[Truyện ngắn] Thằng cuội

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Nhà ông Hợi ở xóm Giữa, có ngôi nhà gỗ cổ và nổi tiếng vì con trâu nái mắn đẻ. Ông có hai con trai, mãi chẳng lấy vợ. Anh con lớn năm nay đã ba ba, con thứ hăm ba. Con cả tên Khai, con thứ tên Tuất. Tuất mới xong cấp ba được vài năm, trượt thi đại học, ông Hợi gửi đi làm công nhân, được nửa tháng Tuất bỏ về, nói không chịu được khổ, không chịu được người ta sai. Về làm ruộng với bố mẹ, vất vả tí chút nhưng tự do, lúc mát làm, lúc nắng nghỉ, tối cùng thanh niên nam nữ trong làng tụ tập. Đình làng, gốc đa, cống bê tông cuối xóm, đêm nào cũng nô nức tiếng cười.

Cả Khai và Tuất đều được gọi là Cuội. Cuội anh và Cuội em. Nhà tôi cách nhà Cuội bằng năm phút đi bộ của chú trâu mắn đẻ. Tôi vừa xong cấp III, chẳng có đứa nào cùng chí hướng, tôi cũng chẳng thèm thi đại học. Cuội anh hay trêu tôi, đưa lời vờn vỡ. Có lúc nghe khó chịu, về nhà nghĩ lại, thấy Cuội anh cũng hài hước ra trò. Không giận nữa, nhưng trước mặt Cuội anh không thể tỏ ra yếu thế. Một lần trên đồng, tôi lom khom cấy, Cuội anh gánh phân cho mẹ già. Mồm Cuội anh hát:

“Cô Sao đi cấy đồng sâu/Suốt ngày cô chổng phiêu câu lên trời”

Sao là tên tôi. Tôi ngượng đỏ mặt. Bên cạnh chỗ tôi còn nhiều người nữa. Nhưng chẳng lẽ lại “ngậm bồ hòn làm ngọt” cho qua chuyện này. Phải cho Cuội anh biết con gái làng Đà không phải tầm thường. Tôi cất giọng:

“Ngọn gió cũng tuổi xuân thì/Em mà không chổng lấy gì anh xơi”

Cả một khoảng rộng người ta vỗ tay hoan hô. Những người ở xa không hiểu đầu đuôi, ngẩng cổ lên nghe ngóng. Cuội anh cắm cổ bỏ đi. Tôi biết rằng cuộc chiến với Cuội anh chưa kết thúc.

Rằm trung thu, sau ngày hội làng, cả trẻ con và người lớn đều được hả hê. Đêm đó đẹp như huyền thoại. Bến sông, trăng sáng vằng vặc. Những cô gái được tuyển chọn sẽ bơi thuyền ở dưới, từng người, ra một câu hát đối. Các chàng trai ở trên bờ, ai đối được câu của cô gái nào sẽ được cô gái đó mời xuống thuyền, dạo trên mặt sông, ngắm trăng. Nhiều đôi trai gái làng tôi đã nên vợ chồng từ những đêm trung thu như thế.

Tôi được chọn vào số những cô gái đó. Câu đối của tôi được chuẩn bị từ lâu, tưởng đã làm khó được trai làng Đà, ai ngờ người đối được lại là Cuội em. Lúc đó, tôi gần như thất vọng. Không ai bắt được ý nghĩ của mình. Sau một hồi im lặng thì có tiếng hát vang lên. Hay quá, chỉnh quá. Mọi người vỗ tay. Thế mà Cuội em cứ giấu tài. Cuội em xuống thuyền tôi, đêm tròng trành ánh trăng. Khen. Cuội em cười, nụ cười hiền loa lóa ánh trăng.

Cuội em hỏi chuyện tôi, khen tôi xinh. Sau đó Cuội em bảo mình có tài đặc biệt, làng Đà không ai làm được, đó là khả năng trèo cây. Mà trèo cây đi đằng đít chứ không phải đầu. Trèo cau hai chân bám vào thân cây trước, đu người lên, hai tay sau bám phía dưới đẩy người lên. Trèo cây gì cũng vậy. Lên đến nơi rồi hai chân đu vào cành, còn tay tha hồ hái quả, nhanh như con khỉ. Cuội em còn biết chọc cười, hài hước. Tôi cười rũ rượi, cười vung vãi trên sông trăng, trăng cũng vung vãi.

