[Truyện ngắn] Những mảnh vỡ

[Truyện ngắn] Những mảnh vỡ
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Anh về nhà vào một ngày Sài Gòn mưa tơi tả. Đưa anh về là ba người mặc áo xanh bảo hộ, họ đi chầm chậm, che dù cho anh.

Thi ra đón anh ở đầu ngõ. Cô đứng dưới hiên một căn nhà trong cơn mưa nặng hạt, nhìn những người áo xanh từng bước về phía mình. Họ đến gần, trao anh vào tay Thi, tiếng nói bạt đi trong tiếng mưa:

- Xin chia buồn cùng chị.

Thi cúi đầu, lòng đầy biết ơn những người đã không để anh đơn độc trong chặng cuối. Những người áo xanh quay đi, tan vào cơn mưa, Thi cũng ôm anh vào lòng, lầm lũi quay về.

Bước vào phòng, mặc mình ướt sũng, Thi lấy tấm khăn sạch lau cho anh rồi đặt anh lên bàn. Chiếc bàn anh hay kê laptop ngồi làm việc. Thi khẽ vuốt ve mặt gốm xanh lạnh toát, miệng thì thầm:

- Cuối cùng em cũng gặp được anh.

* * *

Những ngày này Sài Gòn mưa nhiều lắm. Thi vốn thích những cơn mưa. Hồi trước, trời mưa Thi thường nằm trong chăn xem phim Hàn Quốc. Anh ngồi chơi game trên điện thoại, thi thoảng quay sang chọc ghẹo khi thấy Thi khóc sụt sùi. Đó là lúc họ còn ở quê trong căn nhà nhỏ.

Bây giờ trời mưa mà căn phòng trọ này không có anh, Thi cũng không còn muốn xem phim Hàn Quốc để khóc sụt sùi nữa. Những ngày qua Thi cạn nước mắt rồi.

Họ đã ở bên nhau 7 năm, đã cùng nhau đi qua thuở chớm yêu thơ mộng, cùng trao nhau chiếc nhẫn cưới, rồi cùng nhau vượt qua những ngày tháng đen tối nhất cuộc đời. Có lần, nằm trong mưa nghe bài hát “Anh chải tóc cho em”, anh nói với Thi, dù sau này ra sao, dù họ không có diễm phúc có đứa con nào nữa thì vẫn ở bên nhau, chăm sóc cho nhau. Ngày sau Thi già rồi cũng sẽ như cô gái trong bài hát, được chồng nâng niu từng sợi tóc bạc màu.

Bao nhiêu là nguyện ước, vậy mà anh lại thất hẹn. 7 năm bên nhau, lần đầu tiên anh không giữ lời hứa với Thi, mà cũng là lần cuối. Thi thầm nghĩ, trong mấy ngàn người chết vì COVID những ngày tang thương này, ai mà không lỡ hẹn với người thân, lỡ hẹn với giấc mơ của chính mình?

Những ngày ngồi thẫn thờ bên cửa sổ, trong lúc ngẫm nghĩ mình nên làm gì với đời mình, Thi vẫn trông thấy con bé từ phía xa. Nó mới chừng 5 tuổi, đôi mắt to, xinh xắn và u buồn. Nó cũng ngồi trước hiên căn phòng, nhìn mưa như Thi. Thi thoảng, ánh mắt chạm nhau, những ánh nhìn trống rỗng.

Thi chú ý nhiều hơn đến con bé. Ngày nào nó cũng đến ngồi ở mái hiên căn phòng ấy, bó gối, buồn thiu. Căn phòng đóng cửa đã lâu. Thi thoáng nhớ, hình như trước đây có một bà cụ và đứa bé ở. Dãy nhà trọ 30 phòng, sáng đi tối về, vợ chồng Thi đến chưa bao lâu, cũng không mấy khi tiếp xúc với những người chung quanh.

