[Truyện ngắn] Xóm mắc kẹt

[Truyện ngắn] Xóm mắc kẹt
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng sớm đã nghe tiếng loa vọng từ chốt gác đầu xóm. Vậy là thêm chục hộ về xóm. Bà con tranh thủ phụ nghen. Mấy anh nào rảnh ra vạt cỏ kê pallet gỗ lên giúp. Căng tầm sáu cái lều nữa. Mọi người từ lều ló đầu ra, chẳng ai bảo ai, cánh đàn ông nhanh chóng đeo khẩu trang rồi chạy về phía chốt gác.

Tầm nắng lên cao lại nghe tiếng xe đổ ì ạch đầu xóm. Mấy anh công an bàn giao người lại cho chốt trực. Chục người lạ dáo dác nhìn vào xóm. Rồi lại chia lều, gật đầu chào nhau. Thôi mình ở tạm đây, có chỗ đỡ vài hôm rồi mấy ổng chuyển đi bây ơi. Mùa này cứ ráng sống tạm vậy cho qua. Bà già cải lương tới làm quen mấy hộ gia đình vừa chuyển đến. Ở đây hổng đói, cơm ngày ba cữ, đêm đêm đói bụng bây ra chốt xin nước nóng về nấu mì. Có mấy bịch bánh nè, chia đám con nít cho nó đỡ lạ đi bây. Bà già cải lương ngó tới dòm lui rồi lắc đầu chép miệng bỏ về lều của mình.

Xóm tám phương tứ hướng hội tụ, toàn dân thất nghiệp, lao động tự do, cơm áo, gạo tiền phòng trọ đành bất chấp đâm đầu thông chốt về tỉnh mình. Bị chặn lại, rồi tập hợp đưa về đây. Cả trăm mấy người đều đã trả nhà trọ sau ba tháng mỏi mòn, gói ghém mớ đồ lụn vụn leo lên xe chạy về quê giữa những ngày phong thành. Gặp chốt nỉ nôi than khóc, bu đông bu đỏ đến nỗi ông chủ tịch quận rối bời đành xin miếng đất hoang kẹp giữa hai quận, dựng bạt, cấp lều làm nơi trú tạm, chờ liên hệ nhà trọ miễn phí.

Xóm mắc kẹt từ đó hình thành với gần bốn chục cái lều đầu tiên, rồi từ từ lan ra cả khu rộng lớn. May nhờ có cái xưởng sản xuất gần đó cho câu điện, câu nước xài. Có hai xe nhà tắm lưu động túc trực bên hông phần đất tiếp giáp đường cái để dân tắm táp qua ngày. Mấy hộ có người già hay em bé thường được gửi đi nhà trọ miễn phí sớm hơn. Bận có tỉnh nào cho xe đón người dân về thì anh công an khu vực lập danh sách cho về theo diện ưu tiên. Cứ mỗi đầu tuần thì xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm, mừng là hơn nửa tháng cái xóm tứ chiếng lưu dân chẳng có ca nhiễm.

Ban đầu chỉ có sáu anh bộ đội trực chiến canh, thêm vài ông dân quân. Anh công an khu vực thỉnh thoảng chạy tới phổ biến này nọ hay cập nhật danh sách chuyển đi. Sau thêm mấy chú lính trẻ tham gia hỗ trợ thành phố điều về phụ, cái xóm bắt đầu quen dần nền nếp và xôm tụ hẳn. Lâu lâu tụ lại nói dóc, chừng đầu chốt mấy anh bộ đội bắt loa kêu giãn cách mấy cô, mấy chú ơi! Thế là lều ai nấy nhảy vào, nhưng cũng ló ra nói chuyện cà kê dê ngỗng.

* * *

Bà cải lương với thằng con ở chung một lều gần giữa khu đất. Hai má con đâu tuốt Bạc Liêu lên thành phố kiếm sống. Nhà nghèo lắm chú bộ đội. Miếng đất cắm dùi cũng hổng có nên phải rày đây mai đó. Chứ tui cũng sáu chục hơn rồi, cực thân nơi xứ người cũng vì hai chữ mưu sinh. Biết chữ nghĩa gì đâu chèn, lên đây đi mần mướn cho mấy cái quán ăn. Dịch người ta đóng cửa thì mình thất nghiệp. Thằng con tui lụm nó đó. Hồi dưới quê ai bỏ ngoài đình lúc còn đỏ hỏn, tui một thân một mình cũng gần bốn chục đâu có chồng, thôi xin về nuôi, rồi na nó theo mình. Hai chục tuổi đầu à, cũng đi chạy bàn cho mấy cái quán nhậu. Mà mùa này buồn thúi ruột, ai nhậu đâu mà chạy. Hai má con gồng gần ba tháng thì đứt hơi. Tiền hổng còn một xu teng nào hết. Nghĩ trong cái rủi còn có cái may hen chú. Ở đây cũng vui quá xá. Thôi kệ, vậy rồi cũng xong.

