[Truyện ngắn] Thương một bờ vai

[Truyện ngắn] Thương một bờ vai
(PLVN) - Đêm ngợp mùi khê nồng chát chúa từ cánh đồng hắt lên. Chập tối, hai tía con ra mỏm mương ngồi canh nước, cái gầu còn vứt chỏng chơ ở đó, đất nẻ bong lên từng mảng lớn nhỏ. Phía chân trời xa tít âm thầm kia như đang chọc tức người dưới này, dăm ba ánh chớp lóe lên rồi tắt lịm, nhưng tuyệt không thấy gió lạnh. 

Ở quê bao năm Út biết khi có gió gai người thì sau đó mới có mưa. Út giục tía về ăn cơm, đợi hoài mắt cũng chỉ đỏ thêm, môi khô bợt vì nắng nóng, dân miền này cũng không khác chi mấy thửa ruộng đang trông mưa.

Hôm nhận được thư tía, Út còn chần chừ. Tía bảo đến ngày chuyển mộ cho má, thu xếp công việc về mấy ngày. Lúc đầu Út định chối, chỉ nên gửi tiền về là đủ, chứ ở đây, người ta có cho nghỉ nhiều đâu. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại Út cũng nhớ quê quá chừng, hơn nữa còn phải về nói với người ta dăm ba lời, chứ chờ đợi mãi Út thấy mình bạc.

Vừa chạm tới con kênh nước, ruột gan Út như bị người ta thò tay bóp một cái thiệt mạnh. Cái con kênh đi qua hai làng, muốn sang bên kia phải nhờ ghe xuồng chở giúp, giờ trơ đáy, những mảng bùn bong lên cứng quèo như giãy chết. Mấy nay, nghe thời sự trên vô tuyến Út biết quê mình đang gặp hạn, nước sông Mê Kông bị giảm, lúa đang heo hét chờ chết. Nhưng Út không tưởng tượng được nó lại thế này.

Trời nắng như đổ lửa, như muốn hút sạch chút nước trên cánh đồng. Út băng qua cánh đồng đang ngả màu cháy xém, lưa thưa mấy người tay xách những can nước to xuống đổ vào ruộng lúa. Nhưng chao ôi có thấm gì, nước vừa ộc xuống, đất hút thiệt nhanh rồi lại khô khèo. Mấy người đàn ông lắc đầu ngao ngán “Muối bỏ bể mấy cha ơi.”

Về đến đầu xóm, Út gặp con nhỏ Trinh hàng xóm, chèng đéc ơi, mới mấy năm không gặp mà nó trổ giò nhanh dữ. Nó đi đâu mà lọc tọc đạp xe rõ vội. Nó nhìn thoáng qua là nhận ra Út liền.

- A Út đã về, tối em qua Út chơi nghe.

Nói thế rồi nó phóng đi thật vội, chẳng kịp nói gì. Con nhỏ thiệt tình bao năm vẫn vậy.

Mùa hạn, xóm nghèo cũng xơ xác, nhìn mặt ai cũng võ vàng, mắt ai cũng đỏ au hết cả. Út xót xa khi thấy bóng tía sau nhà. Tía gầy đi nhiều quá. 

- Chờ chi vậy tía, về ăn cơm thôi.

Tía dằn điếu thuốc trên tay rít một hơi thiệt mạnh như cả lồng ngực phồng căng khói để nén tiếng thở dài.

- Đêm nay mà mưa là lúa sống, mình sống con à.

Chẳng còn tiếng ếch ộp oạp như đêm xưa Út về. Bốn bề đều vắng lặng, cái sự yên ắng khó chịu, bức bối lạ thường.

- Mình về ăn cơm rồi mưa ra cũng chưa vội, chớ hai tía con ngồi đây có ích chi.

Nghe nói hoài, tía cũng xuôi xuôi. Hai tía con đứng dậy ra về, bước thấp bước cao, trời không hột gió.

- Trên ấy công việc con thế nào?

- Dạ, cũng được tía à - Út ngập ngừng - Con có mang tiền về phụ tía đây, đừng lo quá nữa.

Tía im lặng một hồi.

- Nếu vụ này nước không về, tía theo người ta lên phố đi phụ hồ.

- Tía ốm thế đi sao được. Con sẽ cố làm để gửi về cho tía.

- Trên phố tía biết, làm có được bao nhiêu, rồi chi tiêu nữa, con gái phải có chút vốn dắt lưng, mai này lấy chồng người ta không khinh. Tía nghèo…

Tiếng tía gần phía trước mà Út nghe xa vắng quá, nước mắt vội trớ ra lúc nào không hay. Út không nói gì, cặm cụi đi. Tía ơi, rồi đây còn có ai người ta dám lấy con nữa…

Bữa cơm thật lẹ làng bên ngọn đèn dầu, xong bữa tía ra võng ngồi hút thuốc, còn Út rửa chén sau hồi. Nghe loáng thoáng đâu đó tiếng nhỏ Trinh ngoài ngõ. Tiếng nó trong vắt, vừa ngây thơ vừa có chút chanh chua.

