[Truyện ngắn] Mười hai con suối

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là một nghìn bốn trăm hai mươi sáu ngày mình chưa gặp nhau. Hưng cười, suýt hóc cà phê. Té ra, em chẳng thay đổi chi mấy, vẫn cái tật ưa đếm. Phải chi hồi đó, em nghe anh, học thêm kế toán thì hay. Lài cười, anh cũng không hề thay đổi, mở miệng vẫn câu “phải chi, em nghe anh”.

Mấy người yêu nhau dài lâu, sau này không đến được với nhau, thường khi gặp lại hay nói những câu đẩy đưa đổ lỗi cho phận số, cho thời cuộc. Huống chi Hưng, người trước giờ chưa bao giờ thừa nhận bất cứ lỗi lầm nào. Hồi mới đem Hưng về nhà, mạ cười khề khề, bảo Lài cưới thằng đó đi. Chẳng cần biết con gái mình với thằng suýt là rể ấy có hợp tính nết nhau không, tụi nó yêu thương nhau đậm hay nhạt. Nên khi Lài trả lễ đám hỏi, mạ vẫn nói Lài làm quá, cứ cưới về là được rồi. Nó có con với đứa khác nhưng người nó cưới là bây mà. Đàn ông bây chừ, tốt tính một vợ, một chồng dễ chi, lắm thằng có vợ vẫn ngoại tình mà bây đâu hay. Lài không trách mạ, biết mạ lo cô chịu điều tiếng nên mới nói vậy. Đàn bà ở xứ này, trả lễ đám hỏi được xem là qua một đời chồng.

Khi Hưng quay về thị trấn và mang theo cô con gái nhỏ, Hưng nghĩ ngay đến Lài. Chỉ có cô mới đủ dịu dàng, đủ nhẫn nại bao dung, đủ yêu thương, không hằn học để bên cạnh anh và con gái. Anh nắm tay cô, hãy cho anh cơ hội lần nữa. Anh sẽ xin cho em về dưới này dạy gần nhà, mắc mớ chi làm trên chỗ khỉ ho cò gáy đó. Còn không thì ở nhà, chăm con, chăm nhà cửa, anh đủ sức lo cho em một cuộc sống đủ đầy, trắng da dài tóc. Hưng nói Lài tự làm khổ mình, đời còn nhiều sự lựa chọn, nhất thiết chi phải lao vào lối mà ai cũng né. Lài cười, nụ cười ngụ ý gì thì bản thân cô cũng chẳng rõ nhưng Hưng phiên dịch ra là một vẻ bất cần đáng sợ.

Lần đầu lên tới Truôi, Lài đã chăm chăm đếm suối. Có cả thảy mười hai con suối lớn và bảy khe suối nhỏ. Xe máy gửi phía ngoài ủy ban xã, từ đó đi tới điểm trường phải lội bộ, băng rừng, vượt suối ba tiếng. Vấp lên, vấp xuống không biết mấy lần nên cô không thể đếm được bước chân. Chị Như nói, hồi đầu mới lên đây, tau đi hết bảy tiếng, qua mấy năm còn bốn tiếng. Chừ bây đi còn ba tiếng, thấy không, đời chỉ có bớt khổ đi, không khổ thêm mô mà lo. Cái tính phơi phới xề xề trước mọi chuyện đó, Lài nghĩ mình cần học ở chị.

Điểm trường ở Truôi nằm trong diện heo hút và xa xôi nhất huyện miền núi này. Trường học đơn sơ, vách tường cũ mèm, tróc lở từng đám vôi to bự. Sát trường có cây bời lời đỏ, tán lá xanh um. Lài hay nhìn lên tán cây để đếm nắng. Việc đếm nắng, thật khó để diễn tả để người ngoài hay. Ý của Lài là cô ngồi yên ngó nắng lọt qua tàng cây rồi đếm từng chấm nắng nhỏ li ti vậy thôi. Chiếc điện thoại cục gạch mà mấy chị em đùa là “cục vàng” được bỏ trong cái xô nhỏ, treo lủng lẳng trên cây. Chỉ trên đó mới bắt được sóng. Hôm nào có chuyện gấp, mấy chị em phải leo lên ngọn đồi cao, cầm điện thoại đi hứng sóng. Lần đầu thấy cảnh ấy, con bé Sa bật khóc. Nó nói, kiểu ni làm răng em nói chuyện với người yêu. Chị Như cười gõ trán con bé, đời mi chỉ có người yêu là to tát thôi hả.

