Đây là bài học đáng giá cho người lớn trong các xử sự với trẻ em và bài học lớn nhất là phải biết tôn trọng nhân cách của trẻ và phải hiểu trẻ em suy nghĩ và hành động khác người lớn rất nhiều, đừng làm tổn thương trẻ nhỏ nếu không muốn phải ân hận suốt đời. Đã không ít trẻ em tự tử chỉ vì sự trách phạt, mắng mỏ vô lý của người lớn hoặc từ những cái mà người lớn cho là rất nhỏ nhặt. Rồi đây, những người đổ tội cho các em có thể không phải chịu sự trừng phạt của pháp luật nhưng bản án lương tâm mà dư luận xã hội dành cho vẫn luôn hiện hữu.
Tại một diễn biến khác, dư luận đang sôi lên sùng sục trên bản án tù treo 18 tháng dành cho ông già dâm ô với trẻ nhỏ ở Vũng Tàu. Thấy rất rõ một điều là những người nhân danh pháp luật xét xử vụ này không hề đứng về phía những đứa trẻ đáng thương mà đang bảo vệ tích cực cho một kẻ dâm ô bệnh hoạn. Bị cáo không nhận tội với thái độ ngang ngược, Tòa kết tội nhưng lại cho hưởng án treo. Thật khác hẳn với những nguyên tắc trong tố tụng xưa nay vẫn được duy trì là thành khẩn, ăn năn được coi là tình tiết giảm nhẹ, ở phiên tòa này lại khác khi coi sự chối tội, ngang ngược mới là tình tiết giảm nhẹ(?!). Những đoàn thể, tổ chức xã hội có chức năng bảo vệ trẻ em có thể im hơi, lặng tiếng trước vụ việc này được không? Nếu họ im lặng thì có nghĩa đoàn thể, tổ chức mà họ phụng sự vì sứ mệnh cao cả kia không còn lý do gì để tồn tại.
Việc các ông già dâm ô với trẻ em đã xảy ra quá nhiều. Mới đây nhất là vụ ông lão 81 tuổi xâm hại tình dục bé gái trong độ tuổi sơ sinh, mới có 14 tháng tuổi. Không thể tưởng tượng được một hành vi đồi bại đến như thế có thể xảy ra, không chỉ là thú tính mà mức độ phi nhân tính trong hành vi đó đã đi quá rất xa giới hạn của đạo lý thông thường.
Phải xử lý thật nghiêm khắc, đến nơi đến chốn với hành vi dâm ô trẻ em, bất kể đối tượng gây ra hành vi đó là ai. Hành vi đó trong con mắt mọi người đó là một sự ghê tởm, đáng khinh bỉ rồi mà lại còn nương tay nữa khác nào chống lại công luận và đạo lý.