[Truyện ngắn] Cho một người đi xa

[Truyện ngắn] Cho một người đi xa
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  My nhìn ra cửa sổ, ngắm nhìn cảnh vật lướt qua trước mắt. Những mái nhà, thôn xóm, núi đồi, làng quê, nửa quen nửa lạ. Thành phố đang ở lại phía sau lưng. Thành phố với biết bao kỉ niệm, bao gắn bó, vui buồn của một thời con gái.

My mở quyển sổ tay nhỏ xinh, lật trang đầu. Một bài thơ hiện ra dưới những nét bút mềm mại. Bài thơ tình My từng viết tặng anh.

“Anh có còn chờ em nơi ngõ nhỏ

Bóng anh tan trong bóng ngọn đèn đường

Anh có còn mặc sơ mi đứng đó

Dáng vụng về - tóc thoang thoảng mùi hương”

My viết bài thơ này lúc nỗi nhớ nhung dâng lên da diết. Khi ấy, cô ngồi ven cửa sổ nhà mình, nhìn xuống con phố vắng. Nhắm mắt lại, hình dung ra dáng anh. Huy hơi gầy, mặc chiếc áo sơ mi màu nhạt. Anh đứng bên chiếc xe máy, khẽ huýt sáo. Nghe “ám hiệu”, cô khi ấy đã sẵn sàng tươm tất, chạy xuống sà vào anh như chú chim nhỏ. My sẽ tha hồ hít hà mùi của anh. “Mùi hương”, nghe như là thơ ấy, thực chất “mùi” của anh sẽ thoang thoảng mùi dầu gội đầu nam giới, cộng với mùi thuốc sát trùng. Nghề bác sĩ làm anh không lẫn vào đâu được, cái mùi thuốc sát trùng như ngấm vào máu thịt. Ấy thế mà My nghe thân thương quá đỗi.

- Em hít hà đã chưa, làm anh mất mùi luôn bây giờ.

Huy thường “cốc” khẽ lên đầu cô, mắng yêu.

Đó là những ngày tháng bình an biết bao nhiêu. My ngày ngày đi dạy, Huy đi trực ở bệnh viện. Đến tối về, anh đứng dưới ngõ, huýt sáo bài hát quen thuộc để đợi cô. My sẽ ngồi sau xe anh, họ đi ăn, đi cafe, đi lượn quanh phố phường. Cuộc sống cứ ngày qua ngày, bình thường, giản dị, hạnh phúc.

Tình yêu của họ, như bao tình yêu của thị dân trẻ Sài Gòn, không biến động, không gập ghềnh. Nó dịu dàng, êm ả như nhịp điệu của phố. Và khúc thác ghềnh nhất là giai đoạn dịch bùng phát.

Đợt ấy, Sài Gòn dịch bùng ghê gớm. Và rồi những cuộc hẹn hò đầu ngõ không còn nữa. Huy xung phong ra tuyến đầu, cứu chữa bệnh nhân tại một trong những bệnh viện dã chiến đầu tiên của thành phố. Những ngày tháng thấp thỏm ấy, hai người không gặp mặt nhau, những tin nhắn, những cuộc gọi video kết nối họ. Thường những lúc tan trực, đang ăn vội vàng, anh gọi cho cô:

- Con mèo nhỏ của anh đang làm gì đó?

- Em cũng đang ăn trưa và chờ điện thoại của anh. Anh có ổn không, có mệt lắm không?

- Anh thì làm gì biết mệt, chỉ có khổ là nhớ em thôi.

Những cuộc trò chuyện thường giản đơn như thế, giản đơn mà ấm áp. Hay những tin nhắn vội vàng lúc ra ca: “My đang làm gì đó, nhớ em, thèm chở em đi vi vu Sài Gòn quá”.

“Anh có mệt không, có sợ không”, My nhắn hỏi anh, giữa những ngày thành phố đang đếm ca nhiễm lẫn ca tử vong và tiếng còi hụ cấp cứu hàng đêm vọng vào ám ảnh. “Anh mệt. Nhưng anh không sợ. Bệnh nhân cần anh. Anh chỉ lo cho em, cẩn thận hết sức, chờ anh về mình lại hẹn hò nha My”, Huy thường động viên My như thế.

Những cuộc trò chuyện hiếm hoi qua video call, cô thường thấy anh râu ria không cạo, ốm đi, bơ phờ. Trong điện thoại, những tiếng người, tiếng còi hú liên tục, cuộc điện thoại chẳng bao giờ duy trì được quá một phút. Rồi thành phố cao trào dịch bệnh. My như bao người khác, phải nhốt mình trong nhà. Những ngày ấy, nỗi nhớ phố quyện vào nỗi nhớ anh da diết biết bao.