- Sao anh không lấy vợ đi, anh lấy vợ chắc làm cho vợ vui lắm. 

Cuội em chợt thở dài, niềm vui ban nãy rơi tõm xuống sông.

- Nhưng anh tôi chưa chịu lấy, tôi làm sao dám vượt mặt.

- Anh giục anh ấy đi chứ. Già quá thì chẳng em nào thèm đâu.

- Hình như hai anh em tôi không ai có cái duyên... lấy vợ. - Cuội em ủ dột. Đêm dạo sông thành ra mất hứng, mà không ai muốn về. Cuội em cứ muốn ngồi mãi. Tôi cũng muốn ngồi mãi. Tự dưng thấy thương Cuội em, vì chuyện gì không biết nữa, khó hiểu quá!

Nam nữ đã tản về gần hết, tôi quay mũi thuyền. Trăng sáng hơn, muốn ngồi lại nhưng phải bước lên.

Từ hôm đó hay chơi với Cuội em, Cuội em quan tâm đến tôi. Trai gái trêu tôi và Cuội em có ý đồ với nhau. Tôi không cãi cũng không gật, chỉ thấy mặt mũi nóng bừng, cảm giác là lạ khó tả. Cuội em nhìn làm tôi phải quay mặt đi, sợ chúng nó nhìn thấy, trêu. Có hôm chăn trâu cùng nhau, tôi và Cuội em bỏ trâu gặm cỏ, chui vào bóng râm ngồi trò chuyện. Cuội anh đi lấy dong nước cho lợn, đạp xe qua, thấy thế vứt xe đạp ngoài vệ cỏ, sà vào đong chuyện. Cuội anh nói xin lỗi tôi về chuyện lần trước. Nói không ngờ tôi lại trả đòn giỏi thế. Cuội anh khen tôi xinh. Lúc này Cuội em như biết ý, ra chỗ khác ngồi cho Cuội anh nói chuyện.

- Sao xinh thế mà chưa lấy chồng. Chắc kén quá...

- Thì anh cũng đã lấy vợ đâu, như vậy có phải quá kén không?

Cuội anh lắc đầu:

- Không, tại tôi bị người ta chê. Không có ai yêu tôi. Tôi già rồi.

Định nói làng này vẫn còn khối người như chị Xăng, chị Xái con ông Xai, Cuội anh có thể lấy làm vợ. Nhưng sợ Cuội anh buồn, có khi nổi khùng cho tôi phát đá, toi mạng. Thôi.

Cuội anh cười hềnh hệch khi thấy Cuội em bỏ ra ngồi một mình. Chuyện lâu quá Cuội anh quên mất việc lấy dong lợn. Mặt trời đã kề mặt mình sau luỹ tre xa, gần đến lúc phải cho trâu về. Cuội em giục Cuội anh, Cuội anh cuống cuồng lao xuống sông, nói với lại một câu: Tối gặp nhau nhá? Tôi nhìn Cuội em, Cuội em nhìn tôi. Sờ sững.

Hôm đó về, Cuội em bảo: “Sao đừng chơi với anh tôi. Chơi với tôi là được rồi. Một mình Cuội em chăm sóc được cho Sao”. Mắt tôi trân trân nhìn Cuội em. Hai mắt Cuội em long lanh. Tôi hiểu những lời vừa rồi là lời tỏ tình của Cuội em, mộc mạc quê mùa. Và tôi đã tránh mặt Cuội anh. Cuội anh lùng sục cả xóm. Cuội em lanh lọc quá, kéo tôi ra ngoài bãi dứa, gần bờ sông, mỗi tối chuyển một vị trí. Cuội anh tài mấy cũng không tìm được. Nên có lúc Cuội anh nghêu ngao hát ngoài bãi sông một mình: “Hoa mặt trăng mà tránh quả mặt trời. Em ơi có biết ngàn lời anh yêu...”. Có lúc hai chúng tôi nghe thấy, Cuội em muốn bịt tai tôi để tôi đừng nghe thấy lời Cuội anh hát. Tuy không hiểu nhưng tôi vẫn muốn nghe Cuội anh hát.

