[Truyện ngắn] Rời bến nước xưa

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nắng chiều sắp tắt. Như niềm tin mà tôi dành cho Ân đã vụt tắt. Tôi không biết bao giờ má con tôi sẽ trở lại khúc sông xưa, nhưng tôi tin rằng dù má con tôi có ở đâu thì trong tim vẫn chứa chan hình bóng quê nhà.

Tôi không thể quên ngày út Hậu bỏ nhà ra đi. Đêm đó mưa dầm dề, gió quật gãy ngang cây bần đứng dưới mé sông, sấm nổ chan chát. Tôi nằm trằn trọc. Ân vẫn chưa về. Anh thường đi tới tận khuya, có khi sáng hôm sau Ân lạch cạch bơi xuồng về cột lại chỗ gốc bần, có khi Ân đi mấy hôm mới về để ngực tôi phập phồng mỗi khi nghe tiếng ai bơi xuồng ngang qua dòng sông phía trước. Út Hậu rời nhà nhẹ hẫng, im re, từ chuyện lén lút xếp quần áo vô cái túi vải người ta tặng khi tôi mua xà bông trên chợ cho đến chuyện ăn cắp tiền tôi nhét trong túi áo dài tay màu tím vẫn thường treo trên cái đinh đóng lên cây cột chỗ đầu nằm. Tôi không hay biết dù vẫn thao thức. Cho đến khi cơn mưa dứt, tôi bước ra hàng ba rọi đèn pin nhìn cây bần gãy, ngó sang, thấy buồng út Hậu trống hoang, gối mền được xếp lại ngăn nắp…

Tôi la lên. Đèn sáng. Má Ân mất giấc cằn nhằn: “Chắc nó ham chơi nên bỏ nhà đi đâu đó với đám bạn, một hai ngày rồi về”. Tôi biết tính út Hậu nên không nghĩ đơn giản như má. Từ hồi nào tới giờ út Hậu chưa rời khỏi nhà nửa bước, trừ cái lần út Hậu theo má Ân lên thành phố thăm người bà con xa. Đó giờ út Hậu chỉ quanh quẩn trong nhà, xa lắm là đi chơi ở chợ huyện bằng chiếc Cub 50 truyền lại từ đời ông nội. Chưa bao giờ út Hậu đi qua đêm. Lòng tôi như lửa đốt. Má Ân nói thôi ráng ngủ, đợi sáng Ân về rồi tính tiếp. Tôi không thể bình tĩnh như má. Út Hậu là đứa con gái mà tôi dứt ruột đẻ ra, lần đó tôi suýt chết vì băng huyết. Dù má Ân cố tỏ ra quan tâm út Hậu nhưng tự sâu trong thâm tâm tôi cảm nhận được bà không thương út Hậu lắm. Bởi lẽ khi tôi mang thai út Hậu, lòng má Ân nghĩ về một đứa cháu trai chứ không phải là đứa cháu gái. Tôi không giận má, tôi chỉ căm hận những định kiến xưa cũ vẫn còn neo đậu trong tâm trí má như chiếc xuồng cũ hồi chiến tranh bom bắn thủng mấy lỗ to vẫn được chấp nối lại neo dưới bến sông đến tận bây giờ.

Tôi chạy ra khỏi nhà. Đường trơn trượt. Tôi tháo dây cột chiếc xuồng cũ bơi vun vút trên con sông đêm. Trước mắt tôi là một khoảng không vô định…

* * *

“Ân không còn thương chị. Ân giờ mê tui như mèo mê mỡ, không dứt ra được đâu”.

