[Truyện ngắn] Cây đàn trên tầng cao

Tiếng của cây đàn vừa ngân lên bản độc tấu buồn
Tiếng của cây đàn vừa ngân lên bản độc tấu buồn
Vậy là tôi chu du lên tận tầng bốn mươi chung cư cùng chủ mới. Anh Cần còn trẻ và nhễ nhại với những ước mơ vừa gấp gáp vừa bộn bề. Nhưng trong lòng Cần có một khoảng trống rộng hoác mà một cây ghita là tôi nhất thời chưa thể hiểu hết. 

Tôi cảm nhận khoảng trống đó là nỗi buồn, sâu hút như nhìn từ ban công tầng bốn mươi của tòa nhà xuống. Chóng mặt. Bây giờ số phận tôi được định đoạt bởi người chủ mới. Nhìn mặt Cần, người đàn ông ba sáu tuổi hao hao giống lão nghệ nhân sinh ra tôi. Cả hai đều có một ánh mắt buồn, từng trải. Tôi vẫn nghĩ ai yêu đàn hát dứt khoát sống nội tâm tình cảm. Nhìn thì biết Cần từng học đâu đó một vài ngón cơ bản nhưng lâu ngày không chơi. Đàn cũng không có. Thời gian này cuộc sống nhiều tâm sự, nên anh mua để có bạn những khi lòng trống vắng hoang hoải, một mình ở nhà. Ngồi ngoài ban công, anh áp đàn vào người, tôi cảm nhận người anh hôi hổi nóng và quả tim thao thiết đập. Lúc đó, những ngón tay của Cần di chuyển trên dây và mặt đàn có sự điều khiển ấm nóng đến xót xa từ quả tim đang rất gần mặt tôi. Cảm giác tôi chạm vào tim anh và chính quả tim ngân lên những âm thanh trầm bổng đau quặn chứ không phải sáu sợi dây cùng các bộ phận của đàn tạo ra.

Cần có vợ và con. Cuộc sống dường như không êm thấm. Anh yêu vợ và nhiều lúc bế tắc từ chính chuyện lúc nào cũng muốn gần vợ con. Còn người vợ trơ lì cảm xúc, đang đuổi theo chinh phục một thứ khác đó là công việc kinh doanh kiếm tiền của chị, những buổi tiệc tùng có thể tạo ra các mối quan hệ. Cần khác, không muốn chị quá nệ vào đồng tiền mà bỏ bê chăm sóc gia đình. Hai người không tìm được tiếng nói chung. Họ cứ tự đẩy nhau ra. Người chồng hết nước hết cái làm hòa, nhưng dường như công việc mưu sinh và đeo đuổi những mối làm ăn đã tẩy sạch cảm xúc người vợ. Chị lạnh nhạt với chính nơi người ta vẫn gọi là tổ ấm. Nên Cần nhiều tâm sự, có đêm vợ đưa con về nhà ngoại, chỉ nhắn một cái tin cụt lủn. Anh từ cơ quan, tiện đường rẽ vào bên đường ăn tạm bát phở, rồi về nhà. Chẳng cần tắm táp, Cần thờ thẫn ngồi và thấy tay chân thừa thãi. Sau cùng anh ôm tôi ra ban công. Anh muốn tôi làm bạn.

“Tao rất cần mày”. Anh nói với mình và tôi. Mà cũng có thể chỉ buột miệng vậy. Cái anh cần có thể là thứ khác, là vợ, con, hoặc chính căn hộ này.