Sa nói nếu mấy anh chị nhà báo hỏi tại sao chọn lên đây dạy, em sẽ nói thiệt, vì ở dưới làm chi xin được việc. Em không có lý tưởng to tát như các anh chị, cả nhà đang tính đường để em về dưới. Dạy ở đây cực chết mất. Sa thật thà, thẳng tính và trẻ con. Bữa đầu tiên đặt chân đến Truôi, nó ôm mặt khóc nức nở, bảo hình dung những ngày tiếp theo mà em sợ quá. Khi Lài phụ Sa xách hành lý qua chỗ ở của giáo viên, nó đứng nhìn trân trân. Sa hay khóc. Nhất là những buổi phải về tận bản để vận động học trò đến trường. Nó thút thít bảo em kiệt sức rồi, tuần nào cũng phải mò qua mấy cây số đường rừng để về nhà kiếm học trò đi học. Phải chi đứa học trò nào cũng ham học còn đỡ, đằng này, có đứa hết ba mẹ nó trừng mắt rồi đến nó lườm lườm mà mệt mỏi. Mấy chị em xúm vào an ủi, động viên con bé, chị Như bảo chừng đó chưa là chi, khó khăn còn nhiều nên phải mạnh mẽ lên.

Sa đã chết ở con suối thứ mười, trước hôm nó bảo kỷ niệm tròn một năm lên Truôi. Sau này, mỗi lần qua khúc suối đó, mấy chị em cười nói rôm rả rồi lại lẩm bẩm cầu khấn, Sa ơi mi có buồn cũng đừng kéo chị theo. Đó là tháng mười cách đây ba năm, nước lũ lên cao, Sa trở lui không được, về không xong. Đang chần chừ đứng bên bờ nhìn nước chảy xiết, nó thấy bóng đứa học trò đi vớt củi gần đó đang chới với. Sa nhảy xuống, cứu được học trò rồi đuối sức luôn.

Cô bé học trò được Sa cứu là Hồ Mai. Mai có vẻ mặt già dặn, luôn nghiêm nghị. Hồi trước, nhà của Mai là một trong những nơi Sa đi về nhiều nhất. Ba con bé hay lườm mắt, bảo con gái chẳng cần học nhiều, ở nhà giữ em. Mai lầm lì, không tỏ vẻ quyến luyến trường lớp nên Sa thường để tâm nó nhất. Sa từng nói nhìn vào mắt Mai em cứ sờ sợ. Hồi biết sẽ lên đây dạy, mạ đã gói bao nhiêu là tỏi trong ba lô hành lý của Sa. Mạ sợ em bị đồng bào rủ ở lại, không chờ đến ngày mạ xin về dưới. Ngày đưa Sa về nhà lần cuối, mạ nó khóc không thành tiếng, đến giờ vẫn mơ mơ tỉnh tỉnh. Thỉnh thoảng ghé thắp hương cho Sa, mấy chị em chẳng cầm được nước mắt.