Huy nhiễm bệnh, sau những ngày tháng chăm sóc bệnh nhân miệt mài. Cô nghe tin ấy sau mấy ngày liền không thể nào liên lạc được với anh. Cuối cùng, anh chủ động gọi lại cho cô, nụ cười anh hơi yếu ớt:

"Anh dương tính rồi My. Nhưng không sao, anh vẫn ổn. Sắp khỏi rồi, cũng sắp được về với My rồi."

Nước mắt cô thi nhau rơi. Anh mới tiêm mũi vaccine đầu tiên chưa được bao lâu, cô lo đến thắt lòng. Chưa bao giờ nỗi sợ hãi về đại dịch lại đến gần My như thế. Cô chợt cảm thấy mình yếu ớt và vô dụng, những ngày qua chỉ biết ở nhà và lo sợ.

Để trốn chạy nỗi lo thắt ruột cho anh trên giường bệnh, My đăng kí làm tình nguyện viên ở phường. Ngày ngày, cô đeo đồ bảo hộ ngồi hướng dẫn đăng kí tiêm vaccine cho người dân. Chỉ có những giây phút lao vào cuộc sống, giúp đỡ mọi người mới giúp cô với đi nỗi nhớ anh, nỗi buồn lo cho anh.

Những ngày ấy, cô sáng đi tối về, mệt lử. Nhưng thấy bản thân mình không còn là “người thừa” trong cuộc chiến chống dịch cùng cộng đồng. Cảm thấy mình xứng đáng với những nỗ lực và hy sinh của anh. Cô có cảm giác mình cũng đang là “chiến sĩ”, là đồng đội sát cánh cùng anh trong một “trận chiến” cam go.

Mỗi ngày My vẫn nhắn cho anh nhiều tin nhắn vào đêm xuống, lúc cô chuẩn bị ngủ. Đó có thể là những mẩu chuyện nhỏ, vụn vặt mà cô gặp trong hoạt động tình nguyện ban ngày. Đó có thể là những vần thơ cô viết ra trong nỗi nhớ nhung. Dẫu biết, có thể anh đang mệt, có thể anh chẳng đọc được đâu nhưng My vẫn cứ gửi, như một thói quen, động viên Huy và cũng là động viên chính mình.

Nhưng số phận đã tước đoạt Huy ra khỏi cô. Trong một cuộc gọi cho My, dẫu anh cười rất tươi, động viên rằng anh sắp về rồi, nhưng sâu trong dáng hình, trong ánh mắt anh, My thấy bất an và sợ hãi. Đó cũng là cuộc gọi cuối cùng.

Một ngày, em gái Huy gọi cho My, nức nở, báo rằng anh đã đi rồi. Đi mà không có một người thân bên cạnh, không một cái nắm tay tiễn biệt.

My không biết mình đã đi qua những ngày tháng ấy như thế nào. Ở bên kia đại dương, anh hai và ba My lo lắng cho cô không nguôi nhưng chẳng thể làm gì được. Chẳng có ai ở bên cô lúc này. Một mình, My đi qua những tháng ngày tuyệt vọng. Cô chẳng làm gì cả, như con thú bị thương co mình lại, thoi thóp. Nằm trong căn phòng nhỏ, nước mắt cứ thi nhau tuôn rơi. Nỗi đau dài dằng dặc như không có ngày ra. Nhớ đến những hẹn hò, bàn tay nắm lấy tay, vòng tay siết ấm nóng, những nụ hôn ngọt ngào. Nhớ hương tóc anh thoảng mùi dầu gội đầu nam tính lẫn mùi thuốc sát trùng. Nhớ những con phố cả hai từng đi qua, những quán ăn từng đến. Nhớ những lúc cô ốm, anh chạy vội từ bệnh viện về, nấu cho cô chén cháo nóng, ân cần đưa thuốc cho cô uống. Nhớ anh chăm cô từng ly từng tí, nhắc nhở cô như đứa trẻ con. Họ từng hẹn nhau rằng, ba năm nữa, khi ấy sự nghiệp anh ổn định, em gái chuẩn bị tốt nghiệp đại học, họ sẽ kết hôn. Rồi họ sẽ có những đứa con xinh xắn, một mái nhà rộn rã tiếng cười.

