[Truyện ngắn] Bến Trinh

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLVN) - Mọi chuyện được thêu dệt quá mức, nhất là sau khi một bài báo không hiểu lấy thông tin từ đâu ở trên mạng nói về bến Én - người làng vẫn gọi là Bến Trinh với rất nhiều chuyện kỳ quái. Người ta nói Hằng là con ma ác, nó đã chết rồi còn muốn cướp đi mạng sống của nhiều người nữa. Hằng là bạn của anh, anh tin Hằng không bao giờ làm vậy và trong tâm khảm, anh nghĩ Hằng chưa chết.

Vào một đêm bão táp cày xới miền quê, nước sông duềnh lên. Những hàng cây gần bến Én cũng bị gió đánh chơ tơ tướp. Người ta đồn thổi, chính đêm đó Hằng đã tự tử để tránh khỏi miệng lưỡi thế gian. Và người đàn bà nhiều tai tiếng ấy đã chọn cái đêm kinh hoàng đó để chết. Chết vào ngày dữ, con ma cũng trở nên dữ dằn hơn.

Anh không tin Hằng tìm đến cái chết. Người chết phải tìm thấy xác. Nhưng không ai tìm thấy một dấu vết còn lại sau cái chết ấy. Anh nghĩ, Hằng đã trốn đi đâu đó, trốn biệt tăm để sẽ không còn ai nhìn thấy cô nữa, không còn ai có cơ hội đồn thổi về một số phận quá bi ai, đau khổ.

Nhưng sau những lời đồn đoán, năm đứa trẻ của làng Chài đã bị thủy thần cướp đi. Chịu chung số phận là hai người đánh cá đêm. Người ta bảo, Hằng có oán thù với dân làng nên đã kéo họ xuống nước, dìm cho đến chết. Từ đó, ngay cả những ngư dân bạo gan nhất cũng không dám xuống sông vào đêm khuya vắng vẻ.

Anh cũng là con trai làng Chài, ra phố học và giờ làm việc trên thị trấn. Những tin dữ đã vượt đoạn đường mười cây số để đến tai anh. Thậm chí, có những lời cảnh báo ghê rợn: “Mày cẩn thận cái mạng, trước đây mày từng đi với nó…”. Anh bỏ ngoài tai tất cả. Và đêm nay, anh mượn chiếc thuyền nhỏ để đi ra sông xem con ma đó làm gì mình, hoặc trực tiếp thử nghiệm xem rốt cuộc sự thật là ở đâu. Không phải đêm trăng tròn, nhưng rất sáng. Anh sẽ xem, nếu những lời đồn thổi kia là thật thì con ma dữ sẽ làm gì anh. Anh muốn gặp lại Hằng, cho dù cô đã là một con ma.

Bến Én vành vạnh một màu vàng trăng. Thuyền anh nhẹ lướt trên sóng gợn và gió mơn man. Cảnh đẹp quá, hàng cây soi bóng xuống nước bởi ánh trăng chiếu rọi. Đêm tĩnh mịch và bình lặng đến nỗi có thể nghe thấy tiếng cá quẫy. Phía xa kia là khu cồn nổi giữa đoạn ngã ba sông với một vùng đất bán ngậm rộng lớn. Chỗ thì người dân trồng chuối, nơi để cỏ lau lách mọc. Một vài loài thân gỗ mọc đã phát triển giống như một góc rừng, cả làng xã chưa bao giờ ai dám đặt chân đến đó, kể cả những người dân chài bạo gan nhất.

Từ bến sông đi qua đó chừng hơn mười phút đồng hồ. Dường như vạt trăng ở phía đó sáng hơn. Lá cây óng ánh trăng. Sau một thời gian bơi thuyền thênh thang tự do, anh nhằm vào hướng cồn đất, lòng tự nhủ, mình cứ đến những nơi người dân e sợ nhất. Anh tin, mình đi dưới trăng, khác gì đi giữa thanh thiên. Gió rít qua tai rờn rợn. Anh vũng thấy gai gai ở người. Chợt thở hắt một hơi, lấy lại bình tĩnh, anh chèo tiếp.

