[Truyện ngắn] Cô gái tóc dài

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hồi còn ở quê, mỗi khi mẹ Ngọc gội đầu hong tóc, dù đang bận chấm bài hay đọc sách, ông cũng ngừng tay đến ngắm vợ, nhất là ngắm cái suối tóc chảy dài trên lưng bà, mỗi lần bà hất tóc lên, y như là cha Ngọc ngẩn người ra đến thẫn thờ...

Góc phòng của Ngọc đầy gấu bông. Mỗi con gấu bông được mang một chiếc huy chương giải thưởng của một cuộc thi thời trang.

Ngọc chưa hẳn là một cô gái đẹp, nhưng là một diễn viên múa khá say mê.

Người cao, những số đo rất lý tưởng, dáng dấp nhẹ nhàng, thanh tú, ai cũng bảo Ngọc là một cô gái thành phố, nhưng thật ra Ngọc đích thực là một cô gái chân quê... Cha là giáo viên cấp hai, mẹ chỉ là một diễn viên nghiệp dư diễn chèo, vào những buổi nông nhàn. Năm 12 tuổi, trường nghệ thuật tỉnh sơ tán về làng, nhiều cô bé được các diễn viên thấy xinh xinh, dáng đẹp, trắng trẻo liền dạy cho các em múa. Không ngờ Ngọc phát lộ được năng khiếu. Ngọc múa rất khéo và chuẩn, kể cả những động tác khó mà nhiều diễn viên thực thụ cũng không dễ gì làm được. Ông hiệu phó rất quý, giới thiệu em thi vào trường múa trung ương...

Những năm ấy, chiến tranh cũng vừa kết thúc được mấy năm. Cha mẹ Ngọc, nhất là cha có ý định cho con đi học múa. Và Ngọc thi đỗ, học liền gần chục năm ở trường...

Tốt nghiệp ngành múa Ngọc được nhận ngay vào Nhà hát Ca múa nhạc, nhưng xem ra đất dụng võ chưa có bao nhiêu. Nhiều sinh viên ballet xuất sắc cũng không có vở, không có sân khấu để thực nghiệm, thử thách tài năng... Quen ai, quen nhóm nào là những lựa chọn rất khó, bởi vậy các diễn viên trẻ thường bám các ca sĩ nổi tiếng để múa phụ họa... Nhiều khi không cần có múa cũng phải bịa ra mà múa. Ðạo diễn nhạc thì hiểu biết múa cũng vừa phải thôi. Có ông cho dàn phụ họa xem một đĩa CD của một ban nhạc nổi tiếng nước ngoài, khi thì nhạc blue, khi thì nhạc Rock, khi thì nhạc đồng quê và bảo cứ phỏng theo và cải tiến chút ít, Việt Nam hóa mà phụ họa... Tiền ít, quay cuồng thì nhiều, múa đích thực thì chẳng phải, nghề nghiệp không nâng cao được chút nào, nhưng bởi lương ít, âu cũng phải nhập cuộc.

Ngọc có mái tóc dài và đen, tài sản kế thừa được ở bà mẹ. Tóc của Ngọc dài gần chấm gót. Giữ cho được mái tóc ấy đến tận bây giờ kể ra cũng phải kiên trì lắm mới được. Ngay đám bạn bè trong đoàn của Ngọc cũng chẳng cô nào để tóc dài nữa. Họ để tóc ngắn, tóc ngang vai, tóc tém, nhiều cô giở đến hàng chục catalogue để chọn một kiểu tóc... Các mốt tóc Hàn Quốc đang khá thịnh hành. Phim Hàn Quốc thường lăng-xê các mốt thời trang, mốt tóc... Cứ mỗi khi có bộ phim mới, y như rằng lại xuất hiện các kiểu tóc, kiểu quần áo Hàn Quốc mới.