Nhiều lần, Lài cũng thấy kiệt sức. Như mấy hôm đầu lên dạy, vắt cắn hồi mô không hay, tối về ngó bàn chân thấy máu chảy. Những ngày mưa gió, tiếng thầy cô nói khản giọng không át được tiếng mưa xối xả trên mái tôn. Mùa hè thì nóng nực, đứng trên lớp mồ hôi chảy như tắm. Những hôm hết thức ăn, mấy chị em chỉ bám vào cây đu đủ sai quả sát hông trường, cứ đu đủ xào, đu đủ bóp, đu đủ nấu canh nguyên tuần. Anh Thụ có lần cười rúc rích, bảo không đẻ mà cứ ăn đu đủ, sữa chảy biết lấy chỗ mô hứng. Lúc nói câu đùa tếu táo đó, mắt anh lúng liếng liếc nhìn cổ áo Lài. Hẳn là vô tình thôi, rồi cả hai cùng ngại. Anh xa vợ con, lên đây dạy đã mười mấy năm. Hồi trước, ngăn cách chỗ ngủ của hai chiếc giường là tấm ri đô cũ mèm. Bữa Sa mới lên, nó thầm thì vào tai Lài, bữa chừ chị với anh Thụ có chi không. Có chi là có chi, hai năm qua, cũng chỉ vài tối là hai người ngủ cùng nhau, ý là chỉ có anh Thụ và Lài. Còn dạo trước, chị Như vẫn ở lại trường cho đến khi Sa lên. Những đêm dài dẳng đó, Lài luôn để cái gậy trên đầu giường, trước đó mất cả tối cô nằm suy nghĩ khi thay phương án từ con dao qua cây gậy. Anh Thụ thì vẫn nằm ngáy một cách vô tư.

Bên vách tường, sát chỗ ngủ, chữ chị Như tròn tròn, nắn nót hai câu thơ tự sáng tác:

Ở đây xa biển gần nguồn

Niềm vui đến muộn, nỗi buồn lâu tan

Sa khóc khi đọc xong hai câu đó. Nó bảo sao chị Như viết mấy câu sâu sắc quá. Tụi mình cứ như đang ở một nơi nào khác, xa lạ lắm với cuộc sống từng quen.

Lài không phải là đứa yếu đuối nhưng tiếng khóc của Sa đôi lúc khiến cô chạnh lòng. Nụ cười của Sa đóng đinh ở con suối thứ mười cũng khiến cô tiếc nuối và sợ hãi. Có bữa về nhà, Lài chui vô phòng tắm, mở vòi nước chảy ào ào, xối xả, cô nghĩ đến việc ở trên đó, tụi cô phải đi xách nước mỗi ngày, tắm giặt tiết kiệm từng giọt chứ đâu thoải mái thế này. Rồi mở tivi, điện thoại lướt mạng vèo vèo, lại không tránh khỏi so sánh. Những bữa tối hẹn hò cà phê với bạn hoặc chỉ dắt xe loanh quanh phố, Lài hít một hơi thật sâu để cảm nhận không khí náo động kia. Hầu như ở trên đó, tối nào mấy chị em cũng ở nhà. Trời tối, đường sá như vậy thì đi mô được mà đi. Chuyện giải trí, uống ly cà phê nghe hão huyền lắm.

Vài lúc Lài đã nghĩ, hay thôi mình về, chỉ cần mình gật đầu với Hưng thì mọi chuyện có lẽ êm xuôi. Không còn ở trên kia đếm muỗi, đếm tiếng ếch nhái kêu hay nghe rừng rú gọi. Cứ mỗi lần phân vân như thế cho tới lúc quay trở lại trường, qua đoạn mười hai con suối, Lài sẽ chơi trò đếm hên xui theo bước chân. Bước đầu tiên là về, bước tiếp theo là ở. Cứ vậy, kết thúc đoạn suối và đường rừng, thường bước cuối cùng khi trông thấy đám học trò, miệng Lài lại lẩm nhẩm là “ở”. Cô tự nhủ, bữa sau mình phải bắt đầu từ “về” thì kết thúc mới “về” được nhưng lần sau vẫn vậy, chỉ một bước cuối cùng, cô lại tự nhẩm trong bụng từ “ở”.