Thật không dễ để tìm được một lối lên cồn mà không bị cây cối cản trở. Đây rồi, một chỗ quang quạnh có dấu của người đi. Anh bước lên. Đôi chân lẫm chẫm lên ánh trăng. Anh cứ giục lòng bước vào đó, như thể một sự khám phá. Chiếc đèn pin bật sáng trong tay đủ để anh nhìn rõ mọi vật xung quanh. Rõ ràng, nơi đây không quá hoang vắng như người dân tưởng. Có dấu hiệu của con người, tức là có sự tác động nào đó. Đôi chân anh cứ bước, trong mơ màng, trong lúc mà đầu óc anh đã đôi phần mê mị từ lúc nào.

Chợt gió thốc hơi sương lành lạnh vào mặt anh. Luồng gió ngấm vào từng thớ gân, khiến chân anh chợt chùng xuống. Một cảm giác sợ hãi xuất hiện nhưng anh không định thoái lui. Chân vẫn bước sâu hơn vào thế giới cây. Và rồi tiếng nói cùng đèn pin chiếu thẳng làm anh suýt ngã. Một sự xuất hiện đường đột và một phản ứng ào ạt: “Này anh kia, đi đâu giờ này?”. Anh ngơ ngớ nhìn vào người lạ chiếu đèn thẳng vào mình. “Đứng im đó, kẻo dính bẫy của tôi. May anh không vướng vào đó”. Sau câu nói ấy, anh thấy nhẹ bẫng và quả tim dần ổn định, chứ không đập loạn nhịp. Anh hỏi: “Cô là ai thế?”. Người lạ mặt dường như đã thấy rõ khuôn mặt của vị khách không mời và nhận ra người quen. Cô hỏi: “Là anh Huy đó sao?”. Anh chết sững. Sao cô ta lại biết tên mình? Người lạ mặt tắt đèn của mình, tiến gần Huy hơn. Và Huy đã nhận ra, là Hằng, cô bạn ngày xưa của mình. “Trời ơi, là em. Em ở đây sao? Em vẫn còn sống! Trời ơi, anh mơ hay sao!”, Huy thốt lên. Hằng trả lời: “Vâng, em là Hằng đây. Em chết làm sao được. Em vẫn sống và em có cuộc sống ở đây”.

Hằng dẫn anh đi về “nhà” mình. Đó là một túp lều được căng buộc khá cẩn thận. Hằng bảo, sau trận bão kinh hoàng đó, cô cũng muốn thoát khỏi những lời đồn đoán cay nghiệt. Cô thương người đàn ông tên Vĩnh, mất vợ ở vùng kinh tế mới quay về làng. Người ta nói cô tằng tịu với anh ta, rồi cho rằng cô hư hỏng, bao nhiêu thanh niên trai tráng chẳng yêu, lại qua lại với một người đàn ông đã có hai con. Ông Vĩnh cũng thương Hằng thật, cô gái mồ côi tội nghiệp, nhưng dường như sự quý thương không chỉ là của một người bề trên với một cô gái, mà còn là một chút hoang hoải giữa nam và nữ. Đám thanh niên trong làng cay đắng ghét ông, đã bịa ra chuyện bắt được ông ngủ với Hằng ngoài bờ chuối. Sự độc địa đã khiến ông Vĩnh một lần nữa phải dắt hai con đi, cả hai đứa đều nhiều bệnh, nào tim, nào phổi.

“Tất nhiên, em thương ông ấy, tình cảm con người khó giải thích, nhưng thật là không giống như người ta đồn đoán. Em thương vì ba bố con ông ấy cũng chẳng biết bấu víu vào đâu. Chắc lẽ do em nghèo nên dễ đồng cảm với người nghèo”, Hằng giải thích.

