[Truyện ngắn] Lão Sưa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thằng Kiên bị thói a dua bùng lên, giày vò. Nhìn thấy chúng bạn thay xe hơi như thay áo, nó muốn đua nhưng thuyết phục rát cổ, ông bố vẫn chưa chịu bán cây sưa. Mặc dù nó mòn mỏi thúc giục, tìm nhiều lý lẽ đấu tranh mặt ông bố vẫn cứng như thép. Lòng ông không gì xoay chuyển.

Thằng Kiên chưa chịu đầu hàng. Hôm rồi có khách về trả lão Sưa hai sáu tỉ đồng để bứng cụ cây khổng lồ hiên ngang nổi tiếng cả vùng. Đó là núi tiền mà cả dòng họ lão Sưa và cả xã Tiến Thắng không bao giờ dám mơ tới. Nhưng ngay cả khi đặt trước mặt lão cả núi tiền, lão cũng chẳng động lòng.

Tên thật lão là Hoàng Thống Nhất, đời thứ sáu trông nom cụ sưa. Vì lúc nào cũng nêu cao trách nhiệm trong bảo vệ gia phong, noi gương người đời trước trông nom cụ sưa nên người làng gọi lão Nhất là ông Sưa, lão Sưa.

- Bố không thấy các dòng họ khác người ta ngời ngời phát triển, rầm rộ xây nhà cao, mua ô tô, rồi tổ chức khao làng, khao họ. Mấy thằng cu nứt mắt trong dòng họ nghèo khó cả bốn năm đời, rồi bỗng chốc cưỡi cún tiền tỉ tí tởn lượn khắp làng trên, xóm dưới khoe của. Nhìn chúng nó con thấy ngứa mắt.

Cún là cách bọn thanh niên rửng mỡ trong làng nói về những chiếc xe hơi tiền tỷ. Bọn chúng đua nhau sắm cún. Cún càng cưng càng đẳng cấp. Mỗi con cún được dắt về là mỗi lô đất, sào đất, mẫu đất được bán đi.

- Mày định làm gì? Tao không bán cụ sưa. Đời tao không mạt như thế. Mày thừa biết rồi. Tao không để mày đú đởn đua theo bọn trẻ con mới nứt mắt đã học làm sang. Toàn lũ bóc ngắn cắn dài. Điên dại!

Mặt lão đỏ gay, thằng Kiên bước thêm một bước, tay vung qua đầu, nài nỉ:

- Vậy bố cứ cưa một cái cành đi. Cổ thụ ba trăm năm cũng chẳng chết được. Cây vẫn cứ sống. Bố vẫn sống và cũng chẳng rơi vào thời mạt nào hết. Còn con được thể diện.

- Tao cấm! - lão Sưa gắt. Vợ lão tưởng chuyện gì ở dưới bếp chạy lên. Thằng Kiên vùng vằng, mím môi quay đi. Nhìn là biết điệu bộ của nó. Chắc trong bụng nó muốn nện lão một trận cho gục xuống rồi đứng lên giành quyền quản lý cây sưa.

- Con nhà mất dạy.

Vợ lão đứng thẫn thờ, thở dài và bao giờ cũng kèm theo cái lắc đầu. Bà biết thằng con quái quắt lúc nào cũng muốn ăn sống nuốt tươi cây sưa, còn lão chồng cố chấp. Hai bên đang hành hạ nhau.

Lão ra ngồi ngả lưng vào gốc sưa – khối vàng lộ thiên quý giá giữa ngôi vườn mà hàng trăm kẻ buôn gỗ lượn lờ đánh xe hơi đến đặt vấn đề, thuyết phục chủ nhân bán cụ sưa. Có đợt một mụ ngực thỗn thệ sánh bước bên đại gia đồ gỗ ở Đồng Kỵ về gạ gẫm, ngọt nhạt, tốn biết bao nước bọt nhưng vẫn không thuyết phục được lão Sưa. Sau cùng mụ bực bội lấy tay khép bộ ngực bự lại rồi lên xe chuồn thẳng. Lão thấy mình cứng cỏi và dũng cảm. Lão nhủ: Đúng, không dũng cảm thì đã ngã sấp mặt trước áp lực của đồng tiền rồi. Ai chả muốn sống sung sướng. Nhìn thấy đồng tiền, nhất là người nông dân quanh năm vất vả, ai chẳng ham. Thấy người làng xây nhà to, sắm đủ thứ đắt tiền, tậu ô tô, lão cũng buốt ruột lắm, có lúc xốn xang không chịu nổi. Nhưng lão nhận trọng trách đời trước giao lại.

