Đi đòi nợ trở thành kẻ cướp
Công an huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đang tiếp tục cũng cố hồ sơ để xem xét xử lý hành vi cướp tài sản đối với hai vợ chồng chị Lê Thị Hương (36 tuổi) và anh Lê Văn Hoàng (39 tuổi, ngụ xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom).
Trước đó, lúc 5h ngày 20/5, do mẫu thuẫn trong chuyện nợ tiền nên hai vợ chồng chị Hương đến phòng trọ của chị Phạm Thị Liêm (33 tuổi, đang trọ tại khu 2, ấp An Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) để đòi nợ. Khi chị Liêm vừa đi làm về thì bị vợ chồng chị Hương xông vào đánh và giật điện thoại bỏ vào cốp xe rồi bỏ đi về. Một lúc sau, hai vợ chồng chị Hương tiếp tục quay lại phòng trọ của chị Liêm để đòi nợ thì gặp Công an xã Tây Hòa mời lên làm việc.
Công an huyện Trảng Bom cũng vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Lai (45 tuổi) về tội cướp tài sản. Theo hồ sơ công an, trong 2 tháng 11 và 12/2016 anh Vũ Đình Đức có vay của Lai 2 lần tổng cộng 20 triệu đồng (lãi suất 1,5 triệu đồng/tháng). Anh Đức trả cho Lai được 3 tháng tiền lãi thì không còn khả năng hoàn trả nợ gốc và né tránh Lai.
Trưa ngày 9/4, Lai nhờ anh Nguyễn Văn Việt (em trai của Lai) hẹn gặp anh Đức để nói chuyện. Anh Đức điều khiển xe mô tô BKS 18S8-4741 trị giá 6,3 triệu đồng đến điểm hẹn, tại đây hai bên lời qua tiếng lại, Lai yêu cầu anh Đức đưa chìa khóa xe mô tô để Lai giữ xe khi nào anh Đức trả đủ tiền nợ sẽ trả lại xe nhưng anh Đức không đồng ý. Lai dùng tay chân đánh vào người anh Đức, rồi mang chiếc xe của anh Đức về nhà của Lai.
Đến ngày 10/4, anh Đức đã làm đơn tố cáo hành vi chiếm đoạt tài sản của Lai đến Công an huyện Trảng Bom. Tại cơ quan công an, Lai đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội và giao nộp lại chiếc xe.
VKSND huyện Tân Phú (Đồng Nai) cũng vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Đỗ Hoàng Linh (32 tuổi) và Trần Ái Mộng (33 tuổi, cả hai cùng ngụ tại xã Phú Lâm, Tân Phú) về tội cướp tài sản. Theo hồ sơ, Linh và Phạm Quang Minh (33 tuổi) có quan hệ bạn bè với nhau. Do Minh thiếu nợ của Linh 95 triệu đồng nhưng đòi nhiều lần không trả.
Ngày 18/10/2015, Linh chỉ đạo Mộng đến nhà Minh đòi nợ. Mộng đến gặp thì được Minh chỉ trả 10 triệu đồng và xin khất số nợ còn lại. Mộng điện thoại báo cho Linh biết. Linh chỉ đạo cho Mộng chở Minh đến quán Dâu Da do Linh làm chủ. Tại đây, Minh nói trả 10 triệu đồng và khát nợ số tiền 85 triệu động còn lại. Linh không đồng ý nên dùng chân đá vào mặt Minh làm anh này ngã xuống đất. Sau đó, Linh dùng đèn pin có chức năng bắn tia điện bắn tia điện vào người làm cho Minh bị giật. Linh tiếp tục đe dọa Minh và yêu cầu 9 giờ sáng hôm sau Minh phải trả đủ tiền cho Linh, sau đó mới cho về.
Đến ngày 19/10/2015, Linh tiếp tục chỉ đạo Mộng đi đòi tiền của Minh và được gia đình Minh trả thêm 20 triệu đồng. Lúc này, Linh tiếp tục gọi điện, nhắn tin đe dọa Minh. Do sợ hãi trước sự đe dọa của Linh nên ngày 20/10/2015, Minh và gia đình vay mượn số tiền 65 triệu đồng đưa cho Mộng để trả cho Linh. Sau khi trả tiền cho Linh, Minh làm đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng. Ngay sau đó, Linh và Mộng bị bắt tạm giam để điều tra.
Quy trình đòi nợ phải đúng luật
Liên quan đến vấn đề trên ông Trương Khắc Thiện, VKSND huyện Tân Phú cho biết các chủ nợ không được dùng vũ lực và dùng lời lẽ, hành vi đe dọa để đòi nợ. Nếu dùng vũ lực và lời lẽ đe dọa để đòi nợ sẽ vi phạm pháp luật. Việc đòi nợ phải được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Các chủ nợ phải kiện ra tòa để Nhà nước bảo vệ lợi ích của mình khi bị xâm phạm chứ không được dùng bạo lực và manh động. “Do đó, khuyến cáo với người dân khi có trường hợp có người khác xâm hại tài sản của mình thì nên khởi kiện ra tòa để được giải quyết theo quy định của pháp luật”, ông Thiện nói.
Luật sư Nguyễn Thanh Tuấn – Giám đốc Cty Luật Hợp danh Minh Việt – Đoàn Luật sư Đồng Nai thì phân tích, trong nhiều vụ án cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản xuất phát từ việc người này đòi nợ, người phạm tội ban đầu chỉ mong muốn gặp con nợ để yêu cầu họ trả lại tài sản. Tuy nhiên khi gặp, người phạm tội lại dùng vũ lực đối với con nợ để buộc con nợ phải giao tài sản. Như vậy là từ một việc đúng (yêu cầu trả nợ), người phạm tội đã có hành động sai (dùng vũ lực để lấy lại được tài sản mà họ cho là thuộc về mình). Đó là chưa kể nhiều khi người phạm tội còn lấy quá số tài sản mà con nợ đang nợ. Hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội “Cướp tài sản”.
Để đi đòi nợ mà không để vướng vòng lao lý, Luật sư Tuấn cho hay, nếu đúng pháp luật, quy trình đòi nợ phải như sau: Chủ nợ thỏa thuận thời gian cho con nợ thực hiện nghĩa vụ thanh toán hoặc khởi kiện con nợ, sau khi có phán quyết của tòa án thì con nợ phải trả nợ cho chủ nợ. Trong trường hợp con nợ không tự nguyện thi hành bản án, chủ nợ đề nghị cơ quan thi hành án cưỡng chế thu hồi tài sản từ con nợ để trả cho chủ nợ.
Bên cạnh đó, chủ nợ khi thấy con nợ ở đâu thì trình báo cơ quan chức năng, ví dụ như công an phường sở tại, công an quận…, hoặc thậm chí tố cáo hành vi chây ỳ, trốn tránh việc trả nợ của con nợ… Nếu như vậy, chủ nợ sẽ không vướng phải vòng lao lý và phạm tội cướp tài sản. Ngoài ra các cơ quan chức năng cũng cần tích cực giúp cho các bên, chủ nợ và con nợ, giải quyết việc tranh chấp trong thời gian sớm nhất có thể để giảm thiểu rủi ro cho các bên và tránh người cho vay bức xúc mà có hành vi vi phạm pháp luật không đáng có.