Đem lại một không khí mới cho văn hóa Việt Nam
Bối cảnh ra đời của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 là trong hoàn cảnh Đảng vẫn còn hoạt động bí mật, đang làm công tác vận động cách mạng. Việt Nam lúc đó mang tính chất xã hội thực dân nửa phong kiến đang suy thoái trầm trọng, chiến tranh thế giới thứ hai đang làm cho đất nước kiệt quệ, tình hình chính trị, xã hội đang có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng cũng đặt ra những thời cơ cho cuộc cách mạng xã hội.
Trong bài viết “Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943: Ngọn cờ tập hợp trí thức tham gia cách mạng” đăng tải trên Tạp chí Tuyên giáo tháng 2/2023, tác giả Phạm Quang Long đã viết: “Trên lĩnh vực văn hóa, nhiều xu hướng khác nhau đang chi phối đời sống tinh thần của dân tộc… Có thể nói việc tìm đường, nhận đường của nhiều trí thức yêu nước lúc này đang gặp những lúng túng, bế tắc… Tất cả những điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến việc “nhận đường” cho một giai đoạn quan trọng của thời kỳ chuẩn bị cách mạng xã hội.
Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đem lại một không khí mới cho văn hóa Việt Nam. Sự khai phóng về tư tưởng văn hóa, đường hướng trở về với dân tộc, nhân dân và góc nhìn sự vật dưới con mắt biện chứng đã đem lại một cảm hứng mới cho những người làm văn hóa, những trí thức đang muốn thay đổi, muốn tìm đường đi mà chưa thấy lối… Tư tưởng cứu quốc với khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết” đã trở thành ngọn cờ tập hợp lực lượng, khơi dậy ở mỗi người dân, cộng đồng, dân tộc, đảng phái, tôn giáo lòng yêu nước và khát vọng độc lập. Tinh thần cứu quốc của văn hóa trở thành mệnh lệnh của cuộc sống, được nhận thức sâu sắc ở cả tầm lãnh đạo lẫn trong nhận thức, tình cảm và hành động của mỗi cá nhân.
Là cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản về lĩnh vực văn hóa, nghĩa là những tư tưởng lớn, đường hướng cơ bản phải mang ý nghĩa khái quát cao, khoa học và có khả năng tập hợp lực lượng, thu hút mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là giới trí thức chung tay xây dựng một nền văn hóa cần có, phải có trong tương lai… Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 trở thành tài liệu đầu tiên, quan trọng và duy nhất, có tác dụng tập hợp lực lượng rất lớn những người có tư tưởng tiến bộ bấy giờ trong mặt trận Văn hóa cứu quốc.
Đề cương nêu ra ba phương châm lớn (văn bản gọi là ba nguyên tắc) của cuộc “vận động văn hóa mới Việt Nam trong giai đoạn này là “dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa”, ở mỗi mục đều có giải thích rõ nội dung cơ bản của phương châm đó là gì.
Dân tộc hóa là “chống mọi ảnh hưởng nô dịch, thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập”, đại chúng hóa là “chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đại chúng hoặc xa đông đảo quần chúng” và khoa học hóa là “chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”.
Rõ ràng, ba nội dung, ba phương châm, ba nguyên tắc này đã vạch ra những đường hướng cơ bản cho một nền văn hóa mới ở mục tiêu phải đạt đến, tính chất phải có và cả những nội dung cơ bản của nó mà mục đích chính trị là tham gia trực tiếp vào một cuộc cách mạng xã hội đang chuẩn bị đến thời kỳ cao trào. Lúc này vấn đề lựa chọn chỗ đứng, lập trường và thái độ được đưa lên hàng đầu…”.
Theo tác giả Phạm Quang Long, Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đặt vấn đề ba phương châm, thực chất là ba tính chất là gắn với truyền thống dân tộc, thuộc về nhân dân và thấm nhuần tinh thần khoa học như ba trụ cột cơ bản, đảm bảo cho văn hóa Việt Nam phát triển. Vì vậy, có tác dụng định hướng cả về hướng đi, cách thức xây dựng và hoạt động nên có tác dụng lâu dài với cách mạng Việt Nam. Những phương châm dân tộc, khoa học và đại chúng, cho đến tận bây giờ vẫn chứng tỏ tính chất đúng đắn của chúng trong đời sống.
Bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam đăng toàn văn trên Tạp chí Tiên Phong số 1. (Ảnh Bảo tàng Lịch sử) |
“Đường đi” cho cả lịch sử văn hóa dân tộc
PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng - Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP HCM đã nhấn mạnh như vậy khi đề cập tới giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 – trong bài viết “Đề cương văn hóa năm 1943: Giá trị lịch sử và ý nghĩa đối với tương lai là dân tộc”. Theo PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, bản Đề cương văn hóa 1943 đã góp phần làm rõ tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam. Trên cơ sở xác định rằng, trước triều Nguyễn, “văn hóa Việt Nam có tính cách nửa phong kiến nửa nô lệ, phụ thuộc vào văn hóa Tàu” và sau đó là “văn hóa phong kiến có xu hướng tiền tư bản” hoặc nửa phong kiến, nửa tư bản và hoàn toàn có tính cách thuộc địa”, bản Đề cương đã đi đến khẳng định: “Ảnh hưởng của văn hóa phát xít làm cho tính chất phong kiến, nô dịch trong văn hóa Việt Nam mạnh lên, nhưng đồng thời chịu ảnh hưởng của văn hóa tân dân chủ, xu trào văn hóa mới của Việt Nam đang cố vượt hết mọi trở lực để nảy nở”. Đây không phải chỉ là một nhận định chủ quan, mà còn là một sự phản ánh khách quan hiện thực lịch sử.