* * *

Đầu làng xôn xao thằng Ễnh con ông Ương dắt mới cún về. Trị giá hai tỷ. Ễnh học cùng Kiên. Hai thằng thi đỗ vào trường thương mại, học gần hết năm thứ hai thì bỏ về nhà đi buôn. Riêng chuyện bỏ học của thằng Kiên đã khiến lão Sưa đau đầu. Nay thằng Ễnh mua con xe mới không chỉ khiến lão Sưa lo lắng mà nhiều ông bố, bà mẹ ở làng sốt vó. Sẽ lại sinh ra các cuộc so bì gay gắt, rằng thằng Ễnh chưa đầy hai mươi tuổi đã mua được xe SH vì bố nó bán mảnh đất đầu làng, nay nó bán thêm ba sào ruộng khác để mua ô tô, cớ gì mình không.

Thằng Kiên lại bổ vào đầu lão những lời cay độc:

- Bố không thấy mình hèn sao? Tại sao chúng ta phải chịu cảnh nghèo khó này? Bố vẫn bảo con làng mình giàu có lắm cơ mà? Giàu sao chúng con vẫn khổ? Anh Thiên con, cũng vì lệch quan điểm với bố mà bỏ ở lì ngoài phố, giờ chẳng màng đến gia đình. Vì sao? Là vì bố quá cố chấp. Bố không phải người của ngày hôm nay. Bố cổ lỗ sĩ, lạc hậu, chậm tiến. Bố không thương các con.

- Con mắng bố được lắm. Bố không phủ nhận những điều con vừa nói. Trừ một việc ngược lại là bố thương các con, muốn giữ tài sản gia đình cho các con. Từ đó chung quy lại là bố đang làm đúng.

Thằng con hét toáng. Thế này cũng không được. Thế kia cũng không xong. Tôi sống còn ích gì nữa!? Tôi sống cho người khác cười vào mặt tôi và cái dòng họ này.

Gần chục năm nay lão Sưa không đi làm đồng mà chỉ lo chăn nuôi mấy con lợn, đàn gà ở quan vườn nhà. Việc đồng áng do vợ lão đảm trách. Mục đích của lão là bảo vệ cây và lúc nào cũng muốn để mắt đến. Ngoài gia công lại tường bao quanh vườn, làm cửa sắt kiên cố, lão thắp điện đêm dưới gốc cổ thụ để đề phòng bọn trộm đánh úp. Lão không muốn chút sơ sểnh nào xảy ra, bởi không con lão thì bọn trộm cắp lúc nào cũng nhòm ngó. Ở làng Đại Điền, những thằng học đòi lố lăng như thằng Ễnh phải có hàng chục. Con xe chẳng làm nó trở nên sang trọng. Ngồi con xe tiền tỷ nhưng chúng chẳng giàu, dẫu khoác lên mình tấm áo hợm hĩnh nhưng chúng vẫn rỗng tuếch. Số tiền khuân đi mua là từ bán đất tổ tiên, cha mẹ để lại. Chính thằng Ễnh cũng bỏ bố đẻ nó quằn quại trong bệnh tật cho đến chết. Nếu nó quan tâm đưa đi viện chữa trị thì ông Ương đã chẳng về chầu tiên tổ sớm đến thế.

