[Truyện ngắn] Chiếc vòng bạc rơi xuống vực sâu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều lúc ngồi ở bậu cửa bần thần nhìn ra những con dốc ngoằn ngoèo, chót vót trước mặt, Chua cứ nghĩ nếu nhà không có con ngựa thì thế nào? Lúc ấy chắc chân Chua sẽ dần bé như ống trúc, rồi như ống sậy, đến lúc bé như cái đũa thì Chua chết. 

Trong nhà này việc lớn, việc bé đều đợi Chua và ngựa, đến cả việc đi ăn đám xa cũng do Chua dẫn cả người lẫn ngựa đi. Ấy thế mà cứ khi thấy con ngựa gầy đi một tí là bố chồng giữ lấy ngựa, dù có đi chợ huyện, lưng phải thồ nặng bằng một con ngựa thì Chua vẫn cứ phải đi...

Từ tối qua bố chồng đã cắt đặt việc cho mọi người. Việc của Chua là xuống chợ huyện bán cặp gà trống, mấy chiếc khăn, áo do đàn bà trong nhà dệt, rồi mua hàng cho cả nhà dùng. 

 

Ăn bữa sáng xong mọi người đã ai vào việc nấy chuẩn bị cho công việc của mình. Nhưng có một người trong nhà vẫn còn đang ngủ. Người ấy là Sùng De Lầu, chồng Chua. Tối qua bố chồng đã không nhắc đến chồng thì việc của chồng vẫn như nhiều lần là ngủ để tiễn cơn say ra khỏi người. Hôm qua, Lầu đi ăn đám cưới trong bản từ sáng sớm cho tới tối rồi lại say như mọi lần. Ấy vậy mà vừa lúc Chua dắt ngựa ra khỏi chuồng thì Lầu đã dậy từ lúc nào, loi thoi đến gần, giật lấy dây cương ngựa từ tay vợ.

- Để ngựa đấy, tôi cũng muốn xuống chợ!

- Tối qua bố có bảo đi chợ đâu - Chua nói khẽ.

- À, ra là không muốn xuống chợ với thằng này đấy - Lầu sừng sộ.

Hai con mắt Lầu vằn lên đỏ đọc, hơi rượu từ miệng Lầu phả ra làm Chua xây xẩm mặt mày. Thế là Chua không nói gì nữa, tự biết phải đỡ Lầu khi Lầu trèo lên lưng ngựa. Buộc hàng cẩn thận, rồi Chua trèo lên ngồi sau Lầu. Nhà người ta thì vợ ngồi trước cho chồng ôm lấy từ phía sau. Nhà này thì Chua là cái đệm da thịt cho Lầu ngả vào mỗi khi mỏi lưng. Rồi lúc Lầu say quá không còn ngồi được phải vắt ngang lưng ngựa mà úp bụng nằm, lúc ấy Chua sẽ bám vào đuôi ngựa, cho ngựa đi thật thong dong, thật nhẹ nhàng. Nếu nằm trên lưng ngựa mà Lầu cũng không nằm được nữa thì Chua phải căng ô ngồi che cho Lầu đến khi nào Lầu tỉnh mới thôi.

- Lầu! Mày lại xuống chợ để mua cái say đấy à? - Bố chồng gắt lên khi thấy người và ngựa đi qua.

- Tôi không muốn cứ ở xó nhà để buồn đến vỡ đầu mà chết đâu - Lầu nhìn bố nhơn nhơn nói như thách thức.

- Mày!... Mày... là cái thằng trâu què...

May mà Lầu đã thúc ngựa chạy đi một quãng rồi không thì chồng với bố chồng lại cãi nhau to. Sau ngày Lầu ngã liệt mất một chân, suýt liệt cả người, lúc say nhiều hơn lúc tỉnh thì bố con cãi nhau nhiều nữa, có khi ngày hai, ba trận. Lầu không còn là Lầu của những ngày trước nữa. 

