Anh nhớ khuôn mặt nàng, cũng trong buổi chiều tiễn anh đi biển. Giọng ướt át và tinh nghịch. “Anh đi rồi xây nhà trẻ luôn ngoài biển nhé”. Anh chỉ cười. Những cơn gió khiến thành phố biển sinh động hơn. Hoài My vừa khuấy ly cà phê, vừa nhắc lại: “Anh đi rồi lấy cảm hứng vẽ lại bức tranh cho em. Vẽ mãi người ta, mà bức về em, cứ khất ngày này sang ngày khác”.
Lời nhắc ấy khiến anh hơi nhói đau. Nhiều lúc anh vừa thương, lại vừa giận. Nàng có lúc nữ tính như một bông hồng nhung phả hương thơm ngây ngất trong vườn xuân, có lúc cứng nhắc như một gã đàn ông vai u thịt bắp, mở miệng là tính toán. Điều đó làm anh cân nhắc, đôi lúc tưởng nàng thuộc về mình, lúc khác nghĩ nàng ở một thế giới nào đó, không thể kìm giữ. Như những con sóng ập òa ngoài khơi xa, chẳng thuộc về một cơn gió nào. Liệu có nên lấy người con gái này làm vợ?
Lúc ấy anh nói: “Em yên tâm, anh sẽ nuôi cảm xúc từ bây giờ”.
Khẳng định thế, nhưng anh không chắc là mình sẽ làm sao để có đủ đầy cảm xúc để bức tranh ấy được cả hai chấp nhận. Nó phải thể hiện được sinh động nhất đôi mắt hút hồn của nàng. Vừa mê mị vừa ám ảnh. Đôi lúc ướt át như có bùa mê. Quả nhiên, chuyến đi biển cho anh nhiều cảm xúc, nhưng lại trống rỗng trước hình ảnh nàng. Anh vẫn tin rằng, khi xa Hoài My, thì dòng hoài ức sẽ đủ sức gợi để anh tung hứng trong bữa tiệc của sắc màu. Ấy thế mà, chỉ thấy biển xanh, những nụ cười người lính, những công việc của ngư dân với công việc thường ngày. Cảm xúc để vẽ cho nàng trôi đâu mất, đúng hơn, hình ảnh về người con gái anh yêu bị đẩy dạt về một khung trời này đó rất đỗi xa xôi. Ngay cả khi đoàn trở về, anh cũng bị trơ ra như đá, dù đã cố gắng tưởng tượng đến mái tóc mình vẫn hôn lên, cả bờ môi gợi tình bỏng rát. Hành trình của chuyến đi, anh có thể đo đếm được. Còn hành trình để trọn vẹn tin rằng nàng là của anh thì sao đo đếm?
Nàng phụng phịu giận. Như bao lần anh trễ hẹn, anh làm phật ý nàng. Anh tưởng thế rồi thôi, nhưng không, dứt khoát nàng muốn trừng phạt anh. “Đừng có vác mặt đến gặp em”. Anh nài nỉ, xin lỗi, song nàng vẫn trốn đi với bạn mà không nói địa chỉ. Gọi điện, nàng không nghe máy. Anh nhẫn nại, nhắn thêm hai cái tin. Hoài My cũng không nhắn lại. Chết thật! Anh đã hy vọng, sau hành trình dài, nàng phải là người đầu tiên đón đợi mình, giờ giận dỗi thế này đây. Sóng ngoài khơi oằn oại gợi tình.
Hôm sau, anh lên tòa soạn báo cáo lãnh đạo và gặp gỡ anh em. Anh hồ hởi nói về chuyến đi và những kỷ niệm. Công việc của một nhà báo kiêm họa sĩ của tòa soạn, với anh không quá bận, nhưng luôn cho anh những cảm xúc gần gũi nhất định. Nụ cười cô đồng nghiệp tên Như Kiều tỏa nắng. “Anh đi, tuy đen hơn nhưng không bị gầy quá nhiều”. Đó là cô gái quan tâm sâu đến vóc dáng của anh nhất. Béo hay gầy, đen hay trắng, dù chỉ một thay đổi nhỏ Như Kiều cũng nhận ra. Hai người nói dăm, ba câu chuyện. Anh tặng Như Kiều chiếc vỏ ốc màu ngọc kiếm được trong chuyến đi. Cô cảm ơn, rồi chợt nhớ ra một chuyện: “Bé Ích ở xóm chài hôm qua đến tìm em, hỏi anh về chưa?”. “Vậy ư, chắc anh sẽ phải tới đó”. Như Kiều nhấn mạnh: “Vâng, hình như có việc gì đó cần lắm!”.
***
Xóm chài cách tòa soạn hơn hai cây số. Bé Ích thi thoảng vẫn đạp xe đến tìm anh mỗi khi có việc cần. Đó là một xóm chài nghèo, thường được gọi là xóm Bến. Anh thân với xóm chừng dăm năm, từ ngày anh thường cuối chiều đến tìm cảm hứng vẽ tranh. Năm nay Ích đã 12 rồi. Vì thân với bà con xóm Bến, đôi lần anh bị Hoài My cằn nhằn. Nàng ghen với bà con, bởi có cảm giác bà con lấy hết thời gian, khiến anh không dành nhiều thời gian cho mình. Trao cho bé Ích gói quà, rồi hỏi nhanh chuyện. Mẹ cháu bị ốm, đang nằm nhà nó thông báo. Nặng lắm không, có đi khám bác sĩ không?