Anh làm tôi nhớ tới ông chủ sáng tạo ghita - lão nghệ nhân già, cũng có nỗi buồn riêng và ông lấy việc tạo ra những cây đàn đẹp làm niềm vui. Như thể lòng càng buồn, ông càng làm ra những cây đàn chất lượng và khách đến ngày một đông. Nhưng rồi tôi phải chịu số phận xa ông như hàng trăm cây ghita khác phải bị bán đi. Chủ nhà dù yêu thương đến mấy cũng không đủ chỗ chứa đàn và vì cần tiền sống. Xa nghệ nhân để theo chủ mới lên chung cư cao tầng là một sự biến đổi lớn trong đời tôi. Môi trường của tôi thay đổi. Ngày nào còn ở với chủ cũ thì ngày đó tôi còn được nâng niu trân trọng. Tới tay chủ mới, không thể lường trước người ta sẽ tước mất của tôi những gì. Nhà của lão nghệ nhân ở nhà mặt đất, trong ngõ sâu nhưng khuôn viên đủ rộng và chỗ cho một vài cây như khế, cau và hoa giấy cũng như mấy chậu bonsai trổ xanh. Khuôn viên cũng đủ chỗ treo vài lồng họa mi và vành khuyên. Chim hót theo tôi sẽ hay hơn con người huýt sáo. Ở không gian như thế, đàn tôi hãnh diện lắm. Đó là môi trường cộng sinh thú vị. Lão nghệ nhân hàng ngày làm ra những cây đàn, chăm sóc cây cối, chim chóc và thi thoảng ngẫu hứng ông chơi một bài ghita. Còn lên tầng bốn mươi với Cần, ban công chỉ trồng vài chậu cây nhỏ gọi là lấy màu xanh. Nhiều căn hộ khác cũng làm vậy, nhưng nó quá bé nhỏ so với tổ hợp cao ốc là những khối bê tông lạnh lẽo nóng bức đến nhức mắt.

Cần thường chơi đến quá nửa đêm. Vợ Cần về, bỏ luôn vào phòng đóng cửa. Những thanh âm của đàn rúc vào màn đêm nhập nhoạng ánh đèn. Hẳn là nhiều người sẽ nghe thấy mớ âm thanh não nuột bổng trầm đó, nhưng cũng sẽ chẳng đủ căng tức mà nhổm dậy quát tháo kẻ nào đó làm phiền. Tiếng tôi rung sâu vào đêm và lã chã rơi xuống hút sâu tầng cao, rồi một vài âm điệu sẽ tan loang trong không gian ứ đặc bê tông. Tôi nhạy cảm tưởng tượng hình như ai đó ở căn hộ của tòa nhà bên kia đang thức cùng đàn. Một cô gái thất tình thì phải, hay cũng có thể là một người vợ cùng cảnh hoang hoải bứt rứt đợi chồng đang bù khú nhậu nhẹt ở một góc phố nào đó. Tôi thấy bốn đầu ngón tay trái bấm nốt tứa máu. Ngón tay dù chai sạn, nhưng cũng chả là gì so với những sợi dây, sẵn sàng cứa vào lòng người khác bằng sự ma mị của mớ âm thanh. 

Bất chợt, Cần dừng chơi, thở dài. Anh là người tự trọng và muốn tổ ấm phải là tổ ấm. Mà tổ ấm ấy phải được vun đắp từ hai người nam nữ nên vợ nên chồng. Phải là sự cộng hưởng của cả hai. Giống như tôi sẽ chẳng có giá trị gì, nếu các sợi dây không rung, cộng hưởng với thùng đàn để tạo ra âm thanh. Bây giờ vợ vẫn chưa về. Cậu con tập viết rồi đã ngủ say. Cần quay vào đọc một chương sách. Xem đồng hồ, gần một giờ sáng, vợ vẫn  chưa về. Anh tắt đèn đi ngủ.

***

Cần chơi khá tốt ở tuần thứ hai có đàn. Tôi đã đồng hành cùng anh suốt những ngày qua. Vợ anh không để ý gì đến cây đàn, còn tôi thấy chị ta như một cái bóng, gần đấy mà cũng thật mơ hồ lạnh nhạt. Cô gái hàng đêm đứng nghe đàn ở ban-công căn hộ đối diện kia là có thật. Không phải tưởng tượng. Dù là hai tòa nhà khác nhau, nhưng từ ban-công chỗ Cần ngồi đến chỗ ban-công cô ta đứng chỉ hơn chục mét, nên tôi thấy nét mặt cô bần thần. Chị xúc động, hay cũng có thể là âm thanh của ghita đồng cảm với tâm trạng cô lúc này, như Cần vậy.