Cô mời anh ngồi xuống ghế. Câu chuyện của hơn ba năm trước hiện về. Hằng là con bà Khỏa, bố mất do trọng bệnh khi cô còn quá nhỏ. Mình mẹ nuôi cô lớn lên. Cô ngoan ngoãn, chăm chỉ và có trách thì trách cô quá nhiệt tình giúp đỡ người khác, trách cô đa đoan lo toan chuyện của người đàn ông đã có con.

- Vậy đứa bé đang ngủ kia - Huy hướng mắt về phía đó - là thế nào với em?

- Đó cũng là đứa bé bị bỏ rơi - Hằng thành khẩn - nó bị bỏ ngoài cánh đồng, em đã gặp nó trong một ngày định về làng. Anh biết không, đêm mưa bão đó, em đã quyết định biến mất, dù rất thương mẹ. Nhưng anh biết không, người ta quá ác, đặt đủ điều cho em khiến cho có lúc chính mẹ em cũng tưởng con gái hư hỏng thật. Rồi nhìn thấy mẹ lụi cụi sống một mình, nhiều lúc em cũng định trở về sống với mẹ, nhưng chỉ dám bí mật đứng từ xa mà nhìn.

Trăng trộn lẫn nước mắt, đã nhòe nhoẹt trên khuôn mặt Hằng. Từng lời buông ra đều quặn thắt. Đến lúc lòng Huy cũng chùng xuống trước người con gái có vẻ đẹp chân quê, nhưng đã chịu đầy nỗi truân chuyên. Huy cũng thấy người ta độc mồm, độc miệng thật. Dù rằng Hằng đã chết rồi, thì đâu cần cái gì cũng đổ hết tội lên đầu một… con ma (?!). Cô biết điều đó và càng ngày càng cảm thấy mình không thể trở về nữa, mãi mãi sống cô quạnh ở một khu vực biệt lập, mà đâu có xa xôi gì dân làng.

- Tại sao em lại ở đây, mà không đi một nơi xa khác? – Huy hỏi.

- Như em tâm sự với anh. Đi làm sao được. Em chỉ có một mình mẹ, mẹ cũng có em là chỗ dựa. Em đã từng nghĩ lúc nào đó bí mật về làng, nói rõ sự tình với mẹ và bảo mẹ đi cùng em luôn, đi biệt xứ để không ai còn biết tông tích gì nữa. Nhưng mẹ cũng còn bao nỗi ràng buộc, cũng già rồi, liệu có chịu nổi vất vả.

- Vậy sống ở đây, em gặp những khó khăn gì?

Trong câu hỏi đầy day dứt của Huy, có một tình thương vô bờ dành cho Hằng. Cũng bởi chính anh là người từng chủ động thân với Hằng. Trong tâm khảm có lúc anh ao ước cưới cô làm vợ. Gia đình Huy biết điều đó nên cản trở. Khi ấy, Huy cũng không đủ quyết tâm để bảo vệ tình yêu của mình, để đến giờ anh ân hận mãi. Còn Hằng, cô biết tình cảm ấy của anh, nhưng sự mặc cảm đã cản trở. Cô buộc phải khách sáo với anh, nhưng cũng chẳng đủ mạnh để cương quyết chối từ. Thế rồi, những lời xì xào của dân làng đã làm nhụt hết ý chí khi anh có ý định ngỏ lời. Rồi anh đi học xa, Hằng ở nhà, cánh đồng lấm láp chắt chiu mơ ước. Nhưng dù cô muốn yên thì bình yên cũng không ở bên.

- Hẳn là cuộc sống của em ở đây khó khăn lắm?

Thêm một câu hỏi day dứt của Huy, Hằng đổ mái tóc đen xuống vai, cô thở dài:

- Ai mà không biết là gian khó. Nhưng em vẫn cố gắng gượng mà sống được. Em vẫn có đường để đi ra ngoài, tối trời em sang xã bên mua đồ cần thiết, rồi đánh cá đêm, sớm sau mang ra chợ huyện, rồi cũng đi tắt về đây để không ai nhận ra. Đầu đội nón, mặt che khăn, em đã bảo toàn được bí mật của mình.

