Xã biên giới nằm phía tây bắc huyện Mường Nhé, tỉnh Ðiện Biên này có ngã ba biên giới giáp Lào, Trung Quốc, tiếng gà cất lên, ba nước cùng nghe. Tôi lưu trú trong ngôi nhà trình tường của đồng bào Hà Nhì. Chủ nhà say sưa kể về văn hóa dân tộc mình, kế hoạch phục dựng nhà trình tường độc đáo và mô hình trang trại mà ông tâm huyết xây dựng từ những năm 1990. “Ngày đó, mình đào ao, thả cá cứ bị bà con chê cười. Đồng bào ăn cá suối chứ ăn cá ao đâu mà thả. Gọi máy cẩu, xe lu san đất nền cũng bị coi là việc làm viển vông, thừa thãi. Giờ thì khác lắm rồi. Nhà ai cũng có ao, có công trình như nhà mình cả”, chất giọng vang vang của chủ nhà xen lẫn niềm hào sảng và thuần khiết. Ông khoe, chị mình, vợ mình còn thuộc các điệu hát múa cổ. Từ đường chưa thông, phụ nữ bản vẫn sang nước bạn giao lưu văn nghệ. Men theo đường mòn hết những năm ngày, cứ đi một đoạn lại thấy nai hoẵng chạy ra, hát xong lại đi bộ về. Đường xa, chân mỏi, nhưng hát múa rồi cái bụng rất vui.
* * *
Phụng, bạn tôi, bộ đội biên phòng, đang đóng quân tại đồn A Pa Chải nhận đón đưa, làm “hướng dẫn viên” địa phương. Tôi và Phụng người cùng làng, lớn lên và đi học cùng nhau. Thời phổ thông, chúng tôi đạp hai chiếc xe cà tàng song song bên nhau, qua chặng đường gần hai mươi cây số tới trường. “Mình ước mơ làm bộ đội”. Từ ngày ấy, Phụng đã quả quyết thế. Tôi thì luôn tin vào mọi điều bạn nói, bởi từ thơ bé, chưa khi nào thấy Phụng nói sai. Bố mẹ mặc định tôi sẽ trở thành cô giáo, như các cô, các chị họ dịu hiền, mẫu mực của tôi. Nhưng bên trong dáng vẻ đơn thuần, tôi ấp ủ nhiều phiêu lưu, khát khao dịch chuyển. Kỳ thi đại học năm ấy, Phụng đỗ Học viện Biên phòng, tôi trượt ngành sư phạm. Mẹ tôi không ngừng kể lể, khóc lóc, cũng chẳng dám bước chân khỏi ngõ. Bố tôi ngồi bên giường bố Phụng, im lặng rất lâu. Bố Phụng là thương binh nặng, khi Phụng vào cấp ba ông trở bệnh nặng hơn, chỉ nằm một chỗ. Gánh nặng đè lên vai người vợ, người mẹ trong nhà. Mẹ Phụng làm thuê khắp vùng, khi cày cấy, lúc làm ruộng màu, phun thuốc trừ sâu, giãn thời vụ lại mò cua bắt ốc. Cốt sao đủ gạo thóc và sách vở, áo quần cho bốn đứa con đang tuổi ăn tuổi học.
- Con bé làm tôi thất vọng quá ông ạ!
- Tôi nghe thằng Phụng nói, nó thích nghề báo, chứ không phải nghề giáo viên…
- Nhưng cả tôi với mẹ nó và cả làng này đều không ai biết nghề báo rồi sẽ thế nào. Chưa kể nó còn là con gái.
- Chúng ta không biết thế nào thì càng không có cơ sở nào cấm cản!
Cuộc trò chuyện của hai người cha ngắn ngủi, nặng như chì. Tôi khóc sưng mắt bên hiên nhà Phụng. Đàn bồ câu hiền hòa, lục tục mổ thóc rơi rồi bay vù lên, để lại đường gió mong manh phả vào tôi niềm trống rỗng.
* * *
- Rốt cuộc Linh cũng theo nghề báo. Chúng ta, ai cũng nắm được ước mơ. Ngày đó chỉ bố mình tin cậu sẽ có ngày này.
Giọng Phụng ấm áp, ôn tồn.
- Chỉ tiếc ông đã không còn nữa!