Rồi một ngày cô vo mảnh giấy vào quả mận rồi ném về phía Cần. Cần đâu biết cô đang để ý mình. Cần ngẩng đầu, nhìn sang thấy cô. Cô biết Cần đang nhìn mình thì vỗ tay ba cái, bảo: “Anh đọc mảnh giấy em vừa ném sang đi”. Mận thì chua và mảnh giấy đầy nỗi niềm. Cần bóc mảnh giấy ra đọc: “Tiếng đàn của anh đầy tâm trạng. Đàn nói nhiều tâm sự quá, em nghe được hết điều ấy. Em cảm ơn vì anh đã giúp em bình tĩnh để không làm gì dại dột”.

Cần nghĩ cô gái đang cô đơn và có một khoảng trống trong tâm hồn. Anh lấy bút và viết lại: “Đàn anh cô đơn như anh vậy. Xin em thứ lỗi vì đã làm phiền”, rồi anh dùng quả mận trước đó, bọc mảnh giấy vào, ném lại phía bên kia. Chỉ ít phút sau Cần nhận được mảnh giấy khác, viết: “Anh hãy đàn cho em nghe nhé. Vì tiếng đàn ấy rất hữu hiệu”. Cần lại viết: “Chỉ sợ bà con chung cư phản đối vì anh làm phiền”. Cô gái viết lại, ném sang: “Anh đừng lo. Thực ra phải ra ban-công mới nghe được. Đêm khuya cư dân ai còn ra ban-công nữa. Trừ những người mất ngủ hoặc có tâm trạng”.

Cần tự tin nghĩ rằng cô nói đúng. Đầu óc anh miên man suy đoán, cô gái thất tình, chưa chồng hay chỉ đơn thuần là thích đàn. Anh định viết, hỏi xem sao nhưng nghĩ đã muộn, nên thôi. Nhìn xa xa, ánh sáng nhòe nhoẹt, không rõ mặt người bên kia, nhưng Cần đoán cô ấy khá đẹp. Đàn tôi cũng nghĩ thế.

Đúng giờ như thường lệ, Cần ôm đàn ra ban-công. Cô gái đã đứng sẵn ở đó. Chờ đợi. Mùi hoang hoải cô liêu đưa sang bên này. Cần nói: “Anh chơi nhé”. Cô gái gật. Tôi biết, Cần sẽ chơi đàn trước, rồi tâm sự sau. Hai người bọn họ cũng sẽ dùng chiêu thức hôm trước, viết vào giấy đưa qua đưa lại, chứ không nói vọng sang để người khác không thể chú ý. Hai người đã tâm sự bằng giấy suốt một tuần. Sau cùng, Cần nghĩ tại sao người ở gần mà xa cách thế. Tại sao không lấy số điện thoại, gặp mặt đi, mà phải dùng mảnh giấy với chất xúc tác là tiếng đàn, trong khi khoảng cách giữa hai người chỉ chừng mười hai mét. Cần đã làm thế, xin số điện thoại. Anh đọc để cô gái ghi số trước. Nhưng cô từ chối, làm òa vỡ một niềm hy vọng. 