Người phụ nữ có đôi mắt lá răm, chân mày lá liễu, môi đỏ choét đứng trên bến sông chỗ quán nhậu Hoa Rừng vừa nói vừa liếc tôi bén ngót. Tôi bơi xuồng đi tìm chồng, định bụng đánh ghen nếu thấy Ân đang ân ái với người ta. Đó là quyết định táo bạo nhất trong cuộc đời của tôi. Vậy rồi bao kế hoạch đã tan vỡ, tôi không thể giành Ân về và đánh người phụ nữ kia một trận tơi bời khói lửa cho hả dạ. Lúc tôi chồm tới định tát cô chủ Hoa Rừng thì Ân đỡ tay tôi lại, Ân đánh tôi và xô tôi té lăn cù trên mặt đất. Tôi lượm cái nón lá rách vành đội lên đầu, bước xuống xuồng. Kể từ lần đó hình ảnh Ân đã méo mó trong trái tim tôi. Tôi tập không ghen mỗi đêm Ân về trên người nồng nặc mùi đàn bà, tập không giận mỗi đêm Ân say ngủ ú ớ gọi tên ai đó không phải tôi, tập quên Ân… để mai mốt có xa nhau đỡ cái cảnh đau buồn vì vấn vương người xưa chuyện cũ…

Tôi vẫn sống với Ân. Má tôi nói đời người con gái lấy chồng rồi ly dị thì xem như bỏ đi. Má tôi nói đàn bà mình dẫu khổ thế nào cũng ráng sống, đàn bà xứ này sinh ra để khổ là chuyện thường tình. Như má, dẫu không ưng ba nhưng vẫn sống với ba gần trọn một kiếp người, tuy mái đầu lấm tấm bạc nhưng thoảng má tôi chạy trốn sang nhà hàng xóm sau mỗi lần ba nhậu nhẹt bê tha về làm hung làm dữ, đập sạch chén dĩa trên giàn. Nước mắt chực trào má nuốt ngược vào tim.

Đó là vì má tôi cũng chịu sự sai khiến bởi những định kiến xưa cũ làm còng lưng đàn bà con gái ở xứ này, là vì má tôi vẫn còn nhớ lấy lời người xưa dặn, rằng “chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo”, rằng “đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam”… một cách lệch lạc.

Tôi vẫn sống với Ân.

Cho đến một ngày, út Hậu hỏi tôi một câu khiến tôi điếng người: “Má sống như vậy rồi má có hạnh phúc không, hả má?”.

Tôi nhìn út Hậu, đứa con gái hôm nào còn cun cút theo tôi đi chợ, ngồi trước mũi xuồng để tôi bơi về thăm bà ngoại cách mình mấy khúc sông sâu… giờ đã trưởng thành, biết suy nghĩ, hơn hết út Hậu thấu hiểu một điều: Đàn bà cũng cần phải sống cho mình chứ không phải chỉ sống cho người, hoặc để nuông chiều những định kiến xưa như Trái Đất, miễn là hạnh phúc…

Tôi vẫn sống với Ân.

Cho đến một ngày, mùa mưa, những cơn mưa ấp ủ hạt mầm nào đó đang cựa quậy trong tôi, đợi đến ngày mầm xanh bung nở. Ngày đó, tôi sẽ đi đường tôi, Ân sẽ đi đường Ân chứ không có chuyện “chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo”. Ngày đó, tôi sẽ sống vì mình chứ không vùi chôn thân mình ở cái nơi khỉ ho cò gáy này, trong lớp bụi của định kiến, trong những cay đắng tủi hờn…

Ngày đó sẽ không xa.

* * *

Nhưng út Hậu đã không đợi được đến ngày đó. Út đi trước tôi. Tôi thường ngồi ở bến sông có cây bần cụt ngang nửa thân mình nhìn ra xa xôi. Sông vắng. Tôi nhớ đau đáu những ngày út Hậu còn ở nhà, chiều tôi thường lót dép ngồi xõa tóc dưới bến sông để út Hậu chải chuốt, nhổ tóc ngứa rồi than “Tóc má hồi này bạc dữ quá!”. Tôi nhớ từng chiều út Hậu thường ngồi chỗ bến sông này, dưới bóng bần này thỏ thẻ:

- Xứ này buồn quá má ha!

