[Truyện ngắn] Mầm xanh

[Truyện ngắn] Mầm xanh
(PLVN) - Lão Hộp làm duyên cho làng bằng những hàng cây. Chiều nào lão cũng tay xách nách mang những nông cụ để chăm cho cây bé, chống sâu mọt cho cây lớn. Lưng lão có còng xuống đấy, nhưng nụ cười thì nở như hoa. Nụ cười khiến lão cao lớn hơn, xóa nhòa vẻ bụi bặm cũ kỹ của lão.

Lão tham gia Chi hội Người cao tuổi làng nên trồng gần hai chục cây nhãn ở những vị trí phù hợp. Sáu năm qua nhãn đã cho thu hoạch, các lão niên trong làng đứng ra cho thầu bán, lấy tiền trang trải các hoạt động của hội, các quỹ đền ơn đáp nghĩa.

Được lợi nhất là mọi người trong làng đều được hưởng màu xanh, bóng mát từ những cái cây tỏa ra. Trẻ em những ngày hè, mỗi chiều nghỉ học tha hồ chơi dưới những bóng nhãn, chà là, cau vua bên những ngõ xóm, sân nhà văn hóa. Nhiều lão niên trong làng hiểu lão Hộp. Lão chịu nhiều gian khổ cùng nỗi đau mất đồng đội trong máu lửa chiến tranh. Lứa lão Hộp ngày đó có mười hai người cùng nhập ngũ một ngày, thì chỉ còn lão với lão Viên còn sống trở về. Lão Viên lúc thì chống nạng gỗ, khi ngồi xe lăn, được hưởng chế độ “bảo mẫu”. Người bảo mẫu đó là vợ lão, hơn lão hai tuổi, ngày xưa chăm sóc thương binh ở Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng. Hai người có tình ý với nhau, về xây dựng tổ ấm, vá víu những vết thương đời.

Động lực nào khiến lão Hộp sau khi nghỉ hưu là nghĩ ngay đến chuyện trồng cây? Chỉ lão và lão Viên hiểu. Cả hai bị ám ảnh bởi thứ chất độc làm trụi lá, như những người lính bị rụng tay. Họ đã phải hành quân trong những cánh rừng quánh đặc màu chết chóc. Nhiều đồng đội trở về mang theo mình không chỉ những vết thương trái gió trở trời lại xồ ra, mà cả thứ chất độc làm truyền lan nỗi đau cho thế hệ sau. Lão vẫn nhớ những tán cây rừng, những khe suối đã tiếp thêm động lực cho đường hành quân. Rừng che bộ đội rừng vây quân thù mà. Nên quân thù đã triệt hạ cây. Hàng chục cánh rừng lớn bị róc tỉa, trơ khấc những cành cây ngơ ngác, khô khốc và đen đúa. Lão nhớ những đoàn quân, thanh niên xung phong vượt lửa đạn vào hoạt động ở vùng sông Sê Băng Hiêng thuộc Quảng Trị. Nhiều người làm nhiệm vụ mở đường, dẫn xe qua ngầm, tải đạn, cáng thương và chăm sóc thương binh đã hy sinh vì bom bi, bom từ trường của giặc. Cũng may lão Hộp không “dính” trong người thứ chất độc khủng khiếp ấy. Lão chỉ nhiễm nỗi ám ảnh mà chưa cách gì gột rửa. Lão thấy mình may mắn. Song càng thấy thương đồng đội, những người nằm lại nơi rừng sâu hoang lạnh, chưa được tìm thấy phần hài cốt. Đồng đội ơi, đang ở đâu?

Nghỉ hưu, về quê hương, nỗi đau ấy lại trỗi dậy lớn hơn khi lão thấy nhiều người được hưởng hòa bình mà lười nhác.. Nhiều con em trong xã nứt mắt đã vênh váo ăn chơi sa đọa, chích choác, nghiện ngập. Làng trên xóm dưới đâu đâu cũng nổi lên nỗi bức xúc con nhà này hư hỏng, con nhà kia nghiện ngập, đứa nọ đi làm ở khu công nghiệp bị lừa dẫn đến chửa hoang. Rồi bọn nghiện ở khu phố mới cũng tràn xuống làng, mua bán ma túy, chích hút, bơm kim tiêm quăng đầy sân nhà văn hóa, góc vườn hoa của các bô lão.