Hai hôm sau thấy mặt mũi Cuội em sưng vù, chân đi khập khiễng. Hóa ra Cuội anh và Cuội em đánh nhau. Đang đánh nhau gay thì ông Hợi bắt gặp, ông cầm gậy khua túi bụi. Tôi đã nói đừng đánh nhau. Hai anh em vì tình đánh nhau người ta cười cho. Cuối cùng Cuội anh bỏ đi. Được ba ngày Cuội anh phải về, nhận lỗi với cha, mặt cúi gằm. Ông Hợi không tha, vẫn mắng như tát nước vào mặt. 

Cuội anh không dám đối diện với tôi, nhưng còn nuối tiếc. Đêm đêm, thi thoảng vẫn nghe Cuội anh hát: “Hoa mặt trăng mà tránh quả mặt trời. Em ơi....”. Cuội em rủ tôi trốn đi chơi một nơi, không đi cùng đám thanh niên làng Đà. Mùa trăng thành ra lãng mạn. Tôi yêu trăng quê mình như mẹ tôi yêu bồ thóc đầy sau mùa gặt. Tôi cũng thấy xênh xang, rợn ngợp khi Cuội em ở bên. Cuội hay ôm ngang bụng tôi, ngồi trên cỏ. Trăng vây quanh mình, gió vây quanh mình, cả màn đêm quê dịu dàng mùa động tình. Cuội em đưa tay qua khe ngực tôi, lần tìm vú, tôi rợn cả người. Cuội bảo cho cả ánh trăng lọt vào chỗ đó, thích lắm. Tôi biết Cuội ăn gian. Trăng lọt được vào thì Cuội cũng nhìn được. Đấm thùm thụp vào ngực Cuội em, Cuội phều phào cười.

* * *

Đường quốc lộ mở rộng đi qua. Đất làng trở nên đắt đỏ, một cơn sốt đất bùng nổ. Nhiều công ty của Nhật, Đài Loan, Trung Quốc... về thành lập trụ sở, đầu tư xây dựng công ty liên doanh. Bộ mặt làng Đà sẽ thay đổi từ đây. Ông trưởng thôn làm môi giới cho mấy công ty mua đất ruộng của dân. Trưởng thôn đến tận nhà từng hộ vận động. Ông có cô con gái Cuội anh thích. Ngồi ở quán nước Cuội anh cứ một điều bố, hai điều bố. Thấy Cuội anh đã có tuổi, ăn nói được, trưởng thôn nhận Cuội anh đi làm cùng mình.

Cô con gái trưởng thôn tên Mơ, hơi lả lơi, đỏm dáng. Theo cảm nhận của Cuội anh thì cô mê anh rồi. Mê anh ở cái cơ bắp cuồn cuộn, làm không biết mệt. Trai làng không ai chơi với Mơ, nên cô vớ được Cuội anh là giữ chặt. Có hôm anh chị đèo nhau bằng chiếc xe máy trưởng thôn mới mua. Mơ mặc váy ngắn, áo mỏng, hở mảng ngực to trắng ngần. Đi ngoài đường cái, Cuội anh đèo còn Mơ đứng lên, tay dang rộng ngược gió thổi. Lãng mạn nhưng khối người nhìn vào bĩu mỏ. Cuội em đèo tôi bằng xe đạp lên ủy ban xin giấy cho em gái, xe đi chậm rì. Cuội anh vụt qua còn quay lại cười, như nhạo, như khiêu khích. Tôi biết Cuội em buốt ruột.

Dân bán đất, dân giàu, tiêu pha phóng tay và thanh niên thất nghiệp. Dân không còn đất ruộng trồng rau, tra hạt mà sự đổi đời, công việc cho con cái cũng chẳng có. Nhiều người đến hỏi trưởng thôn. Chỉ nhận được câu như: Trên đang có kế hoạch, bà con cứ từ từ đợi. Đợi đến bao giờ. Hỏi nhiều trưởng thôn tức bảo không biết, đi chỗ khác mà hỏi. Cáu tiết, bà con kéo nhau đến hỏi tội trưởng thôn. Đất đá, phân trâu ném vù vù, không thương tiếc. Trưởng thôn bị thương, đêm đến phải nhanh chóng sơ tán, chuyển nơi khác, cửa đóng im ỉm.