Anh lính trẻ đang bắt kẽm giữa hai cái cột làm dây phơi đồ cho xóm trọ, nghe bà cải lương kể chuyện đời mà mắt đỏ hoe. Mới được điều về hỗ trợ chỉ vài ngày mà lòng cứ thắt thẻo mỗi bận nghe chuyện đời của dân mắc kẹt. Anh lính trẻ khen bà cải lương hay thiệt đó, bữa đêm nghe mà nhớ nhà gì đâu.

Anh bộ đội trẻ theo Sư đoàn 5 của Quân khu 7, từ Tây Ninh điều về chi viện thành phố. Mới mười chín, gương mặt non choẹt, làn da rám nắng, miệng hay cười, mỗi bận hổng biết nói gì thì cúi đầu, lấy tay gãi gãi sau ót.

Nắng bắt đầu lên, phía ngoài cổng xe từ thiện chuyển cơm trưa cho xóm vừa vào tới cổng chốt.

* * *

Một chiều gió liêu xiêu, anh công an ghé xóm mắc kẹt báo có ba phòng trọ miễn phí bên Bình Chánh, giờ ưu tiên người già đi nhé! Nhà ông bolero một suất, nhà bà cải lương một suất, với gia đình của ông bà Nghệ An một suất. Anh công an quay ra chốt. Dân xóm mắc kẹt lại lao xao. Lều này ló ra ngó liều kêu. Mừng hen bà cải lương, vui quá ông bolero. Nhưng chưa kịp chúc mừng thì đã thấy bà cải lương xỏ dép chạy ra chốt trực. Phía lều đối diện cũng thấy cô giáo mầm non, con ông bolero nháo nhác chạy phía sau.

Thôi tui hổng đi đâu chú công an, tui nhường cho gia đình con Thắm lều số 18 đó. Vợ chồng có hai đứa con nhỏ, đêm nó khó ngủ, khóc rè rè. Con nít con nôi, sống cảnh này thiếu thốn trăm bề, nên tui nhường nghen chú công an. Bà cải lương dứt lời thì đã nghe cô giáo mầm non bồi thêm. Ba con ổng cũng biểu nhường cho lều số 27 anh công an ơi! Lều đó hình như chị vợ có bệnh tim, nghe anh chồng kể mấy nay ở tạm bợ chị lo đến mất ngủ, hay làm mệt.

Vậy là đổi suất thành công. Bà cải lương kéo tay nhỏ con ông bolero lại thủ thỉ. Mình sống cũng dễ nên thôi chưa cần đi, mình nhường ai khó khăn trước hen con. Mà nè, bây chồng con gì chưa? Chịu làm dâu tao hông? Thấy cái thằng đầu húi cua, sống mũi cao cao, chiều tối hay ra phụ chốt trực đêm đó. Ưng hông?

Con nhỏ mắc cỡ hổng trả lời. Đi nhanh về phía lều mình. Xóm mắc kẹt lại nhốn nháo vụ nhường suất đi. Lều 18 rồi lều 27 nhanh tay thu dọn đồ đạc, ra bãi xe lấy xe, chuẩn bị theo anh công an về khu trọ miễn phí. Ai đó thở dài thắc mắc sao lâu quá hổng tới lượt mình. Câu thở dài theo gió chiều quẩn quanh.

* * *

Bữa tối trời chớm rằm, mấy cái lều của dân Nha Trang dọn dẹp để trả về chốt trực. Đêm nay, có vài chuyến xe của tỉnh đón dân về. Xóm mắc kẹt lại ló đầu ra chào nhau. Dân được đón về hồ hởi ra mặt. Mấy thứ vụn vặt lại được chia nhau. Lều 21 có thằng công nhân trẻ, thường ngày vẫn hay lăng xăng chạy phụ chuyện giao cơm nước cho các lều khác. Thằng nhỏ gói gọn mớ quần áo vào ba lô, chục gói mì gởi lại mấy bà bán rong Thanh Hóa vừa đến xóm hôm qua, mấy gói bánh bim bim chuyển cho đám con nít còn ở lại. Thằng nhỏ đi lại lều số 5 gần chốt gác dấm dúi vào tay ông già người Sóc Trăng tờ hai trăm ngàn. Giữ lỡ có gì cần thì xài nghen ông.

