[Truyện ngắn] Vỉa hè

[Truyện ngắn] Vỉa hè
(PLVN) - Xuống xe khách, ông Thường xách cái bao tải, trong có đôi gà mái tơ và mấy ống gạo nếp, đi thẳng về phía đường Quang Trung. Ðường phố có từ thời Tây, dài nhưng không rộng, lòng đường dễ chỉ dăm, bảy mét, lại lòa xòa cây cối. Trên vỉa hè, những tấm vải nhựa, vải bạt chằng, buộc ngang cành cây, cột điện, nhìn lòng đường như hẹp lại. Lướt nhìn dọc phố, ông như thấy con đường dài hun hút. Mấy tay xe ôm tấp xe vào sát sườn xoắn xoặn gạ ông về đâu cháu chở đến tận nơi. Nhưng ông chỉ ậm ừ về gần ấy mà, đằng kia thôi.

Ðúng là cứ đi thẳng dãy phố này, đến chỗ cây cột điện to cao đằng kia, gặp con ngõ nhỏ, lát toàn đá núi xanh thẫm, rẽ vào, đi một đoạn nữa là đến nhà bà chị về đằng vợ, lấy chồng làm trên tỉnh, có nhà riêng trong ngõ Ðá. Ngỡ quen đường quen ngõ, mặc cho mấy tay xe ôm chèo kéo, ông Thường cứ thế xăm xăm bước đi.

Nhưng ông vừa đi được mấy bước, bỗng giật nảy người, khi thấy cái bao tải xách tay như có ai giằng hất ra, cùng một tiếng như quát bên tai:

- Ông đi kiểu gì đấy! Hàng họ người ta bày thế này...

Không nhìn người đang xỉa xói, ông Thường cúi xuống dưới chân. Rõ là đôi chân ông đang đặt trên hè đường, được lát bằng những tấm xi-măng vuông vắn. Nhưng chỉ cách đầu ngón chân cái ông dễ chưa đến gang tay đã ngổn ngang xô, chậu, can nhựa, gáo nhựa xếp từng chồng, từng đống và không biết cơ man nào là giấy, trông mềm và trắng phau, đóng trong những túi nhựa to, nhỏ, lớn, bé đủ kiểu, đủ cỡ vuông tròn, dài, dẹt. Tất cả được bày, được xếp trên tấm vải bạt to tổ bố, trải dễ kín từ cửa nhà ra tận sát mép đường. Nhìn xuống chân, thu vào tròng mắt tất cả những thứ ấy, ông lừa lựa để có thể đặt bàn chân vào chỗ nào rồng rộng một tí ở đám xô chậu kia, để tiếp tục đi. Thì bỗng lại nghe một giọng băm bổ:

- Cái ông kia! Ðã bảo thế mà cứ đi. Không nhìn thấy cái gì đấy à?

Ông Thường đã đặt được cả hai chân bước qua gần hết tấm bạt bày hàng, hơi dừng bước, nhìn vào phía trong nhà, nơi có người đàn bà đang nửa nằm nửa ngồi trên chiếc ghế gấp đặt ngay ở cửa, từ tốn bảo:

- Chị cứ yên tâm, tôi không bước lên hàng của chị đâu mà lo.

- Nhưng ông xuống dưới kia mà đi. - Chị ta chỉ tay xuống lòng đường - Ðừng đi lên trên này thế. Không vào hàng nhà này cũng vào hàng nhà kia.

Nhưng ông Thường đã bước qua chỗ bày hàng đồ nhựa ở cửa hàng chị ta rồi. Ông như không bỏ vào tai lời chị ta nói nữa, cứ tự nhiên bước đi trên vỉa hè lát bằng những tấm xi-măng vuông vắn, như cách đây mươi năm, cái lần ra thăm bà chị gần đây nhất ông đã đi. Chỉ có khác, ngày ấy vỉa hè khúc khuỷu, lồi lõm, vì lớp xi-măng láng lâu ngày đã hỏng nhiều, đi cứ tập tà tập tững, bước thấp bước cao, chứ không được nhẵn phẳng, dễ đi như bây giờ. Ông Thường cứ thản nhiên vừa đi, vừa đưa mắt nhìn phố xá. Lòng đường dưới kia vẫn dài rộng như mươi năm trước, mặt đường nhẵn bóng như mới được rải lớp nhựa phẳng lì. Phố xá sầm uất với những nhà tầng cao to, kiến trúc lạ mắt, nhìn vào chỗ nào cũng thấy cửa hàng, cửa hiệu bày bán không biết cơ man nào là hàng hóa. Ông Thường vừa đi vừa ngắm nhìn phố xá đổi thay nhanh chóng quá chừng, bỗng nghe "cạch" một tiếng dưới chân, rồi một giọng đàn bà rất chua:

- Cái nhà ông kia, đi gì đi thế! Ðổ hết cả ghế gổng người ta rồi!