Ngọc không thế. Học múa và tiếp xúc với nhạc phương Tây nhiều nhưng hồn vía của Ngọc vẫn vương vấn với đồng quê, ao làng, chiếc nón trắng che nghiêng, do đó Ngọc để tóc dài là thấy thoải mái nhất. Hình như tóc dài cũng hợp với khổ người của Ngọc. Khi thả xuống, mái tóc như làn suối chảy phía sau lưng. Ngọc thích nhất khoảng chiều ba mươi Tết về quê được mẹ chuẩn bị cho một chậu nước bồ kết mà gội tóc và sau đó được tắm tất niên bằng nồi nước lá cây mùi.

Lúc ấy, bánh trái, giò chả, các thứ cỗ bàn đã chuẩn bị xong xuôi. Cha Ngọc thắp hương khấn tiên tổ, cũng là lúc hai mẹ con tắm, gội... Tắm, gội tất niên như trút lốt. Dẫu có rét một tý, nhưng nước nóng, nước thơm của bồ kết, của cọng mùi đã làm cho da dẻ như mềm mại và mát mẻ thêm. Nhất là mái tóc, óng, mượt và đen... Khi đứng trên thềm nhà, rũ tóc mà quay cho khô, rồi vào nhà ngồi trên giường, lần năm ngón tay khẽ gỡ và vuốt tóc cho se thêm thì cái nét con gái đồng quê chân phác, hồn hậu càng được tôn lên nhờ mái tóc. Cha Ngọc cũng là người lãng mạn. Hồi còn ở quê, mỗi khi mẹ Ngọc gội đầu hong tóc, dù đang bận chấm bài hay đọc sách, ông cũng ngừng tay đến ngắm vợ, nhất là ngắm cái suối tóc chảy dài trên lưng bà, mỗi lần bà hất tóc lên, y như là cha Ngọc ngẩn người ra đến thẫn thờ...

Tóc mẹ bây giờ đã rụng và thưa... Bà thường ngồi bên con gái thả mái tóc dài của con xuống, chải cho con ngắm suối tóc đen nhức mà hoài niệm mái tóc mình xưa. Bà nói:

- Tóc mẹ bạc nhiều lắm rồi. Lắm lúc mẹ nhìn những sợi tóc bạc dài rụng trong lòng bàn tay, nhìn mãi mà không muốn thả nó đi...

Ngọc bảo:

- Con thích tấm ảnh mẹ mặc chiếc áo cánh nâu non, thả cho tóc bay trên gò bên sông. Tóc mẹ hồi ấy đẹp thế. Chẳng thế mà bao giờ con cũng thấy bố treo bức ảnh ấy ở phòng làm việc. Tóc con bây giờ không đẹp bằng tóc mẹ trước đây!

Ngọc đã trở thành người mẫu. Lúc ấy ngành thời trang chưa phát triển rầm rộ như bây giờ, nhưng các cô gái nguyện trở thành người mẫu thì nhiều vô kể. Những lớp học người mẫu mở ra nhan nhản. Một vài người mẫu hoạt động ở các thành phố lớn mấy năm trước, nay đã thành những thầy dạy, suốt ngày đêm tất bật với các khóa học ba tháng, sáu tháng của các trung tâm huấn luyện cấp tốc. Sẵn có vốn liếng múa trong mình, Ngọc chỉ đi xem diễn và lùng tìm các sách báo thời trang, rồi tìm đến cô họa sĩ phụ trách trang phục nay về hưu non, trở thành nhà thiết kế thời trang để học hỏi thêm... Cô xem Ngọc như con gái mình, hướng dẫn thêm đôi chút rồi giới thiệu Ngọc lên sàn diễn... Nhờ nghiền ngẫm lâu, lại hiểu biết những lý thuyết cơ bản giữa thời trang và múa, Ngọc thực hiện các động tác đi, đứng, dừng khá chuẩn và có hồn.