Lát sau, cô gái ném sang bên Cần mảnh giấy vo tròn, rồi vào nhà. Cần cẩn thận soi từng chữ. Từng chữ găm vào tâm trạng anh: “Em chào anh. Em biết anh đang rất buồn và thấy trống vắng. Cũng như em đây, đêm nào chồng em cũng không có nhà. Anh ta đi nhậu nhẹt, bù khú, hôm thì đến hai, ba giờ sáng, có khi chẳng về. Hoàn cảnh anh cũng tương tự. Anh cũng cô đơn và chỉ sống vì con. Tiếng đàn anh rất buồn, nhưng đã giúp em vững tin hơn để sống, và em đã không còn ý định nhảy từ đây xuống sân để giải thoát mình. Em cũng phải sống vì con em. Anh biết không, em biết anh và chuyện giữa anh và vợ. Còn anh chưa bao giờ gặp em cả. Hai người gần như ly thân vì vợ anh đang chinh phục những điều khác ngoài anh. Cần ơi, anh hãy hiểu cho sự tréo ngoe này, đó là vợ anh và chồng em. Họ quan hệ bất chính. Em biết lâu rồi. Nhưng anh có biết không, vợ anh là bạn em, còn anh thì không biết em. Đó là bi kịch mà em vô cùng khổ tâm. Em sợ mình mất bình tĩnh nên sẽ làm hỏng mọi chuyện. Chúng ta là hai mảnh cô đơn. Em hiểu là dù chỉ để chúng ta gặp nhau một lần thôi, thì em sẽ ngã lòng mất. Anh là mẫu người mà em thích. Nhưng em sẽ chỉ thế này thôi. Hy vọng vợ anh sẽ hồi tâm chuyển ý. Chúng ta cứ thế này, không cần phải gặp nhau. Mong anh thông cảm…”.

Đọc xong lá thư dài chứ không phải là mẩu giấy như thường, mắt Cần nhòe nước. Anh đứng lên, nhìn về phía bên kia. Không có cô gái ở đó. Đây là sự thật ư? Tại sao? Tại sao? Cần hét lên.

Rồi bình tâm lại. Anh lại ôm tôi vào lòng, chơi Woman in love - bản nhạc soạn cho ghita buồn thê thảm. Nước mắt anh rơi lên hộp đàn. Rồi anh chợt thở phào, tự hỏi lòng: Đây có phải là sự thật, hay do cô gái kia đặt điều? Dù sao cũng chưa thể tin một cô gái mình chưa gặp mặt.

Vợ anh vẫn đi đi, về về, rất khuya và rất lặng lẽ. Hai vợ chồng anh ít có điều kiện ăn cơm chung. Bữa cơm chỉ có anh và con trai. Anh nô đùa và cười với nó. Trên khuôn mặt của đứa trẻ chưa có nỗi buồn, nhưng khuôn mặt của cây đàn thì hằn in khổ đau. Mỗi đêm anh vẫn ôm đàn ra ban-công, chờ đợi cô gái căn hộ đối diện. Nhưng cô không xuất hiện. Anh chủ động ném những mảnh giấy sang hỏi han. Rồi anh nhận được mảnh giấy hồi đáp: “Anh hãy cứ chơi đàn, em sẽ vẫn lắng nghe hàng đêm”.

***

Anh vẫn chơi đàn, chăm sóc con thật tốt và hoàn thành công việc ở cơ quan. Vợ anh vẫn không có biểu hiện gì như vẫn thường diễn ra. Rồi một ngày, vợ anh mang về câu chuyện đẫm nước mắt, cầu xin anh thông cảm. Chị đã sống thế nào những ngày qua? Hy vọng, chinh phục, đuổi bắt rồi thất vọng… Đó là chuyện của những người không biết dừng lại đúng lúc và giờ thất vọng quay về. Chị ta mang về vết thương lòng sâu hoắm…

- Xin lỗi anh - người vợ thảng thốt - đúng là thời gian qua em không tốt. Em đã nghe tiếng đàn anh. Em cũng biết em nói chuyện với cô gái bên kia. Đó là bạn em. Em dại dột không quan tâm đến anh và gia đình. Dù thế anh và con vẫn ở bên em. Em đã chuốc lấy bi kịch. Mong anh hiểu cho.