Biết mình lỡ chân làm đổ cái ghế nhựa thấp tẹt để chỏng chơ bên cái bàn, cũng bằng nhựa của bà chủ quán canh bánh đa, ông Thường lẳng lặng cúi xuống dựng lại cái ghế, rồi nghiêng người, một tay nhấc bổng cái bao tải, lách qua đám hành khách đang ngồi ăn quà, tiếp tục đi. Nhưng mới được nửa bước, ông suýt ngã chổng vó, vì có người bất ngờ đẩy mạnh cái bao ông xách trên tay, làm ông bỗng giúi về phía trước. Ông chưa kịp hiểu ra lẽ gì, thì nghe một giọng nam khàn khàn như người nghiện, cáu bẳn:

- Ði đứng thế à! Bao thì bao bẩn, quệt ráo cả vào người ta.

Ông chưa kịp có lời thanh minh vì đường đi lối lại chật chội quá nên tôi lỡ, thì đã nghe giọng chua loét của bà chủ quán canh bánh đa:

- Ông đi bộ, xuống dưới kia mà đi. Ðây chỗ người ta bán hàng.

Nghe bà chủ quán canh bánh đa nói, ông quay lại trố mắt, hỏi:

- Bà bảo tôi đi xuống dưới kia là xuống đâu?

- Dưới lòng đường ấy, chứ còn đâu!

- Bà bảo tôi đi dưới lòng đường để bị phạt à.

Bà chủ quán canh bánh đa xem ra cũng là người hiểu biết, ít ra là kiểu cách đi đứng ở đoạn đường này, vừa chao cái môi vào nồi canh, vừa bảo:

- Gớm, ông cứ vẽ. Người ta vẫn đi, dễ thường cũng bị phạt cả đấy.

Ông Thường đưa mắt nhìn xuống dưới đường. Ðúng là có mấy thanh niên đang lững thững đi trên đường phố, có lúc thấy đàn bà, con gái đi xe qua còn đưa tay ra dứ dứ như dọa, như vời, làm một chị ngồi trên chiếc xe máy mầu xanh rêu vội lạng xe ra giữa đường, tý lao vào chiếc ô-tô con đen trũi. Ông Thường bỗng nhớ lời vợ con dặn đi dặn lại lúc ở nhà: "Ông ra ngoài phố có đi đâu, nhớ là phải đi trên vỉa hè. Ðừng đi xuống dưới lòng đường là phạm luật giao thông, công an họ phạt đấy!". Phải rồi, cẩn tắc vô áy náy. Ông Thường không xách cái bao dứa trên tay nữa, mà khoác lên vai cho không còn sợ va quệt vào người nào ngồi ăn quà, uống nước lổn nhổn trên vỉa hè ngổn ngang những hàng họ bày bán la liệt. Khoác cái bao lên vai, không phải xách mỏi tay, đôi chân ông như cũng nhẹ bớt, bước những bước chững chạc và chuẩn xác hơn. Ông xăm xăm bước đi như thế được chừng vài sải tay, thì một tiếng quát làm ông giật thột:

- Cái ông kia, dừng lại! Bước ráo cả vào quần áo người ta giờ.

Ông Thường sững người, nhìn xuống dưới chân. Ðúng là từng sấp quần áo, toàn là quần bò, áo phông đóng trong những túi ni-lông bóng, bày chật tấm vải bạt rộng dễ bằng cả gian nhà, trải ngang vỉa hè, suốt từ trong cửa nhà ra đến sát mép đường. Chưa hết, trên đầu ông còn lủng lẳng những dây, những móc treo toàn quần áo ngắn của chị em, với những chiếc xu-chiêng, quần lót mầu sắc lòe loẹt, mà bất cứ ai hễ đi trên vỉa hè là đều đi dưới những thứ ấy, chứ chẳng cứ gì ông. Nhưng ông chợt nhìn lại bỗng đỏ mặt tía tai, như vừa làm điều gì có lỗi, ít ra là với bà ấy ở nhà, vội đứng sững lại. Tiếng chị chủ sạp quần áo lại lộp cộp bên tai:

- Ông đi bộ đi xuống dưới kia kìa! Hàng họ người ta thế này, đi làm sao được mà cứ cố.

Ông Thường buột miệng, sẵng:

- Lạ thật. Sao các người lại cứ bảo tôi đi xuống dưới đường!

Anh chủ cửa hàng chăn ga gối đệm vội lên tiếng:

- Ôi bố già ơi, bố nhìn kia, bao nhiêu người còn mạnh chân khỏe tay, nhanh nhẹn hoạt bát bằng mấy bố, mà đi dưới lòng đường đã ai làm sao. Huống hồ bố già nhà quê ra phố, ai người ta chấp.