Tuy nhiên, vì là diễn viên múa nên nhiều lúc Ngọc còn lẫn những động tác múa trong động tác người mẫu. Dù đã chú ý sửa rất nhiều, song đôi lúc Ngọc vẫn còn để rơi rớt. Cô Minh, người đỡ đầu Ngọc, sau một buổi dự giải thời trang hè của năm, thấy Ngọc được giải nhì, chỉ thua cô giải nhất vì chút động tác thừa ấy, đã nghiêm mặt bảo Ngọc:

- Cô đã nói mãi mà cháu không nghe. Cháu hãy quên mình là diễn viên múa đi... Lên sàn diễn thời trang cháu là người mẫu, nhớ kỹ lấy... Người mẫu chỉ là con ma-nơ-canh sống. Ðây đâu phải là nhân vật của một vở opera, cháu không phải nhập hồn... Cháu chỉ cần đi đứng sao cho rõ đường nét của mẫu thiết kế... Cháu phải luôn nhớ: “Mình là con ma-nơ-canh sống!”.

Tự nhiên Ngọc ứa nước mắt. Cô Minh phải lấy khăn tay lau nước mắt cho Ngọc. Ngọc đứng lặng gục đầu vào vai cô...

Trong những đêm diễn của Ngọc luôn hiện diện một chàng họa sĩ. Bao giờ anh cũng ngồi ở hàng đầu trên chiếc ghế ngoài cùng. Cũng có khi anh ngồi trên chiếc ghế vải gấp khư khư túi đồ nghề và lăm lăm bút vẽ trên tay... Khi các người mẫu bước ra, anh ngắm họ như để thuộc vào trong óc, đôi lúc cúi xuống, ghi trên giấy vẽ một vài cái dáng ấn tượng khó quên, rồi lại vội nhìn lên như không thể rời mắt khỏi sàn diễn...

Hóa ra anh là họa sĩ đang làm việc cho một nhà thiết kế thời trang có tiếng ở thành phố... Rồi lân la, anh làm quen được với Ngọc. Anh cũng là con một gia đình nông dân, sinh trưởng ở quê. Anh yêu nghề thiết kế thời trang đến mệt. Khi đã có dịp trò chuyện với nhau vài lần, anh hỏi Ngọc:

- Em có nhớ một hôm em vào hàng chọn mũ không? Hôm ấy, anh đã lặng lẽ đi theo em và như kẻ nấp rình em chọn mẫu. Anh cứ đứng ngây ra còn hơn cả mấy “gã ma-nơ-canh” bên cạnh... Em chụp kiểu mũ nào lên đầu cũng đẹp, rồi em soi gương. Em đội và nhìn vào mái tóc, xem sự ẩn náu của tóc đã ổn chưa? Cuối cùng, sau khi thử hàng chục kiểu, em chọn lấy mấy kiểu ưng nhất... Sau đó, anh lại gặp em trong mẫu thiết kế có mũ trên sàn diễn...

Từ đấy hai người càng thân nhau hơn, không rời ra nổi. Họa sĩ mê vẽ Ngọc và Ngọc luôn sẵn sàng ngồi để anh vẽ. Vẽ và ngắm, vẽ và ngắm, nhiều lúc mặt anh đầm đìa mồ hôi, có lúc điếu thuốc lá cháy đến tận ngón tay mà không biết... Rồi anh tặng Ngọc bức ngồi tư lự bên cửa sổ, vận áo dài màu các-manh, mớ tóc dài buông chấm đất, đuôi tóc còn trải ra trên nền đá hoa...

Ngọc treo bức tranh trong căn phòng nhỏ của mình, ở chỗ đắt nhất. Phía dưới là những con gấu bông ngộ nghĩnh cổ đeo huy chương, những giải thưởng trong các cuộc thi hoa hậu và người mẫu của Ngọc.

Cô Minh bảo:

- Cũng phải yêu, rồi lấy chồng đi chứ Ngọc.

Và cô giới thiệu cho Ngọc một doanh nhân...

Một chuyến đi chơi píc-níc... Anh đem ô tô đến đón. Tự tay lái ô tô... Kính xịn, đồng hồ xịn, điện thoại xịn, xe du lịch xịn, đồ ăn, đồ uống xịn... Cứ nhìn của và người cũng đến tiền tỷ rồi.

