Hiện nay chúng ta đang phát triển đô thị theo Luật Quy hoạch đô thị (QHĐT) số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009 và Văn bản hợp nhất số 16/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020.
Sau gần 40 năm đổi mới, nhất là từ năm 2000 trở lại đây, các đô thị ở Việt Nam đã phát triển nhanh chóng cả về không gian và dân số; công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, quy hoạch và quản lý QHĐT còn bộc lộ một số hạn chế. Chỉ riêng nhìn vào ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ở một số đô thị, đã cho thấy chất lượng đô thị còn chưa cao.
Với khu vực nông thôn, quá trình nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu; tuy nhiên quy hoạch nông thôn vẫn còn một số “khoảng trống” pháp lý.
Vấn đề đặt ra hiện nay là phải có tư duy mới về QHĐT; giữa đô thị và nông thôn phải liên kết trong chuỗi giá trị. Do vậy, kết hợp hài hòa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa đô thị và khu vực nông thôn trong tiến trình đô thị hóa là hết sức cần thiết.
Công tác QHĐT và nông thôn cần có tư duy đổi mới và cần được quy định thống nhất trong cùng 1 đạo luật để bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ triển khai áp dụng trong thực tiễn. Chính vì điều này, Chính phủ giao Bộ Xây dựng dự thảo Luật QHĐT và nông thôn nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về quy hoạch tại khu vực đô thị và nông thôn; đồng thời bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ các quy định hiện hành tại các Luật Quy hoạch, Xây dựng, QHĐT (hợp nhất Luật Xây dựng và Luật QHĐT).
Còn băn khoăn, mới có Luật QHĐT đã quản lý “không nổi”, nếu mở rộng vào một luật chung, công tác quản lý có sợ “đuối” hay không?
Mới đây, trong cuộc họp nghe Bộ Xây dựng báo cáo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, Bộ Xây dựng cần làm rõ, bổ sung thêm nội hàm của khái niệm QHĐT và nông thôn; xác định vị trí, giải quyết mối quan hệ QHĐT và nông thôn với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch địa phương, các luật chuyên ngành liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Dự thảo Luật mới phải giải quyết được “bài toán” định hướng không gian trong quy hoạch ngành, quy hoạch chung của địa phương; xác định, tổ chức không gian cụ thể trong QHĐT và nông thôn. Điều cuối cùng là quy hoạch phải đạt tầm nhìn dài hạn, ổn định, không phải “loanh quanh” điều chỉnh cục bộ.