- Có những năm mình bận trực, em út trong nhà đau ốm, chật vật mưu sinh mãi phương Nam, chỉ Linh về cùng mẹ mình làm giỗ…
- Thôi, nhắc gì nhắc mãi…
Chúng tôi chuyện trò trên con đường quanh co từ bản lên đồn biên phòng nơi Phụng đóng quân. Tôi đã có gia đình, Phụng vẫn “chưa mảnh tình vắt vai” như lời đồng đội “quảng cáo”. Ký ức tuổi thơ cứ trải dài suốt quãng đường bên Phụng. Nhớ từng bậc đá xanh rêu nơi bến sông. Nhớ mùa khoai sắn nhọc nhằn nhổ trên đồi cao, vác từng bao men theo con dốc về làng. Ngày Phụng đã đi học xa, tôi ở nhà ôn thi năm nữa để theo ngành báo chí, trên con dốc ấy, chỉ mình tôi. Không còn Phụng ghé vai, hồ hởi: “Chất cho mình thêm bao nữa đi! Con gái đừng mang vác nặng, xấu dáng đấy”. Nói rồi Phụng cười rất tươi, vừa xuôi dốc vừa huýt sáo. Tôi đã từng rất nhớ Phụng. Đã từng ngồi sụp giữa con dốc, cạnh bao sắn nặng nề mà úp mặt khóc. Ngày tháng đó, Phụng đều đặn viết thư về. Bao giờ cuối thư Phụng cũng khẳng định: “Linh sẽ chạm được ước mơ. Tất cả mọi người sẽ tin Linh như bố con mình. Vững vàng nhé!”.
* * *
Ông chủ nhà tôi ở rất hóm hỉnh, kể chuyện nhà, chuyện bản cứ rổn rảng như ngô rang. Thêm chén rượu vào, càng li kì, hấp dẫn. Mắt ông ấm lên, hấp háy niềm vui khi biết tôi và “chú bộ đội” là đôi bạn thân thiết: “Thế thì tốt quá! Trai bản này, ngoài ba nhăm tuổi mà chưa vợ thì đến trâu già, cỏ úa cũng chê chứ đừng nói con gái. Ơ mà đây lại là chú bộ đội. Bộ đội thì… không sao!”. Tôi hỏi chủ nhà, sao bộ đội được coi như ngoại lệ, ông cười khà khà, giọng chắc nịch: “Bộ đội thời nào cũng thế rồi, gắn bó với bà con, chăm lo cho khắp bản, quên chuyện của mình có gì lạ đâu”. Nhà ông có bốn cô con gái, ba cô chị đã lấy chồng, cho ông bà đàn cháu ẵm bồng sớm tối, riêng cô út đang học đại học dưới Hà Nội, niềm tự hào của cả gia đình. “Ảnh nó đây, xinh không, còn biết thổi kèn môi hay lắm nhé! Mấy điệu múa cổ bác gái và mẹ truyền dạy, nó múa đẹp nhất trong bốn đứa”, ông đưa tay chỉ vào bức ảnh con gái út. Ánh mắt, nụ cười thiếu nữ Hà Nhì trong veo, tươi tắn như đóa hoa rừng.
Tôi hỏi Phụng, bao giờ tính chuyện vợ con. Cậu bạn thuở ấu thơ gãi mái đầu lướt mướt sương, đáp khẽ: “Có những việc không phải cứ tính là được. Mình ở trên này, công việc, nhiệm vụ, rồi đồng đội, bà con… cũng đủ ấm lòng rồi. Mẹ mình đã vào Nam theo đám em, giục giã mãi chưa thấy gì, chắc bà quên cả dỗi rồi!” Đồn biên phòng nơi Phụng công tác nằm trên sườn núi, cao hẳn so với bản. Quang cảnh bình yên trong trang nghiêm. Từng hàng cây, dãy hoa, đều theo lề lối, xanh ngắt và rực rỡ đầy sức sống. Dòng suối nhỏ chia nhiều khe nước cứ róc rách, réo rắt quanh đồn như khúc nhạc rừng. Biết tôi là bạn thơ ấu của Phụng, bộ đội đón như người thân. Phút chốc, giọng điệu mọi miền quê trộn lẫn, tiếng đàn ghi-ta bập bùng, những giò phong lan rừng được chăm sóc, “thuần phục” đã trổ hoa như cánh bướm bộ đội mang hết ra tặng khách.
- Ngày mai, nhà báo Linh sẽ rời A Pa Chải sang Lai Châu theo kế hoạch công việc. Cần một đồng chí đưa chị ấy từ đây sang đồn Mù Cả. Từ đó, sẽ có đồng chí ở đồn Thu Lũm đợi sẵn và đón. Hai bên đã liên hệ, thống nhất rồi!