Anh nói hơi nhiều, tuy là những lời êm dịu dễ nghe. Anh cũng khá tế nhị, không đến nỗi nào. Anh khoe những chuyến đi nước ngoài, những “quota” phỗng được tay trên của các công ty khác. Anh nói quan niệm của mình về tình yêu. Rồi, anh như hé để Ngọc biết rằng, sở dĩ anh lấy vợ muộn là vì anh khó tính. Anh cho rằng vợ anh chỉ ở nhà chiều chuộng anh, sinh con cho anh, thế là đủ. Mọi thứ gì “nàng” thích, anh chiều tất. Mà anh chiều được. Có tiền là có tất cả. Hình như anh không để cho Ngọc nói. Nhưng cuối cùng thì anh cũng bảo:

- Anh thích em. Em có vẻ thùy mị, biết điều, bảo được. Và anh chỉ cần có thế!

Chiều về anh dẫn Ngọc đi mua hàng hiệu... Chỉ vào một bộ đồ xịn khoảng hơn một triệu, anh hất hàm hỏi:

- Bộ này được đấy! Em thích không?

Ngọc mỉm cười lắc đầu. Anh ta lại dẫn Ngọc vào hiệu kim hoàn và chỉ vào chiếc vòng vàng năm chỉ, khá đẹp và hỏi:

- Em thích chiếc vòng này không? Ðeo thử xem nào! Anh sẽ mua tặng em.

Ngọc vẫn lắc đầu. Hôm sau anh lại tới. Ngọc không mời vào nhà.

Mấy hôm nay Ngọc háo hức lạ thường. Cô được theo đoàn thể thao sang Malaysia dự SEA Games. Trong buổi lễ bế mạc, bàn giao cờ và quyền đăng cai SEA Games cho Việt Nam, cô sẽ được biểu diễn một màn múa trên sân vận động, đại diện cho nước đăng cai đại hội tới.

Ngọc đã được chọn là người đại diện cho Việt Nam trong màn diễn múa cùng trang phục với mười nước khác trong ASEAN. Sở dĩ không phải sắm vai người đẹp các nước bạn, mà được là người đẹp Việt Nam, chính nhờ mái tóc dài.

Khi biết mình được chọn là cô gái Việt Nam, Ngọc đã vui ứa hai hàng nước mắt...

Cô về khoe với họa sĩ... Anh dẫn cô đi may áo dài. Ngọc thích màu các-manh, hoặc màu trắng nhưng bởi nhấn thêm ý nghĩa, ban tổ chức đã quyết định Ngọc mặc áo dài màu xanh da trời. Họa sĩ và cô Minh để nhiều ngày đo và may chiếc áo thật ưng ý cho Ngọc mặc ở đại hội.

Riêng họa sĩ, đêm về còn vẽ mấy mẫu thiết kế kiểu tóc đẹp nhất cho Ngọc.

Cuối cùng họ chọn được hai kiểu, kiểu tóc dài buông khi múa là kiểu tủ cũ của Ngọc rồi... Nhưng khi diễu hành Ngọc cần có một kiểu khác, để giữ kiểu tóc dài cho đến phút cuối cùng. Và cô chọn kiểu búi tóc thấp bện chặt, trong bộ sưu tập mà họa sĩ đã công phu tìm kiếm, thiết kế vì cô.

Chính anh làm tóc cho cô, thay cho người hóa trang của đoàn. Anh vừa làm vừa giảng kỹ gần như dặn dò người sẽ chăm lo bộ tóc cho Ngọc khi ra biểu diễn. Họa sĩ chải tóc mượt rồi cột ra phía sau. Búi tóc cột thấp, giữ khoảng tai và gáy, hơi lệch về một bên. Anh chải mớ tóc đã cột rồi bện từng lọn nhấp nhô bên nhau rất đẹp. Anh xịt keo giữ tóc mượt trên búi tóc và đỉnh đầu. Cuối cùng họa sĩ gài chiếc nơ lên trên rồi lấy kẹp, kẹp tóc lại...

Anh đưa gương cho Ngọc soi. Mái tóc rất hài hòa với chiếc áo dài màu thanh thiên Ngọc đang mặc. Anh hỏi Ngọc:

- Em xem thế này đã được chưa...

Ngọc khẽ gật đầu chớp chớp mắt...

Chưa bao giờ Ngọc hạnh phúc đến thế.