- Là phụ nữ, một mình ở đây, hẳn là em vô cùng cơ cực. Em còn phải làm túp lều này nữa…

Hằng tiếp:

- Không, em đến đây thì đã có căn lều này rồi, có người nào đó mới chuyển đi. Em đã ở lại và chờ người đó về thì xin phép được ở chung, nếu là phụ nữ. Nhưng đợi mãi mà không ai về. Và em đã thừa hưởng thế giới này. Đó cũng là cái may của em, chứ không có chỗ trú ngụ, em chết mất. Trong đêm bão gió đó, em bị ngấm nước mưa, bị cảm sốt mấy ngày trời và em đã vượt qua.

Huy ngỏ ý sẽ giúp cô, ít nhất là để cô đỡ vất vả, rồi tìm cách đưa cô về làng. Hằng khoát tay cản, cô bảo, thương thì để cô tiếp tục sống như vậy. Anh đưa cô về làng, chẳng biết sẽ có bao nhiêu điều tiếng xảy ra. Huy thấy cũng phải. Nhưng chẳng lẽ cứ sống mãi thế này?

Trăng lên thẳng đỉnh đầu. Hằng tiễn Huy ra về. Chiếc thuyền tròng trành lướt sông. Cô bảo: “Hãy để điều này là một bí mật, anh nhé”. Lòng Huy cuồn cuộn như có bão. Hôm sau, những người biết tin anh một mình chèo sông đã đến hỏi han, rằng có gặp ma không. Anh bảo chẳng gặp gì, ngoài một sông trăng. Vậy mà có người xì xào đặt điều anh gặp ma, phải bỏ chạy. Điều đó làm anh căng lên một ý nghĩ, rằng đúng là miệng lưỡi thế gian, chẳng trách Hằng đã cố trốn thoát khỏi sự bao vây ấy. Anh tự nhủ, sẽ giữ bí mật cho Hằng, nhưng làm cách nào để giúp cô là điều quan trọng. Bến Trinh mãi là bến trăng, bến tình của riêng anh, nhưng anh cũng chẳng biết mình còn có thể yêu ai được, khi lòng không nguôi day dứt về người con gái mình thương đang sống khổ. Tuy ở gần đấy, mà sao xa cách thế! n

Truyện ngắn của Ngô Thục Miên

Tin cùng chuyên mục

Ca sĩ Ngọc Châm hy vọng hát bằng trái tim thì sẽ được mọi người yêu mến. (Ảnh: Bình Quách)

Ca sĩ Ngọc Châm cháy bỏng khi được hát ca khúc mình mê đắm

(PLVN) - Trong chặng đường hoạt động nghệ thuật rất phong phú của mình, Ngọc Châm ở rất nhiều vai trò, nhưng với "Giai nhân 2", cô sẽ chỉ là ca sĩ để được sống trọn vẹn trong tình yêu âm nhạc của một người ca sĩ, để thỏa nỗi khao khát hát của cô bấy lâu nay, để được hát những gì mình thích, mình yêu, mình say đắm.

Đọc thêm

'Tiếng hát Hà Nội 2024' lan tỏa thanh âm của tình yêu Hà Nội

Cuộc thi còn tạo điều kiện phát triển cho những tài năng âm nhạc trẻ. (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Cuộc thi “Tiếng hát Hà Nội năm 2024” sẽ tạo cơ hội cho các nghệ sĩ sáng tạo, thể hiện những tác phẩm âm nhạc truyền thống và đương đại với chủ đề về ca ngợi Tổ Quốc, Đảng, Bác Hồ, tình yêu với Thủ đô, quê hương – đất nước góp phần thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển nghệ thuật.

MC Cát Tường đề nghị xử lý một số trang tin lấy tên mình 'giật tít câu view' để lừa tiền

Diễn viên - MC Cát Tường
(PLVN) - MC Cát Tường và nhà sản xuất “Bạn muốn hẹn hò” mời luật sư và Thừa phát lại lập vi bằng một số trang tin điện tử, fanpage, facebook, youtube… có hành vi “giật tít câu view”, làm sai lệch thông tin, gây hoang mang dư luận liên quan vụ MC cảnh báo có kẻ gian sử dụng hình ảnh của mình để lừa đảo số tiền lớn.