Cả nhà trưởng thôn ra nước ngoài sống. Không ai làm gì được. Trước pháp luật ông ta không phạm pháp, chỉ có tội hứa hão với dân làng. Chỉ tội cho Cuội anh, theo trưởng thôn làm chỉ được vài tháng lương, không đáng. Khi đi không ai nói gì, cả Mơ nữa. Tình yêu đâu mà xa nhau không nói với nhau một lời. Cuội anh đau khổ điên cuồng. Cơn bão thứ hai trút xuống, Cuội anh ốm xiêu vẹo, da xanh tái, cân giảm nhanh. Lại nghêu ngao hát, nghe đắng đót nao lòng. Ngấm thêm một mùa tình đau xót, Cuội anh vay tiền quỹ tín dụng, vay anh em họ hàng, bán thêm con nghé lớn, mua chiếc công nông chở hàng thuê. Ai thuê chở gì thì làm, kể cả đất đá, cát sỏi... Lại nữa, Cuội anh đầu tư xây phòng karaoke, mua máy hát xịn, loa xịn về phục vụ đối tượng thanh niên yêu hát, kiếm khối tiền. Cuội anh thích hát nhạc Trịnh. Lời buồn mênh mang.

Cuội em phải đi bộ đội. Nhà có hai con trai, Cuội anh đã không đi, Cuội em đi, tôi gói lời tình vào chiếc khăn tay, thêu hoa hồng và đôi chim bồ câu hôn nhau, có hàng chữ “Em đợi anh, yêu anh mãi”. Ngậm ngùi ở lại ngậm ngùi đi. Cuội em ôm tôi thật chặt, hôn thật dài. Cuội em đi, độ hai tháng thư về cho Cuội anh: “Anh, em đi xa, anh ở nhà thi thoảng ghé qua nhà Sao động viên giúp, cô ấy là con gái. Trong làng, khối thằng thích. Hãy trông cô ấy giúp em anh nhé”.

Cuội anh chìa lá thư ra, có cả lá thư của tôi. Chữ Cuội em vẫn tròn trịa, nắn nót đẹp như thế. Nhận sự “giao phó” của Cuội em là trông nom tôi. Thi thoảng Cuội anh đến nói chuyện, kể về những ngày thơ ấu. Đó là chuỗi ngày hồn nhiên và đẹp đẽ. Có lúc Cuội anh im lặng không nói, tôi thấy bẽ bàng làm sao! Không thể tiếp diễn cảnh này mãi. Tôi đứng lên, quay ra vườn đứng thì Cuội anh cất lời hát, bài Diễm Xưa thê lương. Tôi không muốn nghe mà giai điệu cứ rót vào lòng. Hát xong, Cuội anh hỏi:

- Tôi phải làm gì Sao mới đồng ý?

Tôi từ chối thẳng thừng. Cuội anh bỏ về, lòng tôi trĩu nặng một nỗi niềm khó tả. Biết bao giờ Cuội em về, và có thể tôi sẽ đồng ý cưới luôn Cuội em, yên vị cuộc đời để Cuội anh khỏi ngóng chờ. Nhưng Cuội em không thể về. Cơn bão đã cuốn mất xác Cuội em trong chuyến đoàn ra biển tham gia văn nghệ. Thời gian sau, nỗi đau vơi theo dòng nước sông Thu ven nhà. Cuội anh đến tìm tôi trong một đêm trăng. Cuội anh rủ tôi ra bờ sông ngồi nói chuyện. Thì ra, ra xem bảo gì. Trăng ngụp trong dòng nước. Cuội anh vẫn thuyết phục tôi quên Cuội em đi và yêu anh ta. Tôi nói không hợp, không xứng đáng. Cuội anh lấy tay che miệng tôi: “Không, đời này anh chỉ yêu em thôi. Sao, anh sẽ làm tất cả vì em. Anh sẽ chạy công nông, cho thuê phòng karaoke, thuê phông bạt, bát đĩa ngày cưới, sẽ nuôi trâu, cày ruộng để em được sung sướng”.

Cuội anh luồn tay ôm ngang bụng, đòi úp miệng vào miệng tôi. Tôi giật ra, Cuội anh vẫn cố tình. Tôi không chấp nhận. Cuội anh bị tôi đạp, bật tung…

* * *

Tôi lấy chồng theo sự sắp xếp của mẹ. Nhà người ấy ở bên kia sông. Nghe tin tôi sắp lấy chồng, Cuội anh đòi gặp tôi bằng đựơc. Vừa nói vừa khóc:

- Sao ơi, anh không ngờ... không ngờ - giọng Cuội nghẹn ngào - không ngờ em tham giàu. Em chê anh nghèo. Hãy nghĩ lại đi Sao ơi, nếu em muốn giàu anh sẽ làm giàu.

