[Truyện ngắn] Dáng thu

[Truyện ngắn] Dáng thu
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đó là trung thu đầu tiên từ khi con trai ông lên thành phố đến giờ, gia đình mới bên nhau ăn một bữa cơm dưới mái nhà xưa cũ. Người con cúi đầu xin lỗi bố. Ở đời vốn dĩ cứ hay suy bụng ta ra bụng người, để rồi khiến chính những người thân của mình lại chịu tổn thương.

1. Ông Sâm từ từ mở mắt. Mùi dầu gió xộc vào mắt, vào mũi cay xè. Thấy nhòe nhòe trước mặt. Khối hình chập chờn đung đưa, nhảy nhót trong cái nắng rờ rỡ chiếu thẳng từ ngoài sân vào. Một chốc, nó tụ lại, khẽ lay động rồi đứng yên. Ông cố nhướn mắt mở thật to. Thì ra là bà Cầm đang đứng trước mặt ông. May quá, ông tỉnh rồi. Ông Sâm cảm giác đầu còn hơi váng vất. Muốn ngồi dậy mà cứ thấy chân tay bủn rủn, toàn thân chòng chành. Ông cố nhớ lại những gì đã xảy ra. Khi đang đi trên đường, thế nào mà ông bỗng thấy hoa mắt, chóng mặt, tưởng như ngã gục thì có người đỡ dậy và dìu ông về. Ông như lạc vào trong cơn mê, thấy có cụ già râu tóc bạc phơ hiện ra, tay cầm một giỏ thị quả chín vàng ngát hương thơm đưa cho ông. Ông vừa giơ tay ra định đỡ lấy thì nghe từ đâu tiếng gọi mình, hối thúc, giục giã. Rồi tất cả mờ nhòe. Phút chốc biến thành ảo ảnh. Quả thị vàng tan thành ánh nắng xói thẳng vào mặt ông chói lóa. Mùi thị thơm bỗng sực lên thành mùi dầu gió xanh Thiên Thảo. Ông cụ râu tóc bạc lại hóa thành bà Cầm xóm dưới.

Bà Cầm đỡ ông ngồi dậy uống cốc nước mát. Chắc là bị cảm nắng đấy. Lần sau đi đâu đợi trời bớt nắng rồi hẵng đi. Ông gật đầu rồi uống hết cốc nước. Thấy mình vâng lời như một đứa trẻ ngoan. Cảm giác này lạ lắm, mấy chục năm rồi, chưa từng có.

Bà lại giục ông nằm nghỉ để bà xuống bếp nấu bát cháo hành tía tô cho ông ăn giải cảm. Bóng người đàn bà đi khuất để lại một cái gì chống chếnh nơi bậc cửa. Căn phòng ngập mùi hương. Và nắng. Và gió. Và tiếng chim từng giọt trong veo đọng lại đáy chiều.

2. Góc vườn nhà ông Sâm có cây thị đã vài trăm tuổi. Cứ hết đời này đến đời khác, từ tổ tiên ông cho tới ngày nay, tán thị xòe bóng bên những nếp nhà ngói rêu phong. Ông nhớ hồi còn bé thường vặt lá thị xát vào ghế những thằng bạn học rồi cười ngả ngớn trước những trận xì hơi không kiểm soát của bọn chúng. Lũ bạn cay cú, quyết tâm rình bằng được hôm nào ông lăng xăng bên cạnh cô bạn cùng lớp, chúng tìm cách trả thù đòn hiểm ấy. Kết quả là vào khi không phòng bị, ông lại được một phen bẽ mặt trước cô bạn nhỏ. Tiếng cười giễu cợt phát ra từ khuôn miệng xinh xắn ấy khiến ông lúc đó cảm thấy bị tổn thương ghê gớm. Nó ám ảnh ông suốt tuổi hoa niên. Tiếng cười của cô bạn gái còn có sức mạnh hơn cả đòn roi. Bởi đã có lần ông xát lá thị vào ghế cha ngồi, bị cha đánh cho một trận đòn tơi tả, nhưng ông vẫn không chừa. Vậy mà, chỉ tiếng cười ấy đã khiến ông từ bỏ trò nghịch dại.