Một tương lai chung đôi sẽ không bao giờ tới nữa. Những giấc mơ từng xây đắp cùng nhau giờ đã tắt lịm. My còn có thể ngóng đợi điều gì? Một ngày, giữa cơn tuyệt vọng, My lướt qua một phóng sự nhỏ về những đứa trẻ mồ côi cha mẹ trong đại dịch. Hơn 2.500 đứa trẻ ở nhiều vùng đất nước. Những mái khăn tang trắng đầu. Có những đứa trẻ bị mất đi một vòng tay nương tựa. Có những đứa trẻ chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi đã bị tước đoạt ra khỏi mái ấm gia đình, bơ vơ giữa cuộc đời. My xem rất nhiều tin tức như thế, những mất mát, tang thương, đớn đau, chia lìa. Xem không phải để tâm hồn mình nhấn sâu vào đáy vực thẳm bi thương, mà để hiểu rằng, nỗi đau của cô không phải là lớn nhất, cũng không phải là duy nhất.

Ngày hôm đó, My lấy hết can đảm gọi cho mẹ Huy, sau những tháng ngày không dám liên lạc vì sợ chạm vào nỗi đau của người ta và của chính mình. Người bắt máy là Thảo, em gái Huy.

- Mẹ em bệnh rồi chị ạ. Từ lúc nghe tin anh Huy mất đến nay vẫn yếu lắm, mở quán bán vài ngày lại phải đóng cửa vì chóng mặt...

Nói chuyện với em gái Huy xong, My chỉ biết tự giận sự ích kỉ của chính mình. Cô chỉ mãi chìm đắm trong nỗi đau của bản thân, không quan tâm đến người nhà của Huy. Ngày trước, Huy là trụ cột chăm lo cho gia đình, mối canh cánh của Huy luôn là mẹ và em gái. Mẹ Huy mở một tiệm tạp hóa nhỏ trước nhà, chỉ đủ tiền sinh hoạt hàng ngày. Tiền học phí của em gái năm nay đang học lớp 12 vẫn là Huy đảm đương. Vậy, những ngày tháng qua khi Huy mất đi, mẹ Huy sức yếu không buôn bán được, cả nhà họ sống ra sao?

Những ngày sau đó, My liên lạc với bạn bè, người thân của Huy ở quê để nghe gia cảnh đáng buồn của nhà Huy hiện nay. Để biết rằng, Thảo có nguy cơ phải từ bỏ giấc mơ đại học. Lòng My quặn thắt. Sau những ngày tháng suy tính, đắn đo và đưa ra hoạch định cho tương lai, My đã có quyết định cho riêng mình.

* * *

Giờ đây, My đang ngồi trên một chuyến tàu để rời khỏi thành phố thân thuộc, đến với một thị trấn nhỏ ở Nam Trung bộ. Nơi ấy, có một ngôi trường cấp 2 với những đứa học trò đang đợi My. Nơi ấy, có một mái nhà nho nhỏ lợp ngói, trong một khu vườn mát nhìn xiên xiên ra trường học mà My từng vài lần được Huy dắt về chơi ngày trước.

Sân nhà có cái sạp nhỏ bán mấy đồ tạp hóa cho học sinh và người dân quanh vùng. Ngôi nhà nhỏ ấy có người phụ nữ lam lũ mà hiền hậu, có cô gái nhỏ xinh xẻo bước vào ngưỡng cửa 18 tuổi, cả hai đang trong nỗi đau mất người đàn ông trụ cột duy nhất trong nhà. Căn phòng của Huy trong ngôi nhà từ nay sẽ là phòng của My, cô giáo trẻ mới về nhận nhiệm vụ tại ngôi trường thị trấn.

My cho mình 3 năm. 3 năm ấy, cô sẽ sống dưới mái nhà Huy, chăm sóc cho mẹ Huy, lo vẹn toàn cho bé Thảo học đại học. 3 năm ấy là ân tình, là tình nghĩa, là thương yêu đáp trả thương yêu. My mới 25 tuổi, có cả một đời dài. Còn Huy, đã mãi mãi ngừng lại ở tuổi 30.

Tàu đã đến sân ga nhỏ. Có hai bóng người, một già một trẻ đang đợi My. My kéo hành lý, rảo bước nhanh, lao vào những vòng tay ấm đang dang sẵn chờ cô...

Truyện ngắn của Ngọc Mai

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Hấp dẫn Ngày văn hóa Hàn Quốc tại Đà Lạt

Hấp dẫn Ngày văn hóa Hàn Quốc tại Đà Lạt
(PLVN) - Ngày văn hóa Hàn Quốc tại Đà Lạt năm 2024 diễn ra ngày 13/12 tại Quảng trường Lâm Viên (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) với nhiều chương trình hấp dẫn như trải nghiệm làm kim chi, mặc hanbok, làm diều thủ công Hàn Quốc, đêm ca nhạc do nhóm B-boy Hàn Quốc SDG Crew, nhóm nhạc nữ Hàn Quốc Queen biểu diễn…

Bảo vệ quyền trẻ em theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam

Bảo vệ quyền trẻ em theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam
(PLVN) - Với mong muốn cung cấp thêm nguồn tài liệu cho những nhà chuyên môn, những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, sinh viên, học viên và bạn đọc quan tâm đến vấn đề, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn “Bảo vệ quyền trẻ em theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam” của TS Nguyễn Thị Hạnh.