Việc truy quét đối tượng buôn bán, chứa chấp đã diễn ra bốn năm lần. Nhưng nọc chưa tiệt. Tai họa vẫn bị gieo rắc. Lão Hộp khi đó đã trồng cây ở một vài vị trí đất trống, tăng quyết tâm trồng nhiều hơn. Màu xanh của cây lan nhanh. Tuổi lão giờ chả ngủ được bao nhiêu. Lão cần mẫn vun trồng, ban đêm lấy cớ bảo vệ cây và đi tuần cùng một vài đồng chí công an viên. Có gì bất thường báo với công an xã. Vợ con lão khuyên, ông già rồi, đêm hôm ở nhà, chuyện đó của xã hội, để người ta lo. Lão không nói gì. Lát sau cau mày nghĩ. Già rồi nên mới cần vận động tay chân, cần làm những việc có ích. Nếu có tai bay vạ gió, đứa nào đó nó cầm bơm kim tiêm xiên cho một cái, hay một nhát dao, thì tuổi này chết được rồi. Lão tự an ủi, bom đạn còn không giết được mình, thì bọn nhãi ranh nhằm nhò gì.

Thế rồi, một tối lão bị hai đối tượng đi xe máy cố tình đâm vào rồi bất ngờ bị cây gậy đập ngang cánh tay. Lúc ấy lão chỉ kịp nghe tiếng xé gió của cây gậy và sự rụng rời của cánh tay. Lão bị thương tích nặng. Gẫy cánh tay và ba xương sườn, đầu bị đập xuống đất. Đau điếng. Tê dại. Lão phải nghỉ mất hai tháng. Cây bị phá hoại gần hết. Nhưng lão vẫn tin mầm thiện sẽ lớn lên. Càng trong cảnh nước sôi lửa bỏng, càng phải vững dạ.

***

Tối đầu tiên “ra quân” kể từ sau khi bị kẻ xấu đánh gẫy tay, lão Hộp phát hiện nhóm ba thanh niên chở nhau bằng xe máy, thân hình phốp pháp, áo cộc, hở vằn vện cơ man hình xăm trổ. Bọn chúng hướng ra con mương đồng Lạc. Đây là nơi khá thanh vắng, mát mẻ vào ban đêm. Lão định bí mật tìm hiểu ba thanh niên này. Trong số đó lão chỉ nhìn quen một gương mặt, chưa rõ là tên nào. Ai ngờ bọn chúng theo dõi ngược lão. Khi còn núp sau bụi rậm thì một cây gậy nện chéo lưng, ăn lên tận bả vai. Cú đánh đau điếng, cảm giác nhiều đoạn xương gẫy vụn, lạo xạo như tiếng thủy tinh vỡ. Mắt lão bỗng tối đen, mọi bộ phận cơ thể rủ nhau ngất lịm. Bọn chúng cười ha hả, bỏ đi. Con cái lão xúm vào đưa bố đi viện. Lão không muốn nhớ bác sĩ nói về những đoạn xương bị gẫy. Lão chỉ nghĩ liệu những kẻ đánh mình lần này có liên quan đến lần trước? Cả ba thằng đi xe máy hôm đó đều không phải thằng con của đồng đội cũ. Chuyện của lão được báo cho công an. Cơ quan công an điều tra và chẳng bao lâu ba thủ phạm hôm đó đã bị tóm gọn. Lão Hộp mừng là không phải thằng cháu đồng đội cũ. Trong số ba thằng, có một là người trong xã.

Lão được ra viện.

Người làng đến hỏi thăm nườm nượp. Có người khuyên, già rồi, ở nhà mà nghỉ. Người khác nói, cây cối cũng đủ bóng mát, chả cần thêm, đừng làm cho nhọc xác. Họ xì xào. Dù có ý tốt nhưng lời họ làm rát tai. Áp lực dội xuống đầu vợ con lão. Các thanh niên chơi bời, hút xách, cật lực phản đối chuyện ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Lão Hộp chỉ cười, gật đầu để đấy. Vợ con lão lắc đầu quầy quậy, chỉ mong sao lão tránh xa việc xã hội, đừng rước thêm họa vào thân. Ngần ấy tuổi đầu, cùng cơ man vết thương trong chiến tranh, làm sao lão chịu được một trận đòn nữa? Vợ lão bảo: “Ông thương vợ con thì từ nay ở nhà, tôi chăm”. Các con đồng thanh: “Chúng con sẽ đóng góp nhiều tiền hơn để bố bồi dưỡng”.