Mắt người vợ long lanh nước. Cần cũng không cầm lòng được. Tôi vui vì vợ Cần đã hiểu ra, dù lúc này Cần không ôm tôi nữa. Tôi thấy Cần ôm vợ vào lòng. Chị ấy đã òa khóc trên vai anh. Chị nói: “Anh có biết không, em vẫn nghe tiếng đàn anh đấy. Có đêm em về sớm nằm trong phòng một mình, anh chơi ngoài kia, em vẫn nghe thấy hết. Em sẽ thay đổi mình!”.

Tôi nghe tiếng vợ Cần, như tiếng của cây đàn vừa ngân lên bản độc tấu buồn.

Truyện ngắn của Nguyễn Thanh Tước

Tin cùng chuyên mục

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

Đọc thêm

'Ông vua chân dung' của nhiếp ảnh Việt Nam

Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi bên nhạc sĩ Văn Cao vào ngày mùng 6 Tết Nhâm Thân 1992. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
(PLVN) - Sở hữu tư liệu đồ sộ với hàng vạn bức ảnh quý giá chụp chân dung các văn nghệ sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán được người trong nghề gọi với cái tên thân thương là “ông vua chân dung”. Đây không chỉ là một nghệ danh, mà còn là sự ghi nhận cho những đóng góp không ngừng nghỉ của ông trong việc lưu giữ và tôn vinh vẻ đẹp nghệ thuật qua từng khuôn mặt, từng nhân vật mà ông đã có cơ hội ghi lại trong suốt mấy chục năm qua.

'Multiverse - Đa vũ trụ' - Khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người

"Multiverse - Đa vũ trụ” ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Album “Multiverse - Đa vũ trụ” của Tùng Dương có các ca khúc ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người, về sinh tồn và ý nghĩa cuộc sống, về khả năng vượt thoát khỏi không gian sống chật hẹp để vươn tới những vũ trụ xa xăm hoặc để trở về khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người…

Khát khao làm phim điện ảnh “bom tấn”

Bộ phim "Khóc hay cười" thu hút nhiều khán giả.
(PLVN) - “Chúng tôi cố gắng một năm sẽ làm 3 - 4 phim chiếu rạp. Chúng tôi mong muốn làm phim điện ảnh bom tấn, kiểu Hollywood ”. Đó là lời chia sẻ của Đạo diễn Phạm Đức Dũng tại họp báo ra mắt Hãng phim Bạch Mã ngày 13/11/2024 tại Hà Nội.

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt
(PLVN) -  Xuất sắc vượt qua nhiều đại diện đến từ các quốc gia trên thế giới, Huỳnh Thị Thanh Thủy đã đăng quang ngôi vị cao nhất, mang về chiếc vương miện danh giá Hoa hậu Quốc tế đầu tiên cho Việt Nam, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu tên tuổi Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới.

'Giọng hát hay Hà Nội năm 2024' - khơi dậy tình yêu Hà Nội

Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” chính thức trở lại, tiếp tục hành trình tìm kiếm và vinh danh những giọng ca trẻ đầy tài năng của Thủ đô. (ảnh Thùy Dương)
(PLVN) - Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” không chỉ là sân chơi nghệ thuật, mà còn là dịp để các thí sinh cũng như người dân Hà Nội ôn lại những trang sử hào hùng và khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về quê hương trong trái tim mỗi người.

Văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước

Các đại biểu thảo luận tọa đàm: "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt."(Ảnh: BTC).
(PLVN) -  “Trong giai đoạn hiện nay, trước các cơ hội và thách thức đặt ra, chúng ta đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng. Bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước”.

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm gốm "Hiện Linh" mang tới công chúng, những người yêu nghệ thuật gần 200 tác phẩm lần đầu được ra mắt của Giáo sư, họa sĩ Ngô Xuân Bính. Trong không gian đương đại tại Bảo tàng Hà Nội, các tác phẩm gốm ‘Hiện Linh’ sẽ dẫn dắt người xem bước vào thế giới vừa quen thuộc, vừa mới lạ của đất Mẹ.