Từ vùng đất “4 không” thành khu kinh tế lớn
Ngày 16/12, tại Khu phức hợp Kinh tế mở Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), UBND tỉnh Quảng Nam và Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) tổ chức Lễ Công bố điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai; Kỷ niệm 15 năm thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.
Nói về thành quả của Thaco-Chu Lai, Thủ tướng nhắc lại cách đây 15 năm, khu vực chỉ có vùng cát trắng, khô cằn với “4 không”: Không hạ tầng, không nguồn nhân lực, không nhà đầu tư và không có thị trường. Sau 15 năm, nơi đây đã trở thành một khu kinh tế có quy mô lớn với trên 100 dự án, mang lại giá trị gia tăng lớn, hình thành một khu công nghiệp, đô thị lớn, trong đó có vai trò đi đầu của Thaco-Chu Lai.
Thaco là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư khu tổ hợp cơ khí ô tô, với hướng đi chính xác để phát triển công nghiệp phụ trợ, phục vụ cho công nghiệp ô tô. Bên cạnh việc có trên 30 nhà máy có dây chuyền công nghệ hiện đại. Thủ tướng cho rằng, Thaco-Chu Lai là một điển hình của sự hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, một vấn đề mà Chính phủ đang thúc đẩy.
Đối với Khu kinh tế mở Chu Lai, Thủ tướng đánh giá, cũng đã trở thành khu kinh tế có thương hiệu quốc tế với sân bay, cảng biển, đường cao tốc..., thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Thủ tướng tin tưởng, với quy hoạch của Khu kinh tế mở Chu Lai được điều chỉnh, trong tương lai sẽ hình thành khu đô thị tại khu vực này, tạo động lực cho sự phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu của việc mở rộng quy hoạch Khu Kinh tế mở Chu Lai trở thành trung tâm công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, công nghiệp hóa dầu, dệt may, các loại hình công nghệ cao, đồng thời là một trong các đầu mối về giao thông vận tải. Trong đó, cần phát huy vai trò đầu tàu của Thaco trong việc mở rộng đầu tư phát triển.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương tiếp tục tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghiên cứu các chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, nhất là trong việc chuyển giao công nghệ.
Về dài hạn, theo Thủ tướng, cần có cơ chế thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào các dự án quy mô lớn của Việt Nam, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất ô tô quốc gia. Thủ tướng tin tưởng, thời gian tới, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn vào Khu kinh tế mở Chu Lai, trong đó có Hoàng Anh Gia Lai, sẽ góp phần phát triển sôi động hơn khu kinh tế này.
Thủ tướng cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai có chiến lược dài hơi, chú trọng công nghệ cao, sạch, thông minh, xây dựng bộ máy, tuyển dụng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt phải phát triển ở Quảng Nam, Quảng Ngãi một chiến lược xuất khẩu và tiêu dùng; có sự kết hợp tốt với tỉnh Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng để thúc đẩy sự phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai.
Tại buổi lễ, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco đã báo cáo những thành công chính của Công ty trong 15 năm qua và cam kết luôn xây dựng thương hiệu Thaco trở thành một thương hiệu quốc gia trong ngành công nghiệp ô tô, đóng góp lớn hơn nữa vào sự phát triển Quảng Nam và đất nước.
Sau 15 năm đầu tư tại Chu Lai, Thaco có 32 công ty, nhà máy, 1 tổ hợp cơ khí, trường cao đẳng nghề, hệ thống logictics với tổng vốn đầu tư trên 80.500 tỷ đồng và được chia thành 2 khu: Khu phức hợp cơ khí và ô tô Chu Lai - Trường Hải và Khu cảng và hậu cần cảng Chu Lai.
Thaco cũng đã đầu tư Tổ hợp Cơ khí có công suất 300.000 sản phẩm/ năm để sản phẩm là các chi tiết phụ tùng kim loại thép; thành lập Trường Cao đẳng nghề, được xem là trường đầu tiên do doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực sản xuất…
Sứ mệnh của An Giang
Trước đó, ngày 15/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang. Tại Hội nghị, ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định, An Giang xác định nông nghiệp và du lịch là thế mạnh của địa phương. Theo đó, quyết tâm biến thế mạnh thành động lực tăng trưởng mới cho tỉnh.
Về nông nghiệp, sẽ tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển theo chuỗi giá trị. Đồng thời, tạo quỹ đất linh hoạt hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong lĩnh vực du lịch, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông, kết nối 4 khu du lịch trọng điểm: Châu Đốc - Long Xuyên - Núi Cấm - Óc Eo. Điều chỉnh quy hoạch tại các khu, du lịch trọng điểm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện dự án du lịch và nhu cầu đa dạng của du khách.
Theo ông Thạnh, An Giang luôn duy trì cơ chế đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, thực hiện nghiêm cơ chế giám sát và xử lý nhũng nhiễu của công chức và bộ máy các cấp để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.
“Chủ đề “Kết nối cơ hội – Hợp tác thành công” như một thông điệp An Giang mong muốn cơ hội đến được tất cả nhà đầu tư, doanh nghiệp và An Giang muốn có cơ hội được quảng bá hình ảnh của địa phương”, ông Thạnh nói.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao sự nhiệt tình, trách nhiệm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh An Giang vì đã phối hợp với Bộ, ngành tổ chức Hội nghị ý nghĩa này. Đồng thời, bày tỏ vui mừng vì sự đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp chung tay “tìm lối ra” cho An Giang.
Thủ tướng cho biết, liên kết vùng có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của An Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. “Rất khó để mỗi địa phương phát triển kiểu mạnh ai nấy làm. Các địa phương cần tìm cơ chế hợp tác hữu hiệu để hợp tác phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, Thủ tướng đánh giá, An Giang là địa phương giàu bản sắc, đa dạng văn hóa, con người tôn giáo, tín ngưỡng, là “bậc thầy” trong các làng thủ công truyền thống. Theo đó, cần bảo tồn, gìn giữ để phát triển trở thành lợi thế của địa phương. “An Giang là nét chấm phá trong bức tranh Mê Kông, có sứ mệnh mở mang tầm nhìn du khách về vẻ đẹp tiềm ẩn của Việt Nam”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng đề nghị, tỉnh An Giang cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Song song đó, doanh nghiệp thấy được tiềm năng lớn của An Giang thì quyết tâm làm ăn, bình tĩnh, giữa lời nói và việc làm cần có sự thống nhất.
Theo Thủ tướng, tỉnh cần tiếp thu trao đổi và tham vấn sâu hơn với các chuyên gia. Các đơn vị cần hành động nhất quán trên tinh thần kết nối và hợp tác. “Anh có lợi tôi cũng có lợi, đất nước có lợi, người dân có lợi”, Thủ tướng nhấn mạnh.