* * *

Hai chục năm trước, trận bão lớn đổ bộ. Khi mới nghe dự báo, lão lo cụ cây nên đã dùng nhiều thân tre lớn chống xung quanh, níu dây chắc chắn. Vợ lão bảo cây sẽ không đổ được đâu, ông đừng nhọc sức. Nhưng lão vẫn làm. Phòng luôn tốt hơn chống. Ngộ nhỡ bão lớn, cây gặp nạn thì biết trách ai. Bão lớn ào về trong xót xa. Cây cối trong làng đổ quềnh quàng. Cả chục cây trong vườn lão đổ nhưng dựng lên, cứu lại được ba cây, trong đó có một cây sưa non. Cây sưa còn được gọi là trắc thối, vân thớ đẹp, phần lõi có giá cực đắt. Cụ thân sinh lão truyền lại, thời phong kiến vua chúa thích dùng gỗ trắc thối để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình vì nó vừa là hương liệu vừa là dược liệu. Hơn ba mươi năm qua, người Trung Quốc đổ xô săn lùng gỗ sưa nên đội giá gấp cả chục lần thứ gỗ này, khiến bao thôn làng nháo nhác vì sưa bị chặt trộm. Ngày đó, làng Đại Điền có tới hai chục cây to, nhưng nay chỉ còn vườn lão còn. Phần vì bị trộm, phần người ta bán đi để xây nhà, tậu đất, tậu xe. Vụ trộm đình đám nhất là hai cây sưa trong đền Cả bị tróc tận rễ, đúng vào một đêm mưa gió bịt bùng. Năm đó, có kẻ về trả giá hai cụ sưa ba tỉ đồng, nhưng các cụ trong làng không bán. Ủy ban nhân dân xã chung ý kiến giữ lại cổ thụ cho làng. Nhưng bọn trộm táo tợn lợi dụng trời mưa, sự mất cảnh giác để hành động. Sau vụ đó, lão Sưa vô cùng hoang mang. Lão quyết không bao giờ xa nhà một ngày. Có việc phải đi, lão cử vợ thay. Kể cả khi làng có cỗ bàn, đám hiếu, đám hỉ buộc phải có mặt, lão bắt vợ ngồi canh dưới gốc.

Có đận, vợ lão bảo, ông một mình một ý làm gì, khổ cả đời rồi, giờ cứ sống buông tay theo trào lưu. Người ta có nhà đẹp, mình cũng phải có. Đằng này ông có của mà không biết sướng, khư khư giữ nếp nhà cổ thấp tè, động mưa là dột. Hay là ông chịu khổ quen rồi, sướng không chịu được? Lão rân rấn nhìn vợ. Sự sốt ruột, tâm tư của vợ, lão hiểu. Với không khí và nếp sống ở làng thì hiện vợ lão đang chịu đựng. Chịu đựng cách sống kham khổ, từ chối vinh hoa của lão. Giá lão cứ phiên phiến một chút, thực dụng, nghĩ cho bản thân một chút, là chỉ cần cưa một cái cành, cây sưa cũng không chết, nhưng đã có thể chạm tay vào đống tiền, đủ để rủng rỉnh cả đời không phải khổ. Thế mà ai khuyên lão cũng không nghe. Lão bảo, như thế khác gì cưa cái tay mình đi. Áp lực với lão tăng lên khi thằng Tân, con trai lớn đỗ xịch chiếc xe ngoài ngõ, xuống xe khệnh khạng đeo kính đen bước vào khiến lão Sưa đứng chết chân. Lão hỏi, con mượn xe về à? Tân cười khẩy, con mua đấy! Tiền ở đâu mà mua? Thằng Tân nói con bán quả thận, cộng với ngần ấy năm làm thuê ở phố.

Lão suýt đứng không vững. Nó nói thật sao. Đây là thành quả của mấy năm trời nó bỏ ra phố, chẳng đoái hoài đến gia đình, vợ con, cộng với việc bán một quả thận - thứ góp phần hoàn thiện thân thể - món quà mà đấng sinh thành đã ban tặng cho nó. Sao có thể thế được. Chỉ vì đua chen, nuôi lớn thói hợm hĩnh cho bằng bạn bằng bè mà bất chấp như thế. Lão lắc đầu. Không thể thế được.

- Con đùa hay sao?

Thằng Tân chỉ ra tán sưa giữa vườn:

- Chả có gì phải đùa cả. Bố chịu bán cái thứ kia đi thì con đã chả xẻo thận đi bán đâu. Con còn định bán nửa lá gan cho đủ mua cái xe rẻ tiền này đấy.