Không hiểu sao, Thi cảm thấy mình bị hút về đứa trẻ. Có lẽ, bởi nó làm Thi nhớ đến con mình. Cũng là một bé gái, đã thành hình hài. Nhưng rồi vợ chồng Thi chưa bao giờ thực sự được làm cha, làm mẹ. Con chết lưu. Bác sĩ nói, tử cung Thi có vấn đề, những đứa trẻ sẽ khó lòng ra đời. Để chạy chữa, họ đã có biết bao chuyến đi từ quê lên Sài Gòn mỗi năm. Cùng là giáo viên, mỗi mùa hè, được nghỉ là họ khăn gói đi. Lần này cũng là một trong những chuyến “tìm con” như thế. Thuê một căn phòng trọ không xa bệnh viện, ngày ngày đến, làm bao nhiêu cuộc thăm khám, xét nghiệm. Nhưng chuyến đi này đau đớn quá. Họ mắc kẹt lại thành phố khi dịch bùng phát. Rồi anh nhiễm bệnh. Rồi anh đi. Giấc mơ được ôm con trong vòng tay của vợ chồng họ mãi mãi gác lại.

Thi nghĩ, con mà còn sống chắc cũng tầm bé gái này. Con sẽ trông như thế nào nhỉ, có cặp mắt tròn như thế không? Mái tóc có xoăn xoăn búp búp không? Đôi môi có dẩu ra đáng yêu như thế không nhỉ? Thi không bao giờ được biết. Chỉ có anh, giờ sang thế giới bên kia chắc tìm gặp được con rồi, anh vẫn mong nhớ con thế kia mà!

Một lần, Thi lân la đến ngồi cạnh con bé, chỉ ngồi mà không nói gì. Một lát, con bé quay sang nhìn Thi:

- Cô là ai?

- Cô tên Thi, nhà cô ở gần đây - Thi chỉ tay về phía phòng mình.

- Cô không phải là bọn bắt cóc chứ? - con bé hỏi giọng đầy lo ngại.

Thi bật cười, lắc đầu:

- Thế con nhìn cô có giống bọn bắt cóc không?

Con bé ngẫm nghĩ một lát, không trả lời câu hỏi của Thi mà nói:

- Bà ngoại con dặn phải đề phòng người lạ. Nhưng bà không dặn là người lạ ở gần nhà thì có được nói chuyện hay không.

Từ đó, hễ thấy con bé là Thi thường ra ngồi cạnh. Cô mang cho nó ít kẹo, bánh có trong nhà. Nhìn thấy bánh kẹo, mắt nó sáng lên. Những lần Thi hỏi về gia đình, nơi ở của nó, nó trả lời rất mông lung, là trước nó ở đây với bà ngoại. Bây giờ bà ngoại đang chữa bệnh, nó nhớ bà nên hay về nhà cũ ngồi chờ khi nào bà hết bệnh sẽ về với nó.

- Hồi đó mỗi lần chờ bà đi làm về, con cũng hay ra đây ngồi. Bà dặn không được nói chuyện với người lạ, nên con hay nói chuyện với ngón chân mình - con bé kể.

Thi ngạc nhiên hỏi, con bé nói nó thường cho những ngón chân đóng vai trong các vở kịch, ngón cái là nữ hoàng, ngón trỏ là công chúa, các ngón còn lại là quân lính.

- Thế đức vua và hoàng hậu đi đâu rồi? - Thi thắc mắc.

- Vương quốc của con chỉ có nữ hoàng và công chúa, không có vua với hoàng hậu - con bé trả lời thản nhiên.

Giờ đây, việc ngồi với con bé bên hiên nhà đã trở thành một phần cuộc sống của Thi. Dần dà, Thi phát hiện ra nó rất hay đói. Nó bảo nó ăn không đủ no. Ở những khu nhà trọ này, có người đủ ăn, nhưng cũng không thiếu nhà chạy gạo từng bữa. Ngày dịch lại càng khó khăn hơn. Có lẽ, con bé thuộc về một trong những gia đình nghèo ấy.