- Út Hai! Út Hai ơi!

- Chèng đéc ơi, mày kêu gì lớn vậy.

Nó đi vòng qua bếp, trên tay ôm một túi nilong lớn.

- Em qua rủ Út xuống giếng đồng tắm chung. Ở nhà hết nước rồi. Đi một mình sợ lắm.

Út toét miệng cười. 

- Trời chớp mà có trăng thì sao mà mưa được. Thế mà chú Hai cứ mong, ngộ ghê. Năm nay tập xác định là mất mùa rồi. Mai mốt Út cho em theo lên trển làm nha. 

- Uả mà mày học xong chưa?

- Em học xong lớp mười hai rồi, mà thi rớt, ở nhà má la quá trời. Lúc nào cũng lấy Út ra làm gương mệt ghê. Mà nói thiệt em hờn với Út đó.

Út im lặng, lòng chợt chùng xuống xao xót. Có gì mà hờn với Út đây. Lạ thiệt, đứa con gái quê nào cũng nghĩ trên phố giàu sang, lên đó là kiếm bạc triệu dễ như chơi. Ngày trước, Út cũng thế, học xong lớp mười xin tía lên phố làm với người ta. Thân con gái, giữa phố thị lừa lọc Út vào làm gái bia ôm, rồi qua gái vũ trường. Đôi lúc thèm đến cháy lòng một bữa cơm quê, thèm nghe tiếng tía la rầy. Nhưng xung quanh Út chỉ toàn tiếng nhạc, tiếng cười đùa cợt nhả.

Út sợ về quê, cũng sợ biết đâu người làng lên phố bắt gặp Út trong quán bia nào đó. Tía sẽ chết mất. Nếu biết đứa con ngoan ngày nào giờ thành gái nhảy, gái bia ôm. Hơn một lần Út nghe thấy tiếng người ta trong điện thoại cứ da diết hoài “Về đi Út!” mà não ruột gan. Bây giờ Út về rồi, nhưng thấy những gì? Cảnh cánh đồng chờ chết, cảnh người làng cũng sắp tứ tán muôn nơi để kiếm ăn. Sẽ có biết bao cô gái khác cũng sẽ theo gót Út lấy thanh xuân và nhan sắc để đổi miếng ăn?

Trăng sáng quá, soi rõ cả cái rốn nước sâu hoắm trong lòng giếng. Nhỏ Trinh hì hụi múc, khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi. Làn da sáng lên dưới trăng như sứ. Gái quê mình vẫn đẹp nức tiếng. Nhìn nó mà Út lại chợt xót xa.

- Thôi đừng lên phố, ở quê sang năm thi lại. 

- Có đậu đại học thì cũng chẳng có tiền mà học đâu Út. Em quyết rồi. Lần này em đi. Kiếm thiệt nhiều tiền cho má em khoái.

- Thành phố nhiều lọc lừa. Lên đó em biết làm gì?

- Em hỏi đứa bạn rồi, lúc đầu em sẽ phụ cửa hàng ăn rồi sau tính tiếp. Bạn em mấy đứa lên đó thấy bảo cũng vui. 

Út im lặng, không muốn dội thêm gáo nước lạnh vào cái quyết tâm đang hừng hực của nó. Rồi đời sẽ dạy khôn.

- À… Anh Ba Đậu vẫn chờ Út đó. Ảnh mới sắm cái xe ba gác, chạy vòng vòng chở đồ trong xóm. Thỉnh thoảng lại ghé qua nhà.

- Con nít biết gì mà nói.

Nó cười khanh khách, cởi cái áo mỏng bên ngoài và bắt đầu dội nước. Mùi nước phèn hơi chua sực lên. Mà lạ thiệt, cái phèn chao chát không làm mất đi cái đẹp ở làn da gái quê mình. Đám con trai trong làng nói gái quê mình sinh ra để cho kẻ khác, chứ trai làng có đứa nào lấy được đâu. Tụi nó chê nghèo, sợ chân lấm tay bùn quanh năm.

Tháng trước, anh Ba Đậu lại gửi thư cho Út, Đậu nói đã gom được tiền mua xe ba gác. Cố chờ một hai năm nữa Đậu giầu, Đậu sẽ cưới Út. Út không hồi âm. Từ ngày bước chân vào vũ trường, lòng Út đã không còn ở quê nữa rồi. Tim Út cũng bị xé ra làm nhiều mảnh, mảnh nào cũng chai sạn, cứng quèo. Út muốn Đậu thôi hy vọng. Cái tình cảm yêu đương mới lớn đầu đời không bao giờ có kết quả tốt đẹp. Như ở trên phố người ta thường nói “chàng trai bên bạn năm mười bẩy tuổi sẽ không cùng bạn đi hết cuộc đời.” Út mỉm cười. Út thấy mình không còn xứng với mối tình trong sáng ấy nữa.