- Ừ, buồn thiệt!

- Chừng nữa lớn lên chắc con đi xa.

Tôi chưng hửng:

- Đi xa là đi đâu?

- Không biết - Út trả lời nhẹ hều - Chắc lên thành phố. Người ta nói trên đó đông vui hơn quê mình nhiều.

Tôi làm bộ giận:

- Chắc quên tui luôn, heng?

Út gãi đầu, cười cười, ngã đầu vào vai tôi.

Lần đầu tiên sau khi bỏ xứ mà đi, út Hậu gọi về cho tôi. Tôi mếu máo. Út Hậu nói giờ út sống tốt, út cảm thấy hạnh phúc với chọn lựa của mình. Tôi không biết nói gì hơn ngoài việc dặn út Hậu giữ lấy thân mình, tôi sợ út sẽ sa ngã để rồi đánh mất chính bản thân mình, đánh mất những gì đẹp nhất…

Một buổi chiều cuối mùa mưa năm ấy, má Ân ngoài xóm sầm sập đi về, vừa tới bến sông má đã réo tên tôi:

- Con Nhạn đâu? Con Nhạn đâu rồi?

Tôi đang nấu cơm sau bếp hớt hải chạy ra:

- Má…

- Bây ra đây mà coi, coi út Hậu nó làm gì ở trên thành phố đây nè. Thiệt, nhục nhã hết biết!

- Chuyện gì mà má than nhục vậy má?

Má chìa tờ báo ra trước mặt tôi, kêu tôi xem:

- Coi cho kỹ con gái bây hư thân mất nết, nó bỏ nhà lên thành phố làm gái, báo đăng ầm ầm đây nè. Nó bôi tro trát trấu lên mặt tao, lên cái nhà này đây nè!

Tôi bàng hoàng đón lấy tờ báo từ tay má. Lòng tôi như cây bần dưới mé sông bị những nhát búa chặt vào năm ngoái, chỉ còn sót lại duy nhất một cây bần, rồi nó cũng bị gãy sau một đêm giông.

- Thấy chưa, tao nói đâu có sai, đẻ con gái không có lợi lộc gì, đó, đó, thấy chưa?

Mỗi lần nói chữ “đó”, má lại giằng tay lên tờ báo tôi cầm. Tờ báo rách ra, nhăn nhúm. Tôi thấy trên mặt báo là tấm hình đã bị che mặt mấy cô gái bị bắt vì hành nghề mại dâm trên thành phố. Không nhìn rõ mặt, nhưng cái dáng của cô gái ngồi cuối dãy ghế, mặt ngoảnh vào tường, y hệt dáng út Hậu của tôi. Tôi ngồi thỏm xuống, nước mắt tuôn trào. Má Ân càng đay nghiến tôi. “Má con bây dắt díu đi đâu thì đi, đừng có về cái nhà này nữa” - Má nói vậy. Tôi điếng người. Tôi chỉ nghĩ đơn giản má Ân chỉ không thương út Hận như thương một đứa cháu trai, chứ chưa từng nghĩ bà sẵn sàng chối bỏ út Hận khi chỉ mới thoáng thấy trên tờ báo ai đó có dáng dấp giống út Hậu, tên viết tắt “L.N.H.” mà bà nghĩ là Lê Ngọc Hậu.

Tôi không nói gì thêm nữa. Nhưng tôi vẫn có niềm tin cô gái trên mặt báo không phải là út Hậu. Út Hậu của tôi đời nào làm điều đó.