Tôi không nghe. Không quay lại. Sau ngày cưới tôi, có người nói Cuội anh làm những trò gì ở bãi sông, lạ lắm, như một kẻ điên. Sau đó hắn ngồi thất thần dưới gốc cây đa cạnh nghĩa trang. Lại hát: “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa...”.

Được một năm, về làng Đà vẫn thấy Cuội anh đau buồn, đờ đẫn, vẫn ngồi gốc cây đa, thả cho trâu gặm cỏ rồi hát. Lựa ngày đến thăm Cuội anh, khuyên nhủ. Cuội anh tỏ ra không có sự đau đớn nào. Rồi Cuội anh ra phố, quyết tâm làm giàu để lấy vợ. Dàn karaoke gác lại, công nông mang ra ngoại thành thị xã, có lúc dùng đến. Đứng chặn đường đi, tôi muốn nói với Cuội anh lời nữa:

- Em xin lỗi anh, em đã không thể chấp nhận tình cảm của anh... Còn đây là ít tiền, anh cầm theo phòng lúc cần chi tiêu. Em mong anh sẽ thành công. Cuội anh gạt tay tôi ra:

- Tôi đếch thèm vào tiền của cô. Đừng tưởng không có cô tôi sẽ chết. Quên thằng Cuội này đi. Tôi không còn là Cuội nữa. Tránh ra!

Chiếc công nông vẫn nổ phành phành. Cuội kéo dây ga, công nông kềnh càng bò lên rồi chạy, vừa chạy vừa thở xem ra rất khó khăn. Tôi đứng lặng, trời chiều buông trùng trình nắng nhạt. Ai nó lại tung lên trời những cánh chim...

Truyện ngắn của Lê Hương Duyên

Đọc thêm

Gần 200 tác phẩm tham gia sáng tác âm nhạc “Sáng đạo trong đời”

Gần 200 tác phẩm tham gia sáng tác âm nhạc “Sáng đạo trong đời” (ảnh BTC).
(PLVN) - Trong suốt thời gian phát động sáng tác âm nhạc “Sáng đạo trong đời”, Ban Tổ chức đã nhận được gần 200 tác phẩm âm nhạc được sáng tác giàu cảm xúc và mang giá trị tinh thần sâu sắc. Điều này không chỉ thể hiện tài năng, tâm huyết của các tác giả mà còn là minh chứng cho sự lan tỏa mạnh mẽ của Phật pháp trong đời sống văn hóa và nghệ thuật.

'Cánh chim đầu đàn' của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận có cống hiến to lớn cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu)
(PLVN) - Được biết đến là người tiên phong trong sáng tác nhạc cách mạng, nhạc sĩ - chiến sĩ Đỗ Nhuận sở hữu kho tàng những tác phẩm âm nhạc cách mạng bất hủ, sống mãi với thời gian. Ngày nay, trong các buổi hòa nhạc hay đêm nhạc tôn vinh trang sử hào hùng và chói lọi của dân tộc Việt Nam, âm nhạc của ông vẫn vang lên như ngọn lửa bất diệt của lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.

MV “Đà Nẵng vẫy gọi yêu” chính thức phát hành

MV “Đà Nẵng vẫy gọi yêu” chính thức phát hành
(PLVN) - MV “Đà Nẵng vẫy gọi yêu” chính thức phát hành vào tháng 12/2024. Đây là dự án âm nhạc mới nhất của nhạc sĩ Lê Minh Phương và đạo diễn Phan Ngọc Trung - được lấy cảm hứng từ ý thơ của nhà thơ Dương Quyết Thắng.

Lý do Kiều Duy đăng quang Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024

Lý do Kiều Duy đăng quang Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024
(PLVN) - Theo Trưởng Ban tổ chức Phạm Kim Dung, Kiều Duy được chọn vì sở hữu hình thể cân đối, hài hòa, trí tuệ xuất sắc và đáp ứng tiêu chí của cuộc thi. Cô có tố chất cần thiết để tham gia cuộc thi sắc đẹp quốc tế.

NSND Mai Hoa ra mắt đĩa than “Nốt trầm”

“Nốt trầm” không chỉ là một phong cách âm nhạc mà còn là thương hiệu giọng hát của NSND Mai Hoa (ảnh BTC).
(PLVN) - “Nốt trầm” không chỉ là một phong cách âm nhạc mà còn là thương hiệu giọng hát của NSND Mai Hoa. NSND Mai Hoa thích hát những bài buồn, nhưng là buồn ánh lên tia hy vọng, ánh lên niềm lạc quan về cuộc sống chứ không phải buồn não nề, bi ai.