*

Mười tám tuổi, Lầu vạm vỡ như một dáng núi giữa đại ngàn Xíu Mần. Vòm ngực nở rộng, săn căng, tấm lưng rộng thẳng có thể băng băng cõng được cả một cây gỗ lớn qua suối. Giọng hát của Lầu ấm áp, cao vút, vang xa. Đứa con gái nào nghe được tiếng hát ấy trong đêm thì bảy đêm liền mất ngủ. Nhưng thi thoảng Lầu mới về lại bản giúp bố mẹ được, Lầu đang đi học dưới trường nội trú huyện. Thân người đã cao lớn, vâm váp là vậy mà cái đầu đặt ở bên trên cũng thật sáng láng, tinh tường. Thế nên từ ngày đi học năm nào Lầu cũng được mấy cái giấy khen mang về nhà. Trên tường nhà Lầu dấu son đỏ tầng tầng lớp lớp như tán hoa pằng nảng nở giữa tháng ba. 

Ấy thế mà Lầu bỏ học giữa chừng về lại bản. Lầu không còn đầu óc nào mà học nữa. Giàng Thị Pơi vừa tròn mười sáu tuổi, bông hoa mận tinh khiết đang vào độ căng mãn, lung linh. Biết bao ong bướm say đắm sắc hương muốn lại gần. Lầu biết Pơi chỉ yêu mình Lầu thôi, nhưng hai tuần mới về lại bản một lần thì có giữ nổi người yêu không? Lầu phải về lại bản xin bố mẹ cưới Pơi thôi. Nghĩ vậy rồi làm vậy, Lầu bỏ học đi bộ ngược về Pa Vầy Sú. 

Nhưng Lầu bỏ học đúng một tuần thì Pơi lấy chồng. Chồng Pơi là Vừ A Sè vừa tốt nghiệp trung cấp ngành thú y. Bố A Sè là “vua bò” Vừ A Vao. Gọi “vua bò” là vì nhà A Vao hơn chục năm trước đã có đàn bò đến trăm con, giờ thì dễ đến gấp đôi rồi. Vậy là Lầu đã bị một vết chém do thằng A Sè gây lên. Nợ này Lầu phải đòi thôi. Cách đòi của Lầu là đợi gặp A Sè trên đường rồi sống chết với nhau một trận. Nhưng cũng phải gần năm sau, Pơi sắp sinh con, Chua đã làm vợ Lầu rồi Lầu mới làm được cái việc từ lâu Lầu muốn làm. Sáng ấy, nghe tiếng thét thất thanh từ đỉnh dốc, người quanh bản Thèn Phàng chạy tới nơi thì đã thấy Lầu và A Sè tơ tướp như hai con gấu dưới đáy vực. May là thần rừng, thần suối chưa muốn bắt quân hầu nên cả hai còn sống. Còn sống nhưng một chân Lầu đã như chết, vì không thể đi lại được. Rồi quả tim Lầu chắc cũng chết một nửa khi Pơi mang trả lại chiếc vòng bạc ngày trước Lầu tặng.

*

Ngựa đến “Cửa hàng thuốc thú y và thức ăn gia súc Sè Pơi” thì dừng lại. A Sè đang bán thuốc cho khách, còn Pơi không thấy ở ngoài, chỉ thấy một cái váy hoa vắt trên dây phơi bên hông nhà cứ đung đưa như cánh bướm dập dờn. Nghe nói mấy tháng trước Pơi sinh thêm đứa con thứ ba cho nhà họ Vừ. Lầu không nhìn cái thằng làm mình liệt chân, chỉ đưa mắt kiếm tìm đứa gái đã làm quả tim thằng trai chết dở, sống dở mấy năm trời. Chua muốn thúc con ngựa đi nhưng đôi tay rắn hơn đá của Lầu giữ chân Chua lại. Đúng lúc ấy A Sè chạm mắt Lầu. Chua tưởng đâu hai ánh chớp ấy sẽ phát nổ. Người Chua run lên vì sợ. Nhưng rồi con ngựa rồ lên, vút đi sau cú thúc chân của Lầu. Có tiếng ru con mong manh, mơ hồ tựa một sợi tơ nhện lẫn vào trong gió. 

Tiếng ru này làm ruột gan Chua dềnh lên. Đã mấy năm là người nhà họ Sùng, biết bao đêm chồng vợ với Lầu thế mà cái eo của Chua vẫn như eo quả bầu hồ lô. Lại rất nhiều đêm Lầu gọi tên Pơi trong cơn mê sảng. Chua đau nỗi đau của kẻ lấp chỗ trống mà dường như cái chỗ trống ấy mỗi ngày thêm hoác ra, sâu hoắm. Nó sâu tới đâu thì cơn say của Lầu tuột xuống tới đó và nỗi buồn của Chua, nước mắt của Chua cũng thấm xuống tới đó.

