Ngày 1/11 tới đây, Thông tư số 115/2016/TT-BTC về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 196/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 của Bộ Tài chính về hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa (CPH) của các DN 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần chính thức có hiệu lực.
Điểm đáng lưu ý nhất tại thông tư sửa đổi là quy định gắn hoạt động đấu giá tại Sở GDCK đồng thời với đăng ký giao dịch cổ phần của DNNN sau CPH. Điều này có nghĩa là chỉ sau 20 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần qua đấu giá, nhà đầu tư mua cổ phần qua đấu giá đã có thể giao dịch cổ phần trên thị trường UPCoM.
“Có thể nói, đây là thay đổi mang tính kỹ thuật, tuy nhiên tạo ra hiệu ứng đột phá nhất từ trước đến nay đối với vấn đề CPH DNNN. Nếu như Quyết định 51/2014/QĐ-TTg đã tạo được bước tiến lớn khi bắt buộc các DNNN đưa cổ phiếu sau đấu giá vào giao dịch tập trung trên UPCoM trong vòng 90 ngày kể từ ngày DN được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Thông tư 115/2016/TT-BTC đã tiến thêm một bước dài khi quy định đăng ký đấu giá đồng thời với đăng ký giao dịch cổ phần trên UPCOM, nghĩa là cơ chế tự động đăng ký giao dịch trên UPCoM...”- Đại diện Sở GDCK Hà Nội (HNX) phân tích.
Như vậy, các quy định mới này đã tăng cường tính thực thi pháp luật, nhờ đó tình trạng các DN chây ì, né tránh việc niêm yết, đăng ký giao dịch sẽ được khắc phục mà không cần phải có các chế tài hoặc thực hiện các biện pháp cưỡng chế thực thi khác. Thực tế cho thấy các giải pháp cưỡng chế thực thi chưa chắc đã hiệu quả.
Điều này đã giúp đưa phương thức CPH IPO ở Việt Nam đến gần với thông lệ quốc tế IPO. Theo đó, IPO phải gắn với giao dịch trên sàn chứng khoán. Khi nộp hồ sơ đăng ký IPO, DN phải đưa ra kế hoạch niêm yết cổ phần chào bán trên sàn chứng khoán và khi DN được chấp thuận tiến hành IPO cũng đồng nghĩa với việc DN đó đã được chứng nhận niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán mà họ chọn.
Bên cạnh đó, quy định này bám sát tiến trình cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Trước đây, DN phải trải qua 4 giai đoạn nộp hồ sơ khác nhau từ đấu giá, đăng ký công ty đại chúng, lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch, nhưng với Thông tư 115/2016/TT-BTC, DN sẽ chỉ phải hoàn thiện một bộ hồ sơ duy nhất gửi đồng thời cho Sở GDCK nơi tổ chức đấu giá, Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) và HNX. Sau khi có kết quả thanh toán, Sở GDCK nơi tổ chức đấu giá sẽ chuyển kết quả trực tiếp cho VSD và HNX, theo đó các cơ quan này sẽ tự động thực hiện các công việc tiếp theo theo quy định để đưa cổ phiếu lên giao dịch.
Những thay đổi này còn góp phần tăng tính công khai, minh bạch của DNNN sau CPH, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư tham dự đấu giá, từ đó tăng tính hấp dẫn của cổ phần đưa ra đấu giá, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư bên ngoài tham gia, giá đấu sẽ cao hơn, thu nhiều hơn cho ngân sách nhà nước và phù hợp với tinh thần của Luật DN là “cổ phần được tự do chuyển nhượng”. Điều này thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ trong việc công khai, minh bạch CPH DNNN, phát triển thị trường vốn, tiến đến hội nhập quốc tế.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần trúng đấu giá, Sở GDCK (nơi tổ chức đấu giá) gửi VSD, HNX văn bản thông báo giá thanh toán bình quân kèm danh sách người sở hữu cổ phần trúng đấu giá đã được thanh toán.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần trúng đấu giá, DN CPH có trách nhiệm báo cáo UBCKNN và công bố thông tin về kết quả bán cổ phần kèm theo xác nhận của ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được từ đợt đấu giá.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả bán đấu giá cổ phần của DN CPH, UBCKNN gửi thông báo xác nhận kết quả bán đấu giá cho DN CPH, HNX và VSD.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo xác nhận kết quả bán đấu giá của UBCKNN, HNX đưa cổ phần vào giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu cho ngày giao dịch đầu tiên là giá thanh toán bình quân qua đấu giá.