Mùa này, những trái thị bắt đầu dậy hương. Quả tròn căng mọng lúc lỉu trên cành. Ông lựa hái những trái đẹp nhất đặt vào cái rổ nan rồi định mang cho bà. Từ bữa bà đỡ ông bị cảm nắng ở ngoài đường về, ông bà hay qua lại nhà nhau. Lúc thì ông cho bà tấm bánh, lúc thì bà cho ông đồng quà. Người già, ăn là mấy nhưng lại quý cái tình, cái nghĩa. Biết ông đang chuẩn bị quà trung thu cho đứa cháu ở trên thành phố, bà mang sang cho ông ít tre để ông làm đèn. Rồi lại chép miệng bảo ông, giờ bọn nó có biết bao là đồ chơi đẹp, chả biết mấy cái thứ nhà quê này liệu chúng còn dùng nữa hay không. Ông cười, bảo, mình vui là chính. Rồi hai ông bà cùng cười. Nụ cười mỏm mẻm, như chỉ đủ để người kia biết là mình đang vui.

Ông vừa bước ra đến cổng thì đứa con trai trên thành phố của ông về đến nơi. Nhìn thấy dáng vẻ vội vã của ông, nó đoán là ông lại chuẩn bị sang bên nhà người đàn bà ở xóm dưới. Nó thở dài bảo, bố không muốn ở trên đó với con là vì người đàn bà đó ư?

Ông lặng yên không đáp. Nó đâu hiểu được lòng ông. Nó đâu hiểu được cảm giác cô độc của ông bị giam cầm trong ngôi nhà tiện nghi sang trọng. Nó chỉ nghĩ mang ông lên đó để mà báo hiếu nhưng đã bao giờ nó biết ông muốn gì. Ông muốn ánh sáng và khí trời, hương thơm và tiếng chim, muốn được mỗi sớm chiều tản bộ trong khu vườn xanh mát, dưới bóng thị in dấu thời gian, muốn một vầng trăng tròn đầy lồng lộng trên đỉnh trời không bị chọc nát bởi những ngôi nhà cao tầng. Những điều đó, nó làm sao có được?

Thấy ông im lặng, thằng con trai ông lại tiếp lời. Giờ bố già rồi, ở một mình nhỡ có mệnh hệ gì thì con làm sao gánh nổi. Lần này con về là lại muốn đón bố về ở với chúng con. Còn nhà cửa ở đây, bố cứ để con lo. Đằng nào, đến lúc bố hai năm mươi, con cũng phải là người gánh vác.

Ông chép miệng thở dài. Số kiếp vợ ông ngắn ngủi, hai người cũng mới chỉ được có một mụn con. Ông gà trống nuôi con mấy chục năm giời, cũng may con ông được nên người. Giờ nó đòi báo hiếu, ông thì cứ nằng nặc chối từ. Đúng là suy nghĩ của lớp trẻ và của lớp già ngày càng xa nhau, khoảng cách thế hệ dần dần như một cái vực sâu án ngữ trước mặt bố con ông.

Được rồi, anh cứ để thư thư vài hôm, rồi tôi thu xếp.

Ông nói vậy để kéo dài thời gian thôi, chứ cũng chẳng biết thu xếp thế nào. Lòng ông như một mớ bòng bong. Cuộc nói chuyện giữa hai bố con chẳng đâu vào đâu, hết chuyện nhà cửa lại sang đến chuyện người đàn bà. Nhắc đến bà là nó phản ứng vô cùng gay gắt. Nó không chấp nhận ông quen với một người đàn bà như thế. Không biết từ bao giờ nó đã coi mình có cái quyền chấp nhận hoặc không với bố nó như thế? Nó bảo, hai mẹ con nhà bà Cầm có tốt đẹp gì đâu. Dính vào loại người đó, chỉ có mà mang tiếng với thiên hạ, tha hồ người ta phỉ nhổ. Người đàn bà này xưa không chồng mà chửa, chẳng biết rước cái giống của nợ ở đâu về. Thằng con hoang lớn lên thì đầu trộm đuôi cướp, giờ đang trong tù, nghe đâu án cũng phải vài chục năm. Bọn họ chỉ muốn lợi dụng ông rồi về chiếm đoạt cái mảnh đất này để bán lấy tiền chạy cho thằng con thoát khỏi cảnh tù tội mà thôi. Từ mẹ cho đến con, đúng là rau nào sâu nấy.