Thế là mỗi lần nấu ăn, Thi lại nấu dư ra một chút. Ban đầu đem ra cho con bé. Sau là rủ nó về nhà. Con bé mắt sáng lấp lánh khi thấy những món ăn Thi nấu. Có lần, Thi còn trổ tài làm cho nó bánh bông lan, con bé ăn say mê đến nỗi suýt cắn phải ngón tay.

Giờ đây, mỗi ngày của Thi đều xoay quanh con bé. Là nỗi chờ mong nó xuất hiện. Là niềm vui khi nấu những món ăn và nghĩ rằng con bé sẽ thích thú lắm đây. Là lúc ngồi nhìn con bé ăn say mê, nhìn cái miệng như chim non hót líu lo bên Thi. Ánh mắt nó sáng lắm, dường như cái nhìn u uẩn những ngày đầu Thi gặp nó không còn nữa. Nếu mà có tấm gương, Thi cũng sẽ thấy trong những khoảnh khắc ngồi bên con bé, mắt cô đã bớt đi trống rỗng, thêm chút long lanh…

Hôm ấy, khi Thi đang ngồi nhìn con bé ăn thì một người phụ nữ tìm đến trước cửa phòng. Thi hơi hoảng hốt, cảm giác như mình bị bắt quả tang khi làm việc xấu. Nhưng người phụ nữ trông lam lũ ấy chỉ mỉm cười, chị ra dấu cứ để con bé ăn. Thi lấy ghế mời chị, hai người phụ nữ ngồi trước hiên căn phòng nhỏ. Và Thi được nghe trọn vẹn câu chuyện về con bé.

Sáu năm trước, mẹ con bé bụng mang dạ chửa cùng bà ngoại nó đến, thuê căn phòng mà con bé hay ngồi trước hiên những ngày qua. Chẳng ai biết cha đứa bé là ai. Những người chung quanh cũng chỉ biết hai mẹ con họ nương tựa vào nhau, không còn người thân nào khác. Rồi đứa bé ra đời, người mẹ xin đi làm công nhân tại một xí nghiệp may, người bà đi bán vé số. Con bé ba tuổi thì mẹ nó mất trong một tai nạn trên đường về nhà sau khi tăng ca đêm. Chỉ còn hai bà cháu nương tựa nhau mà sống tiếp. Nhưng bất hạnh chưa buông tha cho họ. Một tháng trước, bà nó trở thành F0, vào viện rồi qua đời. Giờ tro cốt bà nó gửi trong chùa. Còn con bé, ngày ngày vẫn trông ngóng bà nó về. Nó ngỡ bà nó vẫn đang nằm viện, như ban đầu người ta nói với nó.

- Thế bây giờ nó sống với ai - Thi thắc mắc.

- Nó ở với tui. Tui là bạn bán vé số của bà ngoại nó. Lúc bà ngoại nó đi bệnh viện, nó xét nghiệm âm tính nên được gửi cho tui. Tưởng đâu gửi ít ngày chờ ngoại nó về, ai dè...

Nhà chị đông con, vợ bán vé số, chồng phụ hồ, bây giờ cả hai cùng thất nghiệp. Họ cũng đói, cũng sống lay lắt, nhờ vào lòng hảo tâm của người đời. Con bé gá thêm vào sự lay lắt ấy. Căn phòng chật càng chật thêm, bữa cơm ít ỏi càng ít đi. Nhưng làm sao nỡ đuổi nó ra đường?

- Nó không còn người thân nào khác hả chị? Dưới quê thì sao? - Thi hỏi.

- Tui còn không biết nó quê ở đâu. Chỉ nghe bà ngoại nó nói ở ngoài Trung. Ba nó chết rồi. Họ hàng hai bên tứ tán không còn ai. Nếu có tui cũng đã liên lạc gửi nó cho người thân. Nhà tui thương nó, nhưng không biết còn nuôi nổi đến chừng nào - chị nói giọng nghèn nghẹn.

Trong phòng, con bé vẫn ngồi ăn cơm với cá chiên ngon lành, hai túm tóc được Thi buộc cao lúc lắc thật đáng yêu.