Và bây giờ nước mắt lại làm Chua ướt hết ngực. Không biết có giọt nào rơi vào lưng Lầu? Không biết có giọt nào làm lạnh lưng Lầu?

*

... Tiếng ru vẫn mơ hồ phía sau.

Lầu cứ ngoái lại tìm gì trong màn sương đang cuộn lên đằng sau đuôi ngựa. Đúng lúc ấy, Chua đã kịp giấu những giọt nước mắt, ngẩng lên nhìn chồng. Lầu làu bàu trong miệng: “Nhìn gì mà nhìn?”. 

Nhìn thì Chua làm được gì. Là vợ mà lòng chồng nông sâu ra sao Chua chưa một lần bước vào được, trái tim chồng ấm lạnh thế nào Chua chưa từng chạm vào được. 

Trên giường với chồng, nếu không khóc, Chua thường hay mơ. Trong mơ, Chua thấy mình đi đâu cũng sẽ đến một miệng vực. Chua ngồi bên miệng vực ấy và lại khóc. Khóc đến khi miệng vực đầy tràn nước mắt thì Chua tỉnh lại. Chua nhìn thấy chồng Chua đang nằm co quắp hai tay và một chân không bị liệt, tay vẫn nắm khư khư cái vòng bạc ngày trước. Chua muốn giằng cái vòng ấy ra khỏi tay Lầu, rồi quăng nó xuống lòng suối hay xuống vực sâu mà Chua không dám. Chua ngồi nhìn cái vòng ấy cho đến khi tưởng chừng mắt Chua như tụt lõm ra đằng sau đầu. Lúc bò dê phá dóng đòi ra khỏi chuồng thì Chua ngồi dậy múc cám đã nguội nấu từ đêm trước cho lợn, gà ăn.

*

- Bán cho tôi hai con gà!

Chua ngẩng lên, khi mắt vừa chạm vào mặt người ta thì da mặt Chua đông cứng lại. 

- Vợ tôi mới đẻ con trai. Tôi mua nấu cháo cho vợ, Chua bán cho tôi!

Miệng Chua như ngậm một cái hột vừa to vừa đắng, nuốt không được mà nhả ra cũng không được.

Lại người ấy nói:

- Chua không bán thì thôi, tôi mua của người khác. Da Chua xanh lắm. Chua khác ngày xưa quá, khác quá...

Người ấy cười nhếch mép rồi đi. Người khuất bóng rồi mà cái từ “khác quá” cứ bám riết lấy Chua, chui vào tim gan Chua. Người ấy cứ oán trách, cười nhạo Chua. Nhưng bàn tay Chua, trái tim Chua không thuộc về người ấy thì Chua làm sao có thể làm khác được? Chua sinh ra là để làm vợ Lầu và dễ mà sẽ phải khóc hết kiếp vì Lầu, không thể khác được nữa.

*

- Còn ngồi đây à Chua, chồng mày đánh nhau ở hàng thắng cố! - Người đàn bà cùng bản tồng tộc chạy đến rồi hét vào mặt Chua.

Chua chạy đến nơi thì A Sè vẫn còn nằm dưới người Lầu. Mặt A Sè tím bầm, mặt Lầu cũng tím bầm. Chua vào túm lấy tay Lầu thì cánh tay như cái búa lò rèn nện trên thanh sắt nóng mới dừng lại. A Sè vùng lên rồi vung chân đá vào sườn Lầu một cái. Lầu định đuổi theo A Sè nhưng bị hai cánh tay Chua, cả thân người Chua ghì giữ lại. Lầu ngồi bệt xuống đất, mặc cho Chua lấy khăn chấm những vết xước trên mặt, mặc cho những người vây quanh xì xào. Lầu chỉ định đứng lên khi trước mặt Lầu là một đôi chân quấn sà cạp sặc sỡ, phía trên là cái váy lung linh sắc cầu vồng. Nhưng rồi ánh mắt ấy nó làm cho Lầu rũ xuống, gục xuống như con thú bị thương dính thêm một mũi dao lạnh lẽo, sắc nhọn cuối cùng. Chua biết lần này thì Lầu chết thật rồi, chứ không còn sống dở, chết dở nữa. Ánh mắt ấy cũng làm cho Chua thấy với Lầu, Chua chỉ bằng cái máng cỏ, bị ngựa gặm cho đến mòn vẹt, nham nhở thôi.