Ngôi nhà trống tênh heo hút nằm rúm ró dưới tàng cây, thi thoảng run lên vì gió biển thốc lại. Anh đôn đáo lo cho mẹ của Ích đi viện, rồi nhờ người tới chăm. Ích chưa đủ lớn để lo cho mẹ tươm tất. Em còn quá nhỏ. Nhưng em là đứa trẻ ngoan và có hiếu. Hàng xóm tình nghĩa cũng thay nhau săn sóc, khiến anh an tâm. Khi bình tĩnh lại để nhớ ra Hoài My, thì đã là ngày thứ tư nàng không gọi điện cho anh. Một sự im lặng khó hiểu, như người ta chẳng thể đoán định được những cơn sóng ngoài biển khơi. Anh chân thành và tha thiết muốn giữ trái tim nàng. Một cuộc chia tay thời sinh viên đã để lại trong anh vết thương đầu đời. Anh không muốn chuyện đó lặp lại, nhất là quả tim chân thành của anh đã vượt qua mọi trở ngại để quyết tâm đi đến một tình yêu với Hoài My. Nhiều người bảo cô gái Như Kiều ở cơ quan hợp với anh hơn. Không, anh không nghĩ vậy. Như Kiều quá tốt để làm vợ, nhu mì và quá nhân hậu. Anh thích kiểu phụ nữ có một chút cá tính, nhưng vẫn nữ tính. Phải đây là sự đòi hỏi quá đáng? Không, trong người có máu nghệ sĩ, anh không yêu cầu nhiều, chỉ mong mỏi một chút cho chính bản thân khỏi bị chùng xuống. Anh nghĩ vậy. Nhưng Hoài My khó đoán. Vậy thì phải làm sao?
***
Lời nói chia tay mà Hoài My đem đến cho anh sự choáng váng. Nó xảy đến quá gấp gáp. Nàng chủ động và cố thể hiện mình làm chủ. Anh đứng bên bờ biển với cả triệu con sóng xô nhau mà sao cô đơn. Gió nâng lên một vạt chiều tím hoang liêu giữa ngày biển động. Nàng trách anh đã dành quá nhiều thời gian cho xóm chài, những người dân lầm lũi mà không nghĩ đến cảm giác của nàng. Nàng luôn muốn sở hữu trọn vẹn, kiểm soát toàn bộ thời gian của anh và buộc anh quên đi những mối quan tâm khác. Nàng không ưa người dân xóm chài. Có lần Hoài My bảo họ quá nhem nhuốc và lố bịch. Vậy mà anh vẫn gần được họ, thậm chí ăn uống chung với họ. Những tính toán ấy, phải chăng là những lực đẩy vô tình khiến cho lúc nào anh cũng cảm giác chàng màng, nàng vừa thuộc về mình vừa không phải như thế. Chỉ riêng điều này thì nàng và chàng không bao giờ có điểm chung. Sau này về chung sống sẽ nảy sinh nhiều xung khắc. Anh níu kéo, nàng dứt khoát. Anh nhẫn nại, nàng vô tình. Anh khóc cho mình và cho cuộc tình xa. Còn đôi mắt nàng, ráo hoảnh, như sự ngờ vực của anh ngày mới quen nhau. Cảm xúc của hai người quá khác nhau. Chẳng lẽ bao nhiêu ước vọng, giờ chỉ tan đi hư vô như bọt biển. Thôi thì đành trả cho nàng về thế giới ồn ào, một thế giới vừa nổi, lại vừa ngầm của thành phố biển vốn bình yên…
Anh có thêm hai năm trải nghiệm nữa. Hai năm với một số hành trình trải nghiệm dài. Xóm chài bớt hoang liêu hơn. Ích đã tự lo được cho bản thân và mẹ bằng một công việc ở xưởng chế đồ thủ công mỹ nghệ. Anh đã có thêm năm bức tranh về biển xuân. Bỗng một ngày nhận được tin Hoài My. Nàng hẹn gặp. Nàng cứng cỏi hơn với đôi mắt thật sự có cảm xúc. Giọng nàng chân thành:
- Em đã xa anh hai năm. Mất một năm em buông thả mình. Ở chốn nào thì anh biết rồi. Em lún sâu rất nhanh và chìm trong đó. Sau cùng, em nhận ra tất cả chỉ là sự xô bồ của một cuộc sống thiếu nhiều giá trị. Tỉnh ngộ được thì mọi cánh cửa đều đóng lại trước em. Nhan sắc tàn tạ, sức khỏe yếu đi. Bản thân gia đình em sứt mẻ. Em chẳng còn lại gì.
Giọng nàng thảng thốt. Hai mắt chắt ra hai hàng nước mắt. Nàng tiếp:
- Nhưng em cũng sớm nhận ra anh ạ. Cũng may còn nhớ những lần anh chia sẻ với em. Em đã học lại cách hiểu và sẻ chia với người khác. Em biết, trong trăm thứ mở, không gì bằng mở lòng. Mở ra với đời, với người.
Nàng còn ngộ ra biết bao chuyện khác. Thật mừng. Nàng hiểu vì sao anh vẽ được người khác, chỉ người yêu thì không vẽ nổi. Đó là nàng chưa hoàn toàn thuộc về anh. Nàng bị biết bao ảo vọng phù phiếm níu kéo. Nghệ thuật lạ lắm. Cảm xúc không thể đánh lừa. Chỉ khi một bông hoa thật sự tỏa hương, nó mới đủ sức lưu lại vẻ đẹp trên trái đất này.
- Em không mong anh tha thứ - Hoài My thổn thức - em chỉ mong anh tin rằng em đã đổi thay.
Sâu trong tim anh, một điều gì đó lớn lắm, đang trỗi dậy. Anh biết, thời gian mà anh hoàn thành bức tranh cho Hoài My, đứng trước biển êm đềm với biết bao cánh hải âu trên nền thiên nhiên tuyệt diệu, chính là mùa xuân này. Anh nghe phía sóng, đang ngân những nốt nhạc.
Truyện ngắn của Ngô Thục Miên