Người phụ nữ ấy đã dắt con bé về. Thi dúi vào tay chị gần như toàn bộ thực phẩm cô có trong tủ lạnh cùng mấy trăm ngàn. So với họ, cô vẫn xông xênh hơn nhiều. Nhìn chị khệ nệ khuân mấy bọc thức ăn, con bé nhỏ xíu ôm trái bưởi đi bên cạnh, lòng Thi thắt lại. Đứa bé đáng yêu như thế, nhưng con đường nó đi phía trước sẽ thế nào?

Những ngày sau, con bé vẫn sang phòng Thi chơi. Mỗi lần nhìn con bé, Thi lại thấy tim mình nhói đau, thấy trái tim mình ngổn ngang bao nỗi.

* * *

Thi rời khỏi giường lúc trời còn chưa sáng. Cô thắp nén nhang, cắm vào chiếc ly đựng gạo. Bàn làm việc đã trở thành bàn thờ tạm thời của anh. Trong tấm hình thẻ dán trên hũ tro cốt, anh mỉm cười với Thi thật dịu dàng.

- Anh cũng muốn em làm thế, phải không anh? Hay là chính anh đã gửi con bé đến an ủi em? Em phải làm thế nào bây giờ?

Anh trong hình vẫn mỉm cười dịu dàng như thế. Thi biết, nếu anh có ở đây, anh sẽ bảo Thi làm theo những gì trái tim mách bảo. Phải, anh luôn nói, chỉ cần Thi vui, sóng gió gì anh cũng chịu giùm Thi. Trước lúc anh chìm vào cơn mê vĩnh viễn, đã nhắn cho Thi lời cuối cùng, rằng Thi phải gắng sống cho hạnh phúc, sống như mình mong muốn, sống thay phần anh nữa.

Ừ, thì cuộc đời cả Thi lẫn đứa trẻ ấy, dù gì cũng đã vỡ tan hoang rồi. Hai mảnh vỡ tìm đến nhau, đời cũng không lành lặn lại, nhưng chắc đỡ đau hơn.

Thi thay đồ, ra khỏi nhà, đi về phía dãy phòng trọ mà mình đã xin địa chỉ hôm qua.

Mai sau, qua ngày dịch, trong căn nhà nhỏ ở quê của vợ chồng Thi sẽ vang tiếng trẻ. Anh ở nơi xa đó sẽ vui khi thấy Thi cười.

Phải không anh?

Truyện ngắn của Ngọc Mai

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Đọc thêm

Phát huy giá trị di sản văn hóa

Phát huy giá trị di sản văn hóa
(PLVN) -  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Bộ Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác di sản văn hóa (DSVH). Tinh thần xuyên suốt của Bộ Quy tắc là nâng cao trách nhiệm đạo đức, chuyên môn và ý thức nghề nghiệp của những người đang trực tiếp làm việc trong lĩnh vực DSVH, đồng thời lan tỏa nhận thức xã hội về giá trị và tầm quan trọng của di sản với sự phát triển bền vững của đất nước.

Đưa thời trang dân tộc thiểu số ra sàn diễn quốc tế

Cảm hứng từ văn hóa dân tộc thiểu số đang được nhiều nhà thiết kế lựa chọn để sáng tạo ra những bộ sưu tập vươn tầm quốc tế. (Ảnh minh họa - Nguồn: Saigoneer)
(PLVN) - Kho tàng văn hóa đồ sộ và đặc sắc của 54 dân tộc đã tạo nên bản sắc cho văn hóa Việt Nam, tạo ra những đặc trưng riêng, dấu ấn, điểm nhấn sâu sắc. Đây là một chất liệu khơi gợi nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế thời trang Việt Nam sáng tạo nên những bộ trang phục độc đáo, vang tầm quốc tế.