Sôi động mùa du lịch cuối năm

Tuần lễ Du lịch TP HCM lần thứ 4 năm 2024 diễn ra sôi nổi với đa dạng hoạt động vui chơi, giải trí, ẩm thực, tạo sức hút người dân và du khách. (Ảnh: DNTT)
(PLVN) - Chỉ còn vài tuần nữa sẽ kết thúc năm 2024, đây là thời điểm mùa du lịch, lễ hội chuẩn bị bắt đầu. Ngành du lịch các tỉnh, địa phương đang chuẩn bị hàng loạt các sự kiện, hoạt động hấp dẫn thu hút du khách trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.

Tạo đột phá để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Hai đêm concert của chương trình “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” tại TP HCM thu hút hàng chục nghìn khán giả. (Ảnh: BTC)
(PLVN) - 2024 là năm ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, concert của các chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi”, chương trình Jazz quốc tế 2024… đã tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.

“Du lịch nông thôn thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng”

“Du lịch nông thôn thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng”
(PLVN) - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ An Phong cho rằng, du lịch nông thôn không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mà còn bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp góp phần thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị.

Giải Taekwondo Cảnh sát Châu Á mở rộng 2024 tại Việt Nam thành công tốt đẹp

Trao giải tại Lễ bế mạc.
(PLVN) - Ngày 9/12, Giải Taekwondo Cảnh sát châu Á mở rộng năm 2024 đã bế mạc sau 4 ngày diễn ra nhiều giải đấu sôi nổi. Giải Taekwondo Cảnh sát châu Á mở rộng năm 2024 do Bộ Công an đăng cai, Hiệp hội Thể thao CAND Việt Nam và Liên đoàn Taekwondo Cảnh sát thế giới phối hợp tổ chức, diễn ra từ ngày 6 - 9/12 tại Khu liên hợp thể thao tỉnh Quảng Ninh.

Trung tướng Phùng Khắc Đăng- những dòng hồi ức trân quý trong “Những điều còn lại”

Thượng tướng Đỗ Căn - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (trái) tặng hoa chúc mừng Trung tướng Phùng Khắc Đăng tại lễ ra mắt sách.
(PLVN) - Trung tướng Phùng Khắc Đăng - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam vừa cho ra mắt cuốn sách “Những điều còn lại”. Nổi bật trong cuốn sách là những ký ức sống động, trân quý về cuộc đời binh nghiệp, về đồng đội, về những chiến dịch, những trận đánh mà ông đã trải qua.

Kiên Giang tăng cường khai thác công nghiệp văn hóa

Những show diễn nghệ thuật mang đậm văn hóa dân gian đã ghi dấu ấn và khẳng định được thương hiệu riêng vốn có của vùng đất Phú Quốc.
(PLVN) - Kiên Giang đang tích cực khai thác các thế mạnh sẵn có để thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Điều này không chỉ giúp phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà còn tạo ra những sản phẩm và dịch vụ có giá trị nghệ thuật và xã hội cao.

40 đơn vị lữ hành Trung Quốc khảo sát du lịch Quảng Ninh

Đoàn tìm hiểu thông tin tại Khu du lịch hang động Vũng Đục (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh).
(PLVN) - Trong 4 ngày, từ 6-9/12, Sở Du lịch Quảng Ninh chủ trì tổ chức đoàn famtrip gồm 40 đơn vị lữ hành, hiệp hội du lịch Trung Quốc đi khảo sát nhiều điểm du lịch nổi tiếng tại TP Móng Cái, Cẩm Phả, Hạ Long và huyện Vân Đồn, Bình Liêu, mục tiêu kết nối và mở rộng thị trường khách du lịch.

“Đơn giản mà nói”: Cách thiết kế một thông điệp hiệu quả, thu hút

“Đơn giản mà nói”: Cách thiết kế một thông điệp hiệu quả, thu hút
(PLVN) - Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, làm thế nào để lời nói của bạn không chỉ được lắng nghe mà còn đọng lại trong tâm trí người khác? Đâu là bí quyết để thông điệp của bạn trở nên nổi bật trước những đối thủ khác? Cuốn sách “Đơn giản mà nói” (tựa gốc: Simply Put) của tác giả Ben Guttmann sẽ giúp bạn khám phá sức mạnh của sự đơn giản và cách sử dụng nó để truyền tải thông điệp hiệu quả.