Có đêm, khi nghe tiếng thở dài của anh Thụ, biết anh chưa ngủ, Lài mạnh dạn hỏi với qua, anh nì, nếu có cơ hội, anh có về dưới không. Anh thở dài, đã có nhiều cơ hội nhưng anh không về. Ở đây lương khá hơn, lại ít tiêu tiền, anh đủ lo cho hai đứa con. Với lại tụi học trò ở Truôi, mình bỏ về thì tội lắm. Rất nhiều người như anh Thụ, đã cống hiến cả thanh xuân ở một nơi heo hút núi rừng nào đó. Có khi chẳng phải vì lý tưởng lớn lao gì như con bé Sa từng nghĩ nhưng sự thân quen và thương mến qua nhiều năm gắn bó là thật. Học trò trên núi cũng khác học trò ở xuôi, nhìn cảnh các em vất vả đến trường, mùa đông run cầm cập, mùa nóng đi đến rát chân, chỉ nghĩ đến thôi đã thương đứt ruột.

Hôm nay, Lài về nhà học trò lần thứ hai mươi sáu tính từ đầu năm tới chừ. Dửng dưng, người cha của Mai bảo nó phải ở nhà lấy chồng, học hành làm chi nữa. Mai mới mười ba tuổi. Nó khóc, đó là lần đầu con bé khóc trước Lài. Lần đầu cô thấy con bé yếu đuối. Cô chuyện trò với cha Mai cả buổi, chỉ tới khi dọa kêu công an thì ông mới đồng ý không bắt con gái lấy chồng. Mai lúc này đã thay đổi, con bé nhẹ nhàng hơn, hay cười hơn. Nó bảo sẽ gắng học để sau này làm cô giáo ở bản.

Sự chần chừ của Lài, tính tới tính lui vậy mà đã bảy năm. Anh Thụ sắp về hưu, thời gian này ngó anh cứ buồn buồn, bảo mai mốt về dưới kia chắc sẽ nhớ Truôi quay quắt. Chị Như mang bầu đứa thứ hai, người chị giờ đi lại nặng nề nhưng gương mặt lúc nào cũng vui vẻ, râm ran. Chị Như nói, mấy năm gần đây, tụi mình sướng nhiều rồi. Khu nhà ở xây gần trường có phòng riêng cho nam và nữ. Đoạn đường đi bộ đến điểm trường lẻ xa nhất cũng chỉ còn hai tiếng đồng hồ đi xe máy. Đường sá giờ thuận tiện hơn, điện đài cũng đỡ hơn, chỉ cần cầm điện thoại đi bộ tầm vài trăm mét là bắt được sóng.

Chị mai mối cho Lài mấy anh biên phòng nhưng cô cứ chần chừ, ngại ngùng. Chị bảo tùy vậy, miễn bây sống vui. Lài không biết bây chừ cô sống có vui không, chỉ là lâu rồi không thấy xáo trộn, lo lắng hay mơ hồ bất cứ điều gì. Sự yên ả trong tâm hồn lẫn suy nghĩ này, không phải ai cũng có. Mỗi bữa lên lớp, thấy lớp chẳng vắng đứa học trò nào, vậy là vui lắm rồi. Mười hai con suối hồi đó mấy chị em cô lội qua giờ vẫn y vậy. Ở đó, nước trong vắt, cây cối xanh rì. Đã có một con đường khác có thể chạy xe máy từ ủy ban xã vô tận trường, không cần cuốc bộ, lội suối như trước kia. Có điều vào mùa mưa, việc đi lại vẫn vất vả một tí.

