1. Vừa đến đầu làng, tôi gặp lão Khò loạng choạng đi tới, liệng bên này, lái bên kia. Mấy đứa trẻ ném vài cục đất nhỏ vào lão rồi hò nhau chạy biến. Chân lão vừa dẻo, mềm, xoắn lại. Mặt lão đỏ như mặt gà trống. Thoạt nhìn là biết lão vừa uống rượu.
- Chú mày có tiền lẻ cho tao xin ít mua rượu.
Mỗi ngôi làng, dù hiền từ đến mấy cũng có một vài gương mặt hoặc dị hợm hoặc ẩm ương. Cơ quan nào cũng có kẻ khề khà ăn không ngồi rồi nhưng ưa chém gió. Làng tôi có lão Khò và lão Sửa. Hai kẻ đều dìm đời mình vào rượu, khi nhấc lên được tấm thân tàn tạ, ẻo lả, ướp đậm mùi hôi thối.
- Em làm gì có tiền!
- Nhà báo không có tiền thì có gì?!
Lão gắt trước sự thoái lui của tôi. Miệng phả mùi chua khăm khẳm. Lão Khò nắm cánh tay tôi nài van. Thôi cho đi mà. Mắt lão vừa nhắm nghiền, vừa như bị thụt sâu vào trong, càng làm gò má lão Khò nhô ra, như hòn đá nhẵn được bọc trong làn vải mỏng. Hai khóe miệng hóp lại để râu ria xồm xoàm được thể hiện hết mình. Một khuôn mặt lưỡi cày, khổ thôi. Người làng đúc rút thế. Tôi thấy chẳng oan.
- Em không có thật mà.
Tưởng mắt kém, hóa ra tinh gớm. Lão truy:
- Túi quần có ví căng thế kia… Tiếc anh đồng lẻ à Hảo?
Tôi khiên cưỡng rút ví. Lão giật mấy tờ tiền lẻ rất nhanh, vo gọn rồi hể hả đút túi. Lão đi. Tấm áo màu cháo lòng không thể bẩn hơn, tơi tả rách, lất phất bay. Đường nắng. Màu vàng của rơm vàng mấy hộ phơi hong càng khiến đường làng trở nên vàng. Số tiền đó đủ để gã xách hai chai rượu trắng nút lá chuối, đưa mình vào hai bữa say khướt. Cảm ơn nhá. Đường làng cũng liêu xiêu vì lão. Đường làng đã liêu xiêu vì bước chân lão Khò và lão Sửa từ mấy chục năm qua. Từ khi tôi mới choai choai ở làng đã thấy hai lão như vậy. Làng trầm lắng thi thoảng được xới lên bởi hai lão thường xuyên say sưa quậy. Lần nào cũng tưng bừng trẻ em vây xung quanh. Hai lão thường cung cấp những vở kịch ngắn, là diễn viên để đám trẻ con giải trí. Mấy đứa trẻ hư còn tè bậy lên người khi hai lão uống say, ngủ quên bên đống rơm hoặc lề đường rồi cười khanh khách.
Trước đây, làng có “bộ ba hoàn hảo” luôn khuấy đảo đám con nít và làm nên những trận cười bể bụng khắp xóm trên, xóm dưới, gồm Khò, Sửa và Soạn. Soạn là em trai Sửa. Còn lão Khò là anh họ xa của tôi cũng là anh em, họ hàng của nhiều người làng. Lão Soạn đã chết vì ngồi sân giữa trưa nắng uống rượu với khế chua tỏi sống cách đây vài năm. Gọi là lão nhưng Soạn còn kém tuổi tôi. Do lão bêu nắng, đen đúa nên già trước tuổi. Sửa khác. Lão tuy hâm hâm nhưng béo trắng, bụng to bự, cánh tay bè bè, đi đâu cũng vung vung như làm xiếc. Lão Sửa đứng cạnh lão Khò sẽ tạo được số 10 cân xứng.
2. Trăng lên sớm trùm lên không gian. Bao cây lá lấp lánh ánh vàng. Trời mát. Tôi đang ngồi thưởng trăng thì lão Khò đến. Tưởng cho tiền, lão sẽ mua rượu để tiếp tục dìm mình trong sự nghiệt ngã của trận say. Nhưng không, lão bảo muốn nói chuyện. Giọng điệu nghiêm túc trịnh trọng, có cái gì đó chất ngất chân thành, nước bọt lóe xóe bắn. Lão như biến thành con người khác.