Trời không gợn gió. Tía vẫn ngồi đó chờ mưa, chẳng biết chờ đến bao giờ. Chớp không còn nữa, và trăng sáng vằng vặc còn có cả sao. Như thế báo hiệu ngày mai sẽ là ngày nắng gắt. Út thiu thiu ngủ trong cái nóng nồng nực của ngày hè, tiếng muỗi vo ve đầy mệt mỏi.

Ngày chuyển mộ cho má, sớm thiệt sớm đã thấy Ba Đậu đứng chờ ngoài ngõ, tay xách cái làn, vai vác cuốc. Bao năm rồi Út vẫn nhớ cái dáng đứng hơi xô về phía trước như ngóng đợi điều gì. Vừa thấy Út ló đầu ra Đậu đã cười. Tía cũng có vẻ vừa ý. Có lẽ bao năm, tía thầm ưng thằng con rể tương lai, chứ đâu có nghĩ rồi đây nó lại là thằng rể hụt. Ba Đậu làm thuần việc, việc nào cũng gọn gàng nhanh nhẹn, đúng chất một anh ba miền lúa thứ thiệt. Mồ hôi nhễ nhại cả buổi, đến chiều công việc đã được xếp đặt đâu vào đấy. Mộ má được di chuyển lên gò đất cao phòng mùa mưa ngập. Hai tía con khẽ thở ra một tiếng nhẹ lòng.

Mọi người về hết, chỉ còn hai đứa đi thong dong trên cánh đồng. Út im lặng, thỉnh thoảng Đậu liếc sang nhìn. Tức ghê, Ba Đậu thầm chửi mình. Cả đêm qua không ngủ được, đã định hôm nay sẽ nói hết tất cả những thương nhớ hờn giận mấy năm qua ủ trong lòng, nó đang bùng lên nóng rực đây này. Thế mà gặp Út, mắt chạm mắt là bao điều muốn nói lại bay đi đâu hết.

- Đậu định nói gì đúng không? 

Nghe Út nói Đậu giật mình. Ấp úng mãi mới thốt được nên câu.

- Đậu muốn nói với Út là... Út làm vợ Đậu nghe.

- Rồi lấy gì để sống?

Câu nói của Út khiến tim Đậu bị người ta cầm hai đầu dây thiết lại. Bỗng nhiên Đậu tự ái, cái tự ái của một thằng chân tình. Vậy ra với Út chỉ có cơm áo gạo tiền. Vậy ra tình cảm thiệt của Đậu bao lâu không đủ để Út quay gót.

- Út biết Đậu thương Út nhiều. Nhưng... Út không còn xứng đáng với Đậu nữa đâu. Út sẽ không về quê lấy chồng nữa. Đậu hãy tìm người khác đi. Đừng chờ Út nữa.

Chân Đậu chết sững như bị người ta đào cái hố sâu thiệt sâu rồi chôn xuống đó.

- Út khác xưa nhiều quá!

Út vẫn không dừng lại, chỉ là đôi dòng nước mắt lặng lẽ lăn dài. 

Út về đến nhà đã thấy tía chuẩn bị mâm cơm thật ngon để đãi khách, khách là thằng con rể hụt thiệt lòng thiệt dạ thương con tía. Thấy Út về một mình, tía nhòm ra sau như hỏi “thằng Đậu đâu?”. Út không trả lời. Bữa ấy, tía ngồi trước mâm cơm nhưng chỉ uống rượu khan một mình.

Hôm sau, Út lên phố. Con đường băng qua cánh đồng đã xô sang màu vàng ệch. Những ruộng lúa đang trổ bông khô đét. Người ta cũng không ra đồng nữa mà tính chuyện đi nơi khác kiếm ăn. Qua con kênh khô cạn, Út quay lại nhìn. Út biết, cuối con đường kia có một bờ vai gầy đen sạm vì nắng đang đứng như xô người về phía trước trông theo bóng Út…

Truyện ngắn của  Cao Nguyệt Nguyên

Đọc thêm

Khát khao làm phim điện ảnh “bom tấn”

Bộ phim "Khóc hay cười" thu hút nhiều khán giả.
(PLVN) - “Chúng tôi cố gắng một năm sẽ làm 3 - 4 phim chiếu rạp. Chúng tôi mong muốn làm phim điện ảnh bom tấn, kiểu Hollywood ”. Đó là lời chia sẻ của Đạo diễn Phạm Đức Dũng tại họp báo ra mắt Hãng phim Bạch Mã ngày 13/11/2024 tại Hà Nội.

