Lạm phát tăng cao, nền kinh tế vĩ mô tiếp tục bộc lộ những bất ổn, trong đó các chính sách kinh tế liên tục thay đổi đã gây ra nhiều hệ lụy đối với doanh nghiệp (DN). Trước những thách thức sống còn, nhiều nhà kinh tế và DN đặt ra câu hỏi: DN tự cứu mình hay chờ được cứu?
Cần giải quyết những yếu kém nội tại
Trong Hội thảo Tác động của các chính sách kinh tế và ứng phó của DN do Hội Các nhà quản trị DN Việt Nam (VACD) và Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức tại TP.HCM hôm 28/6 vừa qua, PGS-TS Lê Xuân Bá- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định: Nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và diễn biến khôn lường.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng cao, trong 3 tháng đầu năm 2011 chỉ số giá tiêu dùng tăng tới 6,12% so với tháng 12/2010, chỉ riêng trong tháng 4/2011 chỉ số giá tiêu dùng đã tăng đến 3,32%. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5,6% thấp hơn mức 6,16% của 6 tháng đầu năm 2010, và cho đến hiện tại, lạm phát đã vượt ngưỡng hai con số (khoảng 13%), bội chi ngân sách lên tới 5%.
Trước tình hình đó, một số giải pháp chính sách kinh tế được Chính phủ ban hành và thực hiện đã tạo ra những chuyển biến tích cực, xác định là đúng hướng và được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, với chính sách tiền tệ chặt chẽ theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP đồng thời thắt chặt tiền tệ khiến lãi suất tăng cao, nhiều DN gặp khó khi tiếp cận vốn vay ngân hàng. Bên cạnh đó, giá xăng, điện, nhân công và các chi phí đều tăng lên… chính điều đó đã đẩy nhiều DN đến bờ vực phá sản.
Cũng theo PGS-TS Lê Xuân Bá, cho đến nay có hơn 30% DN đã phá sản, thế nhưng cũng có rất nhiều DN ra đời. Lý giải vấn đề này ông cho rằng: “ Đây là một xu hướng tích cực trong nền kinh tế thị trường, tre già thì măng phải mọc. Các DN yếu mà vẫn cứ tồn tại sẽ làm yếu đi nền kinh tế…”. Qua đó, ông cũng nhấn mạnh: “Các DN cần phải xem lại mình, đánh giá đúng thực trạng để hoạch định những chính sách cụ thể để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế nhận định, một trong những tác động khách quan làm cho kinh tế Việt Nam gặp khó khăn đó là nền kinh tế yếu từ nội tại, là một nền kinh tế gia công, khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô và hầu như xuất khẩu nguyên vật liệu, công nghệ lạc hậu… kinh tế nhà nước chiếm 70-80% nhưng kinh doanh kém hiệu quả, trong đó khu vực bên ngoài thì nhỏ lẽ manh mún. Đặc biệt là công tác hội nhập kém, thủ tục hành chính còn lắm nhiêu khê…
Để khắc phục những hạn chế nói trên, PGS-TS Lê Xuân Bá cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm mục đích nâng cao hiệu quả nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện các khâu đột phá như thể chế, nhân lực… Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế trong đó cần phê phán nền kinh tế tăng trưởng theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào đầu tư là chính. Giảm dần tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, tăng dần tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, trong đó chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ và nhân lực. Bởi theo ông, công nghệ là yếu tố quan trọng, nếu để công nghệ như vậy thì có làm kiểu gì đi nữa cũng không thể cạnh tranh được. Hơn ai hết, vào lúc này DN cần phải chủ động, tái cơ cấu lại tổ chức, tiết kiệm chi phí, tránh đầu tư dàn trải để duy trì và vượt qua giai đoạn khó khăn này… ông nói thêm.
Những lời nói từ trái tim
Trước những khó khăn mà DN gặp phải do bất ổn vĩ mô, tài chính, chính sách… nhiều DN đã đưa ra những kiến nghị những yêu cầu hết sức thống thiết. Theo ông Nguyễn Văn Bình – TGĐ Công ty XNK ô tô Kim Hoàng Nam, Nghị định 20 đã gần như giết chết gần 5.000 DN kinh doanh ô tô nhập khẩu. Mức thuế suất nhập khẩu ô tô năm 2008 là 120% và chỉ hơn 1 năm sau đó mức này đã lên tới 160% và sắp tới chưa biết là bao nhiêu… Việc gần 5.000 DN kinh doanh ô tô chết sẽ kéo theo tình trạng thất nghiệp cho hàng chục ngàn người lao động.
Trong khi đó, ông Trần Văn Liêng – TGĐ công ty CP Cacao Việt Nam cho rằng: Đang có sự bất công giữa ngân hàng và người đi vay, trong khi DN đang gặp nhiều khó khăn về vốn, việc khống chế lãi suất huy động vốn đã đẩy lãi suất cho vay tăng cao khiến nhiều DN không tiếp cận được vốn vay. Theo ông, cần phải có cơ chế để tạo ra được một sân chơi công bằng đối với người cho vay và người đi vay, một số quan điểm cho rằng khống chế lãi suất trần sẽ bóp méo thị trường cho vay là không hoàn toàn đúng. Ông đưa ra một số nghịch lý, cuộc khũng hoảng kinh tế kéo dài từ năm 2008 trên toàn thế giới đã khiến gần 3.000 ngân hàng ở Mỹ bị phá sản, trong khi Việt Nam là một nước cũng ảnh hưởng khá nặng cuộc khủng hoãng này, thế nhưng liên tục trong 3 năm liền các ngân hàng năm nào cũng kinh doanh có lãi. Đây là một điều hết sức nghịch lý trong nền kinh tế.
Nói về thực tế khó khăn của DN, ông Đỗ Hồng Khanh – Chủ tịch HĐQT công ty CP Bạch Đằng, Phó Chủ tịch VACD cho rằng: Các DN liên tiếp gặp những khó khăn trong thời gian gần đây một phần là do buông lõng các chính sách kinh tế trong những năm trước đây. Việc ban hành các chính sách phải nhất quán, cần có lộ trình dài hơi, tránh bị giật cục, không vì quyền lợi cục bộ mà làm ảnh hưởng chung cho cả nền kinh tế. Đồng quan điểm trên, TS Đỗ Thị Loan – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM yêu cầu: Cần có tầm nhìn chiến lược chung để ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó các nhà hoạch định chính sách cần phải nắm bắt, lắng nghe những khó khăn của DN để đưa ra những quyết sách đúng đắn và kịp thời để không ảnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Đào Thiện