"Hoa hậu Việt Nam năm 2024" góp phần nhân lên niềm tự hào dân tộc

Các Hoa hậu: Tiểu Vy, Ngọc Hân, Đỗ Thị Hà, Đỗ Mỹ Linh cùng hội ngộ (ảnh BTC).
(PLVN) - Được thiết kế chuỗi hoạt động giàu tính thực tế, đậm chất nhân văn, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 sẽ góp phần nhân lên niềm tự hào dân tộc, lan tỏa lòng nhân ái và khát khao chinh phục những đỉnh cao mới trong mỗi người dân đất Việt, để từ đó làm "Rạng rỡ Việt Nam".

Nguyễn Mộc An dành Quán quân "Tiếng hát Hà Nội 2024"

Thí sinh xứ Nghệ Nguyễn Mộc An đã giành giải thưởng cao nhất của cuộc thi (ảnh BTC).
(PLVN) - Tối 25/12/2024 tại Nhà hát Hồ Gươm, Chung kết cuộc thi Tiếng hát Hà Nội 2024 do Đài Hà Nội tổ chức đã diễn ra với 15 thí sinh tranh tài. Với ca khúc "Lời ru" (sáng tác: Quang Thái) và "Mênh mang một khúc sông Hồng" (sáng tác: Phó Đức Phương), thí sinh xứ Nghệ - Nguyễn Mộc An đã giành giải thưởng cao nhất của cuộc thi.

Cần “luồng gió mới” cho phim truyền hình Việt Nam

Cần “luồng gió mới” cho phim truyền hình Việt Nam
(PLVN) - Sau giai đoạn thành công với các bộ phim về đề tài gia đình, phim truyền hình Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn khi các mô típ quen thuộc dần trở nên nhàm chán. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của những tác phẩm khai thác các đề tài mới mẻ cho thấy tín hiệu đáng mừng, khẳng định sự cần thiết của một “luồng gió mới” để làm phong phú mảng phim truyền hình và đáp ứng nhu cầu khán giả hiện nay.

Triển lãm “Thiên Quang” - câu chuyện ánh sáng đất trời Thăng Long

Triển lãm truyền tải ý nghĩa về ánh sáng đất trời, tri thức, văn hóa và lịch sử lâu đời đất Thăng Long (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm “Thiên Quang” khai thác câu chuyện về ánh sáng thiêng liêng của trời và đất soi chiếu Thăng Long - nơi hội tụ văn hóa, lịch sử và tinh hoa nghề thủ công truyền thống diễn ra tại khu Thái Học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Từ ngày 22/12/2024 đến ngày 25/3/2025

Câu chuyện thoát nghèo của người phụ nữ Mường chinh phục Liên hoan phim quốc tế

Chị Bùi Thị Thu Huyền cầm trên tay hai chiếc cúp danh dự của Liên hoan phim SineMaya 2024. (Ảnh: TYM)
(PLVN) - Những ngày cuối năm 2024, tin vui đã đến khi bộ phim ngắn mang tên “Escaping Poverty: A Story of a Muong Woman Supported by TYM” được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật của chị Bùi Thị Thu Huyền, một phụ nữ dân tộc Mường sống tại Thanh Sơn, Phú Thọ, đã đạt giải tại Liên hoan phim quốc tế SineMaya 2024. Bộ phim gây ấn tượng khi chị Huyền và các thành viên trong gia đình tự đóng vai chính, mang đến cảm xúc chân thực và sâu sắc.

Cuộc đời buồn của 'ông hoàng bolero' Trúc Phương

Những bản nhạc sầu thương đã vận vào đời nhạc sĩ Trúc Phương. (Nguồn: Amnhac.net)
(PLVN) - Nhạc sĩ Trúc Phương nổi tiếng khoảng những năm 60 của thế kỷ trước với dòng nhạc bolero uyển chuyển, hấp dẫn. Mỗi câu hát, lời ca của ông đều gắn liền với thân phận con người trôi nổi, đau thương, buồn khổ. Có lẽ, âm nhạc đã vận vào cuộc đời của nhạc sĩ Trúc Phương “chữ tài đi với chữ tai một vần”.