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt
(PLVN) -  Xuất sắc vượt qua nhiều đại diện đến từ các quốc gia trên thế giới, Huỳnh Thị Thanh Thủy đã đăng quang ngôi vị cao nhất, mang về chiếc vương miện danh giá Hoa hậu Quốc tế đầu tiên cho Việt Nam, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu tên tuổi Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới.

'Giọng hát hay Hà Nội năm 2024' - khơi dậy tình yêu Hà Nội

Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” chính thức trở lại, tiếp tục hành trình tìm kiếm và vinh danh những giọng ca trẻ đầy tài năng của Thủ đô. (ảnh Thùy Dương)
(PLVN) - Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” không chỉ là sân chơi nghệ thuật, mà còn là dịp để các thí sinh cũng như người dân Hà Nội ôn lại những trang sử hào hùng và khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về quê hương trong trái tim mỗi người.

Văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước

Các đại biểu thảo luận tọa đàm: "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt."(Ảnh: BTC).
(PLVN) -  “Trong giai đoạn hiện nay, trước các cơ hội và thách thức đặt ra, chúng ta đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng. Bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước”.

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm gốm "Hiện Linh" mang tới công chúng, những người yêu nghệ thuật gần 200 tác phẩm lần đầu được ra mắt của Giáo sư, họa sĩ Ngô Xuân Bính. Trong không gian đương đại tại Bảo tàng Hà Nội, các tác phẩm gốm ‘Hiện Linh’ sẽ dẫn dắt người xem bước vào thế giới vừa quen thuộc, vừa mới lạ của đất Mẹ.

Huyền thoại kép độc hiếm có của làng cải lương

Vai diễn để đời Hội đồng Thăng diễn cùng NSND Bạch Tuyết (cô Lựu) trong vở Đời cô Lựu. (Ảnh: Chụp màn hình)
(PLVN) - Nhờ phong cách ca ngâm và diễn xuất tài tình, NSND Diệp Lang là một trong những huyền thoại của sân khấu cải lương Việt Nam. Đặc biệt, ông gây ấn tượng với khán giả với những vai kép độc diễn như không diễn mà đến thời điểm hiện tại chưa ai có thể thay thế được.

Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam

Lễ hội Sayangva của dân tộc Chơ Ro tỉnh Đồng Nai (ảnh Hoàng Long).
(PLVN) - Khoảng 400 nghệ nhân, nghệ sỹ, đồng bào các dân tộc sẽ tham gia Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2024 và Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII-năm 2024 tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc.

Truyền thống - Văn hiến - Mạch dẫn không gian sáng tạo đương đại

 Các chuyên gia, các nhà quản lý cho rằng không gian sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa Thủ đô (Ảnh: Xuân Thắng).
(PLVN) - Không gian sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa Thủ đô. Cùng với đó là những thách thức đối với Bảo tàng Hà Nội để tăng cường sức hấp dẫn của các hoạt động sáng tạo và thu hút nhiều đối tượng khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ.

Đa cảm xúc với 'Dù chỉ một lần thôi'

"Dù chỉ một lần thôi" của ca sĩ HÚH đa màu sắc, đa cảm xúc (ảnh Thảo Phương).
(PLVN) - “Dù chỉ một lần thôi” của ca sĩ HÚH đa màu sắc, đa cảm xúc, từ sôi động với những màn biểu diễn bốc lửa, cho đến lắng đọng, cảm động qua những bài học về đam mê, gia đình.

117 bộ phim trình chiếu Liên hoan phim quốc tế Hà Nội

Liên hoan phim sẽ trình chiếu 117 bộ phim của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ (ảnh Thùy Dương)
(PLVN) - Với khẩu hiệu: “Điện ảnh: Sáng tạo - Cất cánh”, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2024 hứa hẹn là sự kiện quan trọng không chỉ của điện ảnh mà còn góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội, đất nước Việt Nam đến bạn bè trong nước và quốc tế. Liên hoan phim sẽ trình chiếu 117 bộ phim của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ca sĩ Ngọc Châm cháy bỏng khi được hát ca khúc mình mê đắm

Ca sĩ Ngọc Châm hy vọng hát bằng trái tim thì sẽ được mọi người yêu mến. (Ảnh: Bình Quách)
(PLVN) - Trong chặng đường hoạt động nghệ thuật rất phong phú của mình, Ngọc Châm ở rất nhiều vai trò, nhưng với "Giai nhân 2", cô sẽ chỉ là ca sĩ để được sống trọn vẹn trong tình yêu âm nhạc của một người ca sĩ, để thỏa nỗi khao khát hát của cô bấy lâu nay, để được hát những gì mình thích, mình yêu, mình say đắm.