Năm 2003, căn cứ vào Nghị quyết của HĐND xã về việc giao đấu thầu ao, vùng, thùng trũng chuyển đổi cơ cấu cây trồng-chăn nuôi thủy sản… UBND xã Đại Hợp (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) đã giao thầu 5.400m2 vùng bãi Đồng Cam cho ông Phạm Văn Xá sử dụng 20 năm (từ 2004 đến năm 2023) để chuyển đổi cơ cấu cây trồng-chăn nuôi thủy sản.
Theo quy định, tại đây, chủ thầu không được xây dựng trạng trại hoặc nhà kiên cố để chăn nuôi; không được hủy hoại diện tích đấu thầu; không làm ảnh hưởng đến môi trường sống vùng sản xuất, nguồn nước các công trình thủy lợi, đê điều và mương máng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2017, ông Xá đã tự ý xây dựng dãy chuồng trại chăn nuôi gà quy mô lớn, kiên cố ngay sát chân đê và kè ao từ chân đê ra giữa dòng sông chừng 30m, vi phạm vào hành lang đê Bắc Hưng Hải.
Tuy đã nhiều lần bị UBND xã Đại Hợp lập biên bản vi phạm hành chính nhưng ông Xá vẫn tiếp tục xây dựng và hoàn thiện công trình.
Ông Nguyễn Đình Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hợp cho biết, địa bàn xã hiện có nhiều hộ được giao khoán như hộ ông Xá để chuyển đổi, phát triển kinh tế. Vi phạm hành lang đê của các hộ có diễn ra nhưng đã được UBND xã phát hiện và xử lý kịp thời. Một số hộ đã tự tháo dỡ công trình vi phạm. Riêng hộ ông Phạm Văn Xá, chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức lực lượng đến đôn đốc, lập biên bản, đình chỉ xây dựng và yêu cầu tự tháo dỡ, khôi phục lại hiện trạng. Tuy nhiên, do vị trí trang trại ở xa trụ sở ủy ban nên công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế. Xã vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Trang trại của ông Xá được xây dựng trên kênh Đình Đào, thuộc hệ thống sông Bắc Hưng Hải do Công ty TNHH khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (Cty Bắc Hưng Hải) quản lý.
Ông Bùi Minh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty Bắc Hưng Hải cho biết: “Công ty phát hiện vụ việc từ lúc ông Xá mới xây. Công trình xây dựng này sát chân đê, đổ cột bê tông, xây gạch chỉ cao 2m. Việc xây dựng không những vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều mà còn gây cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến việc tiêu, thoát nước của cả hệ thống thủy lợi quanh khu vực. Đình Đào là kênh phối tiêu nước cho toàn hệ thống Bắc Hưng Hải ra Cầu Xe về khu vực An Thổ (Tứ Kỳ). Việc vi phạm xây dựng lấn chiếm một phần lòng kênh như vậy ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu lượng nước trong quá trình sản xuất nông nghiệp của người dân, đặc biệt là mùa tiêu thoát nước. Với thẩm quyền của mình, công ty đã lập biên bản xử phạt hành chính và báo cáo cơ các cơ quan chức năng phối hợp xử lý, giải quyết nhưng chưa được triệt để”.
Theo tìm hiểu, trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện nay đã có hơn 1.000 điểm vi phạm (bao gồm các công trình như: trang trại, nhà dân…) lấn chiếm hành lang đường thủy, làm ảnh hưởng trầm trọng đến quá trình tiêu thoát nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm trên, các cơ quan chuyên trách tỉnh Hải Dương cần vào cuộc phối hợp và có nhiều biện pháp mạnh nhằm xử lý nghiêm những hộ vi phạm. Có như vậy, người dân mới yên tâm phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.