- Tôi biết, chú là nhà văn, nhà báo. Chú hãy viết truyện về tôi đi. Làng chẳng ai dây dưa với tôi bởi họ chỉ nhìn thấy tôi là một thằng say. Chú khác họ bởi chú có học. Làng này đều trông vào chữ nghĩa của chú. Nhiều người cầu cạnh chú giúp họ. Anh chẳng là cái thá gì và đang khổ sở sống ở xó làng, làm trò cười cho thiên hạ. Nhưng chú hãy nhìn vào mặt tích cực của anh, Hảo nhá.
Bất ngờ. Xúc động. Tai tôi hơi ù và đầu hơi choáng. Có ánh đèn soi cho lòng tôi, nói được như thế là Khò đã… tỉnh. Suốt những năm tháng qua, lão đã ngụy trang mình bằng kẻ rồ dại nửa tâm thần nửa dị hợm. Có thể lão dùng rượu để che đậy điều gì đó.
- Muốn em viết đẹp về anh hay viết xấu? Em chỉ bóc được sự trần trụi của đời sống thôi, không tô vẽ.
- Chú muốn viết thế nào cũng được - mặt lão xương xẩu giãn ra nên có vẻ đầy đặn tí chút, người rung lên - chỉ cần làm cho người làng không nghĩ anh quá bê tha, xấu xí. Thật ra anh có nỗi khổ riêng không thể nói.
- Vậy anh nói với em được không?
- Đã bảo không thể nói mà lị. Sau này tính sau.
3. Lão Khò không vợ, ở với mẹ già, thi thoảng ăn nhờ anh em, họ hàng. Có tiền thì uống rượu, không có thì đi xin bằng những lời nài van nhễ nhại xúc động. Lão không trộm cắp nên người làng vẫn cho. Làng bên cạnh cũng cho. Lúc tỉnh rượu lão đi làm vài việc lặt vặt cho anh em. Làng xóm có việc tay chân gọi, lão chẳng nề hà. Sau bữa cơm trưa, chiều làm nốt nửa công lão chỉ xin thêm chai rượu, vài cân gạo. Với người lớn, lão vô hại. Lão chỉ bét nhè khi uống quá nhiều. Lúc ấy khuôn mặt lão trở nên khá độc ác.
Thời trai trẻ lão Khò khá đẹp trai, cao ráo. Một lần, trong khi đi câu cá chuối ở ao làng bên, vô tình gặp mụ Đoảng lả lơi tắm dưới cầu ao. Trưa vắng và nắng đỏng đảnh. Mụ tắm tiên. Năm đó mụ mới gần bốn mươi. Gọi là mụ vì Đoảng nổi tiếng đĩ thõa trác táng. Mụ đã dụ dỗ rất nhiều người. Lần này, thịt da và cặp vú trắng của mụ khiến gã trai vâm váp như Khò mê man. Mụ dụ Khò lấy hộ áo quần vắt trên cây khế. Khò thật thà làm theo chẳng chút nghi ngờ. Lúc Khò đưa áo quần cho thì mụ giật mạnh cho Khò ngã vào mình, rồi hét lên. Anh trai và hai người hàng xóm cầm gậy xông ra, quật lấy quật để. Khò ngất tại chỗ. Khò bị vu sàm sỡ mụ Đoảng, bị trói lại. Anh em, họ hàng nhà Khò phải cầm tiền đến đền bù, Khò mới được thả, cho về.
Chả biết có phải gậy đánh vào chỗ hiểm hay không mà từ đó Khò hơi ngẩn ngơ, rơi tuột đâu mất cái tinh anh khỏe khoắn của một thanh niên. Nhưng tiếng xấu đi rình xem trộm đàn bà tắm lớn nhanh như cái cây rất nhiều quả và hạt, quả và hạt lại phát tán, nảy ra nhiều cây khác, tạo thành miền tăm tối vây quanh đời Khò, khiến Khò chẳng ngóc đầu lên được. Khò thành tâm điểm của bàn tán, thành đầu câu chuyện, thành chủ đề tăng độ hưng phấn cho mỗi lần uống rượu của các đám hiếu, hỷ. Khò thành bóng ma của gái làng. Có ông nọ, bà kia mỗi khi con gái hư, rủa: “Sau này loại mày chỉ lấy thằng Khò”. Lâu dần, Khò bị đẩy vào vòng cô độc, gán cho rất nhiều cái xấu, dị hợm.