Rõ ràng là, đỉnh cao của những “xu trào” như vậy chính là những nhân tố mới về tổ chức, như việc thành lập Hội văn hóa cứu quốc, về tư tưởng (thể hiện trong bài viết Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam… của Tổng Bí thư Trường Chinh… Điều cần nhấn mạnh là, tất cả bắt đầu gần như là đồng thời ngay sau khi Đề cương Văn hóa 1943 ra đời. Tiếp theo sau đó, “Ba nguyên tắc”: Dân tộc hóa - Khoa học hóa - Đại chúng hóa liên tục qua nhiều giai đoạn lịch sử được vận dụng trong thực tế và đã thực sự trở thành những phương châm cơ bản cho một cuộc “cách mạng văn hóa” ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về lượng lẫn về chất.
Về bề rộng, tất cả đã góp phần quan trọng đưa Cách mạng tháng 8 đến thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau này là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Nhà nước công nông đầu tiên của Đông Nam Á ra đời; cục diện mới của cách mạng giải phóng dân tộc (tiếp theo là cách mạng xã hội chủ nghĩa) lần đầu tiên đã mở ra và tạo ra trên đất nước ta những chuyển động toàn diện chưa từng có về chính trị, kinh tế, văn hóa. Về chiều sâu, đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng ngày càng được phát triển, hoàn chỉnh; trình độ khoa học về văn hóa (văn hóa học) cả về nghiên cứu cơ bản lẫn ứng dụng ngày càng được nâng cao; quá trình hội nhập, giao lưu và tiếp biến văn hóa của nước ta với thế giới ngày càng toàn diện và chủ động, trong một tư thế hoàn toàn mới mẻ, chưa từng có trong lịch sử… Có thể nói, lịch sử văn hóa Việt Nam chính thức mở ra những trang mới từ Đề cương Văn hóa năm 1943.
Nếu trong lịch sử, văn hóa Việt Nam từng trải qua nhiều thử thách, qua nhiều giai đoạn, với bao hoàn cảnh khó khăn để phát triển tiến lên theo những mức độ khác nhau thì những thành tựu mới đạt được của nền văn hóa ấy chỉ trong khoảng gần một thế kỷ tính đến thời điểm vào đầu thế kỷ XXI này, giai đoạn từ sau khi Đề cương văn hóa ra đời năm 1943, quả thật là sự phi thường và vô vàn ý nghĩa.
Đặc biệt, trong bối cảnh lịch sử nhiều biến động và đầy phức tạp, từ những đỉnh cao thắng lợi của cách mạng Việt Nam hơn một thập kỷ qua gắn với “Chiến lược phát triển văn hóa đến 2020”, tiếp theo là “Chiến lược phát triển văn hóa đến 2030” tất cả đang và sẽ mở ra những tầm nhìn mới ngày càng sáng tỏ của văn hóa Việt Nam, hướng theo những mục tiêu chiến lược như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng đã xác định: “Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao” dựa trên nền tảng “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc…”.
Tìm tòi ý nghĩa, giá trị mới để Đề cương hóa thân trong nhiệm vụ chúng ta đang thực hiện
“Cũng như các dịp kỷ niệm trước đây, kỷ niệm 80 năm ra đời bản Đề cương về văn hóa Việt Nam lần này, việc khẳng định lại, khẳng định thêm giá trị của văn kiện lịch sử, cũng như tính đúng đắn của cương lĩnh hành động này là rất cần thiết! Nhưng để cho giá trị của văn kiện và ý nghĩa của cương lĩnh hành động này trở nên sống động, tươi mới thì không nên chỉ dừng lại ở việc nghiền ngẫm văn bản giống như nghiền ngẫm các thư tịch, văn bản cổ mà phải thổi hồn vào đó, tìm trong đó những giá trị mới, ý nghĩa mới khiến cho các khẳng định về giá trị nhiều mặt của Đề cương không còn bị giới hạn ở không gian hội nghị, hội thảo, ở văn bản, câu chữ… mà hóa thân trong các nhiệm vụ chúng ta đang thực hiện. Chỉ như vậy, Đề cương mới thực sự phát huy được vai trò là cương lĩnh hành động” – Trích bài viết “Hệ giá trị mới sẽ mang được hơi thở, sức sống của Đề cương” của PGS.TS Phan Trọng Thưởng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương.