Mới đây nhất, trong cuộc họp đầu năm của Tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ, hiện trạng này lại được các nhà nghiên cứu xã hội và chuyên gia mổ xẻ. Đáng chú ý là một ý kiến rất thẳng thắn cho rằng “sự chống đối, hay nói cách khác là chần chừ trong cải cách vẫn còn rất lớn trong nội bộ các bộ”.
Quyết liệt giảm thủ tục hành chính, thu gọn đầu mối, loại bỏ phiền hà ở Bộ Công Thương rất được người dân và doanh nghiệp ủng hộ, báo chí nêu gương, thế mà từ khi bắt đầu xúc tiến đến lúc ra được nghị định cũng phải mất nửa năm. Đó là quyết liệt chứ bình thường thì từ một chủ trương đến một nghị quyết và đến hành động diễn ra trên thực tế phải mất bao lâu? Điều này cho thấy sức ỳ trong bộ máy hành chính của nước ta là quá lớn. Trong khi đó, việc loại bỏ những khó khăn, phiền hà trong thủ tục hành chính chỉ là khắc phục những yếu kém do tự chính cơ quan công quyền đẻ ra, không phải là sự đột phá gì mà đã lại tự cho là thành tích rồi!
Tại Hà Nội, ngay đầu năm đã có tín hiệu đáng mừng khi Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu kiểm tra ngay phản ảnh của doanh nghiệp về hiện tượng “om” hồ sơ ở các Sở Kế hoạch – Đầu tư và Quy hoạch – Kiến trúc, “chỉ đích danh cán bộ “om” hồ sơ. Hoặc, Chủ tịch thành phố cũng “bác” phương án tuyển gần 1000 công chức cấp phường của Sở Nội vụ vì không đúng quy trình. Thật trớ trêu khi việc tinh giản biên chế đang trong lúc “nước sôi lửa bỏng” này lại có một đề xuất đi ngược đến thế, dù có đúng quy trình thì cũng chẳng nên chấp nhập vì đó là một chủ trương ngược lại với tiến trình cải cách hành chính.
Cũng tại Hà Nội, cách đây vài tháng có chủ trương thu hồi các dự án trên đất “vàng” quá 3 năm mà chưa xây dựng. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa thấy có một kết quả nào trong việc thực hiện chủ trương này. Tất cả vẫn đang trong giai đoạn “rà soát” mà thôi. Hy vọng rằng đây không phải chuyện “nói cho vui”, đánh động rồi bỏ đấy. Tình trạng chậm trễ trong công việc hành chính cũng khiến người đứng đầu chính quyền thành phố sốt ruột, ông nói: “Chính phủ quyết liệt mà Hà Nội vẫn thế thì dứt khoát không được!”.
Một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhưng không được thực hiện hoặc thực hiện một cách nửa vời, đối phó từ chính những người chịu trách nhiệm thực hiện chính là trở ngại lớn nhất trong tiến trình cải cách hành chính.