Không kìm được cơn giận dữ, ông giơ tay ra tát con một cái. Từng lời nói của đứa con khiến ông thấy lòng đau nhói. Đến lúc nó đi về rồi, ông vẫn ngồi như hóa đá. Những trái thị đã tuột khỏi tay ông, lăn lóc dưới sân tự lúc nào. Từng trái chín giập nát, sực lên một mùi thơm ảo não và buồn tẻ. Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Có ai lại dạy con đi vào đường tù tội? Bà Cầm cả đời thiệt thòi, đáng thương chứ sao đáng giận? Sao cứ phải nhìn đời bằng con mắt phán xét của lòng tham?

3. Trăng đã đổ bóng xuống mặt sân khấp khểnh rêu phong. Tiết thu trong lành và dịu nhẹ. Ông Sâm cầm chiếc đèn ông sao lên ngắm nghía. Ông đã mất nửa tháng trời tỉ mẩn vót tre, đan khung rồi kiếm giấy dán trang trí để làm xong món quà tặng đứa cháu nội nhân dịp Trung thu. Chẳng biết nó có vui không khi nhận được món quà này. Bố mẹ chúng cũng kêu là ông làm gì cho chết mệt. Nhưng ông vẫn làm. Mấy bữa, bà Cầm sang đỡ ông vót tre, còn bị dao cứa vào tay chảy máu. Thế mà, hai người già vẫn cặm cụi làm như cặm cụi góp nhặt những niềm vui từ mảnh kí ức xưa.

Ông nghe tiếng dép loẹt quẹt đi vào. Không cần quay lại ông cũng biết là bà Cầm sang. Những bước chân của bà, lúc nào cũng ngập ngừng, khắc khoải.

Bà ngồi xuống bên cạnh ông, giọng nói thoảng qua, bọn trẻ chưa về à? Bà thấy chiếc đèn ông sao vẫn nguyên ở đấy. Từ khi làm xong, hôm nào ông cũng lôi ra ngắm nghía mà bọn trẻ chưa về. Mà hôm nay mới có mười ba, bà lại tiếp lời, không muốn ông nghĩ ngợi. Rồi bà đưa cho ông cặp bánh, bảo, tôi làm đấy, được có vài cặp thôi, nay mang sang biếu ông. Mai tôi lên chỗ thằng Đán nhà tôi.

Vừa nói, bà Cầm vừa rơm rớm nước mắt. Ông Sâm không biết phải nói gì với bà lúc này. Bóng trăng khẽ lay động trên những tán lá nơi khu vườn yên tĩnh. Hai người cùng lặng đi. Chỉ còn những trái thị dâng hương miệt mài.

4. Sáng sớm hôm sau, bà Cầm hớt hải chạy sang nhà ông Sâm. Ông chưa kịp hỏi thì bà đã hổn hển vừa nói vừa thở, nó về rồi, thằng Đán, nó về, nó bị oan. Người ta bảo nó bị oan đấy ông ạ! Bà cười mà hai hàng nước mắt cứ trào ra. Nó về đêm qua, nó không chờ được đến sáng mà phải mò về trong đêm để báo cho tôi biết. Người ta sẽ xin lỗi nó, đền bù cho nó…

Tin con bà Cầm bị oan lan đi khắp làng trên, xóm dưới. Cứ mừng mừng, tủi tủi... Ông Sâm thấy lòng nhẹ nhõm, những muộn phiền như được trút bỏ. Ông lau dọn bàn thờ tổ tiên, đặt lên ban một đĩa thị vàng và cặp bánh trung thu mà bà Cầm mang sang tối hôm qua. Ông cắt vài cành mẫu đơn ở trong vườn cắm vào hai cái lọ đặt hai bên bàn thờ. Từng chùm bông xòe to, nở đỏ rực như những ngọn lửa cháy bập bùng.

Bỗng có tiếng ríu rít ngoài cổng. Ông quay ra nhìn thì thấy thằng con trai dẫn cả nhà nó về. Đứa cháu nội nhanh nhảu gọi rồi chạy sà vào lòng ông, nũng nịu, đèn trung thu của cháu đâu hả ông?

