Năm nay là năm thứ ba liên tiếp, Hoa hậu H’Hen Niê cùng Gaia trồng rừng. “Thành công của H’Hen ngày hôm nay chính là đến từ sự ghi nhận và yêu mến của cộng đồng. Do đó, H’Hen luôn muốn chia sẻ những may mắn mình có được đến mọi người, từ lợi nhuận có từ sáng tạo nội dung trên mạng xã hội đến tiền cát xê đi hát lần đầu tiên. H’Hen tin rằng trong tương lai những cánh rừng H’Hen trồng cùng Gaia và các bạn trồng rồi sẽ phát triển thành những khu rừng thật nhiều cây cổ thụ to lớn. Nơi đây sẽ âm thầm tạo ra những giá trị tích cực cho đời như cung cấp oxy, nước sạch, tạo nên một hệ sinh thái trong lành và bình an!” - Hoa hậu H’Hen Niê chia sẻ.
Ngày quốc tế về rừng 21/03 được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua để tôn vinh và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tất cả các loại rừng. Các quốc gia được khuyến khích thực hiện các nỗ lực của địa phương, quốc gia và quốc tế để tổ chức các hoạt động liên quan đến rừng và cây xanh, chẳng hạn như các chiến dịch trồng cây. Theo báo cáo của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, có tổng cộng 13,7 tỷ tấn phát thải carbon dioxide (CO2) đã được được rừng hấp thụ thông qua giám sát rừng sáng tạo và minh bạch.
Tại Việt Nam, hôm qua (25/3), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có quyết định công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023. Theo đó, diện tích rừng (gồm diện tích rừng chưa đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ) đạt 14.860.309ha, trong đó rừng tự nhiên 10.129.751ha, rừng trồng 4.730.557ha. Diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ đạt 13.927.122ha; trong đó, rừng tự nhiên 10.129.751ha, rừng trồng 3.797.371ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%. Trong số các vùng sinh thái, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích rừng lớn nhất với 5.621.185ha, tỷ lệ che phủ rừng cũng lớn nhất, 54,23%. Tiếp theo là vùng Trung du và miền núi phía Bắc với 5.439.645ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,04%. Khu vực Tây Nguyên có 2.585.700ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 46,34%. Khu vực có diện tích rừng ít nhất là Đồng bằng sông Cửu Long với 244.643ha, tỷ lệ che phủ rừng 5,40%...
Trước đó, hiện trạng rừng toàn quốc năm 2022 được công bố bao gồm rừng trồng chưa khép tán là 14.790.075ha; trong đó rừng tự nhiên có 10.134.082ha, rừng trồng có 4.655.993ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc là 42,02%. Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với các địa phương có diện tích rừng tự nhiên giảm trong năm 2023, tổ chức rà soát, kiểm tra làm rõ nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phục hồi diện tích rừng bị giảm; xem xét trách nhiệm (nếu có) của các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định.
Chủ đề của Ngày quốc tế rừng năm nay là “Rừng và Đổi mới: Giải pháp mới cho một thế giới tốt đẹp hơn”. Việc triển khai các chương trình trồng rừng ở Việt Nam giúp phát triển các tài nguyên du lịch rừng bền vững và góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, hiện thực cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 về đạt phát thải ròng vào năm 2050.
Được biết, tới đây, Gaia sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trồng và phục hồi rừng đầu nguồn trên khắp Việt Nam như: Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Khu Bảo tồn Thiên nhiên và Văn hoá Đồng Nai... đóng góp trực tiếp cho việc phục hồi tài nguyên thiên nhiên, cải thiện chức năng sinh thái rừng ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 và bảo tồn các loài hoang dã quý hiếm.