Một chị ngồi trên cái ghế con trước cửa nhà, trước mặt không biết cơ man nào là ấm chén, bát đĩa sành sứ và cốc thủy tinh đủ loại to nhỏ, cao thấp xếp thành từng hàng dài ra tận phía ngoài cửa nhà, ngẩng lên nhìn ông Thường hối thúc:

- Ðúng rồi! Ai người ta chấp ông già nhà quê. Bố cứ xuống dưới đường kia mà đi, chứ đi trên này, nhỡ va quệt chân tay, đổ vỡ hàng họ chúng con là đền bạc triệu đấy, bố ạ.

Năm người, mười nhời, chung quy lại ai cũng bảo ông xuống dưới kia mà đi, chứ cứ đi trên trên này nhỡ có sao, liệu đền người ta được không. Nói đến tiền bạc đền bồi, nhỡ có sao, ông Thường lại bỗng nhớ ban sáng ở nhà đi, bà vợ lục lọi khắp mới đưa cho được vỏn vẹn năm mươi nghìn, thì tiền vé ô-tô từ Chanh lên đây hết mười bảy nghìn, với hai nghìn vé phà là mười chín. Chỉ còn đúng ba mươi mốt nghìn, dành để hôm về, vé xe, vé phà, cũng phải có đồng quà tấm bánh cho bà cháu ở nhà nữa chứ. Ông Thường rờ rờ tay vào túi quần, rồi chậm chạp theo chị chủ sạp quần áo ra đến gần mép đường thì dừng lại. Trước khi quay vào, chị ta cười rất tươi, chào ngọt sớt, ông đi nhé!

Ông Thường đổi vai khoác, đưa cái bao tải từ bên phải sang bên trái cho đỡ mỏi, rồi mới quay nhìn đằng sau, lại ngước nhìn đằng trước, cẩn tắc vô áy náy, mới lững thững bước xuống dưới lòng đường. Ðầu tiên ông còn bước từng bước, chậm chạp, dò dẫm. Chốc chốc lại quay về phía sau, ngơm ngớp nhìn. Có lúc ông ngẩng mặt lên, nhìn tận vào trong vỉa hè như săm soi người nào. Nhưng dường như không ai để ý tới ông già đầu đội mũ cát, mặc áo sơ-mi trắng đã ngả mầu, chiếc quần mầu tím than cũng đã nhàn nhạt, đi đôi dép nhựa mầu nâu có đủ cả quai hậu, kiểu dép những năm tám mươi thế kỷ trước còn tồn lại. Không ai để ý tới ông đang cắm cúi đi bộ dưới lòng đường, kể cả người cảnh sát vận đồng phục đang đứng nói chuyện với cô gái đi chiếc xe máy mầu đỏ tươi, vừa dừng lại ngay gần mé đường phía trên một đoạn. Ðúng như người đàn ông đứng trong cửa hàng chăn ga gối đệm vừa nói, bao nhiêu người đi dưới lòng đường có sao, huống hồ ông già nhà quê, ai người ta chấp. Ông Thường như vững thêm đôi chân xăm xăm bước đi trên đường phố ồn ã tiếng động cơ ô-tô, xe máy cùng những hồi còi chói gắt đinh tai nhức óc.

Nhưng bỗng... Rầm! Mắt ông nảy hoa cà hoa cải, đổ vật xuống lòng đường. Rồi tiếng người hối thúc, giữ lấy nó, các người ơi giữ lấy nó. Cái thằng giời đánh đâm xe vào người ta lại bỏ chạy kìa! Nhưng chính những người kêu giữ lấy nó, giữ lấy nó vẫn cứ đâu ở đấy, người ngồi trong quán, kẻ đứng trên vỉa hè, kẻ vè vè xe máy phóng như bay giữa lòng đường. May sao vừa lúc có hai người đi xe đạp tới, vội vất xe, xúm vào nâng ông già dậy, dìu vội vào vỉa hè. Bấy giờ người đàn ông ở cửa hàng chăn ga gối đệm, chị chủ sạp quần bò áo phông, bà bán bánh đa và chị bán ấm chén, bát đĩa sành sứ đứng trong vỉa hè mới ngáo ngác giục đưa ông già đi thôi, gọi xích-lô mau lên. Xích-lô kìa.

Tin cùng chuyên mục

Concert 2 của chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai diễn ra vào tối qua (14/12) tại Vinhomes Ocean Park 3 (Ảnh: Page Anh trai vượt ngàn chông gai).