Chỉ huy đồn biên phòng vừa giao lưu, vừa thông báo về kế hoạch của tôi.
- Vậy ai sẽ đưa chị Linh đi ạ?
Một chiến sĩ trẻ lên tiếng.
- Đồng chí Phụng sẽ đưa chị Linh đi. Đồng chí vừa là đội trưởng đội trinh sát, đủ kinh nghiệm và nghiệp vụ, cũng là bạn thân của nhà báo. Mọi người còn ai có ý kiến khác không?
Vẫn giọng nói thân tình, tin cậy và đủ sức nặng từ chỉ huy đồn. Tất cả thống nhất.
* * *
Buổi sáng, chủ nhà đưa tôi đi chào tạm biệt bà con dân bản. Mỗi nhà lúc lỉu một gói quà. Mấy quả cam chín trong vườn, vài củ thuốc đào được trên núi, gói bánh dày vừa đồ xôi nếp kịp giã sáng nay… Cứ luyến tiếc, dùng dằng mãi, quá trưa mới có thể lên đường. Phụng chở tôi bằng xe máy, quân phục chỉnh tề. Ngồi phía sau, vượt qua rùng rình đèo dốc, tôi thấy những ngôi sao trên đôi quân hàm xanh như hút hết nắng chiều, bừng lên sáng chói. Những ngôi sao ấy chắc trong đêm cũng vậy, sẽ đọng đầy ánh trăng, vừa lãng mạn, vừa vững vàng. Nhiều năm gắn bó với biên giới, tôi nhận ra rằng, hoàng hôn nơi núi rừng chùng xuống rất nhanh. Khoảng cách từ lúc hoàng hôn tới khi sập tối rút ngắn lại rất nhiều so với dưới xuôi. Đèo dốc, bóng tối khiến mắt người mờ đi, tai u đặc và mùa nào thì gió cũng rít sau vai, buốt thun thút. Phụng tập trung chạy xe, không nói được chuyện gì. Đường rừng càng lúc càng vắng vẻ. Thỉnh thoảng, một chuyến xe tải lướt qua, bấm còi inh ỏi. Xe đang chạy bỗng khựng lại.
- Tệ thật, hết xăng rồi! Hồi trưa đã nhắc cậu lính chằng can xăng dự trữ, chắc nhiều việc, cậu ấy quên, mình cũng quên.
- Giờ làm sao được?
- Để mình tính!
Phụng dựng xe ép vào một vách núi. Bản làng cách đây khá xa. Giờ này chắc bà con không mấy ai qua lại nữa. Có đi nương thì cũng đã về nhà, cơm nước xong xuôi, sắp đi ngủ đến nơi rồi. Phụng đủ mọi thân tình, tin cậy nhưng đầu óc tôi vẫn le lói sự nghĩ ngợi, mông lung. Dắt xe đi mãi cũng không được. Hai con người đứng mãi ở đây cũng không xong. Chúng tôi đang ở vị trí rất xa so với đồn biên phòng của Phụng. Cũng lại xa cách so với điểm đón phía Mù Cả. Bỗng tiếng xe máy rú ga, nổ máy xình xịch trước mặt:
- Làm sao đấy, chú bộ đội ơi?
- Xe hết xăng rồi bác ạ!
- Hây dà! Có nhìn thấy mảng khói đằng xa kia không? Nhà mình ở đấy. Khói thì dễ nhìn, đường lại khó đi. Hoặc là vào nhà mình ngủ tạm đêm nay. Hoặc để cô gái này ở đây, mình đổ hết rượu ra, cho bộ đội mượn can xuống kia mua xăng mà đổ vào!
- Có xa không bác?
- Xa đấy, lâu đấy!
Phụng kéo tôi lui mấy bước, bàn bạc. Giọng Phụng đầy băn khoăn: “Ở lại đêm nay, ngày mai Linh sẽ lỡ việc. Mà để Linh ở đây, mình không yên tâm được, rừng đêm…”- Bác à, thanh niên bản mình giờ này thường làm gì?
- Chơi thôi chứ, mùa màng xong xuôi, thóc lúa ngủ kĩ trong bồ rồi. Đã phải người già đâu mà đi ngủ sớm!