*

Từ lúc con gà chưa báo sáng Chua đã ngồi đây. Trên đầu Chua là đỉnh núi, phía dưới chân Chua là vực sâu. Gió thun thút phía trên và sương bồng bềnh bên dưới. Giữa mênh mông này, Chua chỉ là một chiếc lá thôi. Đêm qua, lúc chồng ngủ, Chua ngồi nhìn Lầu thật lâu để thêm một lần ghi nhớ đây là người đàn ông Chua đã chọn. Nhất định Chua phải làm một việc cuối cùng trước khi Lầu tỉnh lại. Qua cơn say, khi mở mắt ra, bên Lầu sẽ không còn gì nữa. Chiếc vòng bạc không nằm trong tay như mọi khi, nó đã bị Lầu đạp xuống dưới chân. Chua cầm lấy nó, bước ra ngoài. Sương sữa đặc quánh chỉ lối cho Chua.   

Chua cứ nhìn hút vào màn sương, rồi Chua lại thấy Chua là một cái bóng trắng toát nắm lấy cái đuôi của con ngựa cũng trắng toát. Cả người lẫn ngựa lặng lẽ trôi trong sương.  

Chiếc vòng tròn vạnh vẫn lạnh ngắt trong tay Chua. 

Chua khẽ rùng mình khi đôi tay chắc khỏe ôm lấy eo Chua từ phía sau. Chua thấy lưng mình ấm lên bởi vòm ngực rừng rực. Tay đàn ông ấm nóng tìm tay Chua. Hai bàn tay ấy siết mạnh, tay Chua cũng siết mạnh. Chiếc vòng bạc bẹp rúm, rồi tuột xuống vực sâu.

Truyện ngắn của Nguyễn Phú 

Tin cùng chuyên mục

Chị Bùi Thị Thu Huyền cầm trên tay hai chiếc cúp danh dự của Liên hoan phim SineMaya 2024. (Ảnh: TYM)

Câu chuyện thoát nghèo của người phụ nữ Mường chinh phục Liên hoan phim quốc tế

(PLVN) - Những ngày cuối năm 2024, tin vui đã đến khi bộ phim ngắn mang tên “Escaping Poverty: A Story of a Muong Woman Supported by TYM” được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật của chị Bùi Thị Thu Huyền, một phụ nữ dân tộc Mường sống tại Thanh Sơn, Phú Thọ, đã đạt giải tại Liên hoan phim quốc tế SineMaya 2024. Bộ phim gây ấn tượng khi chị Huyền và các thành viên trong gia đình tự đóng vai chính, mang đến cảm xúc chân thực và sâu sắc.

Đọc thêm

Các thí sinh với trang phục dân tộc tại bán kết 'Hoa hậu Thương hiệu Việt Nam 2024'

Các thí sinh với trang phục dân tộc đại diện cho bản sắc văn hoá của 54 dân tộc anh em. (ảnh BTC)
(PLVN) - Các thí sinh với trang phục dân tộc đại diện cho bản sắc văn hoá của 54 dân tộc anh em. Tiết mục đã khiến tất cả mọi người trong như vừa được sống lại với không khí hào hùng và mang đầy hào khí của dân tộc Việt Nam qua hơn 4.000 năm lịch sử tại đêm Bán kết “Hoa hậu Thương hiệu Việt Nam 2024 - Miss Brand VietNam 2024” vừa diễn ra tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Nhạc Trịnh qua phong cách jazz

Nhạc Trịnh qua phong cách jazz do ca sĩ Quỳnh Phạm thể hiện vừa phóng khoáng vừa có chút tự sự. (Ảnh: Hanoi Blues Note)
(PLVN) - Trong Album “Rồi như đá ngây ngô”, 5 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được ca sĩ Quỳnh Phạm thể hiện theo phong cách jazz của riêng cô, vừa có chút phóng khoáng vừa có chút tự sự, trong không khí lắng đọng đến từ những trải nghiệm cuộc đời.