Truyện ngắn của Ngô Văn Phú

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Hấp dẫn Ngày văn hóa Hàn Quốc tại Đà Lạt

Hấp dẫn Ngày văn hóa Hàn Quốc tại Đà Lạt
(PLVN) - Ngày văn hóa Hàn Quốc tại Đà Lạt năm 2024 diễn ra ngày 13/12 tại Quảng trường Lâm Viên (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) với nhiều chương trình hấp dẫn như trải nghiệm làm kim chi, mặc hanbok, làm diều thủ công Hàn Quốc, đêm ca nhạc do nhóm B-boy Hàn Quốc SDG Crew, nhóm nhạc nữ Hàn Quốc Queen biểu diễn…

Bảo vệ quyền trẻ em theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam

Bảo vệ quyền trẻ em theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam
(PLVN) - Với mong muốn cung cấp thêm nguồn tài liệu cho những nhà chuyên môn, những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, sinh viên, học viên và bạn đọc quan tâm đến vấn đề, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn “Bảo vệ quyền trẻ em theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam” của TS Nguyễn Thị Hạnh.

Sôi động mùa du lịch cuối năm

Tuần lễ Du lịch TP HCM lần thứ 4 năm 2024 diễn ra sôi nổi với đa dạng hoạt động vui chơi, giải trí, ẩm thực, tạo sức hút người dân và du khách. (Ảnh: DNTT)
(PLVN) - Chỉ còn vài tuần nữa sẽ kết thúc năm 2024, đây là thời điểm mùa du lịch, lễ hội chuẩn bị bắt đầu. Ngành du lịch các tỉnh, địa phương đang chuẩn bị hàng loạt các sự kiện, hoạt động hấp dẫn thu hút du khách trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.

Tạo đột phá để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Hai đêm concert của chương trình “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” tại TP HCM thu hút hàng chục nghìn khán giả. (Ảnh: BTC)
(PLVN) - 2024 là năm ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, concert của các chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi”, chương trình Jazz quốc tế 2024… đã tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.

“Du lịch nông thôn thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng”

“Du lịch nông thôn thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng”
(PLVN) - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ An Phong cho rằng, du lịch nông thôn không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mà còn bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp góp phần thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị.

Giải Taekwondo Cảnh sát Châu Á mở rộng 2024 tại Việt Nam thành công tốt đẹp

Trao giải tại Lễ bế mạc.
(PLVN) - Ngày 9/12, Giải Taekwondo Cảnh sát châu Á mở rộng năm 2024 đã bế mạc sau 4 ngày diễn ra nhiều giải đấu sôi nổi. Giải Taekwondo Cảnh sát châu Á mở rộng năm 2024 do Bộ Công an đăng cai, Hiệp hội Thể thao CAND Việt Nam và Liên đoàn Taekwondo Cảnh sát thế giới phối hợp tổ chức, diễn ra từ ngày 6 - 9/12 tại Khu liên hợp thể thao tỉnh Quảng Ninh.

Trung tướng Phùng Khắc Đăng- những dòng hồi ức trân quý trong “Những điều còn lại”

Thượng tướng Đỗ Căn - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (trái) tặng hoa chúc mừng Trung tướng Phùng Khắc Đăng tại lễ ra mắt sách.
(PLVN) - Trung tướng Phùng Khắc Đăng - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam vừa cho ra mắt cuốn sách “Những điều còn lại”. Nổi bật trong cuốn sách là những ký ức sống động, trân quý về cuộc đời binh nghiệp, về đồng đội, về những chiến dịch, những trận đánh mà ông đã trải qua.

Kiên Giang tăng cường khai thác công nghiệp văn hóa

Những show diễn nghệ thuật mang đậm văn hóa dân gian đã ghi dấu ấn và khẳng định được thương hiệu riêng vốn có của vùng đất Phú Quốc.
(PLVN) - Kiên Giang đang tích cực khai thác các thế mạnh sẵn có để thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Điều này không chỉ giúp phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà còn tạo ra những sản phẩm và dịch vụ có giá trị nghệ thuật và xã hội cao.