Những ngày sau đó, không biết hàng xóm lời ra tiếng vào thế nào mà má Ân lại nổi trận lôi đình. Bà mắng mỏ má con tôi. Nếu mà út Hậu nghe được những lời này chắc út buồn dữ lắm. Từ nào tới giờ út vẫn nghĩ bà nội lạnh nhạt vậy chứ bà nội cũng thương út. Con cháu mà, dù gái hay trai thì cũng là máu mủ ruột rà, bỏ sao cho đặng? Nhưng út đã lầm. Thật ra má Ân không hề thương út Hậu, một chút cũng không. Người đàn bà ấy cũng không thương tôi như cách tôi thương và xem má Ân như má ruột. Con sông trước nhà đã chảy ngang qua một nửa đời tôi, qua hạnh phúc và niềm đau, qua những tan vỡ.

Tôi không ân hận vì mình đã lấy Ân làm chồng. Bởi khổ đau thì tôi cũng có được út Hận, đứa con gái giống tôi từ vóc hình cho đến tính cách, từ cách ăn nói cho đến cái nhìn đượm buồn mỗi độ con cúm núm kêu sương bên sông chiều. Bởi đời người được phép ngu ngơ khờ dại trong tình yêu, miễn mình sống sao cho phải đạo, để không hổ thẹn với chính mình…

Tôi không nói lời giã từ Ân. Anh đã đi biệt mấy ngày trời, chắc ở Hoa Rừng. Tôi cũng không màng tới. Tôi cúi đầu chào mẹ Ân rồi rời khỏi căn nhà mình đã sống nhiều năm, xem đó là nhà của mình. Bến sông có cây bần gãy ngang ở lại sau lưng. Dòng sông đục ngầu cuộn chảy. Con sông nhỏ đổ ra dòng sông rộng. Về muôn phương. Khoảnh khắc rời khỏi cái xóm buồn tênh này tôi thấy tôi sao giống đang thả trôi mình trên sông, mặc cho khúc sông tiếp theo là sóng lành hay sóng dữ…

* * *

Không liên lạc được với út Hậu, tôi đón chuyến xe sớm nhất lên thành phố. Tìm út.

Chưa một lần đặt chân lên thành phố, tôi thấy mình như cụm lục bình bị sóng đánh bạt ở một dòng sông rộng. Chơi vơi. Cô độc. Giữa biển người mênh mông không biết út Hậu ở đâu để tôi đi tìm, để tôi biết rằng út Hậu không hư hỏng như lời người quê đồn đoán. Tôi ôm cặp e dè đi giữa bến xe, tự hỏi trong những chuyến đi - về kia, có bao người giống như tôi, có bao người vì những định kiến lạc hậu trói buộc, bao nhiêu năm chỉ biết sống cho người mà không thương thân phận mình?

Tôi lục lại trong tâm trí mình những gì còn sót lại. Những cuộc gọi về út Hậu không nói địa chỉ cụ thể cho tôi nghe, bởi út có nói thì tôi cũng không biết. Tôi chỉ biết út Hậu đi làm công nhân ở Công ty Mặt Trời Nhỏ. Lần theo dấu vết đó, tôi đi tìm. Bác xe ôm thấy tôi quê mùa thương tình nên lấy rẻ. Tôi đi loanh quanh. Thành phố ngõ ngách nào cũng chật hẹp, đông đúc, nhà chen nhà chộn rộn chứ không yên tĩnh như quê mình. Tự dưng tôi thèm cảm giác ở quê, bơi xuồng trên sông, thả mình dưới những tán lá dừa nước xanh um.

Xung quanh Công ty Mặt Trời Nhỏ là những dãy nhà trọ ọp ẹp nằm khuất sâu trong những con hẻm nhỏ lầy lội. Đến đâu tôi cũng hỏi người ta có biết út Hậu ở đâu không, con nhỏ tướng cao, mặt cũng đẹp đẹp, nó ở quê lên, hiền dữ lắm. Một người đàn bà tốt bụng chỉ tôi phòng trọ cuối cùng, dãy trọ màu xanh nước biển đã cũ kia chính là phòng của út Hậu.