Ông cười, xoa đầu thằng bé rồi đưa cho nó chiếc đèn ông đã mất công làm nửa tháng trời. Nó cảm ơn ông rối rít rồi cầm đèn chạy vụt đi.

Đó là trung thu đầu tiên từ khi con trai ông lên thành phố đến giờ, gia đình mới bên nhau ăn một bữa cơm dưới mái nhà xưa cũ. Người con cúi đầu xin lỗi bố. Ở đời vốn dĩ cứ hay suy bụng ta ra bụng người, để rồi khiến chính những người thân của mình lại chịu tổn thương.

Trời đã về đêm.

Ông ngước về phía cây thị đang thấm đẫm ánh trăng. Chẳng biết có phải là hoa mắt không mà hình như ông thấy có một cô Tấm đang bước ra từ trong quả thị.

Truyện ngắn Nguyệt Chu

Tin cùng chuyên mục

Gặp lại người thầy

Gặp lại người thầy

(PLVN) - Chợ sớm tấp nập, cảnh bán hàng rổn rảng. Tiếng mời mọc, mặc cả, cười đùa làm cái tinh sương trở nên ấm áp. Mấy bác bán rau vừa hạ xong xe hàng, ngồi hút thuốc lào sòng sọc.

Đọc thêm

Tạm biệt tháng 3...

Tạm biệt tháng 3...

Giờ thì tao thoải mái khóc rồi, mày cũng hết đau đớn rồi. Tạm biệt nhé tháng 3... Tạm biệt một người bạn thân, tạm biệt Hà Sơn Bình - một nhà báo với nụ cười hiền tỏa nắng...

Dưới bóng xanh có đôi mắt đẹp

Điệu múa uyển chuyển trong trang phục của phụ nữ dân tộc Mường. (Ảnh: Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam)
(PLVN) - Ngẩn ngơ dưới cây tếch đầu bản, Lương như người bị bắt mất hồn. Chân anh chạm vào những vụn li ti trắng như sữa của hoa tếch. Hương đào núi đã phảng phất trong gió. Hoa đào không biết lòng Lương đang bồn chồn đợi chờ. Anh giật mình khi nghe tiếng bà Tơi gọi.

"Ngày hôm nay tôi mất đi một người bạn..."

"Ngày hôm nay tôi mất đi một người bạn..."
(PLVN) - Bình không còn ở lại căn phòng đó nữa, không còn ở lại với vợ con, bạn bè, đồng nghiệp và những dự định dang dở nữa. Cây vạn niên thanh vẫn tốt tươi, nhưng một chiếc lá xanh tên là Hà Sơn Bình vừa rơi xuống…

Hạnh phúc là đi trên mặt đất

Thế hệ ngày nay luôn miệt mài tìm câu trả lời cho câu hỏi về hạnh phúc. (Nguồn ảnh: Youtube)
(PLVN) - Hạnh phúc là gì? Hàng triệu con người trên trái đất này, ngày đêm vẫn luôn đặt ra cho mình, cho nhau câu hỏi ấy. Nhưng làm gì có một khái niệm cụ thể, bất biến, chính xác cho hạnh phúc bây giờ? Mỗi một người mưu cầu khác nhau và giá trị của hạnh phúc đối với họ cũng khác nhau. Ở mỗi một thời đại, tiêu chuẩn sống thay đổi, giá trị hạnh phúc cũng đổi thay theo.

Điều anh không nói

Điều anh không nói
(PLVN) - Cô đốt một điếu thuốc rồi rít một hơi thật sâu, tiếng rít làm cho màn đêm yên tĩnh bỗng như bị xé toạc bởi thanh âm nặng nề của khói thuốc.

Nghe radio với ba

Nghe radio với ba
(PLVN) - Bữa Tết rồi tôi chở ba tôi đi chơi. Ba nói mở Ngọc Tân nghe hát đi. Tôi mở lại cho ba bài “Hà Nội và tôi” của Lê Vinh. Ông nghe say sưa và kết luận: “Ca sĩ chả có ai hát hay hơn Ngọc Tân”.

Gió về ngang căn bếp

Gió về ngang căn bếp
(PLVN) - Liên và Dũng là đôi bạn từ nhỏ, họ yêu nhau bình lặng, về chung một nhà, không ồn ào, biến cố, không trắc trở cấm ngăn.