Nói rồi, thằng Tân nhễ nhại quay xe rồi biến đi đâu đó, bỏ lại lão Sưa cùng một nỗi trống vắng không gì tả nổi. Ngực lão quặn thắt, như ai đó vừa móc vào moi quả tim.

* * *

Sự kiện thằng Tân đánh xe về làng cũng là đánh thức thêm hàng triệu nơ-ron thần kinh thực dụng đang thiêu đốt tâm trí thằng Kiên. Đại Điền lại gần thị trấn thứ hai của huyện. Trên thị trấn đám trai học đòi trọc phú nhiều vô kể, thành lập cả hội xế hộp để tổ chức ăn nhậu, vui chơi, câu cá, đánh bạc. Luồng gió ấy thổi tới tấp vào Đại Điền, tiếp tục thiêu đốt đám con dân mới nứt mắt đua đòi bỏ học sớm. Làng hơn hai mươi con xe. Làng hai mươi tám con xe. Rồi ba mươi tư con xe. Chưa kể số công nông đầu ngang làm vận tải chuyên chở vật liệu xây dựng hay số xe của một số con em trong làng, mới thành đạt đang sống ở ngoài phố. Số ô tô tăng lên chóng mặt, điều mà hai chục năm trước người Đại Điền có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng nổi. Hãnh diện lắm chứ khi những anh nông dân đi dép tổ ong đánh xe đi làm đồng, chở bố già thăm lúa. Lão Sưa hiểu, luồng gió độc đó càng thổi mạnh lão sẽ càng khổ, với áp lực ngày càng tăng. Bọn săn gỗ, đám thanh niên chơi với thằng Tân, thằng Kiên sẽ không ngừng công kích, khích đểu hai thằng về hành bố.

Thằng Kiên nghĩ ra cách để có cơ hội cưa một cành cây sưa. Nó muốn sắp đặt một chuyện thật khôn khéo. Hôm đó nhà có giỗ, Kiên dự định chuốc cho bố say đi ngủ, nó sẽ hành động. Nó tính toán: Cây sưa cách buồng ngủ của lão Sưa hơn hai mươi mét, dùng cưa tay với tiếng động nhẹ sẽ không để lộ. Nhưng khi cành gãy, chùm lá ập xuống đất sẽ khó tránh khỏi tiếng động rào rào. Nó tính sẽ nhờ bạn, dùng dây thừng níu để hạ từ từ, tránh tạo tiếng động. Nó nghĩ cách này hợp lý. Lão Sưa một khi đã rượu vào, ngủ rất say.

Lão Sưa không hề biết dã tâm của thằng con trai. Lão uống thật lực. Lâu rồi lão không có hứng đến thế, nhất là những vị khách thân thuộc bàn về một đề tài vô cùng hấp dẫn là bọn trẻ trong làng xã và cả vùng này. Tư duy cuộc sống của chúng thay đổi chóng mặt. Chúng cũng làm hoen ố chẳng ít người già vốn gần cả đời chỉ biết đến ruộng đồng. Thằng Kiên cũng hăng hái uống nhưng nó biết cách để mình không say. Nó nhắn tin với hai thằng bạn đang chờ thực hiện kế hoạch giúp nó. Kiên dễ dàng cưa một cành sưa mà nó áng chừng nặng gần ba tạ. Mấy con chó không sủa một tiếng vì chưa bao giờ nó đề phòng cậu chủ Kiên. Sáng sau tỉnh dậy lão thấy những chú chim lích chích góc vườn, không phải với tâm trạng xốn xang vui mà giống một sự xáo trộn hơn. Lão chạy ra thì phát hiện những cành lá nhỏ của sưa la liệt dưới gốc. Một cành sưa lớn đã bị cắt mất. Lão hét lên: “Chỉ có thằng Kiên. Thằng Kiên đâu? Thằng Kiên cưa trộm sưa rồi!”.