Phần thi mới lạ xuất hiện ở Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024

Phần thi mới lạ xuất hiện ở Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024
(PLVN) - Cuối tuần qua, tại TP HCM, các thí sinh Hoa hậu Quốc gia Việt Nam tham gia 2 phần thi: Người đẹp tài năng và Người đẹp nữ công gia chánh. Phần thi Người đẹp nữ công gia chánh là phần thi mới lạ, mang tinh thần tôn vinh văn hóa và truyền thống của người phụ nữ Việt.

Dương Trà Giang đăng quang Hoa hậu Sinh viên Việt Nam 2024

Dương Trà Giang đăng quang Hoa hậu Sinh viên Việt Nam 2024
(PLVN) - Tối 15/12, tại Quảng trường Biển Marina Bay, TP Hạ Long, Quảng Ninh, vượt qua 26 thí sinh nổi bật, Dương Trà Giang, người đẹp đến từ Trường Quản trị và Kinh doanh - Đại học Quốc Gia Hà Nội xuất sắc đăng quang, trở thành tân Hoa hậu cuộc thi Hoa hậu Sinh viên Việt Nam 2024.

Sẽ diễn ra Concert 3 Anh trai vượt ngàn chông gai tại TP. HCM vào tháng 3/2025

Concert 2 của chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai diễn ra vào tối qua (14/12) tại Vinhomes Ocean Park 3 (Ảnh: Page Anh trai vượt ngàn chông gai).
(PLVN) - Tối qua (14/12), Concert 2 của chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai đã diễn ra thành công tại Vinhomes Ocean Park 3 (tỉnh Hưng Yên). Đêm diễn kéo dài khoảng 5 giờ đồng hồ, 31 anh tài cùng dàn khách mời mang đến nhiều tiết mục âm nhạc được đầu tư công phu, chỉn chu thu hút hàng ngàn khán giả tham gia. Các "anh trai" đã làm nên hiện tượng chưa từng có ở thị trường nhạc Việt.

Chuyện tình đẹp như mơ của “Đôi song ca miền thùy dương”

Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết được biết đến với mối tình thủy chung. (Nguồn: Thegioigiaitri)
(PLVN) - Vào thập niên 50, 60, cặp đôi danh ca Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết là một trong những “ngôi sao” của làng tân nhạc Việt Nam. Gần 60 năm bên nhau, cặp đôi Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết không chỉ ghi dấu trong lòng người hâm mộ bằng những câu hát rung động lòng người, mà còn bằng mối tình sắt son, thủy chung của cả hai.

Xiếc 'Đám cưới chuột' sắp 'trình làng'

“Đám cưới chuột” đậm chất lễ hội dân gian qua ngôn ngữ xiếc (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Chương trình xiếc tạp kỹ “Đám cưới chuột” được dàn dựng thông qua ngôn ngữ hành động của xiếc với các thể loại: nhào lộn, tung hứng, thăng bằng, ảo thuật… để kể lại một câu chuyện vừa hài hước, hóm hỉnh, vừa mang ý nghĩa giáo dục một cách hấp dẫn, đậm chất lễ hội dân gian.

'Gương mặt vặn vẹo' - đối mặt nhiều vụ án ly kỳ, hóc búa

Phim khai thác đề tài tâm lý tội phạm. (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Bộ phim xoay quanh hành trình điều tra và truy bắt tội phạm gian nan của “Đội 7”, đối mặt nhiều vụ án ly kỳ, hóc búa. Hình ảnh nhân vật phản diện được xây dựng từ những ám ảnh thời thơ ấu, tổn thương tâm lý cho đến những biến cố không thể lường trước trong cuộc sống. Chính những điều này đã biến họ từ con người bình thường thành những kẻ tội phạm đáng sợ, nhưng cũng khiến người xem ít nhiều hiểu và đồng cảm.

“Vằng vặc trăng quê” - đong đầy hồn quê

"Vằng vặc trăng quê" lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, mang đậm “hồn quê” Bắc Bộ (ảnh P.V).
(PLVN) -  Tản văn “Vằng vặc trăng quê” của nhà báo Ngô Bá Lục không chỉ kể chuyện đời thường, đong đầy tình yêu thương mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, mang đậm “hồn quê” Bắc Bộ.