hội chứng tự kỷ hoặc có vấn đề về phát triển tâm lý. Hà Đình Chí (Hà Nội), mọi người hay gọi em là Nem. Nem 14 tuổi và em mắc phải hội chứng tự kỷ và Tunner (hội chứng dị tật bẩm sinh) từ ngay lúc chào đời. Nem gặp khó khăn trong giao tiếp, kiểm soát bản thân. Em không thể vui chơi, đến trường, có những ngày tháng tuổi thơ bên bạn bè như bao đứa trẻ khác.
Cuộc sống gia đình cậu bé gần như rơi vào khoảng tối từ khi bố Nem phát hiện con thường xuyên có những biểu hiện của bệnh “té giếng” như: Chống tay xuống sàn, đập đầu vào tường, không giao tiếp mắt, khả năng tương tác bằng ngôn ngữ rất kém, đêm nào cũng khóc một cách vô cớ…
Từ 1 đến 5 tuổi, Nem không chủ động nói và chỉ nói khi bị cưỡng bức. Mẹ Nem cho biết, 9 tuổi nhưng khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ của Nem chỉ như trẻ 2 tuổi.
Nem cũng ít nói chuyện, hầu như là không. Phương tiện để giao tiếp duy nhất là chính những tờ giấy trắng được em vẽ lên những nét vẽ đầy đủ sắc màu. Thế giới xung quanh Nem là giấy, màu, tranh vẽ, những điều em suy nghĩ nhưng không thể diễn tả đều gửi gắm hết vào những bức tranh. Thế giới của em là một thế giới thật khác! Im lặng - sắc màu - đầy những trừu tượng.
Cũng chính nhờ sự tìm tòi, theo dõi quan sát con mà anh Hà Đình Long và chị Nguyễn Lan Phương quyết định cho Nem tự khám phá và phát triển những gì con thích. Nem thích vẽ, em có thể vẽ bất cứ lúc nào. Vì vậy, hai anh chị luôn để con thoải mái nhất để phát huy hết khả năng hội họa của mình.
Trong thế giới của Nem là một thế giới rất khác với nhận thức độc đáo, có nét vẽ nguệch ngoạc, có nét rất vui tươi, có nét vô cùng trừu tượng. Tất cả đều là trong suy nghĩ, tâm tưởng, một thế giới nội tâm không tham lam, đố kị, độc ác…
Hành trình 13 năm nuôi nấng và yêu thương, gia đình Nem đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, bỏ ra rất nhiều nỗ lực để cậu có thể lớn lên, tuyệt vời như ngày hôm nay.
Ở tuổi 13, Nem đã sở hữu một hành trình đáng nể. Tháng 11/2013, Nem đạt giải Ba cuộc thi “Em vẽ ước mơ của em”. Tranh của Nem cũng tham gia nhiều buổi triển lãm như “Màu xanh yêu thương”, “Khác biệt và Tương lai”, “Con thông minh theo một cách khác”, “Chạm”,…
Vào tháng 3/2017, Nem được nhận quà tặng của bà Nguyễn Thị Hiền, Phu nhân Chủ tịch nước Việt Nam và quà tặng từ bà Ho Ching, Phu nhân Thủ tướng Singapore. Tháng 4/2017 Nem cũng tham gia triển lãm “iU.iU.iU” – triển lãm đặc biệt của các nghệ sĩ tự kỷ.
Nem cũng là trẻ tự kỷ đầu tiên ở Việt Nam có triển lãm cá nhân mang tên “Câu chuyện của Nem” với thông điệp “Mỗi trẻ em là một tiểu thế giới” tổ chức vào năm 2014.
Và chắc chắn, hành trình của Nem còn rất dài, cùng những em bé tự kỷ khác, chia sẻ một tiểu thế giới riêng, chờ mong được yêu thương, được khai mở và được chào đón trong thế giới rộng lớn này.
Nem hay Jacob, dù hai cậu bé ở hai quốc gia, hai hoàn cảnh biệt lập, nhưng có điểm chung của họ là tìm thấy sự hồi sinh, sự thiên phú và phi thường của mình trong một thế giới khác. Dù các em bé từng trải qua những ngày tháng chìm trong cô đơn của hội chứng tự kỷ, nhưng chính nó giúp họ bật lên tài năng chính mình. Những thiên tài trong thế giới tự kỷ, họ thật sự phi thường, như Jascob đã nói “để em truyền cảm hứng”, còn Nem là sẻ chia thế giới của mình với nhiều người hơn.