Lão lao lên nhà tìm, vừa tìm vừa hét. Không thấy Kiên, chỉ vợ lão hốt hoảng hỏi chuyện gì? Bà quặn thắt khi thấy cây sưa bị cắt một cành. Ba cành lớn tạo thế vững chãi của cây sưa, đã giúp cổ thụ đứng vững trong biết bao giông gió cuộc đời, nay trống huơ trống hoác một phía. Lão Sưa lững thững tiến về gốc cội, quỳ thụp xuống, bưng mặt khóc.

* * *

Sau khi thằng Kiên cầm chắc số tiền bán cành sưa, nó liền đi mua xe, sau mới vác mặt về gặp bố. Kiên quỳ thụp xuống, xin lỗi. Nó biết, cùng lắm lão sẽ mắng con, đánh con một trận chứ sẽ không dám giết. Nó coi như chuyện đã rồi và lão Sưa sẽ chẳng thể thay đổi tình hình.

Lão Sưa nhìn Kiên, không chớp mắt, không nói. Thằng Kiên cúi gằm mặt chờ đợi trận lôi đình giáng xuống.

Tự dưng lão khuỵu xuống, ôm ngực, rồi lịm đi. Kiên nhào ra đỡ bố, hét toáng: “Bố ơi, bố đừng sao nhá. Con biết lỗi rồi. Bố ơi!”.

Truyện ngắn của Hải Miên

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Đọc thêm

Cầu mây Việt Nam: Vươn tầm thế giới, khát vọng đầu tư

Đội tuyển cầu mây Việt Nam tại Giải Cúp Cầu mây Thế giới 2025 (ISTAF World Cup 2025)
(PLVN) - Dù liên tục mang về những tấm huy chương danh giá từ các đấu trường quốc tế, khẳng định vị thế cường quốc, nhưng cầu mây Việt Nam dường như vẫn chưa nhận được sự quan tâm và biết đến rộng rãi tương xứng từ công chúng trong nước. .

CLB bóng đá Quảng Ninh FC xuất quân

CLB bóng đá Quảng Ninh FC tổ chức Lễ xuất quân mùa giải hạng Nhì Quốc gia 2025.
(PLVN) - Tối 13/4, tại khách sạn Paddington (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), CLB bóng đá Quảng Ninh FC tổ chức Lễ xuất quân mùa giải hạng Nhì Quốc gia 2025.

Tôn vinh giá trị Áo dài qua chương trình 'Hương sắc Việt Nam'

Tôn vinh giá trị Áo dài qua chương trình 'Hương sắc Việt Nam'
(PLVN) - Tối 13/4, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam” nhằm tôn vinh, phát huy giá trị di sản Áo dài và quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng đến gần gũi hơn với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.

'Bước chân trên mây' Lần thứ II - Chinh phục đỉnh Tà Xùa đã thành công rực rỡ

Ông Vũ Lê Chung Anh - Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu và ông Vũ Hoài Nam - Tổng biên tập báo Pháp luật Việt Nam trao giải cho 2 vận động viên đạt giải Nhất.
(PLVN) - Giải Leo núi Bước chân trên mây Lần thứ 2 – Chinh phục đỉnh Tà Xùa đã diễn ra thành công ngoài mong đợi. Vào tối ngày 13/4, lễ Tổng kết và trao giải đã long trọng diễn ra tại Khu du lịch Suối khoáng nóng Cường Hải - Trạm Tấu - Yên Bái, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo huyện Trạm Tấu, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, các nhà tài trợ và các vận động viên…

Thân thương các tỉnh, thành Việt Nam

Lần thứ hai Bác Hồ về thăm Quảng Ninh vào ngày 4/10/1957. (Ảnh Tư liệu)
(PLVN) - Nếu có dịp đi dọc dài dải đất hình chữ S, chúng ta sẽ thấy mỗi vùng miền đều có những dấu ấn, phong vị riêng. Và đặc biệt, có những địa danh đã trải qua hàng ngàn năm, có những địa danh ra đời trong những giai đoạn lịch sử với những tên gọi đã trở thành một phần di sản, văn hóa...

Một góc nhìn về lược sử hành chính Việt Nam

Một góc nhìn về lược sử hành chính Việt Nam
(PLVN) - Không phải đến bây giờ, Việt Nam mới thực hiện những đợt sắp xếp, chia tách và sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Nhìn lại lịch sử, việc tổ chức các đơn vị hành chính dưới các triều đại phong kiến ở Việt Nam có nhiều biến động cả về quy mô và tên gọi các đơn vị hành chính.