Phòng khóa cửa. Tôi ngồi bẹp xuống trước cửa, ngả nón quạt xoành xoạch. Đợi út về. Lúc ấy tôi phấp phỏng lo sợ một điều là út Hậu sẽ không về, hay một cô gái nào đó sẽ trở về, cũng tên Hậu, nhưng không phải đứa con gái mà tôi yêu thương… Nắng chiều xập xệ, lòng tôi nóng như lửa đốt. Tôi nhớ út Hậu của tôi. Tôi nhớ những năm tháng út Hậu ở bên tôi, hai má con nương tựa vào nhau, hai trái tim đầy vết xước nhưng vẫn hướng về nhau, chở che nhau qua từng năm tháng.

Dựa lưng vào tường, tôi ngủ quên từ lúc nào không biết cho tới khi tôi cảm nhận có bàn tay vịn vào vai tôi, lay lay.

- Trời ơi, má, má lên đây hồi nào sao không cho con biết. Má đợi con lâu lắm rồi hả má?

- Út Hậu… - Tôi giật mình, tim như vỡ ra trong ngực trái - Đúng là út Hậu rồi. Con ơi, con đi đâu mà bỏ má vậy con. Má nhớ con đứt ruột…

Út Hậu cười mà khóe mắt út sóng sánh nước.

- Con thương má dữ lắm, làm sao mà con bỏ má được.

Tôi nhìn út Hậu, con gái tôi vẫn đẹp trong veo như giọt nước sông quê, vẫn hiền lành và biết lo nghĩ chứ không hư hỏng như người ta đồn đại. Tôi ôm út Hậu vào lòng, hệt như những ngày út Hậu còn nhỏ. Út Hậu tự dưng nhỏ xíu trong lòng tôi.

Nắng chiều sắp tắt. Như niềm tin mà tôi dành cho Ân đã vụt tắt. Tôi không biết bao giờ má con tôi sẽ trở lại khúc sông xưa, nhưng tôi tin rằng dù má con tôi có ở đâu thì trong tim vẫn chứa chan hình bóng quê nhà. Ở lại thành phố - có lẽ đó là sự lựa chọn tốt nhất của tôi lúc này. Để quên đi thương đau đã qua. Để sống cuộc đời của mình mà không phải vì ai để lòng mình thương tổn.

Màn đêm buông dần xuống xóm trọ. Đó là lúc ánh đèn đô thị sáng lên. Rực rỡ.

Đêm đó, má con tôi đã tâm sự với nhau rất nhiều điều…

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Hấp dẫn Ngày văn hóa Hàn Quốc tại Đà Lạt

Hấp dẫn Ngày văn hóa Hàn Quốc tại Đà Lạt
(PLVN) - Ngày văn hóa Hàn Quốc tại Đà Lạt năm 2024 diễn ra ngày 13/12 tại Quảng trường Lâm Viên (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) với nhiều chương trình hấp dẫn như trải nghiệm làm kim chi, mặc hanbok, làm diều thủ công Hàn Quốc, đêm ca nhạc do nhóm B-boy Hàn Quốc SDG Crew, nhóm nhạc nữ Hàn Quốc Queen biểu diễn…

Bảo vệ quyền trẻ em theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam

Bảo vệ quyền trẻ em theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam
(PLVN) - Với mong muốn cung cấp thêm nguồn tài liệu cho những nhà chuyên môn, những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, sinh viên, học viên và bạn đọc quan tâm đến vấn đề, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn “Bảo vệ quyền trẻ em theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam” của TS Nguyễn Thị Hạnh.

Sôi động mùa du lịch cuối năm

Tuần lễ Du lịch TP HCM lần thứ 4 năm 2024 diễn ra sôi nổi với đa dạng hoạt động vui chơi, giải trí, ẩm thực, tạo sức hút người dân và du khách. (Ảnh: DNTT)
(PLVN) - Chỉ còn vài tuần nữa sẽ kết thúc năm 2024, đây là thời điểm mùa du lịch, lễ hội chuẩn bị bắt đầu. Ngành du lịch các tỉnh, địa phương đang chuẩn bị hàng loạt các sự kiện, hoạt động hấp dẫn thu hút du khách trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.