Mấy người chuẩn bị theo chuyến xe về tập trung ngay cổng gác, xúm xít cảm ơn bộ đội, xin nhau số điện thoại, địa chỉ để sau dịch gởi quà quê cho bộ đội biết đặc sản Nha Trang. Tiếng cười, tiếng chúc nhau câu bình an lan vào đêm nghe rộn rã. Mấy chiếc xe gắn máy được xả hết xăng vào các can rỗng để lại. Mấy chú bộ đội lại dùng giấy bọc kín xe rồi cho vào gầm chiếc xe giường nằm đang đậu chờ sẵn. Đêm cứ len lỏi vào xóm những tâm tư. Tỉnh mình chừng nào mới có chuyến xe ta?

Người về ngày càng nhiều, chục nhà cũng được chuyển vào chỗ trọ miễn phí. Xóm mắc kẹt ngó lại còn đâu chừng hơn chục cái lều. Bà cải lương ngồi thủ thỉ với anh lính trẻ chẳng phải bả không thèm đi nhà trọ, nhưng nghĩ mình chưa cấp bách gì, lại thấy thằng con đang phụ việc ở đây. Thằng con nay tự dưng nó đòi qua dịch đăng kí đi bộ đội. Bà cải lương kể hồi đó đem thằng con lên thành phố rồi biệt xứ. Mấy lần ở dưới quê gọi nó về đi nghĩa vụ. Nhưng bà đâu nỡ xa nó, giấu biệt, hổng cho nó biết. Bà cải lương đâu còn bao nhiêu năm tháng để bôn ba. Giờ nó gieo neo theo bà, ngẫm lại thấy mình bậy quá chừng. Biết đâu đời lính sẽ làm nó vững vàng hơn.

Gió vẫn thổi hiu hắt đêm. Thằng con bà cải lương vẫn ngồi đầu chốt gác phụ bộ đội. Nay xóm có cái bếp gas ai đó tài trợ. Nhỏ con ông bolero đang nấu cháo gà cho đám trực đêm. Ngoài chốt gác lanh lảnh tiếng nói cười. Bà cải lương thở dài thườn thượt nhìn trăng chênh chao qua mấy tòa nhà cao tầng phía đông thành phố.

* * *

Bữa rằm tháng tám, đêm tròn trăng thơm mùi bánh nướng của anh công an vừa xin được chục hộp cho xóm mắc kẹt. Còn hơn hai chục cái lều. Sớm mai thành phố bố trí hết rồi nghen bà con. Tất cả dọn về một khu chung cư thuộc diện nhà ở xã hội của thành phố. Bà con chia phòng ở tạm, hết dịch tính tiếp, mai mình dọn dẹp rồi rã xóm.

Đêm cuối cùng quây quần bên nhau. Bánh cắt góc tư chia nhau. Mọi người tụ lại giữa cái xóm trọ bất đắc dĩ dựng lên chưa đầy tháng nay. Mấy chú bộ đội mượn đâu được cây đàn, ông già bolero thôi không còn gõ muỗng, ổng khảy đờn rồi hát. Mấy lời hát man mác theo nghĩ suy của đám dân trọ còn sót lại. Mấy chú bộ đội cũng hát. Hát mấy bài quân hành rộn ràng. Chú bộ đội trẻ người Tây Ninh xin hát vọng cổ, cất giọng hát bài “Chuyến xe Tây Ninh”, cái bài hát mấy nay nó lẽo đẽo theo bà cải lương nhờ dạy hát. Nay sao nghe ngọt sớt.

Ăn miếng bánh, uống miếng trà, thình lình mắc kẹt chung với nhau giữa những ngày khốn khó này, buồn vui gì đó rồi cũng sẽ qua. Ngó tới, ngó lui cũng quen hết cái tên, cũng hiểu trọn cái phận đời long đong giữa thị thành, phố xá. Trước lạ sau thành quen, mình giữ liên lạc nhau nghen bà con. Mong một ngày bình yên mình còn có thể gặp lại nhau. Bà cải lương nói, mọi người gật gù. Ai đó nói lần đầu tiên trong đời ăn cái trung thu lạ lùng đến vậy. Cả xóm lại nhao nhao cười rần rần.

Trăng rọi sáng một góc trời. Hổng ai hay, bờ cỏ lau cuối xóm mắc kẹt, thằng con bà cải lương ngập ngừng nắm tay nhỏ con ông bolero. Xóm mắc kẹt một đêm hổng ai muốn ngủ.