***

Lão Hộp trở thành người giàu cây nhất làng. Người ta gọi lão là “ông Hộp cây” hay “lão cây”. Gì cũng được, miễn để lão được thỏa lòng chăm sóc những hàng cây, nói chuyện với đám trẻ, những thanh niên hư hỏng. Nhờ tình bằng hữu với lão Viên, lão Hộp được nâng cao khả năng thuyết phục. Lão cố gắng tiếp cận Bách, lêu lổng, nghiện hút, như loài cỏ dại. Một kẻ từng đánh lão gẫy tay. Bách là cháu đồng đội cũ của lão. Thằng này thông minh, lão nghĩ, nếu có định hướng tốt sẽ thành tài, chỉ tiếc bố nó…

Khi không gian làng quê vơi bớt tình trạng tiêm chích, lão Hộp kiêm luôn công việc thủ Đền Từ. Vừa coi sóc đền, vừa chăm cây. Khuôn viên đền có những bức tường rêu êm xanh mát, nhiều đứa trẻ trong làng đã vịn tường mà lớn lên. Nhiều đứa đi làm ăn xa. Có đứa ở nhà càn quấy, quậy phá quê hương.

Một ngày kia, trong cơn bần hàn, cùng quẫn, không còn tiền mua thuốc hút, ngôi nhà của người mẹ yếu ớt chẳng còn gì đáng giá, Bách sang làng bên trộm chó, trộm gà, bị bắt đánh cho nhừ tử. Hai thằng bạn thân của Bách theo “nàng tiên nâu” về miền mây khói… gửi lại nỗi đau cho gia đình. Bách thất thểu, đi trong mưa, đói lạnh. Gã loạng quạng bò ra Đền Từ. Lúc ấy lão Hộp đang tỉa cây cảnh. Lão đưa tay ra đỡ Bách.

Nhìn gương mặt hiền từ của lão Hộp, Bách ứa nước mắt, rồi òa khóc. Lão Hộp vỗ vai bảo: “Ở lại đây với ông, ông cai nghiện cho”. Bằng tình thương và những bài giảng đạo đức về Phật pháp, lão Hộp dần làm máu nghiện ngập trong người Bách nguôi dần. Hàng ngày lão cho Bách trồng cây, giúp gã quên mọi chuyện. Bách chưa từng trồng cây. Có khi đánh cây xén hết bộ rễ. Khi khác trồng ngập ngang thân. Có sự hướng dẫn, chỉ bảo của lão, Bách đã biết làm thế nào để cây mới trồng sống khỏe và phát triển. Nhìn những cái cây là thành quả của mình, Bách thốt lên: “Trước đây, cháu chẳng thể nghĩ được là việc trồng cây lại quan trọng đến thế. Việc trồng cây giúp cháu quên thuốc, quên điều ác và nghĩ nhiều đến màu xanh, đến sự rộng lượng của thiên nhiên”. Lão Hộp gật gù sảng khoái.

Bách cắt được cơn nghiện. Lão Hộp lại nghĩ đến việc giúp Bách ổn định, mà để ổn định được thì phải có gia đình, vợ con. Lão đi tìm người mai mối cho Bách. Một công việc chẳng dễ dàng. Sau cùng, chính lão đã thuyết phục được con cả của mình gả con gái cho Bách.

***

Cưới vợ xong, Bách được lão Hộp giúp sức, đấu thầu khu đầm Vuông để làm trang trại. Gã cũng thầu rẻ được hơn năm sào đất trũng bỏ cỏ mọc sát chân đê để cải tạo, thả sen, nuôi cá. Máy móc nổ pành pành, đào, vét, múc. Cây cối lan dần. Cữ xuân, lá non cứ rơn mềm... Trong làng, ai cũng nể lão Hộp, với bản lĩnh của mình đã cứu giúp được một người vốn là nô lệ của ma túy. Người làng nể Bách dám đứng lên làm lại đời ở ngay mảnh đất nhiều người không dám. Sau một năm cải tạo, ổn định, Bách nghĩ đến chuyện trồng cây hộ đê, tiếp đến trồng hàng cây trả nghĩa cho làng, cho người đã đưa tay ra với gã. Lần đầu tiên đi bên hàng cây cao ngang thân mình, nghe “thằng cháu” nói về dự định trồng cây, làm vườn, lão Hộp ứa nước mắt sung sướng. Những hàng cây, những mầm xuân đang trổ ra…

Truyện ngắn của Ngô Thục Miên

Tin cùng chuyên mục

Cuộc thi nhảy Dalat Best Dance Crew 2024 hứa hẹn sôi động, hấp dẫn.