'Thư gửi mẹ' - sản phẩm truyền thông thực hiện bình đẳng giới lọt vào top 7 đề cử cho Giải thưởng Silvana S Film

'Thư gửi mẹ' - sản phẩm truyền thông thực hiện bình đẳng giới lọt vào top 7 đề cử cho Giải thưởng Silvana S Film
(PLVN) - Giải thưởng Silvana S Film là giải thưởng tôn vinh những bộ phim tài liệu xuất sắc về môi trường và giới trẻ, thuộc khuôn khổ chương trình LENScape: Documentary Shorts from Southeast Asia. Năm nay, Việt Nam tham gia Giải thưởng Silvana S Film với bộ phim tài liệu ngắn “Thư gửi mẹ” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đồng sản xuất với đạo diễn Hà Lệ Diễm.

Vẻ đẹp từ những thước phim

Vẻ đẹp từ những thước phim
(PLVN) - Thời gian đã phủ lớp bụi lên những thước phim cổ, tấm ảnh cũ, tuy nhiên giá trị của chúng không mất đi. Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại hối hả, sôi động với nhiều âm thanh, màu sắc đa dạng trên truyền hình, nhưng nhiều người trẻ vẫn dành tình cảm cho các bức ảnh cũ, thước phim xưa.

Đắm say với “Tình ta Hà Tĩnh”

Cảnh đẹp Hà Tĩnh được nhạc sĩ Ngọc Lê Ninh đưa vào trong ca khúc "Tình ta Hà Tĩnh) (ảnh trong MV).
(PLVN) -  Sau 12 năm ấp ủ, nhà khoa học, nhà thơ, nhạc sỹ Ngọc Lê Ninh cho ra đời ca khúc mang tên “Tình ta Hà Tĩnh”. Với âm hưởng dân ca xứ Nghệ, ca khúc tôn vinh đời sống văn hóa, chính trị, phong tục tập quán, các địa danh nổi tiếng, các đặc sản biển rừng, văn hóa phi vật thể (Ví Dặm, Ca trù Cổ Đạm)... và một tình yêu nồng nàn với mảnh đất nơi đây.

Trao giải Cuộc thi 'Tiếng vang lịch sử: Diễn giải Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua hội họa'

Các tác phẩm hội họa đạt giải thưởng cao (ảnh P.V)
(PLVN) - Cuộc thi “Tiếng vang lịch sử: Diễn giải Văn Miếu-Quốc Tử Giám qua hội họa” là “sân chơi” lành mạnh nơi các bạn trẻ cùng nhau sáng tạo, cùng nhau tranh tài, thể hiện cảm xúc, quan điểm của mình qua các tác phẩm hội họa về các công trình kiến trúc, hiện vật, tượng thờ,… tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam 2024 lần đầu tiên được tổ chức

Cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam 2024 lần đầu tiên được tổ chức. (Ảnh: Thùy Dương)
(PLVN) - Với mục đích tìm kiếm người đẹp có đủ “sắc, tâm, tài” để quảng bá hình ảnh của tà áo dài Việt Nam, cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam 2024 lần đầu được tổ chức nhằm phát huy vai trò, năng lực của phụ nữ Việt Nam trong tiến trình hội nhập phát triển, quảng bá đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Liên hoan các ban nhạc toàn quốc năm 2024

BTC thông tin về Liên hoan các Ban nhạc toàn quốc năm 2024. (Ảnh: Thùy Dương)
(PLVN) - Liên hoan các ban nhạc toàn quốc năm 2024 là dịp để các nghệ sĩ đến từ mọi miền cả nước quy tụ gặp gỡ, giao lưu học hỏi, chia sẻ và trao đổi những kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật, nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, tiếp tục tạo ra những sản phẩm nghệ thuật có chất lượng phục vụ xã hội.