Sân khấu kịch nỗ lực đưa lịch sử đến gần khán giả trẻ

Sân khấu kịch nỗ lực đưa lịch sử đến gần khán giả trẻ
(PLVN) - Sau “Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử”, “Lệ Chi Viên! (Bí mật vườn Lệ Chi)” là vở diễn tiếp theo của chương trình “Sân khấu Sử Việt học đường” được Sân khấu kịch Idecaf (nay là Nhà hát kịch Idecaf) thực hiện mục tiêu lan tỏa tinh thần yêu sử đến thế hệ trẻ.

Kích cầu du lịch bằng dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Để kích cầu du lịch, cần có những chính sách ưu đãi. (Ảnh minh họa: Chinhphu.vn)
(PLVN) - Chỉ còn hai tuần nữa là đến dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Năm nay, Việt Nam có nhiều hoạt động trong dịp nghỉ lễ này. Cận kề tuần nghỉ lễ nhiều điểm đến du lịch đã đặt chỗ kín phòng. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn các tour nội địa trong những ngày lễ trọng đại của đất nước.

Vinh danh nhà bác học Lê Quý Đôn

Lê Quý Đôn - một trong những Danh nhân văn hóa kiệt xuất của nước ta. (Ảnh: Tư liệu)
(PLVN) - Những năm qua, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Nghệ thuật Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình đã chuẩn bị hồ sơ Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn để đề nghị UNESCO đồng tổ chức 300 năm Ngày sinh của ông vào năm 2026. Đêm 10/4/2025 (giờ địa phương) vừa qua, tại Kỳ họp khóa 221 của Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), các nước thành viên đã thông qua Quyết định khuyến nghị Đại hội đồng UNESCO, phê duyệt việc vinh danh và cùng kỷ niệm ngày sinh của danh nhân Lê Quý Đôn.

'Người thắp lửa đầu tiên' cho chiếu Chèo Việt Nam

Quang cảnh Hội thảo
(PLVN) - Ngày 15/4, tại thành phố Hoa Lư, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tổ chức Hội thảo khoa học “Thân thế, sự nghiệp Ưu bà Phạm Thị Trân”.

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2025 sắp diễn ra với nhiều điểm mới ấn tượng

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ năm 2025 diễn ra đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng sẽ được tổ chức với quy mô hoành tráng, đậm bản sắc Hải Phòng.
(PLVN) - Năm 2025 là năm thứ 12 Lễ hội Hoa Phượng Đỏ được tổ chức cùng với kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 – 13/5/2025). Năm nay, TP Hải Phòng dự kiến sẽ đón nhận danh hiệu “Thành phố Anh hùng”. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân qua chặng đường 70 năm giải phóng, xây dựng, bảo vệ và phát triển; đồng thời khẳng định ý chí quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hải Phòng cùng cả nước vững bước vào kỷ nguyên mới.

Đề xuất phục dựng Phố Hiến cổ: Kỳ vọng làm sống lại quá khứ vàng son

Đề xuất phục dựng Phố Hiến cổ: Kỳ vọng làm sống lại quá khứ vàng son
(PLVN) -  “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến” – câu ca dao đã đi vào tiềm thức người Việt như một minh chứng cho sự sầm uất, thịnh vượng của thương cảng Phố Hiến trong thế kỷ 16 - 17. Trong Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về đề án “Xây dựng và phục dựng Phố Hiến cổ” mới đây, UBND tỉnh Hưng Yên cho rằng, đây sẽ “cơ hội vàng” để tỉnh bứt phá trong lĩnh vực du lịch.

Phim ngắn 'Vòng ngà tội lỗi' lên tiếng ngăn chặn vấn nạn giết hại voi

Phim ngắn 'Vòng ngà tội lỗi' lên tiếng ngăn chặn vấn nạn giết hại voi
(PLVN) - Có một thực tế mà nhiều người không biết là việc mua bán ngà voi chính là nguyên nhân trực tiếp khiến voi bị giết hại. Số tiền mà người tiêu dùng chi trả vô tình tiếp tay làm giàu cho những kẻ săn bắn và buôn bán ngà voi khiến cho voi tiếp tục bị giết hại để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của một bộ phận người dân.