Sẽ diễn ra Concert 3 Anh trai vượt ngàn chông gai tại TP. HCM vào tháng 3/2025

(PLVN) - Tối qua (14/12), Concert 2 của chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai đã diễn ra thành công tại Vinhomes Ocean Park 3 (tỉnh Hưng Yên). Đêm diễn kéo dài khoảng 5 giờ đồng hồ, 31 anh tài cùng dàn khách mời mang đến nhiều tiết mục âm nhạc được đầu tư công phu, chỉn chu thu hút hàng ngàn khán giả tham gia. Các "anh trai" đã làm nên hiện tượng chưa từng có ở thị trường nhạc Việt.

Đọc thêm

“Vằng vặc trăng quê” - đong đầy hồn quê

"Vằng vặc trăng quê" lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, mang đậm “hồn quê” Bắc Bộ (ảnh P.V).
(PLVN) -  Tản văn “Vằng vặc trăng quê” của nhà báo Ngô Bá Lục không chỉ kể chuyện đời thường, đong đầy tình yêu thương mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, mang đậm “hồn quê” Bắc Bộ.

“Xây Tết” cho gần 2 vạn công nhân

Chương trình "Xây Tết" dành cho gần 2 vạn công nhân (Thùy Dương)
(PLVN) -  Lễ ra mắt chương trình “Xây Tết 2025” với những hỗ trợ thiết thực về vật chất, tinh thần đến hơn 18.500 công nhân trên cả nước diễn ra vào ngày 12/12/2024 tại Báo Nhân Dân.

Thị trường nhạc Việt trỗi dậy mạnh mẽ

Thị trường âm nhạc Việt Nam có tiềm năng rất lớn để thu hút thế hệ trẻ. (Ảnh: Mai Trang)
(PLVN) - Vừa qua, tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội, show diễn “Anh trai say hi” đã thu hút hàng chục nghìn người tham dự, theo số liệu theo Ban Tổ chức công bố. Đây là một hiện tượng đặc biệt, khi phần lớn người đến tham dự đều trong độ tuổi rất trẻ. Trong hai đêm diễn nhận được sự quan tâm lớn của nhiều người hâm mộ. Hàng nghìn khán giả xếp hàng trước cổng sân vận động từ tờ mờ sáng nhằm giành một vị trí đẹp. Vé xem chương trình liên tục cháy hàng trên mọi mức giá từ vé phổ thông đến vé hạng nhất.

Hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá để bảo vệ giới trẻ

Cảnh hút thuốc trong phim "Tháng năm rực rỡ", phim được dán nhãn cấm khán giả dưới 16 tuổi.
(PLVN) - Các diễn viên, ca sỹ sử dụng việc hút thuốc lá như một cách thể hiện tính cách nhân vật hoặc thể hiện tâm trạng trong quá trình biểu diễn. Chuyên gia cho rằng điều này ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, lối sống của giới trẻ, do đó Thông tư 14/2024 được ban hành là kịp thời, góp phần thiết thực bảo vệ thể chất và tinh thần thế hệ tương lai của đất nước.

Hiện thực hóa giấc mơ nhạc kịch “made in Việt Nam”

Vở nhạc kịch Tấm Cám. (Ảnh: Khắc Duy)
(PLVN) - Sau nhiều năm vắng bóng tại Việt Nam, hàng loạt chương trình nhạc kịch đặc sắc mang đậm văn hóa Việt được đầu tư công phu với những tâm huyết của các nghệ sĩ nhằm thu hút khán giả yêu nghệ thuật và thực hiện hóa giấc mơ nhạc kịch Việt Nam vươn ra thế giới.

“Anh trai say hi” “Anh trai vượt ngàn chông gai” cùng dắt tay vào vòng bầu chọn Giải Mai Vàng 2024

“Anh trai say hi” đang là ứng cử viên của Giải Mai Vàng 2024 hạng mục Chương trình trên nề tảng số - truyền hình
(PLVN) -  Hội đồng Nghệ thuật Giải Mai Vàng đã chính thức công bố kết quả đề cử Giải Mai Vàng lần thứ 30. Sau hơn hai tháng tiếp nhận đề cử từ bạn đọc, từ 15/9 đến hết ngày 25/11/2024, cuộc họp của Hội đồng Nghệ thuật đã hoàn tất việc lựa chọn những ứng viên xuất sắc trong 14 hạng mục của Giải Mai Vàng năm nay.

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G
(PLVN) -  Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP.HCM chiều hôm nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Tượng Bà Chúa Xứ được đặt ở chánh điện.
(PLVN) - Ngày 4/12/2024, tại thủ đô Asunción, Paraguay, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 19 Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Có gì ở 'Lật mặt 8' của Lý Hải?

Có gì ở 'Lật mặt 8' của Lý Hải?
(PLVN) - Chiều 4/12, tại TP HCM, Lý Hải công bố dự án và dàn diễn viên đóng “Lật mặt 8: Vòng tay nắng”. Trong đó, TikToker nổi tiếng Lê Tuấn Khang được quan tâm khi đảm nhận một vai trong phim.