Khai mạc Triển lãm ảnh “Tổ quốc bên bờ sóng”

Khuôn viên nơi tổ chức triển lãm.
(PLVN) - Ngày 15/3, tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ Thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức triển lãm ảnh “Tổ quốc bên bờ sóng” nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2024).

'Sống' - liên kết sợi dây cội nguồn

Cuốn sách khắc họa hình ảnh của hai người phụ nữ của hai thế hệ. (Ảnh: NXB Kim Đồng)
(PLVN) - “Sống” là câu chuyện về một người mẹ kể cho con gái về những kí ức li kì xuyên suốt khoảng thời gian bà sống và làm việc trong chiến khu. Với hai tuyến thời gian quá khứ - hiện tại cùng các nhân vật đan cài, cuốn sách khắc họa hình ảnh của hai người phụ nữ của hai thế hệ.

Người đến sau

Tranh minh họa.
(PLVN) - Gió đêm rít từng cơn, dẫu nghe dịu nhẹ nhưng cũng đủ làm lạnh lẽo những hình nhân đang khẽ đắm chìm trong cô tịch.

“Mẹ yêu con”

”Trên lưng mẹ” - bức ảnh của tác giả Lê Bích chụp năm 2005. (Nguồn ảnh: BTC)
(PLVN) - Tình mẫu tử luôn là nguồn cảm hứng bất tận, được nhiều nghệ sĩ thể hiện đa dạng qua nhiều hình thức. Trong đó, nhiếp ảnh cũng là một ngôn ngữ đặc biệt.

Dưỡng thần

Dưỡng thần
(PLVN) - Không gian ấy bình lặng mà tươi thắm, hoa đua nhau nở. Hoa vẫy mời chim chóc về ríu rít. Hoa gọi nhành nắng xuân. Tất cả do bàn tay ông Đức làm ra. Khi ông đang chăm sóc chậu mai chiếu thủy thì tiêng ông Hiệp vọng vào. Cổng chỉ khép. Ông Hiệp khoái trí cười với sắc hoa đón chào.

Điều đẹp đẽ chỉ ngắn ngủi vậy thôi

Ảnh minh họa: Internet
(PLVN) - Ngày Tết chúng ta nói chuyện vui, đoàn viên, hội ngộ, nhưng ngày Tết cũng có những khoảng lặng ngầm ngùi, sâu lặng, để thao thức về ngày đã qua và tương lai. Nghe radio những ngày này thấy toàn mở nhạc xuân vui tươi, hoan ca… đơn giản vì người Việt hay nói: Vui như Tết! Nhưng thực sự ngày Tết có phải là ngày vui vẻ hay là ngày tiễn đưa của thời gian và lòng người nặng trĩu suy tư?

Ánh lửa trên đồi quyên thảo

Ảnh minh họa: Internet
(PLVN) - Đã bao năm chị vẫn giữ thói quen dậy sớm nhóm lửa. Sáng nay cũng vậy, khi lũ chim trên đồi quyên thảo thức giấc, chị lại trở dậy ngồi bên bếp lửa.

“Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế”

Ra mắt sách “Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế”. (Ảnh: BTPNVN)
(PLVN) - Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hiện lưu giữ hàng nghìn lá thư thời chiến của những người phụ nữ, thể hiện tâm tư của những đôi lứa yêu nhau phải tạm chia xa, của những người vợ đợi chồng, những người con nhớ mẹ, những người chị ngóng tin em... Sự ngăn cách giữa hậu phương và tiền tuyến khiến họ đành gửi gắm yêu thương, vui buồn cuộc sống và động viên nhau qua những lá thư.

Chuyện của bà

Ảnh minh họa truyện. (Nguồn: Internet)
(PLVN) - Phải nói chưa có một gia đình nào phức tạp như gia đình tôi, phức tạp từ những mối quan hệ trong gia đình, phức tạp từ bản tính của từng con người với mỗi tính cách khác nhau nhưng đều khó hiểu, cho đến phức tạp hoàn cảnh gia đình. Nhưng có lẽ phức tạp nhất đó là mối quan hệ giữa ông bà tôi, một mối quan hệ mà từ lúc bé tôi chẳng hiểu rõ đó là yêu thương hay tất cả đều đã phai nhạt qua thời gian và năm tháng.