'Đại tiệc' âm nhạc xuyên suốt dịp lễ 30/4-1/5 tại Đà Lạt

(PLVN) - Ngoài 2 chương trình lễ hội âm nhạc chính diễn ra từ 27 đến 30/4, tại các khu du lịch, phòng trà ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đều có các chương trình ca hát để phục vụ người dân, du khách trong dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 năm nay.

Đọc thêm

200 nghìn bông hoa bách hợp khoe sắc tại Khu vườn âm nhạc

Tuần lễ hoa bách hợp gìn giữ và tôn vinh giá trị nghệ thuật về một loài hoa đặc trưng của người Hà Nội (ảnh Duy Tiến)
(PLVN) -  “Tuần lễ hoa bách hợp 2024” với chủ đề “Khu vườn âm nhạc - tinh khôi bách hợp tháng 4” diễn ra từ 19 - 28/4 tại bán đảo Skyline (Hà Nội) mong muốn gìn giữ và tôn vinh giá trị nghệ thuật về một loài hoa đặc trưng của người Hà Nội cùng nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật đặc sắc...

Lương Thùy Linh trở thành Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM

Lương Thùy Linh trở thành Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM
(PLVN) - Sáng 19/4, Lễ Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3 - năm 2024 do Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM tổ chức đã chính thức diễn ra. Hoa hậu Lương Thùy Linh xuất hiện tại sự kiện với vai trò Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM nhiệm kỳ 2024-2025.

“Thần tượng Bolero” Tô Ngọc Hà chìm đắm sắc màu Hà Nội

“Thần tượng Bolero” Tô Ngọc Hà chìm đắm sắc màu Hà Nội (ảnh V.H)
(PLVN) -  Từng tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, là học trò của nữ ca sĩ Anh Thơ, Tô Ngọc Hà lại chọn theo dòng nhạc Bolero, trữ tình, lãng mạn…Với chất giọng trầm ấm, ngọt ngào nữ ca sĩ thể hiện tình yêu Hà Nội qua những sắc màu thời gian.

Trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Qua 2 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.000 tác phẩm tham gia 02 cuộc thi Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. (Ảnh: Bảo Châu)
(PLVN) - Sáng ngày 17/4/2024, tại Hà Nội, Cục Văn hóa cơ sở tổ chức Trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024).

Các nghệ sĩ, tiktoker tránh phạm luật khi quảng cáo

Nhiều nghệ sỹ nổi tiếng đã quảng cáo cho FXT Token, một loại tiền hoạt động dưới hình thức đa cấp tại Việt Nam. (Ảnh: Zing.vn).
(PLVN) - Trước thực trạng các nghệ sĩ quảng cáo, người nổi tiếng, tiktoker giới thiệu thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, không đúng công dụng, các ngành chức năng đã tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ vi phạm.

Chuyện bí ẩn về bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh

Những câu chuyện xung quanh việc sáng tác chung của Đoàn Chuẩn và Từ Linh cho đến nay, vẫn còn là bí mật. (Ảnh: Vàng Son một thuở)
(PLVN) - Trong hầu hết các sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thường ký bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Về cái tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh có rất nhiều giai thoại. Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không thể giải thích hay làm sáng tỏ được việc viết nhạc và lời của hai ông trong các sáng tác.

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ
(PLVN) - Đỗ Lễ được nhiều người biết đến nhờ những bản tình ca buồn như: “Sang ngang”, “Mắt buồn”, “Ngày tạm biệt”... Những lời ca day dứt, đau thương đã vận vào cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh này.

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Ảnh: Thùy Dương).
(PLVN) - Trong số tài liệu bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ), khối tài liệu về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 là một trong những khối tài liệu phản ánh một phần lát cắt của lịch sử dân tộc vẻ vang, hào hùng giữa thế kỷ XX.

Cảm nhận nhạc Đỗ Bảo ở “Khung trời khác”

Cảm nhận nhạc của Đỗ Bảo giản đơn, mộc mạc, nhưng rất sâu lắng và tinh tế (ảnh NVCC).
(PLVN) - Khung trời khác, là cảm nhận của một chàng ca sỹ Hà Nội về những bài hát do chính một nhạc sỹ Hà Nội sáng tác. Vẫn là những ca khúc quen thuộc của nhạc sỹ Đỗ Bảo, nhưng lại rất mới, rất khác so với những bản thu âm mà khán giả từng nghe trước đó.