- Vậy xin bác cứ về bản, nhờ bác hỏi cho có cậu thanh niên nào thạo đường, thạo xe, xuống kia mua xăng hộ. Trước là nhờ bà con, sau xin gửi bà con chút xăng cộ đi đường. Đoạn này cháu chưa đi nhiều, không thông thạo…
- Thôi được rồi, để mình về hỏi đã…
Lúc sau, từ bản có cậu thanh niên phi xe như phi ngựa giữa đêm, chào hỏi xong lại dúi vào tay Phụng gói xôi còn ấm nóng: “Ở nhà mình, nay có cỗ, con gái vừa đầy tháng. Ông chú gọi đám trai bản đi giúp bộ đội, nhưng thấy chúng còn bận thổi kèn môi đầu ngõ nhà ai đấy, ông bố trẻ này đi thay”.
Nhờ đồng bào tốt bụng giúp đỡ, tôi và Phụng đến được đồn Mù Cả đúng như kế hoạch. Bộ đội Đồn Biên phòng Thu Lũm trong khi chờ đợi đã uống hết mấy ấm trà. Đôi bên bắt tay nhau. Tôi cũng tạm biệt Phụng, ngồi phía sau chiếc xe khác. Phụng nói, đêm nay sẽ ngủ lại đồn Mù Cả, sáng mai về sớm, chẳng mấy khi hàn huyên với anh em bên này. Các đồn biên phòng vùng biên giới, tuy xa nhau nhưng gắn kết như anh em trong gia đình, thỉnh thoảng vẫn giao lưu, gặp gỡ.
* * *
Dễ tới nửa năm sau chuyến công tác Điện Biên - Lai Châu, tôi mới tới Trường Đại học Sư phạm thăm con gái bác chủ nhà. Pờ Lụ Xì Mé, em giới thiệu tên mình. Mấy khóa học gần đây, chỉ mỗi em là người dân tộc Hà Nhì thôi. Cô gái trẻ đang chuẩn bị cho hội diễn văn nghệ, lúc gặp tôi vẫn còn khoác trên người bộ váy áo truyền thống với những đường thêu răng cưa đỏ rực, bạc trắng lấp lánh, từng quả bông xốp mềm, tròn vo, lúc lắc trên mái tóc dài đen nhánh, mượt mà. Trước hình ảnh ấy, tôi chợt nhớ ký ức ngày nào. Khi bố Phụng còn. Khi mẹ và các em Phụng vẫn chưa vào Nam mưu sinh. Bố mẹ tôi luôn ngỏ với nhà bên ấy dự định cho tôi theo học ngành sư phạm, bước qua cổng ngôi trường này. Cái công thức chồng bộ đội, vợ giáo viên vẫn luôn được người lớn trong nhà giữ gìn, vun đắp. Hai gia đình đều mong tôi và Phụng sẽ thành đôi. Nhưng thực tế, chúng tôi luôn bước song song, luôn là bạn tốt, chưa một lần nảy sinh tình cảm lứa đôi. Trước lúc tôi cưới chồng, có điện thoại, có mạng xã hội, Phụng vẫn viết một bức thư dài. Phụng chúc tôi hạnh phúc, sống lạc quan, tin tưởng vào những điều tốt đẹp đang phía trước. Bức thư ấy, chồng tôi rất nâng niu, cất trong chiếc hộp bằng gỗ thông luôn tỏa mùi hương dìu dịu. Cô gái Hà Nhì lấy điện thoại ra để lưu lại số của tôi. Trên màn hình, tôi gặp lại bức ảnh chân dung xinh xắn đã thấy ở nhà em. Tôi kể cho cô gái nghe chuyện ngày ở bản. Khuôn mặt bầu bĩnh, tròn đầy hơi ửng hồng lên. Em ngượng ngùng tâm sự: “Bức ảnh đấy của em, chỉ có trong chiếc điện thoại này và treo ở nhà thôi. Chị biết ai chụp cho em không? Anh Phụng đấy! Anh ấy chụp vào dịp Tết của người Hà Nhì, lúc em sắp thi đại học. Con gái bản được bộ đội chụp cho một bộ ảnh chung, riêng em có bức ảnh một mình”. Tôi gọi điện cho Phụng khi vừa tạm biệt nàng thiếu nữ, giọng Phụng hơi bối rối nhưng không giấu nổi niềm vui: “Thực ra, còn một nơi có bức ảnh đó nữa, là trong phòng của mình. Ngày Linh lên, anh em “bắt cóc” mất bạn, thành ra mình chưa tiện khoe với bạn tình cảm vừa chớm nở. Cứ để mọi thứ tự nhiên, phải không Linh?” Tôi đồng tình với bạn mình. Chợt nghe tim rộn ràng, loạn nhịp.
Truyện ngắn của Lữ Mai