Lão có bí mật mà rất lâu sau tôi mới biết. Một bí mật động trời mà chỉ lão và vài người đàn bà trong khu vực biết. Lão giả vờ hâm. Lão đã làm tốt như một diễn viên. Diễn đạt đến nỗi lão cũng thấy mình hâm thật. Rượu là chất xúc tác và có sức mạnh ngụy trang. Rượu dẫn lối cho lão vào đường hâm, tình trạng hâm. Lão đã hiến thanh xuân và sinh lực mình cho ba người đàn bà. Một người không chồng và hai người có chồng mà anh chồng yếu sinh lý, không thể có con. Ba người đều nghĩ lão chỉ ngủ với mỗi mình. Họ dâng mình cho Khò. Một lần rồi hai lần. Lão Khò chẳng bao giờ rỉ tai với ai. Từng ngày, lão thưởng thức niềm vui chứng kiến những đứa con khôn lớn. Nhưng có lúc rượu đã đánh gục, làm lão mất lý trí. Đôi khi lão quên mất mình đang diễn vai cuộc đời. Lão buông thả, chẳng mấy chốc thành dặt dẹo.
4. Đó là tóm tắt truyện ngắn tôi viết về Khò, theo đề nghị của lão. Tôi hoang mang không biết cho diễn biến câu chuyện tiếp theo ra sao. Lão có phải là một đại diện những nhân vật cùng khổ ở làng, một nạn nhân của sự cưỡng bức nào đó, hay một dạng người bị đẩy văng ra ngoài cuộc sống, để đến mức mắc chứng tâm thần?
Miên man trong dòng suy nghĩ, mông lung nghĩ, tôi đã gặp lão.
- Chú em có đủ dũng cảm lật ngược tình thế không, hay chấp nhận cho anh là một nhân vật dớ dẩn, bẩn thỉu?
- Em đã viết về hàng chục nhân vật, anh cũng là một trong số đó. Em có thể biến đổi câu chuyện để cuộc đời anh rẽ hướng khác. Ví dụ, với con người thật của anh như hiện tại, tức là rất luộm thuộm, rất nhem nhuốc, nhưng anh vẫn có nhiều đàn bà thích, yêu, thậm chí hiến dâng cho anh một cách đàng hoàng bằng tình yêu chân thành. Nhưng anh có cái kiêu, bất cần. Anh như một ông hoàng. Một hướng khác, rằng anh tìm được một người phụ nữ yêu thương thật, anh có con và được khai sinh chứ không phải ngoài giá thú. Anh thay đổi bản thân và được hưởng hạnh phúc trọn vẹn.
- Hảo ơi, chú em đi khắp nơi, học rộng, hiểu nhiều. Anh chỉ đóng góp vào thôi. Anh nghèo khó, là gã khờ của làng, nhưng anh vẫn là người, anh vẫn có đức tin vào đạo, tin vào ngày mai của anh. Anh có nên nhận một trong ba đứa con của anh. Với người đàn bà không chồng chẳng hạn?
- Được chứ. Đó là quyền của anh mà. Một ngày đẹp trời nào đó, anh đến đón họ về chăm sóc, nuôi dưỡng. Phải. Anh là người có đạo. Anh tin Chúa. Anh đã có đức tin thì Người sẽ giúp anh. (Tôi bỗng rùng mình). Chỉ có điều anh có nuôi nổi vợ con không thôi. Khi đón họ về, chấp nhận sống chung với họ thì có nghĩa anh đã coi hai người họ như vợ con. Có vợ con ở tuổi anh bây giờ là quá muộn rồi, nhưng không thể không có. Mẹ anh đã già rồi và bà cụ sẽ mất đi. Còn anh em kiến giả nhất phận, chẳng lo cho anh mãi được. Lúc này anh cứ như đứa trẻ lớn tuổi. Anh phải chịu trách nhiệm về mình, trách nhiệm với đời. Em sẽ cho anh là nhân vật có trách nhiệm.