Điều ít biết về những nét vẽ đầu tiên của phim hoạt hình Việt Nam

“Đáng đời thằng Cáo” - bộ phim hoạt hình đầu tiên của ngành hoạt hình Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu)
(PLVN) - Tại Việt Nam, hành trình phát triển của phim hoạt hình tựa như một bức tranh sống động, rực rỡ sắc màu và đầy cảm xúc. Từ nét vẽ đầu tiên cho đến thành công rực rỡ như hiện tại, đó là công sức của biết bao thế hệ nghệ sĩ đầy đam mê, miệt mài cống hiến với bộ môn được gọi là môn nghệ thuật thứ 8.

Tự hào gọi tên quê hương mình

Tự hào gọi tên quê hương mình
(PLVN) - Hiện nay, việc sắp xếp đơn vị hành chính gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả được Đảng, Nhà nước tập trung thực hiện và được đồng tình cao. Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua, Ban chấp hành Trung ương thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương)...

Việt Nam ngàn dặm thân thương

Thúy Hằng trong chuyến du lịch đến những địa điểm hấp dẫn ở Việt Nam. (Nguồn: NVCC)
(PLVN) - Trong vài năm trở lại đây, người trẻ Việt Nam có xu hướng tìm về với quê hương, nguồn cội. Thay vì đi những tour du lịch “out door”, hiện nay, giới trẻ chọn khám phá địa điểm văn hóa, thiên nhiên tươi đẹp của Việt Nam.

Dung hòa và phát huy sự khác biệt của mỗi vùng miền

Thủ đô Hà Nội ngày càng đẹp sau 17 năm sáp nhập với Hà Tây. (Ảnh: Đinh Mạnh Hà)
(PLVN) - Đất nước ta nổi tiếng với sự đa dạng về văn hóa, trải dài, uốn lượn theo những cung đường hình chữ S. Từ trung tâm chính trị miền Bắc qua miền Trung kiên cường rồi đến vùng đất năng động miền Nam, mỗi vùng miền đều mang trong mình những đặc trưng riêng. Nhận định ấy thể hiện rõ qua sự sinh động về ngôn ngữ, phong tục tập quán và qua ngay cả cách đặt tên các địa danh trên khắp dải đất này.

Dải đất hình chữ S tuyệt đẹp qua ca dao, tục ngữ

“Cổ Loa là đất đế kinh/Trông ra lại thấy tòa thành tiên xây”. (Ảnh: Báo Ảnh).
(PLVN) - Ca dao, tục ngữ, thành ngữ về quê hương ghi lại những bức tranh tuyệt đẹp và sống động về phong cảnh, đặc sản, thói quen, con người của từng vùng miền trên đất nước Việt Nam. Nó giúp ta hiểu hơn về địa danh, con người, lối sống từng địa phương và thêm yêu quê hương - mảnh đất thân thương, là mái nhà ấm áp, là nơi tìm về bình yên nhất của mỗi con người.

Rộn ràng nhịp trống lân sư rồng

Hàng trăm đoàn lân sư rồng đã tham gia biểu diễn tại Bình Dương ghi danh vào sách kỷ lục Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
(PLVN) - Cuối tháng 3/2025, UBND TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức lễ công bố quyết định Nghệ thuật lân sư rồng của người Hoa được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc công nhận di sản đã góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp truyền thống trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam.

Tấm 'bản đồ tâm hồn' trong tim mỗi người dân nước Việt

Cột cờ Lũng Cú-Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc. (Ảnh: ST)
(PLVN) - Trên dải đất hình chữ S của Tổ quốc Việt Nam, mỗi địa danh vang lên không chỉ là tên gọi, danh xưng, mà đó còn là dấu ấn văn hóa, lịch sử, con người của từng vùng đất. Để từ đó hình thành nên bản sắc dân tộc, để mỗi tỉnh, thành là một mảnh ghép của Tổ quốc dấu yêu.