Như năm nay, bão lũ triền miên cả tháng, đường sá gần như không đi lại được, nhiều đoạn sạt lở nguy hiểm. Hôm rồi, thấy đám con gái lội bùn sâu tới đầu gối, anh xe múc đang sửa đường bảo mấy chị em trèo lên ngồi trên gàu múc đất, anh chở qua đoạn lầy lội kia. Tụi Lài ái ngại ngồi lên, ai đó chụp ảnh đăng lên mạng. Hưng nhận ra Lài trong tấm áo mưa nhùng nhằng, anh bảo đoàn của anh sẽ lên xã Truôi cứu trợ lũ lụt, em cần gì anh mang lên. Chừng đó năm qua, Hưng vẫn ở vậy nuôi con gái, tính tình hình như đã thay đổi nhiều lắm. Nói như chị Như, dù gì đi nữa, qua bao năm tháng, mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn lên…

Tin cùng chuyên mục

Vinh danh 22 tác phẩm đạt giải “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024

Vinh danh 22 tác phẩm đạt giải “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024

(PLVN) - Ngày 3/12/2024, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã diễn ra Lễ tổng kết Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 do Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid Việt Nam), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức.

Đọc thêm

Pháp luật về hoạt động môi giới thương mại điện tử

Pháp luật về hoạt động môi giới thương mại điện tử
(PLVN) - Nhằm cung cấp cho bạn đọc thêm một góc nhìn về hoạt động môi giới thương mại điện tử cũng như quy định pháp luật về hoạt động này, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn “Pháp luật về hoạt động môi giới thương mại điện tử” của TS Nguyễn Ngọc Anh - Giảng viên Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội.

'Thối não' là từ nổi bật nhất năm 2024

"Brain rot" (tạm dịch: thối não) được Từ điển Oxford công bố là từ của năm 2024. Ảnh: Oxford University Press.
(PLVN) - "Brain rot" (tạm dịch: thối não) được Từ điển Oxford công bố là từ của năm 2024. Từ dùng để bày tỏ lo ngại về việc tiêu thụ quá nhiều nội dung trên mạng xã hội có thể làm sa sút trí tuệ, tinh thần.

'Giấc mơ Chí Phèo' - đậm màu sắc nhạc kịch Việt

Chất liệu văn học Việt Nam đi vào các tác phẩm sáng tạo. (Ảnh trong vở kịch Giấc mơ Chí Phèo)
(PLVN) - "Giấc mơ Chí Phèo” là vở nhạc kịch mang đậm màu sắc nhạc kịch theo phong cách hiện đại (broadway) quốc tế. Lần đầu tiên một vở kịch broadway cảm tác từ văn học nước nhà được vang lên làm thỏa mãn những khao khát của người Việt về giấc mơ broadway “musical made in Vietnam".

Báo chí góp phần lan toả lễ hội Festival Hoa Đà Lạt

Festival Hoa Đà Lạt hứa hẹn đem đến cho du khách trải nghiệm thú vị.
(PLVN) - Dù Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 10 - 2024 chưa chính thức khai mạc nhưng đã có hơn 500 tin, bài của các cơ quan báo chí và hằng trăm tin bài trên sóng truyền hình, qua đó đã tạo được hiệu ứng truyền thông tích cực, thu hút được sự quan tâm của độc giả, du khách trong và ngoài nước, lãnh đạo Sở TTTT Lâm Đồng, ông Hoàng Văn Bằng đánh giá tại buổi khai trương Trung tâm báo chí phục vụ lễ hội tại Nhà triển lãm Khu Hoà Bình, phường 1, TP Đà Lạt sáng nay (2/12).

Tĩnh lặng trước những lời không hay: Nghệ thuật sống giữa đời xô bồ

Ảnh minh họa
(PLVN) - Trong cuộc sống, không ít lần chúng ta phải đối mặt với những lời không hay, những nhận xét tiêu cực hoặc thậm chí những lời đồn đoán ác ý từ người khác. Những lúc như vậy, phản ứng đầu tiên thường là muốn lên tiếng bảo vệ bản thân, muốn hơn thua, muốn chứng minh mình đúng. Nhưng có lẽ cách hay nhất chính là im lặng.

Giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay
(PLVN) - Để cung cấp thêm nguồn tài liệu cho đội ngũ công chức, những người tham gia vào công tác phố biến, giáo dục pháp luật, người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và bạn đọc quan tâm, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn “Giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay”. Cuốn sách của TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.