- Đúng đấy Hảo ạ. Anh đã gần sáu mươi rồi. Anh có con nhưng không dám nhận. Chú hãy cho anh là nhân vật kiên cường, dám vượt qua dư luận, định kiến cùng những ràng buộc vừa lỏng vừa chặt ở vùng quê này. Anh chả cần sĩ diện nữa. Anh cần sống cuộc đời mình như bao người bình thường khác, càng chẳng muốn mãi đóng vai một kẻ khờ ngốc để đi chui rúc vào những thân phận tăm tối khác, những người đàn bà lợi dụng anh. Lúc nào anh cũng phải đóng khung trong định mệnh cô độc.
- Anh chia sẻ đúng, Khò ạ. Anh là nỗi nhức nhối của em khi vừa là nhân vật trong truyện, vừa là họ hàng xa. Hiện nay trong ý nghĩ của mọi người ở đời thực, anh chỉ là kẻ gây cười, người cần được rủ lòng thương. Thế này đi, em sẽ sửa lại, để anh là một ông hoàng sống trong nhung lụa, được đàn bà, phụ nữ tôn thờ. Anh không phải vất vả, lúc nào cũng chìm trong rượu nữa, mà là một trụ cột gia đình có hạnh phúc và tình yêu. Cũng không phải chỉ một con nữa, mà là con đàn cháu đống. Ở làng, tuổi anh là các ông bà ý có nhiều cháu lắm rồi.
- Nhưng thực tế lại khác em nhỉ? Chúa có giúp anh thay đổi số phận, thay đổi cuộc đời?
Tôi tỉnh dậy lúc gà eo óc gáy sáng. Mồ hôi đầm đìa, người hầm hập nóng. Phía bên kia có tiếng lợn kêu thét rờn rợn thống thiết vì chọc tiết. Gia đình đó hôm nay có đám hỷ. Nhiều cái chết phục vụ cho một đám hỷ. Nhiều tiếng kêu thét phục vụ cho một đám hỷ. Tôi về làng có vài việc, trong đó có việc dự đám hỷ. Tôi không dám ngủ tiếp mà trở dậy pha ấm trà. Tôi nghĩ đến Khò. Lọt vào tai tôi vẫn là tiếng gà eo óc.
5. Hoa hồng đang nở đầy góc vườn của tôi. Đứa cháu chủ nhà sang xin hoa sớm để cắm bình đặt lên bàn đám hỷ. Nó nói đi đường gặp lão Khò đã túy lúy ngật ngưỡng say. Lão say từ đêm, hay chưa bảnh mắt đã uống? Tôi bảo cô bé muốn lấy bao nhiêu hoa cũng được. Không nhanh nó tàn. Đời hoa, phận hoa ngắn lắm.
Tôi bật cười trước câu nói của mình, lòng dềnh lên cảm xúc về Khò. Ai chẳng có số phận của riêng mình. Khò chưa phải người khổ nhất làng nhưng lão cũng là một thân phận mà ngòi bút tôi không thể né tránh. Khò còn biết mình đang diễn, che mắt thiên hạ. Lão Sửa, Soạn kia nữa, có bao giờ các lão nghĩ bản thân là những thực thể mà thiếu các lão, làng mất một nửa phần hồn?
Đứa cháu hái hoa chưa kịp đi thì Khò ngất ngưởng đến tìm. Lão không có vẻ người nói đùa:
- Chú à, anh không muốn giấu bản thân nữa. Anh không diễn vai nào của cuộc đời nữa. Anh nghĩ kỹ rồi. Chú hãy viết anh là một người bản lĩnh nhưng cũng cần sống, thở, yêu, ghét.
- Thì anh cứ ngồi uống cốc trà đã rồi nói.
- Không. Anh nói xong rồi uống. Ai chả có bí mật. Anh nghĩ nát óc rồi. Bí mật của anh cũng chả xấu. Chú hãy phơi ra cho anh. Anh không muốn diễn nữa. Làng ta rất nể chú là nhà văn, nhà báo. Chú nói họ tin.
Nói xong, Khò cười phe phé, mắt nhắm nghiền. Khuôn mặt lưỡi cày càng quắt lại. Răng lão xỉn nâu, mà sao lóa cả mắt tôi.
Đứa cháu hái hoa lẩn mất. Trong hương hoa hồng buổi sớm vườn tôi có lẫn mùi của Khò, khẳn lên cùng sự váng vất mùi đời.
Truyện ngắn của Hải Miên