Tạo đột phá để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Hai đêm concert của chương trình “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” tại TP HCM thu hút hàng chục nghìn khán giả. (Ảnh: BTC)
(PLVN) - 2024 là năm ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, concert của các chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi”, chương trình Jazz quốc tế 2024… đã tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.

“Du lịch nông thôn thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng”

“Du lịch nông thôn thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng”
(PLVN) - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ An Phong cho rằng, du lịch nông thôn không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mà còn bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp góp phần thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị.

Giải Taekwondo Cảnh sát Châu Á mở rộng 2024 tại Việt Nam thành công tốt đẹp

Trao giải tại Lễ bế mạc.
(PLVN) - Ngày 9/12, Giải Taekwondo Cảnh sát châu Á mở rộng năm 2024 đã bế mạc sau 4 ngày diễn ra nhiều giải đấu sôi nổi. Giải Taekwondo Cảnh sát châu Á mở rộng năm 2024 do Bộ Công an đăng cai, Hiệp hội Thể thao CAND Việt Nam và Liên đoàn Taekwondo Cảnh sát thế giới phối hợp tổ chức, diễn ra từ ngày 6 - 9/12 tại Khu liên hợp thể thao tỉnh Quảng Ninh.

Trung tướng Phùng Khắc Đăng- những dòng hồi ức trân quý trong “Những điều còn lại”

Thượng tướng Đỗ Căn - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (trái) tặng hoa chúc mừng Trung tướng Phùng Khắc Đăng tại lễ ra mắt sách.
(PLVN) - Trung tướng Phùng Khắc Đăng - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam vừa cho ra mắt cuốn sách “Những điều còn lại”. Nổi bật trong cuốn sách là những ký ức sống động, trân quý về cuộc đời binh nghiệp, về đồng đội, về những chiến dịch, những trận đánh mà ông đã trải qua.

Kiên Giang tăng cường khai thác công nghiệp văn hóa

Những show diễn nghệ thuật mang đậm văn hóa dân gian đã ghi dấu ấn và khẳng định được thương hiệu riêng vốn có của vùng đất Phú Quốc.
(PLVN) - Kiên Giang đang tích cực khai thác các thế mạnh sẵn có để thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Điều này không chỉ giúp phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà còn tạo ra những sản phẩm và dịch vụ có giá trị nghệ thuật và xã hội cao.

40 đơn vị lữ hành Trung Quốc khảo sát du lịch Quảng Ninh

Đoàn tìm hiểu thông tin tại Khu du lịch hang động Vũng Đục (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh).
(PLVN) - Trong 4 ngày, từ 6-9/12, Sở Du lịch Quảng Ninh chủ trì tổ chức đoàn famtrip gồm 40 đơn vị lữ hành, hiệp hội du lịch Trung Quốc đi khảo sát nhiều điểm du lịch nổi tiếng tại TP Móng Cái, Cẩm Phả, Hạ Long và huyện Vân Đồn, Bình Liêu, mục tiêu kết nối và mở rộng thị trường khách du lịch.

“Đơn giản mà nói”: Cách thiết kế một thông điệp hiệu quả, thu hút

“Đơn giản mà nói”: Cách thiết kế một thông điệp hiệu quả, thu hút
(PLVN) - Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, làm thế nào để lời nói của bạn không chỉ được lắng nghe mà còn đọng lại trong tâm trí người khác? Đâu là bí quyết để thông điệp của bạn trở nên nổi bật trước những đối thủ khác? Cuốn sách “Đơn giản mà nói” (tựa gốc: Simply Put) của tác giả Ben Guttmann sẽ giúp bạn khám phá sức mạnh của sự đơn giản và cách sử dụng nó để truyền tải thông điệp hiệu quả.