Truyện ngắn của Ân Điền

Tin cùng chuyên mục

“Đám cưới chuột” đậm chất lễ hội dân gian qua ngôn ngữ xiếc (Ảnh: BTC)

Xiếc 'Đám cưới chuột' sắp 'trình làng'

(PLVN) - Chương trình xiếc tạp kỹ “Đám cưới chuột” được dàn dựng thông qua ngôn ngữ hành động của xiếc với các thể loại: nhào lộn, tung hứng, thăng bằng, ảo thuật… để kể lại một câu chuyện vừa hài hước, hóm hỉnh, vừa mang ý nghĩa giáo dục một cách hấp dẫn, đậm chất lễ hội dân gian.

Đọc thêm

Thị trường nhạc Việt trỗi dậy mạnh mẽ

Thị trường âm nhạc Việt Nam có tiềm năng rất lớn để thu hút thế hệ trẻ. (Ảnh: Mai Trang)
(PLVN) - Vừa qua, tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội, show diễn “Anh trai say hi” đã thu hút hàng chục nghìn người tham dự, theo số liệu theo Ban Tổ chức công bố. Đây là một hiện tượng đặc biệt, khi phần lớn người đến tham dự đều trong độ tuổi rất trẻ. Trong hai đêm diễn nhận được sự quan tâm lớn của nhiều người hâm mộ. Hàng nghìn khán giả xếp hàng trước cổng sân vận động từ tờ mờ sáng nhằm giành một vị trí đẹp. Vé xem chương trình liên tục cháy hàng trên mọi mức giá từ vé phổ thông đến vé hạng nhất.

Hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá để bảo vệ giới trẻ

Cảnh hút thuốc trong phim "Tháng năm rực rỡ", phim được dán nhãn cấm khán giả dưới 16 tuổi.
(PLVN) - Các diễn viên, ca sỹ sử dụng việc hút thuốc lá như một cách thể hiện tính cách nhân vật hoặc thể hiện tâm trạng trong quá trình biểu diễn. Chuyên gia cho rằng điều này ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, lối sống của giới trẻ, do đó Thông tư 14/2024 được ban hành là kịp thời, góp phần thiết thực bảo vệ thể chất và tinh thần thế hệ tương lai của đất nước.

Hiện thực hóa giấc mơ nhạc kịch “made in Việt Nam”

Vở nhạc kịch Tấm Cám. (Ảnh: Khắc Duy)
(PLVN) - Sau nhiều năm vắng bóng tại Việt Nam, hàng loạt chương trình nhạc kịch đặc sắc mang đậm văn hóa Việt được đầu tư công phu với những tâm huyết của các nghệ sĩ nhằm thu hút khán giả yêu nghệ thuật và thực hiện hóa giấc mơ nhạc kịch Việt Nam vươn ra thế giới.

“Anh trai say hi” “Anh trai vượt ngàn chông gai” cùng dắt tay vào vòng bầu chọn Giải Mai Vàng 2024

“Anh trai say hi” đang là ứng cử viên của Giải Mai Vàng 2024 hạng mục Chương trình trên nề tảng số - truyền hình
(PLVN) -  Hội đồng Nghệ thuật Giải Mai Vàng đã chính thức công bố kết quả đề cử Giải Mai Vàng lần thứ 30. Sau hơn hai tháng tiếp nhận đề cử từ bạn đọc, từ 15/9 đến hết ngày 25/11/2024, cuộc họp của Hội đồng Nghệ thuật đã hoàn tất việc lựa chọn những ứng viên xuất sắc trong 14 hạng mục của Giải Mai Vàng năm nay.

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G
(PLVN) -  Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP.HCM chiều hôm nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Tượng Bà Chúa Xứ được đặt ở chánh điện.
(PLVN) - Ngày 4/12/2024, tại thủ đô Asunción, Paraguay, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 19 Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Có gì ở 'Lật mặt 8' của Lý Hải?

Có gì ở 'Lật mặt 8' của Lý Hải?
(PLVN) - Chiều 4/12, tại TP HCM, Lý Hải công bố dự án và dàn diễn viên đóng “Lật mặt 8: Vòng tay nắng”. Trong đó, TikToker nổi tiếng Lê Tuấn Khang được quan tâm khi đảm nhận một vai trong phim.

'Thối não' là từ nổi bật nhất năm 2024

"Brain rot" (tạm dịch: thối não) được Từ điển Oxford công bố là từ của năm 2024. Ảnh: Oxford University Press.
(PLVN) - "Brain rot" (tạm dịch: thối não) được Từ điển Oxford công bố là từ của năm 2024. Từ dùng để bày tỏ lo ngại về việc tiêu thụ quá nhiều nội dung trên mạng xã hội có thể làm sa sút trí tuệ, tinh thần.